Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 thành phố Cần Thơ
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 thành phố Cần Thơ là đề thi thử đại học môn Sử có đáp án, đảm bảo sát cấu trúc và nội dung thi THPT Quốc gia môn Sử của Bộ giáo dục, giúp các bạn học tập và ôn tập tốt môn Sử, luyện thi đại học môn Lịch sử hiệu quả.
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử - Số 1
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi có 01 trang) | KỲ THI THỬ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2016 MÔN THI: LỊCH SỬ Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề |
Câu I (3,0 điểm)
Nêu hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự khởi sắc của ASEAN đánh dấu bằng sự kiện nào? Tại sao?
Câu II (2,0 điểm)
Chứng minh: Chủ trương, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với thực dân Pháp và quân Trung Hoa Dân quốc trong thời gian từ sau ngày 2 – 9 – 1945 đến trước ngày 6 – 3 – 1946 và từ ngày 6 – 3 – 1946 đến trước ngày 19 – 12 – 1946 là đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho chính sách đối ngoại của nước ta trong xu thế hội nhập hiện nay.
Câu III (3,0 điểm)
Từ năm 1961 đến năm 1973, Mĩ đã tiến hành những chiến lược chiến tranh thực dân mới nào ở miền Nam Việt Nam? Hãy chỉ ra những điểm giống nhau giữa các chiến lược chiến tranh đó.
Câu IV (2,0 điểm)
- Phân tích phương châm chiến lược đánh lâu dài của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
- Căn cứ vào thực tiễn lịch sử dân tộc, đặc biệt là sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hãy phát biểu ý kiến về nhận định: Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016
Câu I. (3,0 điểm)
Nêu hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự khởi sắc của ASEAN đánh dấu bằng sự kiện nào? Tại sao?
- Hoàn cảnh ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):
- ASEAN ra đời vào nửa sau những năm 60 của thế kỉ XX, trong bối cảnh các nước trong khu vực sau khi giành được độc lập cần có sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.
- Các nước trong khu vực còn muốn hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn bên ngoài, nhất là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mĩ ngày càng tỏ rõ không tránh khỏi thất bại cuối cùng.
- Lúc này, các tổ chức liên kết khu vực xuất hiện ngày càng nhiều, tiêu biểu là Cộng đồng châu Âu.
- Ngày 8 – 8 – 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc với sự tham gia của 5 nước: Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Xingapo.
- Mục tiêu của ASEAN là tiến hành sự hợp tác giữa các nước thành viên nhằm phát triển kinh tế và văn hóa trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
- Sự khởi sắc của ASEAN đánh dấu bằng sự kiện nào? Tại sao?
- Sự khởi sắc của ASEAN đánh dấu bằng sự kiện tháng 2 – 1976, kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) nhằm xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước.
- Bởi vì Hiệp ước Bali đã xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước, dựa trên nguyên tắc cơ bản đó quan hệ giữa các nước trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trở nên thân thiện, chặt chẽ và có hiệu quả hơn.
Câu II. (2,0 điểm)
Chứng minh: Chủ trương, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với thực dân Pháp và quân Trung Hoa Dân quốc trong thời gian từ sau ngày 2 – 9 – 1945 đến trước ngày 6 – 3 – 1946 và từ ngày 6 – 3 – 1946 đến trước ngày 19 – 12 – 1946 là đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho chính sách đối ngoại của nước ta trong xu thế hội nhập hiện nay.
- Chứng minh chủ trương, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ... là đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử:
- Trình bày chủ trương, sách lược của Đảng và Chính phủ đối phó với thực dân Pháp và quân Trung Hoa Dân quốc:
- Từ sau ngày 2 – 9 – 1945 đến trước ngày 6 – 3 – 1946 là đánh thực dân Pháp ở Nam Bộ, hòa hoãn với quân Trung Hoa Dân quốc.
- Từ ngày 6 – 3 – 1946 đến trước ngày 19 – 12 – 1946 là hòa với thực dân Pháp, đuổi quân Trung Hoa Dân quốc về nước.
- Khẳng định và làm sáng tỏ được chủ trương, sách lược của Đảng và Chính phủ đối phó với thực dân Pháp và quân Trung Hoa Dân quốc...là đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.
- Rút ra bài học kinh nghiệm cho chính sách đối ngoại của nước ta trong xu thế hội nhập hiện nay: Thí sinh có cách trình bày khác nhau nhưng thuyết phục vẫn cho điểm. Sau đây là những gợi ý:
- Trình bày được xu thế chính, bối cảnh trong quan hệ quốc tế hiện nay là đối thoại, hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình, các quốc gia dân tộc đều hướng đến hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế vẫn diễn ra hết sức phức tạp...
- Nguyên tắc giữ vững chủ quyền, đảm bảo quyền tự quyết không lệ thuộc vào nước ngoài. Thêm bạn bớt thù, tăng cường quan hệ với các nước cần mềm dẻo, linh hoạt, tỉnh táo, khôn khéo. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc với việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giải quyết mâu thuẫn bằng con đường đàm phán hòa bình, tránh xung đột. Cần nhận thức rõ mâu thuẫn về lợi ích giữa các đối tác nước lớn, tranh thủ tận dụng, lựa chiều thuận lợi, đem lại lợi ích cho dân tộc, tránh bị lôi kéo lệ thuộc ...
Câu III. (3,0 điểm)
Từ năm 1961 đến năm 1973, Mĩ đã tiến hành những chiến lược chiến tranh thực dân mới nào ở miền Nam Việt Nam? Hãy chỉ ra những điểm giống nhau trong các chiến lược chiến tranh đó.
- Từ năm 1961 đến năm 1973 Mĩ đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam những chiến lược chiến tranh: chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965), chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 – 1968), chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973).
- Những điểm giống nhau:
- Đều nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Nam Á.
- Đều là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ.
- Mĩ trực tiếp viện trợ, trang bị, huấn luyện, tổ chức chỉ huy cho quân đội Sài Gòn. Chú trọng vào thực hiện chính sách bình định, nhằm chiếm đất giành dân,...
- Hoạt động chống phá miền Bắc, kết hợp với hoạt động quân sự, chính trị và ngoại giao.
Câu IV. (2,0 điểm)
1. Phân tích phương châm chiến lược đánh lâu dài của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
- Do tương quan lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chêch lệch, địch mạnh hơn ta về quân sự và kinh tế, ta chỉ hơn địch về tinh thần và chính nghĩa. Nên quân đội và nhân dân Việt Nam không thể giành thắng lợi nhanh chóng.
- Để làm thất bại chiến lược "Đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài.
- Tạo điều kiện về thời gian vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng hậu phương và vận động sự ủng hộ của quốc tế.
- Trên cơ sở đánh lâu dài, quân đội và nhân dân Việt Nam thực hiện giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh.
2. Căn cứ vào thực tiễn lịch sử dân tộc, đặc biệt là sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hãy phát biểu ý kiến về nhận định: Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam.
- Khẳng định nhận định trên là đúng.
- Lựa chọn ít nhất ba dẫn chứng phù hợp để chứng minh. Sau đây là những gợi ý:
- Ngay từ khi ra đời, cư dân các quốc gia cổ đại đã sớm hình thành ý thức cố kết cộng đồng, đoàn kết để chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ cuộc sống...
- Thời trung đại: Lên án và chống lại những thế lực chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước, phá hoại sự thống nhất quốc gia ("loạn 12 sứ quân"; chiến tranh Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh), thực hiện thống nhất đất nước...
- Thời cận đại: Chống thực dân Pháp chia cắt nước ta làm ba kì... đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước...
- Thời hiện đại: Quyết tâm kháng chiến để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước...Lên án và kiên quyết chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn chia cắt lâu dài nước Việt Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
- Tình hình đất nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975: Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước Việt Nam thống nhất về mặt lãnh thổ. Nhân dân miền Bắc sau 21 năm xây dựng CNXH đạt nhiều thành tựu to lớn, nhân dân miền Nam sống trong điều kiện hòa bình, độc lập... Tuy nhiên, ở hai miền vẫn tồn tại hai hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Hậu quả chiến tranh trên cả hai miền Nam, Bắc rất nặng nề. Vì thế cần phải thống nhất đất nước về mặt nhà nước và các mặt khác... nhằm huy động mọi nguồn sức mạnh của đất nước phục vụ sự nghiệp xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, tăng cường khả năng quốc phòng an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại...