Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc (Lần 5)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc (Lần 5) có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo mà VnDoc.com muốn gửi tới các bạn. Tài liệu này giúp các bạn luyện thêm nhiều đề thi, ôn thi đại học môn Văn hiệu quả nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi quan trọng sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 1)

TRỪỜNG THPT LIỄN SƠN

(Đề thi gồm 02 trang)

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 5 NĂM 2016

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn giông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kỳ một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.

(Theo A. L. Ghec -xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa- Thông tin Hà Nội, 1997)

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên? (0,25 điểm)
  2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: "Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng"? (0,5 điểm)
  3. Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích trên? (0,25 điểm)
  4. Trình bày suy nghĩ riêng của anh/chị về tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình. Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng. (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8

Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

(Nắng mới, Lưu Trọng Lư, Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 1994)

5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)
6. Chỉ ra những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ? (0,25 điểm)
7. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội? Tác dụng của biện pháp đó? (0,5 điểm)
8. Câu Nét cười đen nhánh sau tay áo trong đoạn thơ gợi lên điều gì? (0,5 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Viết bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ quan điểm của anh (chị) về câu nói của Nick: Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời.

Câu 2 (4.0 điểm)

Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.

Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp lửa sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi ngay...", rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khụyu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

... A Phủ nói: "Đi với tôi". Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr. 13-14)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Nghị luận (0,25đ)

2. - Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: So sánh. (0,25đ)

- Tác dụng: gợi lên hình ảnh cụ thể, sinh động về cuộc sống của những con người tách biệt mình với thế giới bên ngoài – nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Biện pháp so sánh trên khiến câu văn có tính truyền cảm, có sức thuyết phục cao. (0,25đ)

3. Nội dung chính của đoạn trích: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một quan niệm sống sai lầm đồng thời bác bỏ quan niệm sống sai lầm đó, khơi dậy ý thức của mỗi người đối với cuộc sống xung quanh. (0,25đ)

Thí sinh có thể diễn đạt theo cách khác để làm rõ vấn đề trọng tâm.

4. Nêu ít nhất hai tác hại của cuộc sống không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục. Nếu viết không đúng quy định về số dòng và hình thức đoạn văn thì chỉ cho 0,25 điểm. (0,5đ)

5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ bảy chữ. (0,25đ)

6. Những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ: (0,25đ)

- Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

- Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa

7. - Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội: Nhân hóa. (0,25đ)

- Tác dụng: Hình ảnh nắng mới cất tiếng reo vui miêu tả một không gian sinh động, rực rỡ, vui tươi; qua đó thấy được sự náo nức, thiết tha trong nỗi nhớ của tác giả. (0,25đ)

8. Câu thơ Nét cười đen nhánh sau tay áo là một bức họa đẹp chứa đầy sức gợi - hình ảnh người mẹ vừa lấp lánh tỏa sáng, vừa e ấp, kín đáo trong nụ cười tươi tắn, hiền hậu, mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa. (0,5đ)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm) Viết bài văn ngắn (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh (chị) về câu nói của Nick: Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trong cuộc sống, mỗi con người hãy xây dựng cho mình một mục tiêu, một ước mơ. Hãy thực hiện nó vì nó không có gì "quá lớn", quá "xa vời". (0,25đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Giải thích (0,25đ)
    • Mục tiêu là đích hướng đến, là điều đặt ra cần đạt được.
    • Ước mơ là mong muốn, ao ước đạt được điều tốt đẹp trong tương lai.
    • Như vậy, thông điệp mà Nick muốn gửi gắm đến chúng ta là: Mỗi người cần xác định mục tiêu cho cuộc sống của mình, hãy biết ước mơ và nỗ lực cố gắng để đạt được mục tiêu, ước mơ đó bởi không có gì là "quá lớn", quá "xa vời".
  • Bàn luận
    • Câu nói của Nick hoàn toàn đúng.
      • Với mỗi người, mục tiêu chính là động lực thúc đẩy sự phấn đấu của bản thân. Nếu không có mục tiêu thì chúng ta sẽ mất đi phương hướng, giống như con thuyền giữa đại dương không biết đâu là bến bờ. (0,25đ)
      • Mỗi người cần đề ra cho mình những mục tiêu để vươn tới vì đó chính là tương lai của bản thân. Đừng nghĩ là nó quá lớn với bạn vì như vậy bạn sẽ luôn lo sợ, thiếu tự tin trong cuộc sống và khó thành công. (0,25đ)
      • Trong cuộc sống, không có ước mơ nào quá xa vời vì khi có ước mơ, chúng ta sẽ không ngừng phấn đấu, trau dồi năng lực bản thân để tiến đến gần với ước mơ đó. Ước mơ cũng giống như mục tiêu, nó sẽ giúp ta thêm kiên định ý chí. (0,25đ)
      • Sống mà không có ước mơ là bạn đã để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống. Ước mơ giống như con đường chưa có nhưng chúng ta sẽ khám phá và vượt qua. Nếu con người sống không có ước mơ chắc chắn cuộc sống sẽ vô nghĩa. (0,25đ)
    • Phê phán những con người sống thiếu ước mơ, thiếu mục tiêu. (0,25đ)
      • Những con người sống thiếu ước mơ, mục tiêu họ sẽ sống nhờ, sống gửi, sống dựa dẫm vào người khác, ăn bám gia đình.
      • Thiếu chí hướng, mục đích, ước mơ nghĩa là đã "chết ngay khi còn sống".
  • Bài học nhận thức và hành động (0,5đ)
    • Về nhận thức: Đây là một câu nói có ý nghĩa vô cùng lớn lao vì nó khẳng định được chân lý của sự thành công. Từ đó mỗi người cần suy nghĩ nghiêm túc về chính bản thân mình để có thể vươn đến sự hoàn thiện. Sống phải có ước mơ và mục tiêu riêng cho mình. Không có ước mơ, không có mục tiêu thì mọi cái sẽ quá xa vời với mỗi chúng ta.
    • Mỗi người phải xây dựng cho mình một ước mơ, một mục tiêu, một phương hướng cụ thể nhằm đạt được những thành công trong cuộc sống; không ngừng rèn luyện nhân cách, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm để đi đến thành công.
    • Trong cuộc đời, ai cũng có thể gặp thất bại nhưng điều quan trọng là con người cần có bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm để vượt qua nó và trưởng thành hơn.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)

Câu 2 (4.0 điểm) Cảm nhận về tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn trích; tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. (0,5đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và nhân vật (0,25đ)
    • Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm tiêu biểu của ông. Đoạn trích miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm cởi trói cứu A Phủ là đoạn thể hiện sâu sắc tư tưởng của nhà văn.
    • Mị là cô gái trẻ đẹp, chịu thương, chịu khó, tài năng, hiếu thảo, nhưng vì món nợ cũ của bố mẹ Mị buộc phải làm dâu gạt nợ. Cuộc sống của Mị ở nhà thống lý Pá Tra như địa ngục trần gian khiến cho Mị bị tê liệt về tâm hồn. Đêm tình mùa xuân năm ấy, sức sống trong Mị trỗi dậy. Mị muốn đi chơi nhưng bị A Sử trói đứng vào cột nhà. Mị không cảm thấy bị trói, tâm hồn Mị vẫn đi theo tiếng sáo gọi bạn. Chính sức sống ấy là tiền đề cho Mị bừng tỉnh nhận thức và cháy bùng lên ngọn lửa giải thoát cho A Phủ sau này.
  • Cảm nhận về tâm trạng Mị trong đoạn trích
    • Tâm trạng của Mị trước đêm cởi trói cho A Phủ
      • A Phủ vì đánh con quan nên đã bị phạt vạ và trở thành nô lệ cho nhà thống lý Pá Tra. Vì để hổ vồ mất một con bò nên A Phủ bị thống lý Pá Tra trói đứng vào cột ở góc nhà, chờ khi nào bắt được hổ mới tha. (0,25đ)
      • Mấy đêm đầu, Mị dậy thổi lửa hơ tay thấy A Phủ bị trói, Mị dửng dưng vô cảm (Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi). Bởi cảnh trói người, đánh người đến chết ở nhà thống lý Pá Tra là một cảnh rất quen thuộc đối với Mị. Tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện, kể cả lúc ra sưởi lửa bị A Sử đánh ngã xuống cửa bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa hơ tay. (0,25đ)
    • Tâm trạng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ
      • Tâm trạng Mị từ vô cảm đến đồng cảm: Đêm ấy đã khuya, Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị trông thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị không còn thờ ơ, vô cảm nữa. Chính dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người của Mị. Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. (0,25đ)
      • Từ đó Mị nhận thức rõ và căm thù sự độc ác của nhà thống lý Pá Tra: Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này... Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. (0,25đ)
      • Từ lòng thương người và lòng căm thù, Mị nhận ra sự độc ác và bất công: từ cảnh ngộ của mình và những người đàn bà bị hành hạ ngày trước đến cảnh đau đớn và bất lực của A Phủ trước mắt, Mị nhận thấy chúng nó thật độc ác, Mị so sánh thân phận mình với thân phận của A Phủ Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... người kia việc gì mà phải chết. Sự đồng cảm, lòng thương người thức dậy trong Mị, nhưng Mị vẫn còn sợ: Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. (0,25đ)
      • Nhưng tình thương và sự đồng cảm giai cấp mạnh mẽ đã thôi thúc Mị đi đến một hành động táo bạo: cắt dây trói cứu A Phủ. Sau khi được cứu thoát, A Phủ quật sức vùng lên chạy, Mị đứng lặng trong bóng tối và khát vọng sống, khát vọng tự do trỗi dậy, Mị quyết định chạy theo A Phủ. Hai người trốn khỏi Hồng Ngài đến Phiềng Sa tạo lập cuộc sống mới (0,25đ)

-> Mị cứu A Phủ cũng là tự giải thoát cho cuộc đời đầy đau khổ của mình. Hành động này có ý nghĩa bước ngoặt đối với cuộc đời nhân vật Mị và và sự phát triển của cốt truyện. Nó phù hợp với quá trình phát triển tâm lý và tính cách của Mị, là đỉnh điểm của tinh thần phản kháng, thể hiện rõ sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị => Mị đã chiến thắng cả thần quyền lẫn cường quyền. (0,25đ)

  • Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật (0,25đ)
    • Khi miêu tả tâm lý nhân vật, tác giả đặt nhân vật trong một hoàn cảnh đặc biệt để nhân vật tự bộc lộ tâm lý của mình.
    • Tác giả khai thác có hiệu quả ngôn ngữ nửa trực tiếp và độc thoại nội tâm để làm nổi bật chiều sâu tâm hồn nhân vật, tâm lý nhân vật được Tô Hoài tái hiện một cách tinh tế, chân thực sinh động đạt đến phép biện chứng của tâm hồn.
  • Bình luận về tư tưởng nhân đạo của nhà văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (0,5đ)
    • Diễn biến tâm lý của nhân vật Mị, hành động cắt dây trói cứu A Phủ, cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài của Mị đã thể hiện một tư tưởng nhân đạo tiến bộ của nhà văn Tô Hoài. Ngoài những nội dung nhân đạo chúng ta thường bắt gặp trong văn học thì tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đã thể hiện cách nhìn nhận con người theo chiều hướng tích cực của tác giả: chỉ ra con đường giải phóng hướng tới tương lai tươi sáng cho nhân vật; đồng thời tác giả khám phá, ngợi ca, bênh vực, tin tưởng vào sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của người lao động miền núi. Chính tư tưởng nhân đạo tiến bộ ấy đã làm nên sức sống bất diệt cho tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,25đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm