Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Địa lý Sở GD-ĐT Bắc Ninh
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Địa lý Sở GD-ĐT Bắc Ninh có đáp án được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, giúp các bạn thí sinh có thêm tài liệu luyện đề thi thử, ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi đại học môn Địa hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Địa lý trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Gia Lai
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 |
Câu I (2,0 điểm)
- Trình bày khái quát về vùng đất của nước ta.
- Nêu đặc điểm đô thị hóa ở nước ta hiện nay. Tại sao tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Câu II (3,0 điểm)
- Phân tích điều kiện phát triển ngành chăn nuôi của nước ta. Tại sao ở nước ta, chăn nuôi bò sữa đang được phát triển khá mạnh ở ven các đô thị lớn?
- Chứng minh rằng Tây Nguyên có nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của sản xuất cây công nghiệp, Tây Nguyên cần có những giải pháp gì?
Câu III (2,0 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
- Kể tên các trung tâm kinh tế có quy mô trên 15 nghìn tỉ đồng năm 2007 của nước ta.
- Nhận xét và giải thích về xu hướng chuyển dịch cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của nước ta trong giai đoạn 1990 – 2007.
Câu IV (3,0 điểm)
Cho bảng số liệu:
GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CỦA CÁC NHÓM NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ở NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2000 – 2010
(Đơn vị: tỉ đồng, giá thực tế)
Năm | Công nghiệp khai thác | Công nghiệp chế biến | Sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước |
2000 | 53 035 | 264 459 | 18 606 |
2003 | 84 040 | 540 364 | 31 664 |
2005 | 110 949 | 824 718 | 55 382 |
2010 | 250 466 | 2 563 031 | 132 501 |
- Vẽ biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp ở nước ta trong giai đoạn 2000 – 2010.
- Nhận xét và giải thích sự tăng trưởng đó.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý
Câu I (2,0 điểm)
1. Trình bày khái quát về vùng đất của nước ta. (1,0đ)
- Vùng đất nước ta bao gồm toàn bộ phần đất liền và các hải đảo, có tổng diện tích là 331 212 km2 (niên giám thống kê 2006) (0,25đ)
- Nước ta có hơn 4600 km đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia (diễn giải) (0,25đ)
- Đường bờ biển dài 3260 km, chạy từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). (0,25đ)
- Nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, phần lớn là các đảo ven bờ và có 2 quẩn đảo ở ngoài khơi xa trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) (0,25đ)
2. Nêu đặc điểm đô thị hóa ở nước ta hiện nay. Tại sao tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. (1,0đ)
- Đặc điểm đô thị hóa của nước ta:
- Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra chậm chạp, trình độ đô thị hóa thấp. (0,25đ)
- Tỉ lệ dân thành thị đang có xu hướng tăng, song còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. (0,25đ)
- Phân bố đô thị không đều giữa các vùng (dẫn chứng) (0,25đ)
- Giải thích tại sao tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp: (0,25đ)
- Do quá trình đô thị hóa còn chậm, công nghiệp hóa và trình độ phát triển kinh tế còn thấp, cơ bản nước ta vẫn còn là nước nông nghiệp.
Câu II (3,0 điểm)
1. Phân tích điều kiện phát triển ngành chăn nuôi của nước ta. Tại sao ở nước ta, chăn nuôi bò sữa đang được phát triển khá mạnh ở ven các đô thị lớn? (1,5đ)
- Phân tích điều kiện phát triển ngành chăn nuôi ở nước ta.
- Thuận lợi:
- Cơ sở thức ăn ngày càng được đảm bảo tốt hơn (diễn giải) (0,25đ)
- Các dịch vụ về giống, thú y có nhiều tiến bộ và phát triển rộng khắp (0,25đ)
- Nhân dân có nhiều kinh nghiệm, nhu cầu thị trường tăng, chính sách nhà nước tạo điều kiện. (0,25đ)
- Khó khăn
- Giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao vẫn còn ít, chất lượng chưa cao nhất là cho xuất khẩu. (0,25đ)
- Dịch bệnh hại gia súc, gia cầm thường xuyên đe dọa, hiệu quả của chăn nuôi còn thấp. (0,25đ)
- Tại sao chăn nuôi bò sữa đang ngày càng được phát triển mạnh ở ven các đô thị lớn của nước ta. (0,25đ)
- Nhu cầu của thị trường các đô thị lớn ngày càng cao, gần các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở chế biến.
2. Chứng minh rằng Tây Nguyên có nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của sản xuất cây công nghiệp, Tây Nguyên cần có những giải pháp gì? (1,5đ)
- Chứng minh rằng Tây Nguyên có nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm.
- Đất ba dan diện tích rộng, màu mỡ, phân bố tập trung với những mặt bằng rộng lớn, thuận lợi hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. (0,25đ)
- Khí hậu cận xích đạo, nền nhiệt ẩm dồi dào thuận lợi cho cây trồng phát triển; mùa khô kéo dài thuận lợi phơi sấy... (0,25đ)
- Khí hậu phân hóa theo độ cao thuận lợi trồng cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su...) và cây có nguồn gốc cận nhiệt đới (chè). (0,25đ)
- Để nâng cao hệu quả kinh tế - xã hội của sản xuất cây công nghiệp Tây Nguyên cần những giải pháp gì?
- Hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh, mở rộng diện tích có kế hoạch, gắn liền với bảo vệ rừng và phát triển thủy lợi. (0,25đ)
- Đa dạng hóa cơ cấu cây công nghiệp, chú ý một số cây trồng mới (ví dụ cây mắc ca). (0,25đ)
- Đẩy mạnh khâu chế biến các sản phẩm và xuất khẩu. (0,25đ)
Câu III (2,0 điểm)
1. Kể tên các trung tâm kinh tế có quy mô trên 15 nghìn tỉ đồng năm 2007 của nước ta. (1,0đ)
- Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa, Cần Thơ.
(Nêu đươc 2 trung tâm cho 0,25 điểm; nêu được từ 3 đến 5 cho 0,5 điểm; nêu được 6 trở lên cho 1,00 điểm)
2. Nhận xét và giải thích về xu hướng chuyển dịch cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của nước ta trong giai đoạn 1990 – 2007. (1,0đ)
- Nhận xét:
- Cơ cấu GDP trong giai đoạn 1990 – 2007 đang có sự chuyển dịch theo xu hướng; giảm tỉ trọng của khu vực I, tăng tỉ trọng của khu vực II; khu vực III có tỉ trọng khá cao, song chưa ổn định (dẫn chứng) (0,25đ)
- Xu hướng chuyển dịch trên là tích cực phù hợp với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch còn chậm. (0,25đ)
- Giải thích:
- Xu hướng chuyển dịch là kết quả của Công cuộc Đổi mới kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. (0,25đ)
- Sự chuyển dịch trên phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới (0,25đ)
Câu IV (3,0 điểm)
1. Vẽ biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp ở nước ta trong giai đoạn 2000 – 2010. (2,0đ)
* Xử lí số liệu: (0,5đ)
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CỦA CÁC NHÓM NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ở NƯỚC TA
(Đơn vị: %)
Năm | Công nghiệp khai thác | Công nghiệp chế biến | Sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước |
2000 | 100 | 100 | 100 |
2003 | 158,5 | 204,3 | 170,2 |
2005 | 209,2 | 311,9 | 297,7 |
2010 | 472,3 | 969,2 | 712,1 |
* Vẽ biểu đồ (1,5đ)
- Đảm bảo đúng dạng biểu đồ đường
- Yêu cầu: Chính xác, có chú giải, tên biểu đồ, đảm bảo khoảng cách năm
2. Nhận xét và giải thích sự tăng trưởng đó. (1,0đ)
- Nhận xét:
- Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp nước ta đều tăng nhanh, tuy nhiên tốc độ tăng khác nhau: nhanh nhất là nhóm ngành CN chế biến; thứ 2 là CN SX phân phối điện, khí đốt, nước; tăng chậm nhất là nhóm ngành CN chế biến (dẫn chứng)
- Tốc độ tăng của từng ngành khác nhau giữa các thời kì (dẫn chứng)
- Giải thích:
- Nhóm ngành công nghiệp chế biến tăng nhanh nhất do chủ yếu là các ngành công nghiệp trọng điểm, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.
- Tốc độ tăng khác nhau giữa các thời kì do nhiều yếu tố như: thị trường, chính sách phát triển,...