Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 1) gồm 4 câu hỏi cùng đáp án đi kèm, được làm trong thời gian 180 phút. Đây là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, những bạn chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Thuận Thành 2, Bắc Ninh (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Yên Thế, Bắc Giang (Lần 2)
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ
| ĐỀ KIỂM TRA KIẾN THỨC LẦN THỨ NHẤT NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN THI: LỊCH SỬ Thời gian làm bài: 180 phút |
Câu 1 (3 điểm)
Trình bày những quyết định của Hội nghị Ianta (2-1945). Tác động của những quyết định này đến khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Câu 2 (3 điểm)
Phân tích nguyên nhân Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ năm 1920 đến năm 1930, Người đã có vai trò như thế nào đối với cách mạng Việt Nam?
Câu 3 (2 điểm)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), chiến thắng nào của quân dân Việt Nam đã làm phá sản ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" của quân Pháp? Hãy trình bày hoàn cảnh, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến thắng đó
Câu 4 (2 điểm)
Trong thời gian (1954 - 1975), đế quốc Mĩ đã tiến hành những chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam Việt Nam? Hãy so sánh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ"
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử
Câu 1 (3 điểm) Trình bày hoàn cảnh lịch sử và khái quát quá trình đấu tranh giành độc lập của các nước Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai
1. Những quyết định
- Tháng 2-1945 ba cường quốc Mĩ, Anh, Liên Xô đã triệu tập Hội nghị quốc tế để giải quyết những vấn đề đặt ra khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai chuẩn bị kết thúc...
- Thống nhất mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức - Nhật. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, trong thời gian từ 2 đến 3 tháng sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở châu Á.
- Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình an ninh thế giới.
- Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước để giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Châu Âu, Châu Á. Ở châu Âu: Quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức... quân đội Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Béc-lin... Ở Châu Á: Liên Xô tham chiến chống Nhật. Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản...
- Những quyết định của hội nghị Ianta đã tạo nên khuôn khổ của một trật tự thế giới mới. Thực chất Hội nghị Ianta và sự phân chia khu vực đóng quân, khu vực ảnh hưởng giữa các nước thắng trận, có ảnh hưởng tới hoà bình, an ninh và trật tự thế giới sau này
2. Tác động:
- Hội nghị Ianta (2/1945) đã quyết định tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít nhanh chóng kết thúc chiến tranh... Ở châu Á, với việc chủ nghĩa phát xít Nhật bị tiêu diệt đã tạo điều kiện cho các nước Đông Nam Á nổi dậy giành chính quyền thành lập các quốc gia độc lập như Inđônêxia, Việt Nam, Lào...
- Với các quyết định của hội nghị: các vùng còn lại của Châu Á (Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước Phương Tây...
- Tạo điều kiện cho các nước tư bản phương Tây trở lại thống trị các nước Đông Nam Á: thực dân Pháp trở lại 3 nước Đông Dương, Anh trở lại Xinggapo...như vậy nhân dân các nước này phải tiếp tục đấu tranh chống thực dân, đế quốc...
Câu 2 (3 điểm) Phân tích nguyên nhân Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ năm 1920 đến năm 1930, Người đã có vai trò như thế nào đối với cách mạng Việt Nam?
a. Nguyên nhân Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
- Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, độc lập tự do trở thành khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam yêu nước
- Phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX "dường như trong đêm tối không có đường ra" đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải tìm ra con đường cứu nước mới phù hợp cho dân tộc
- Nguyễn Tất Thành sớm có chí "đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào". Người được tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, quê hương và gia đình, được tiếp xúc với văn minh Pháo, khâm phục nhưng không đồng tình với cách thức cứu nước của các tiền nhân, Người quyết tâm sang phương Tây để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước Âu - Mĩ khác làm "cách mệnh" như thế nào để có được "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" rồi trở về giúp đồng bào.
- 5.6.1911, Người rời bến cảng Nhà Rồng với cái tên Nguyễn Văn Ba, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.
b. Từ năm 1920 đến năm 1930, Người đã có vai trò như thế nào đối với cách mạng Việt Nam?
- Tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta: con đường cách mạng vô sản
- Đánh dấu bằng sự kiện 7.1920, Người đọc được "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lê-nin.
- Việc Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, mở ra khả năng giành thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
- Từ 1921 - 1927, Người đã tích cực tuyên truyền lí luận cách mạng giải phóng dân tộc về Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Thông qua sách báo: Người cùng khổ, Đường Kách mệnh, Thanh niên...
- Giúp những người Việt Nam yêu nước xác định được con đường đi đúng đắn để giải phóng dân tộc, phân biệt rõ bạn, thù, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng và phương pháp đấu tranh, thấy được mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới...
- Những lí luận cách mạng này là ngọn cờ hướng đạo cho phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kì thành lập Đảng, là ánh sáng soi đường cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đang dò tìm chân lí cứu nước đầu thế kỉ XX. Đây cũng chính là quá trình chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 1930, đặt nền móng cơ sở để xây dựng cương lĩnh cho Đảng ta sau này.
- 1924 - 1927, việc mở lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6.1925) cũng chính là bước chuẩn bị về tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 1930
- Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Bằng uy tín của mình, Người đã hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam
- Soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng bao gồm: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua. Đó là Cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo với tư tưởng độc lập, tự do là cốt lõi. Đây chính là kim chỉ nam cho dân tộc ta đấu tranh giành độc lập, đi lên xây dựng CNXH
Câu 3 (2 điểm) Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), chiến thắng nào của quân dân Việt Nam đã làm phá sản ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" của quân Pháp? Hãy trình bày hoàn cảnh, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến thắng đó
Chiến thắng của quân và dân ta làm phá sản ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" của quân Pháp là chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947
a. Hoàn cảnh lịch sử
- Về phía Pháp: Pháp gặp khó khăn do phạm vi chiếm đóng mở rộng trong khi lực lượng mỏng. Để giải quyết tình trạng đó và thực hiện âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh", 3.1947, Chính phủ Pháp cử Bôlae sang làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, thực hiện kế hoạch tấn công lên Việt Bắc
- Về phía ta: Các cơ quan Trung ương và lực lượng kháng chiến đã rút lui về căn cứ Việt Bắc. Ta thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì và tự lực cánh sinh
b. Diễn biến
- Pháp huy động 12000 quân và hầu hết máy bay có ở Đông Dương mở cuộc tấn công lên Việt Bắc từ 7.10.1947
- Khi địch vừa tiến công Việt Bắc, Đảng ta có chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp".
- Quân ta bao vây, tiến công địch ở Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Bạch Thông; buộc Pháp phải rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã cuối 11.1947
- Ở mặt trận hướng đông, ta chặn đánh địch trên đường số 4, tiêu biểu là trận phục kích ở đèo Bông Lau (30.10.1947)
- Ở mặt trận hướng tây, ta phục kích đánh địch nhiều trận trên sông Lô, tiêu biểu là trận Đoan Hùng, Khe Lau, đánh chìm nhiều tàu chiến, canô của địch
c. Kết quả
- Sau hơn 2 tháng, cuộc chiến đấu giữa ta và địch kết thúc bằng cuộc rút chạy của đại bộ phận quân Pháp khỏi Việt Bắc vào 19.12.1947. Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn, bộ đội chủ lực ta trưởng thành thêm một bước
- Ta loại hơn 6000 địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và ca nô, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh
d. Ý nghĩa
- Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, chứng minh sự đúng đắn của đường lối kháng chiến của Đảng, chứng minh sự vững chắc của căn cứ địa Việt Bắc.
- Chiến thắng Việt Bắc thu – đông 1947 đã giáng một đòn quyết định vào âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.
Câu 4 (2 điểm) Trong thời gian (1954 - 1975), đế quốc Mĩ đã tiến hành những chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam Việt Nam? Hãy so sánh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ"
a. 1954 - 1975, đế quốc Mĩ đã tiến hành những chiến lược chiến tranh sau ở miền Nam Việt Nam:
- 1954 - 1960: Chiến lược "Chiến tranh đơn phương" dưới thời Tổng thống Aixenhao
- 1961 - 1965: Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" dưới thời Tổng thống Kennơđi và Giônxơn
- 1965 - 1968: Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" dưới thời Tổng thống Giônxơn
- 1969 - 1973: Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" dưới thời Tổng thống Nichxơn
b. So sánh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ"
- Giống nhau:
- Là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, thí điểm đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, mang tính chất chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mĩ
- Nhằm mục tiêu đàn áp cách mạng và nhân dân ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ
- Sử dụng vai trò của quân đội Sài Gòn, có hệ thống cố vấn quân sự Mĩ chỉ huy
- Sử dụng viện trợ kinh tế và quân sự Mĩ
- Khác nhau:
- Thời gian: 1961 - 1965: Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" dưới thời Tổng thống Kennơđi và Giônxơn; 1965 - 1968: Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" dưới thời Tổng thống Giônxơn
- Sử dụng lực lượng chính tham gia chiến tranh: Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" được tiến hành bởi quân đội Sài Gòn ("xương sống" của "Chiến tranh đặc biệt") dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mĩ, dựa và phương tiện chiến tranh của Mĩ. Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" được tiến hành bằng lực lượng quân viễn chinh Mĩ, quân đồng minh Mĩ (hai lực lượng chủ yếu) và quân đội Sài Gòn
- Quy mô chiến tranh: Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" chủ yếu thực hiện ở miền Nam Việt Nam, chiến lược "Chiến tranh cục bộ" thực hiện ở cả hai miền Nam Bắc nước ta.