Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2022 - Đề 3

Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi thử lớp 10 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”…

…Lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với mọi người và giúp người khi khó khăn hoạn nạn, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.”

(Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – theo Dân trí - ngày 14/ 2/ 2015).

Câu 1 (0,5đ): Theo tác giả bài viết, “Lòng nhân ái có được” là do những yếu tố nào?

Câu 2 (1đ): Tại sao tác giả bài viết cho rằng “lòng nhân ái rất cần trong đời sống”?

Câu 3 (1,5đ): Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nêu suy nghĩ của em về câu nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Câu 2 (5đ): Đóng vai ông Sáu kể lại truyện Chiếc lược ngà.

Đáp án Đề thi thử Văn vào 10

Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”.

Câu 2 (1đ):

Lòng nhân ái rất cần trong đời sống vì đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người.

Câu 3 (1,5đ):

Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân mình và lí giải lí do vì sao lựa chọn thông điệp đó một cách hợp lí nhất.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

2. Thân bài

a. Giải thích

Cho: cho đi tình cảm, tấm lòng, sẵn sàng vì người khác để xã hội này tốt hơn, yêu thương và giúp đỡ mọi người.

→ Ý kiến khuyên nhủ chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vì như thế cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.

b. Phân tích

Người sống cho đi là người luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen.

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và lan tỏa được những thông điệp tích cực ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: câu nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý đóng vai nhân vật ông Sáu kể lại câu chuyện

1. Mở bài

Giới thiệu truyện ngắn Chiếc lược ngà bằng lời của ông Sáu.

2. Thân bài

a. Ngày trở về

Tâm trạng: vui vẻ, háo hức vì được gặp lại bố mẹ, vợ sau bao ngày xa cách, đặc biệt là cô con gái bé bỏng.

Không biết con gái đã lớn thế nào, trong nó ra sao, nó có vui khi gặp lại mình không.

Cảnh quê nhà: không có gì thay đổi nhiều, vẫn thân thuộc, gần gũi như xưa.

b. Khi gặp con gái

Cất tiếng gọi xúc động nhưng nó chỉ tròn mắt nhìn, coi mình như người xa lạ → xúc động đến mức vết thẹo trên mặt giật giật.

Vẫn kiên trì gọi con, muốn ôm con vào lòng, thấy nó sợ hãi, chạy lại chỗ vợ thì buồn bã, thất vọng, đáng thương.

Suốt ba ngày ở nhà chỉ quanh quẩn bên cô con gái, nhưng càng vỗ về thì nó càng đẩy anh ra xa. Mong muốn được gọi một tiếng ba nhưng bé chẳng bao giờ chịu gọi.

c. Cuộc đối thoại của hai cha con

Khi má bảo gọi ba vào ăn cơm, bé chỉ nói trống không “Vô ăn cơm, cơm chín rồi”. chỉ biết cười gượng gạo vì buồn mà không thể khóc.

Khi bé nói trống không nhờ tôi chắt nước cơm, tôi vờ như không nghe thấy với mong mỏi nó gọi tiếng ba nhưng nó tự loay hoay làm mà không cần tôi giúp đỡ.

Trong bữa cơm, tôi gặp cho nó miếng trứng cá ngon nhất nhưng nó đã dùng đũa hất ra, quá cáu giận, tôi đã vung tay đánh vào mông nó. Những tưởng nó sẽ khóc nhưng không, nó im lặng, gắp miếng trứng cá bỏ lại bát rồi bỏ đi sang ngoại → tôi vô cùng buồn bã và ăn năn.

d. Cảnh chia tay

Tôi bận rộn tiếp đón bà con làng xóm mà không để ý gì đến con nữa. Nhưng khuôn mặt nó không còn bướng bỉnh như mọi khi mà trở nên buồn rầu.

Đến lúc chia tay, tôi chào mọi người và quay sang chào con. Lúc này, mọi thứ như vỡ òa, bé cất tiếng gọi ba đầu tiên. Bé chạy đến ôm lấy tôi, hôn cùng khắp và giữ không cho tôi đi ra chiến trường.

Tôi ôm con, rút khăn lau nước mắt, nhưng nó dứt khoát không cho tôi đi.

Mọi người khuyên bảo Thu để tôi ra chiến trường, nó muốn tôi mua cho nó chiếc lược. Tôi đồng ý. tôi và con chia tay nhau trong cảnh vô cùng bịn rịn, xúc động.

Tôi trở lại chiến trường nhưng trong lòng không bao giờ quên lời hứa với con.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa câu chuyện.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2022 - Đề 3. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Thông tin Tuyển sinh vào lớp 10, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
1 370
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm