Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Điều lệ Đoàn TTNCS Hồ Chí Minh

Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đưa ra những nội dung cơ bản của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn viên, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Đoàn, tổ chức cơ sở Đoàn... Mời các bạn tham khảo Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM dưới đây.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2017-2022) dự kiến được tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 12/2017, với sự tham dự của 1.000 đại biểu, đại diện cho hơn 7 triệu đoàn viên cả nước.

Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đoàn tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của mình, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng; tổ chức động viên đoàn viên, thanh niên cả nước đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn phối hợp với các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội, các tập thể lao động và gia đình chăm lo giáo dục, đào tạo và bảo vệ thanh thiếu nhi; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đoàn kết, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với các tổ chức thanh niên tiến bộ, thanh niên và nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì tương lai và hạnh phúc của tuổi trẻ.

Chương I

ĐOÀN VIÊN

Điều 1:

1. Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thanh niên Việt Nam tiên tiến, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực; tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết với thanh niên; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn.

2. Thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.

3. Việc kết nạp thanh niên vào Đoàn được tiến hành theo các bước và thủ tục sau:

- Thanh niên vào Đoàn tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch và được một trong các tập thể, cá nhân sau đây giới thiệu và bảo đảm:

+ Một đoàn viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng.

+ Tập thể Chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu là Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).

+ Ban Chấp hành Chi hội Sinh viên Việt Nam (nếu là hội viên hội sinh viên Việt Nam).

+ Tập thể chi đội (nếu là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh).

- Được hội nghị chi đoàn xét đồng ý kết nạp với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai tổng số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được Đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định kết nạp. Trường hợp xét kết nạp nhiều người thì phải xét và quyết định kết nạp từng người một.

- Ở nơi chưa có tổ chức Đoàn và đoàn viên, hoặc chưa có tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam thì Đoàn cấp trên cử cán bộ, đoàn viên về làm công tác phát triển đoàn viên, hoặc do một đảng viên cùng công tác, sinh hoạt ít nhất ba tháng ở nơi đó giới thiệu và bảo đảm; Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định kết nạp.

Điều 2:

Đoàn viên có nhiệm vụ:

1. Luôn luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Gương mẫu chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn; tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên; sinh hoạt đoàn và đóng đoàn phí đúng qui định.

3. Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên; tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

Điều 3:

Đoàn viên có quyền:

1. Yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.

2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn.

3. Được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của tổ chức Đoàn.

Điều 4:

1. Đoàn viên quá 30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.

2. Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.

3. Đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng Đoàn phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì hội nghị chi đoàn xem xét, quyết định xóa tên trong danh sách đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.

4. Đoàn viên danh dự là những người thực sự tiêu biểu, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi noi theo, có tâm huyết và có nhiều đóng góp với Đoàn, có uy tín trong thanh thiếu nhi và xã hội. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định việc kết nạp đoàn viên danh dự.

5. Đoàn viên được trao Thẻ đoàn viên và có trách nhiệm sử dụng, quản lý thẻ đúng quy định. Đoàn viên có hồ sơ cá nhân theo mẫu thống nhất áp dụng trong toàn Đoàn, do Đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở quản lý.

Chương II

NGUYÊN TẮC, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN

Điều 5:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn do bầu cử lập ra, thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn là đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đoàn viên ở cấp ấy. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành do đại hội Đoàn cùng cấp bầu ra; Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Ban Thường vụ do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội cấp đó quyết định theo Hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá một phần ba số lượng Ủy viên Ban Chấp hành. Ở cấp Trung ương, số lượng Bí thư Trung ương Đoàn không quá một phần ba số lượng Ủy viên Ban Thường vụ.

3. Nghị quyết của Đoàn phải được chấp hành nghiêm chỉnh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức.

4. Trước khi quyết định các công việc và biểu quyết nghị quyết của Đoàn, các thành viên đều được cung cấp thông tin và phát biểu ý kiến của mình, ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên Đoàn cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết hiện hành.

5. Đại hội, hội nghị của các cơ quan lãnh đạo của Đoàn chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên được triệu tập tham dự. Trường hợp thành viên được triệu tập theo cơ chế đại biểu thì phải có ít nhất hai phần ba số đại biểu và thay mặt cho ít nhất hai phần ba số tổ chức Đoàn trực thuộc tham dự. Quyết định của đại hội, hội nghị chỉ có giá trị khi được sự đồng ý của trên một phần hai số thành viên có mặt.

Điều 6:

1. Hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp:

- Cấp Trung ương.

- Cấp tỉnh và tương đương.

- Cấp huyện và tương đương.

- Cấp cơ sở (gồm Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở).

2. Việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một tổ chức Đoàn do Đoàn cấp trên trực tiếp quyết định.

3. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định cụ thể về phân cấp trong hệ thống tổ chức của Đoàn.

Điều 7:

1. Nhiệm kỳ đại hội là thời gian giữa hai kỳ đại hội.

2. Đại hội đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó triệu tập. Số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Thành phần đại biểu gồm các ủy viên Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội, đại biểu do đại hội Đoàn hoặc hội nghị đại biểu cấp dưới bầu lên và đại biểu chỉ định. Đại biểu chỉ định không quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu được triệu tập.

3. Những cán bộ, đoàn viên sau khi được bầu làm đại biểu nếu thôi công tác Đoàn, hoặc chuyển sang công tác, sinh hoạt Đoàn ở địa phương, đơn vị khác không thuộc Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội thì cho rút tên khỏi danh sách đoàn đại biểu.

Việc cho rút tên và bổ sung đại biểu của đoàn đại biểu cấp nào do Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ cấp triệu tập đại hội quyết định.

4. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội biểu quyết công nhận về tư cách đại biểu. Ban Chấp hành cấp triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên mà chưa được quyết định công nhận tiến bộ.

5. Ban Chấp hành Đoàn các cấp có thể triệu tập hội nghị đại biểu để kiện toàn Ban Chấp hành, thảo luận văn kiện đại hội cấp trên, bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên. Thành phần hội nghị đại biểu gồm các ủy viên Ban Chấp hành cấp triệu tập hội nghị và các đại biểu do Ban Chấp hành cấp dưới cử lên, số lượng đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập hội nghị quyết định.

6. Đại hội, hội nghị của Đoàn bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Chủ tọa để điều hành công việc của đại hội, hội nghị. Đoàn Chủ tịch hoặc Chủ tọa có quyền xem xét, kết luận cuối cùng về việc cho rút tên hay không cho rút tên trong danh sách bầu cử hoặc công việc của đại hội, hội nghị.

Điều 8:

1. Việc bầu cử của Đoàn được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết. Riêng bầu Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành; Ủy ban Kiểm tra và các chức danh trong Ủy Ban Kiểm tra; Đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Danh sách bầu cử phải được đại hội, hội nghị đại biểu thảo luận và thông qua bằng biểu quyết.

3. Khi bầu cử, phải có trên một phần hai số người có mặt tán thành thì người được bầu mới trúng cử. Trường hợp số người có số phiếu trên một phần hai nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy những người có số phiếu cao hơn. Nếu kết quả bầu cử có nhiều người có số phiếu trên một phần hai và bằng phiếu nhau nhưng nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại trong số người bằng phiếu đó; người trúng cử là người có số phiếu cao hơn, không cần phải trên một phần hai. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu nữa hay không do đại hội hoặc hội nghị quyết định.

4. Đại hội chi đoàn và Đại hội Đoàn các cấp được trực tiếp bầu Bí thư khi được sự đồng ý của Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy Đảng cùng cấp.

5. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn qui định nguyên tắc, thủ tục, quy trình bầu cử.

6. Nếu bầu cử không đúng nguyên tắc, thủ tục quy định thì phải tổ chức bầu lại.

Điều 9:

1. Nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đoàn các cấp là thời gian giữa hai kỳ đại hội của từng cấp.

2. Ban Chấp hành do đại hội bầu ra phải được Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định công nhận. Ban Chấp hành Đoàn khóa mới và người được bầu vào các chức danh điều hành công việc ngay sau khi được đại hội, hội nghị bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định công nhận của Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp.

3. Ủy viên Ban Chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì thôi tham gia Ban Chấp hành và cho rút tên trong kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành xem xét quyết định.

4. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp tỉnh trở xuống khi khuyết thì do Ban Chấp hành cấp đó thảo luận, thống nhất bầu bổ sung và đề nghị Ban Chấp hành Đoàn cấp trên ra quyết định công nhận. Số lượng bổ sung trong cả nhiệm kỳ không quá số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do đại hội quyết định. Khi cần thiết, Đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định tăng thêm một số Ủy viên Ban Chấp hành cấp dưới nhưng số lượng không vượt quá 15% số lượng Ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội Đoàn cấp dưới thông qua.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi khuyết thì hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bầu bổ sung nhưng không quá hai phần ba số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định.

Nếu khuyết Bí thư, Phó Bí thư thì sau khi có ý kiến thống nhất của cấp uỷ cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp, hội nghị Ban Chấp hành bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành và Đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Trường hợp cần thiết, Đoàn cấp trên có quyền chỉ định bổ sung sau khi có ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp.

5. Trong cùng một kỳ họp, các Ủy viên Ban Chấp hành vừa được Ban Chấp hành đồng ý cho rút khỏi Ban Chấp hành vẫn có quyền bầu cử, biểu quyết hoặc chủ trì phiên họp bầu bổ sung Ban Chấp hành, các chức danh.

6. Ủy viên Ban Chấp hành không tham gia họp Ban Chấp hành 3 kỳ liên tục trong nhiệm kỳ mà không có lý do chính đáng thì xóa tên trong Ban Chấp hành. Việc xóa tên do Ban Chấp hành cùng cấp xem xét quyết định và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.

7. Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp nếu trong độ tuổi đoàn viên phải tham gia sinh hoạt với một chi đoàn, nếu ngoài độ tuổi đoàn viên thì có chế độ định kỳ tham gia sinh hoạt, hoạt động với cơ sở Đoàn.

8. Đối với tổ chức Đoàn mới thành lập, Đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành lâm thời. Không quá sáu tháng kể từ khi có quyết định thành lập phải tổ chức đại hội để bầu Ban Chấp hành chính thức. Nếu kéo dài thời gian lâm thời phải được cấp ủy cùng cấp và Đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý nhưng không quá nửa nhiệm kỳ Đại hội của cấp đó kể từ khi có quyết định thành lập.

Điều 10:

1. Đoàn từ cấp huyện trở lên được lập cơ quan chuyên trách để giúp việc.

2. Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách cấp huyện và cấp tỉnh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn và thực hiện theo quy định của Đảng.

3. Quy chế làm việc của cơ quan chuyên trách cấp nào do thủ trưởng cơ quan cấp đó quyết định.

Chương III

CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐOÀN Ở CẤP TRUNG ƯƠNG, CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN

Điều 11:

1. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có nhiệm kỳ là 5 năm, do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn triệu tập.

2. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; quyết định phương hướng nhiệm vụ công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn quốc của nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; thông qua Điều lệ Đoàn.

Điều 12:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn có nhiệm vụ chấp hành Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đoàn toàn quốc, lãnh đạo công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội; tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm một số chủ trương mới xuất phát từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; điều chỉnh nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội đại biểu cấp tỉnh khi cần.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn một năm họp ít nhất hai kỳ.

Điều 13:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bầu Ban Thường vụ, Bí thư thứ nhất và các Bí thư trong số Ủy viên Ban Thường vụ; bầu Ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trong số Ủy viên Ủy ban kiểm tra.

2. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn gồm Bí thư thứ nhất, các Bí thư, các Ủy viên Thường vụ.
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo các cấp bộ Đoàn trong việc thực hiện nghị quyết đại hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

3. Ban Bí thư Trung ương Đoàn gồm Bí thư thứ nhất và các Bí thư, thay mặt Ban Thường vụ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đoàn; chuẩn bị các vấn đề trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định các chủ trương công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi và giải quyết các công việc hằng ngày của Đoàn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Điều 14:

1. Đại hội đại biểu của Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương có nhiệm kỳ là 5 năm 1 lần. Đại hội đại biểu Đoàn các trường đại học, cao đẳng là 5 năm 2 lần.

2. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của cấp mình; bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên.

Điều 15:

1. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội cấp mình; nghị quyết, chỉ thị của Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp; báo cáo về hoạt động của mình với đại hội hoặc hội nghị đại biểu cùng cấp; kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh và tương đương một năm họp ít nhất hai kỳ; Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện và tương đương một năm họp ít nhất bốn kỳ.

Điều 16:

1. Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương bầu Ban Thường vụ; bầu Bí thư, các Phó Bí thư trong số Ủy viên Ban Thường vụ; bầu Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trong số Ủy viên Ủy ban kiểm tra của cấp mình.

2. Ban Thường vụ Đoàn từ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương gồm Bí thư, các Phó Bí thư và các Ủy viên Ban Thường vụ. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo mọi mặt công tác của Đoàn giữa hai kỳ hội nghị Ban Chấp hành.

3. Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh được quyết định kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở để phù hợp với nhiệm kỳ chung nhưng không quá nửa nhiệm kỳ của cấp đó.

Chương IV

TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN

Điều 17:

1. Tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức cơ sở Đoàn có thể trực thuộc đoàn cấp huyện, đoàn cấp tỉnh tùy thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị.

3. Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Chi đoàn sinh hoạt định kỳ một tháng một lần; đối với các đơn vị đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

4. Đơn vị có ba đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu chưa đủ ba đoàn viên thì Đoàn cấp trên giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn.

Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập Đoàn cơ sở.

Trong một địa bàn, lĩnh vực hoạt động có nhiều chi đoàn, có nhu cầu liên kết phối hợp thì có thể thành lập liên chi đoàn.
Các đội thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, các đội hình lao động trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh có thời hạn xác định được thành lập tổ chức đoàn theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 18:

1. Đại hội đoàn viên của chi đoàn, chi đoàn cơ sở; Đại hội đoàn viên hoặc Đại hội đại biểu của Đoàn cơ sở do Ban chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở triệu tập.

2. Nhiệm kỳ Đại hội của chi đoàn và tổ chức cơ sở Đoàn:

- Đại hội chi đoàn, Đoàn Trường trung học phổ thông, Đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Đoàn Trường dạy nghề là một năm một lần.

- Đại hội chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, Đoàn các trường trung cấp chuyên nghiệp là 5 năm 2 lần.

- Đại hội Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn là 5 năm 1 lần.

3. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).

Điều 19:

1. Chi đoàn có dưới 9 đoàn viên chỉ bầu Bí thư, Phó Bí thư; từ 9 đoàn viên trở lên bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư.
Ban Chấp hành Đoàn cơ sở bầu Ban Thường vụ (nếu có), Bí thư, Phó Bí thư.

2. Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở và Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất một kỳ, ở những nơi đặc thù do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn qui định.

Điều 20:

Tổ chức cơ sở Đoàn có nhiệm vụ:

1. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

2. Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị.

3. Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế - xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.

Điều 21:

Tổ chức cơ sở Đoàn có quyền:

1. Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế - xã hội.

2. Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.

3. Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp.

Chương V

ĐOÀN KHỐI, ĐOÀN NGÀNH, ĐOÀN Ở NGOÀI NƯỚC

Điều 22:

1. Đoàn khối được thành lập từ cấp huyện trở lên tương ứng với cơ cấu tổ chức của Đảng.
Đoàn ngành được thành lập ở cấp tỉnh và Trung ương khi tổ chức Đảng, chính quyền của các ngành đó lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ trên xuống đến cơ sở.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Đoàn khối, Đoàn ngành do Đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp quyết định.

3. Ban cán sự Đoàn được thành lập theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.

Điều 23:

Tổ chức Đoàn khối, Đoàn ngành liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động với tổ chức Đoàn ở các địa phương.

Điều 24:

Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đoàn ở ngoài nước do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.

(Xem tiếp trong file tải về)

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Biểu mẫu Giáo dục - Đào tạo

    Xem thêm