Hãy cho biết cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện thần thoại Thần trụ trời
Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyền Thần trụ trời
Văn mẫu lớp 7: Hãy cho biết cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện thần thoại “Thần trụ trời” gồm dàn ý và nhiều bài văn mẫu hay lớp 7, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình.
Dàn ý cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện thần thoại “Thần trụ trời”
1. Mở bài: Em thích nhất là truyện Thần Trụ Trời
2. Thân bài
- Tóm tắt nội dung cốt truyện.
- Phát biểu cảm nghĩ:
+ Cứ tưởng tượng ra vóc dáng của Thần là em khoái rồi.
+ Vô cùng cảm phục những đức tính tốt của Thần.
+ Truyện hay, hấp dẫn vì có những chi tiết kì lạ.
3. Kết bài: Noi gương thần, em sẽ chăm chỉ, cần cù trong việc học.
Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện thần thoại “Thần trụ trời” mẫu 1
Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.
Cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình.Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.
Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời.
Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt.
Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,…vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.
Cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện thần thoại “Thần trụ trời” mẫu 2
Em đã được học nhiều truyện thần thoại khá hay và hấp dẫn, nhưng truyện mà em thích nhất vẫn là Thần Trụ Trời.
Đọc truyện ấy em không thể không suy nghĩ và ngăn được cảm xúc.
Truyện kể rằng vào thời kì trời đất còn hỗn độn, tối tăm, có một vị thần khổng lồ. Thần đội trời lên rồi đào đất, khuân đá, xây thành cột chống trời, khi trời đất đã được phân đôi, thần liền phá tan cột đi. Xong công việc, thân bay về trời để các vị thần khác tiếp tục xây dựng thế giới.
Chao ôi! Em khoái cái thân hình khổng lồ của thần hết sức vì em thì lùn tịt, lại ốm tong teo. Em đã được nhìn thấy những người to và cao, nhưng chẳng ai như thần cả. Em cứ ước, giá mà em có thân hình, đôi tay như thần thì em sẽ là cầu thủ bóng đá xuất sắc, chi bước một cái là có thể sút bóng vào khung thành của đối phương. Thú vị biết chừng nào!
Chẳng những thế, em còn cảm phục thần vô cùng. Thần có biết bao đức tính tốt mà em chưa có.
Trước hết thần thương yêu mọi loài. Nếu không có tình thương thì chắc thần không nhọc công ngẩng đầu đội trời lên, rồi cần cù nhẫn nại đào đất để và đắp cột chống trời. Làm công việc ấy, thần vừa biểu lộ tình thương muôn loài, vừa biểu hiện quyết tâm, siêng năng, chăm chỉ. Khi làm xong công việc, thần không chờ muôn loài trả ơn, lẳng lặng bay về trời, để những công việc còn lại cho các vị thần khác tiếp tục xây dựng cho thế giới, cho muôn loài có cuộc sống tốt đẹp hơn. Em nghĩ trên đời chẳng có ai có những đức tính tốt như thần. Em sung sướng vô cùng khi tổ tiên đã biết ơn thần mà có bài hát ca ngợi công đức của các vị thần, trong đó có Thần Trụ Trời.
Em đọc truyện ấy rất nhiều lần. Hễ nằm xuống giường là em mở sách ra đọc truyện ấy. Truyện có những chi tiết kì lạ gây sự hấp dẫn cho em "Chân dài không sao tả xiết". Ôi dài đến thế cơ à! Rồi thì thần “đội trời lên” như em trùm mền kín mít rồi đội mền lên vậy. Nhưng mềm thì nhẹ, còn trời thì rộng và nặng biết chừng nào! Kì lạ và hấp dẫn hơn nữa là thần có đó rồi thì thần lại biến đi, như Phật Bà Quan m trong cuộn phim "Tây Du Ký" vậy!
Tóm lại, truyện Thần Trụ Trời là một thần thoại mà em thích, giúp em hiểu được quan niệm của người xưa về sự hình thành trời đất. Mấy tháng nay em lười quá nên chẳng thành công trong việc học hành, đà làm cho cha mẹ thầy cô buồn lòng. Noi gương thần, em sẽ chuyên cần, chăm chỉ hỏi. Thần thành công trong việc chống trời thì em cũng thành công trong việc học hành!