Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Người trí thức yêu nước

Cảm thụ văn học bài Người trí thức yêu nước - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Người trí thức yêu nước là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Người trí thức yêu nước

Người trí thức yêu nước

Năm 1948, bác sĩ Đặng Văn Ngữ rời Nhật Bản về nước tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Để tránh bị địch phát hiện, ông phải vòng từ Nhật Bản qua Thái Lan, sang Lào, về Nghệ An, rồi từ Nghệ An lên Việt Bắc. Dù băng qua rừng rậm hay suối sâu, lúc nào ông cũng giữ bên mình chiếc va li đựng nấm pê-ni-xi-lin mà ông gây được từ bên Nhật. Nhờ va li nấm này, bộ đội ta đã chế được thuốc chữa cho thương binh.

Năm 1967, lúc đã gần 60 tuổi, ông lại lên đường ra mặt trận chống Mĩ cứu nước, ở chiến trường, bệnh sốt rét hoành hành, đồng bào và chiến sĩ cần có ông. Sau nhiều ngày khổ công nghiên cứu, ông chế ra thuốc chống sốt rét và tự tiêm thử vào cơ thể mình những liều thuốc đầu tiên. Thuốc sản xuất ra, bước đầu có hiệu quả cao. Nhưng giữa lúc ấy, một trận bom của kẻ thù đã cướp đi người trí thức yêu nước và tận tuỵ của chúng ta.

Theo Đức Hoài

Cách đọc

Đọc chậm, thể hiện sự cống hiến lớn lao về khoa học và đặc biệt là tấm lòng yêu nước của bác sĩ Đặng Văn Ngữ.

Trong bài có nhiều câu có trạng ngữ, khi đọc cần ngắt giọng, ví dụ:

-Năm 1948,… ; Năm 1967,…

-Để tránh bị địch phát hiện,…

– Ở chiến trường,..

– Sau nhiều ngày khổ công nghiên cứu,…

Gợi ý cảm thụ

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ quê ở Huế, tốt nghiệp bác sĩ từ năm 1937 thời Pháp thuộc, đã có nhiều công trình khoa học nổi tiếng ngay thời còn trẻ. Năm 1943, ông đi du học tại Nhật Bản. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), ông tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Đây là một cuộc hành trình đầy mạo hiểm và gian khổ, thế mà ông vẫn đem từ Nhật về chiếc va li đựng nấm pê-ni-xi-lin để từ đó chế ra kháng sinh pê-ni-xi-lin chữa các bệnh do vi trùng gây ra.

Từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn ở Nhật Bản, về nước tự nguyện tham gia vào cả hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ, đó là hình ảnh của người trí thức dấn thân trước vận mệnh Tổ quốc. Là bác sĩ quân y, ngoài hằng ngày cứu chữa thương binh, bệnh binh như các bác sĩ quân y khác, ông còn dốc sức nghiên cứu khoa học để tìm ra những cách chữa trị mới. Kháng chiến chống Mĩ, mặc dù tuổi đã cao, ông lại xung phong vào chiến trường miền Nam. Trên đường Trường Sơn rừng thiêng nước độc, ông chú tâm nghiên cứu về bệnh sốt rét, một loại bệnh hoành hành ác liệt sức khoẻ bộ đội và nhân dân miền núi không kém gì bom đạn. Nhiều người tử vong vì sốt rét lâu ngày chuyển sang ác tính. Những người vượt qua được thì da dẻ xanh tái, sức khoẻ suy giảm, có khi không đi tiếp vào chiến trường được.

Khác với người chiến sĩ trên chiến trường, sự dũng cảm hi sinh của người trí thức hoàn toàn thầm lặng. Để tìm ra thuốc chữa sốt rét, bác sĩ Đặng Văn Ngữ phải tự tiêm thử trên chính cơ thể mình những liều thuốc đầu tiên. Nếu không có tấm lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân thì không thể làm những việc như thế.

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ ngã xuống khi sự nghiệp còn dang dở. Nhưng ông đã có những đóng góp lớn cho nền y học Việt Nam. Ngoài việc chế ra thuốc pê-ni-xi-lin, ông đã bước đầu thành công trong việc chế ra thuốc chữa sốt rét, một bệnh mà cho đến nay vẫn đe dọa hàng triệu sinh mạng. Và điều quan trọng hơn nữa : ông đã nêu tấm gương về lòng yêu nước, suốt đời vì sức khoẻ của bộ đội và nhân dân.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 50
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm