Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Ông tổ nghề thêu
Cảm thụ văn học bài Ông tổ nghề thêu - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Ông tổ nghề thêu là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Chú ở bên Bác Hồ
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Trên đường mòn Hồ Chí Minh
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Ông tổ nghề thêu
Ông tổ nghề thêu
1. Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học cả khi đi đốn củi, lúc kéo vó tôm. Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách. Chẳng bao lâu, Khái đỗ tiến sĩ, rồi làm quan to trong triều đình nhà Lê.
2. Một lần, Trần Quốc Khái được triều đình cử đi sứ bên Trung Quốc. Vua Trung Quốc muốn thử tài sứ thần, sai dựng một cái lầu cao, mời ông lên chơi, rồi cất thang đi. Không còn lối xuống, ông đành ở lại trên lầu. Lầu chỉ có hai pho tượng Phật, hai cái lọng, một bức trướng thêu ba chữ “Phật trong lòng” và một vò nước.
3. Bụng đói mà không có cơm ăn, Trần Quốc Khái lẩm nhẩm đọc ba chữ trên bức trướng, rồi mỉm cười, ông bẻ tay pho tượng nếm thử. Thì ra hai pho tượng ấy nặn bằng bột chè lam. Từ đó, ngày hai bữa, ông cứ ung dung bẻ dần tượng mà ăn. Nhân được nhàn rỗi ông mày mò quan sát, nhớ nhập tâm cách thêu và làm lọng.
4. Học được cách thêu và làm lọng rồi, ông tìm đường xuống. Thấy những con dơi xoè cánh chao đi chao lại như chiếc lá bay, ông liền ôm lọng nhảy xuống đất bình an vô sự. Vua Trung Quốc khen ông là người có tài, đặt tiệc to tiễn về nước.
5. Về đến nước nhà, Trần Quốc Khái truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Dần dần, nghề thêu lan rộng ra khắp nơi. Nhân dân vùng Thường Tín, quê ông, lập đền thờ và tôn ông là ông tổ nghề thêu.
Theo Ngọc Vũ
Cách đọc
Là một câu chuyện kể, mỗi sự việc (tình tiết) ứng với một đoạn (đã được đánh số), cần nghỉ ở đó lâu hơn; cụm từ của câu đầu đoạn kế tiếp cần đọc nhấn để người nghe dễ theo dõi.
Nhiều câu có trạng ngữ, cần ngắt rõ phần trạng ngữ đó:
– Hồi còn nhỏ, cậu bé Trần Quốc Khái rất ham học.
– Tối đến, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm…
– Về đến nước nhà, Trần Quốc Khái truyền dạy…
Gợi ý cảm thụ
Trần Quốc Khái (1606 – 1661), người làng Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), trong một lần đi sứ Trung Quốc đã học được nghề thêu và làm lọng, đem truyền dạy cho dân, trở thành ông tổ nghề thêu của nước ta.
Ông học được hai nghề này trong hoàn cảnh rất đặc biệt: bị giam lỏng trên lầu cao, phải tự tìm cách sống và tìm cách xuống đất.
Trước hết nhờ có kiến thức sâu rộng nên ông giữ được bình tĩnh trong cảnh hiểm nghèo. Ông đọc các chữ trên bức trướng và có thể tìm ra được điều gợi ý nào đó. Ông phát hiện hai bức tượng bằng chè lam, cứ việc bẻ ra ăn nên không bị đói. Trong lúc nhàn rỗi, ông tìm hiểu những đồ vật, do đó học được cách thêu và làm lọng. Có chuyện còn kể rằng ông gỡ những chữ thêu trên trướng rồi tập đan lại, làm nhiều lần, thế là biết cách thêu. Còn lọng, ông cũng tháo ra chắp vào, xem xét vải sơn vải lợp, cùng cách lắp cán, lắp chân, thế là nắm được cách làm lọng.
Thuở ấy chưa có việc nhảy dù, nhưng quan sát loài dơi, thấy chúng bay được do có đôi cánh nâng chúng lên, do đó ông dùng cái lọng làm chiếc dù để bay xuống đất. Đó là một sáng kiến rất độc đáo, giống hệt cách nhảy dù ngày nay của các phi công: dùng lực cản của không khí làm cho chiếc dù rơi từ từ.
Không chỉ dùng tài tự cứu mình, ông còn đem nghề thêu và làm lọng truyền dạy cho nhân dân. Đó là trường hợp không nhiều ở các ông quan to thời xưa, thường chỉ coi đọc sách là cao quý, chỉ biết văn chương thơ phú, chứ không giỏi các nghề tinh xảo của dân gian.
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.