Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Trên con tàu vũ trụ
Cảm thụ văn học bài Trên con tàu vũ trụ
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Trên con tàu vũ trụ là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Trên con tàu vũ trụ
Trên con tàu vũ trụ
Kim đồng hồ chỉ 9 giờ 7 phút. Tôi nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng và cảm thấy con tàu đang bay lên một cách chậm chạp.
Mặt đất thông báo: “Đã bay được 70 giây”. Tôi không còn ngồi trên ghế được nữa, mà treo lơ lửng giữa trần và sàn tàu. Tất cả bỗng nhiên nhẹ hẳn. Tay, chân và mọi bộ phận cơ thể như không còn của tôi nữa. Tất cả đồ đạc cũng bay. Suốt thời gian đó, tôi vẫn làm việc, theo dõi các thiết bị của con tàu, ghi chép mọi nhận xét vào cuốn sổ. Có lúc tôi quên mình đang ở đâu, đặt bút chì xuống cạnh người và lập tức nó bay ra xa.
Tôi nhìn thấy những dải mây nhẹ nhàng trôi trên trái đất thân yêu xa xôi, những ngọn núi, dòng sông, cánh rừng và bờ biển. Trên bầu trời đen có những ngôi sao sáng rực. Mặt trời so với lúc nhìn từ trái đất cũng rực rỡ hơn nhiều.
Theo Ga-ga-rin
Cách đọc
Đoạn 1 và 2: đọc tốc độ trung bình, giọng vui, hóm hỉnh, gợi cảm giác ngạc nhiên, lạ lùng.
Đoạn 3: đọc hơi chậm, gợi cảm giác thân thương, trìu mến.
Gợi ý cảm thụ
Mơ ước chinh phục vũ trụ đã có từ ngàn đời nhưng con người cũng chỉ biết mơ ước. Đôi khi có chuyện đi lên trời nhưng lại là đi bất đắc dĩ: đi kiện trời như Cóc và các con vật đầy gian nan và nguy hiểm, đi giành lại cây thuốc như chú Cuội để rồi không bao giờ trở về được nữa.
Nhưng với khoa học kĩ thuật ngày nay, con người đã thực hiện được giấc mơ ngàn đời ấy. Người đầu tiên bay vào vũ trụ là anh hùng phi công vũ trụ Ga-ga-rin, người Nga. Chuyên bay đầu tiên đó diễn ra ngày 12 – 4 – 1961. Bài văn do chính Ga-ga-rin kể lại.
Để hiểu những điều anh Ga-ga-rin kể, cũng cần có một số kiến thức về vũ trụ và ngành du hành vũ trụ.
Cách chuyến bay của Ga-ga-rin tới nửa thế kỉ, con người đã chế ra máy bay, nhưng máy bay chỉ bay được ở tầng thấp, trong khí quyển bình thường của trái đất, và nhất là trong điều kiện chưa ra khỏi lực hút (trọng lượng) của trái đất. Máy bay không thể bay được vào khoảng không vũ trụ, nơi khí quyển loãng hoặc không còn khí quyển. Đặc biệt, máy bay không thể thắng được lực hút của trái đất để bay vào vùng không trọng lượng. Giống như ta ném hòn đá, ném lên trời, nó lại tự rơi xuống mặt đất. Nghĩa là phải có một tốc độ đủ lớn để nó có thể “văng” ra khỏi phạm vi vùng có lực hút trái đất. Tốc độ đó được gọi là tốc độ vũ trụ, bao gồm tốc độ vũ trụ cấp 1, cấp 2, cấp 3,… Với tốc độ cấp 1 (7,9 ki-lô-mét trong một giây, viết tắt: 7,9 km/s), tàu vũ trụ sẽ vào được vùng cân bằng giữa lực hút của trái đất với lực chuyển động của tàu, từ đấy, nó tự bay vòng quanh trái đất (bay mãị mãi, không rơi xuống nữa). Với tốc độ vũ trụ cấp 2 (11,2 km/s), tàu vũ trụ sẽ thoát khỏi hoàn toàn lực hút của trái đất, có thể bay lên mặt trăng.
Cho nên phải dùng tên lửa để đẩy con tàu vũ trụ. Tên lửa đốt nhiên liệu, phụt khí ra phía sau, tạo nên “phản lực” đẩy nó đi. Tiếng nổ kinh khủng mà anh Ga-ga-rin nghe thấy chính là tiếng nổ khi phóng tên lửa. Như vậy, sau 70 giây, với tốc độ 7,9 km/s, tàu của anh Ga-ga-rin đã ở độ cao là 70 x 7,9 = 553km, tức là bắt đầu bay vào vùng “cân bằng” nói trên, do đó anh không còn ngồi trên ghế được nữa, anh bị treo lơ lửng giữa trần và sàn tàu. Cái gì cũng cảm thấy “nhẹ” hơn, tất cả đều bay, bút chì đặt xuống cạnh người thì nó lại bay ra xa. Người bình thường lần đầu tiên gặp cảnh đó hẳn là rất sợ hãi, nhưng anh Ga-ga-rin chắc là đã được luyện tập những cảnh tương tự và đã chuẩn bị về tinh thần nên tuy thấy lạ lùng nhưng anh vẫn bình tĩnh làm việc.
Từ trên vũ trụ nhìn về trái đất xa xôi, anh thấy những dải mây nhẹ nhàng trôi, những ngọn núi, những dòng sông, cánh rừng và bờ biển. Những cảnh ấy hằng ngày vẫn hiển hiện xung quanh ta, nhưng phải khi cách biệt như anh Ga-ga-rin, anh mới thấy nó thân yêu xiết bao.
Cũng từ tàu vũ trụ, anh thấy sao sáng hơn, bầu trời rực rỡ hơn. Không phải anh đã bay gần các vì sao và mặt trời hơn, vì khoảng cách từ tàu vũ trụ đến trái đất là rất nhỏ bé so với khoảng cách từ tàu vũ trụ đến mặt trời và các vì sao. Mà có thể ở đây do những yếu tố về khí quyển, về ánh sáng tạo nên ảo giác đó. Hạnh phúc cho Ga-ga-rin là được nhìn những cảnh rực rỡ mà ở trái đất khó có thể thấy được.
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.