Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Lừa và ngựa
Cảm thụ văn học bài Lừa và Ngựa - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Lừa và Ngựa là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ lại buổi đầu đi học
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Trận bóng dưới lòng đường
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Lừa và Ngựa
Lừa và Ngựa
Người nọ có một con lừa và một con ngựa. Một hôm, có việc đi xa, ông ta cưỡi ngựa, còn bao nhiêu đồ đạc thì chất lên lưng lừa. Dọc đường, lừa mang nặng, mệt quá, liền khẩn khoản xin với ngựa:
– Chị ngựa ơi! Chúng ta là bạn đường. Chị mang đỡ tôi với, dù chỉ chút ít thôi cũng được. Tôi kiệt sức rồi.
Ngựa đáp:
– Thôi, việc ai người nấy lo. Tôi không giúp chị được đâu.
Lừa gắng quá, kiệt lực, ngã gục xuống và chết bên vệ đường. Người chủ thấy vậy bèn chất tất cả đồ đạc từ lưng lừa sang lưng ngựa. Ngựa bấy giờ mới rên lên:
– Ôi, tôi mới dại dột làm sao! Tôi đã không muốn giúp lừa dù chỉ chút ít, nên bây giờ phải mang nặng gấp đôi.
Theo Lép Tônxtôi – Thuý Toàn dịch
Cách đọc
Lời người dẫn chuyện đọc với ngữ điệu thong thả, chậm rãi. Giọng lừa mệt nhọc, khẩn khoản, cầu xin. Giọng ngựa lạnh lùng, thờ ơ khi trả lời lừa; rên lên, hối hận khi phải chở tất cả đồ đạc của lừa. Chú ý diễn cảm để người nghe hình dung cụ thể, đồng thời cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của câu chuyện. Nhấn giọng ở một số từ ngữ: khẩn khoản, kiệt sức, kiệt lực, ngã gục, chết, rên lên, dại dột.
Gợi ý cảm thụ
Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện mượn một cốt truyện hoàn toàn hư cấu để gửi gắm một bài học về cách sống, cách cư xử, đạo đức. Mượn câu chuyện con ngựa, con lừa, nhà văn Lép Tôn-xtôi đã giúp các em hiểu rằng: Bạn bè phải thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Giúp bạn nhiều khi chính là giúp mình, bỏ mặc bạn chính là làm hại mình. Nhà văn đã “mượn chuyện loài vật để dạy loài người” (La Phông-ten).
Hai nhân vật ngụ ngôn được xây dựng trong truyện là những người “bạn đường”. Lừa và ngựa có những đặc tính loài vật tương đối giống nhau. Trong những chuyến đi xa, khi chưa có nhũng phương tiện giao thông hiện đại, người ta thường chọn ngựa để cưỡi và lừa để chở đồ đạc. Ở câu chuyện trên cũng vậy. Sau đoạn đường dài, lừa “kiệt sức”, “khẩn khoản” xin ngựa mang đỡ dù chỉ chút ít đồ. Ngựa lười không muốn chở nặng thêm vì nếu giúp bạn thì mình phải vất vả hơn. Ngựa không chút băn khoăn đáp lại rằng “việc ai người nấy lo” và không hề giúp đỡ gì bạn. Sự thản nhiên, vô tình của ngựa đã gián tiếp dẫn tới cái chết của lừa. Ngựa rất ích kỉ, chỉ nghĩ đến mình. Ngựa chỉ nghĩ đến việc từ chối lời đề nghị của bạn mà không hề nghĩ đến hậu quả khôn lường. Lừa kiệt lực, ngã và chết bên vệ đường, rất khốn khổ, đáng thương. Câu chuyện kết thúc bằng hành động tất yếu của ông chủ. Ông chất tất cả đồ đạc từ lưng lừa sang lưng ngựa. Lẽ ra, chỉ cần giúp bạn thì gánh nặng sẽ chia đều, được san sẻ. Thói ích kỉ gây hậu quả khôn lường, chỉ biết bản thân mình mà không biết nghĩ trước nghĩ sau, sớm muộn sẽ phải trả giá đắt. Câu kết truyện là lời than vãn, ân hận của ngựa, đúng là không cái dại nào giống cái dại nào. Hơn cả sự dại dột, sự nhẫn tâm của ngựa đã gây ra hậu quả đáng buồn là cái chết tội nghiệp của lừa.
Như mọi câu chuyện ngụ ngôn khác, tác giả đưa ra một tình huống nhằm rút ra một bài học, một kinh nghiệm sống. Câu chuyện muốn nói với các em về tình bạn chân chính. Phải thương bạn, giúp bạn lúc gặp khó khăn, không giúp bạn sẽ có lúc phải hối hận, giúp bạn chính là giúp mình. Tình bạn chỉ có thể được khẳng định vào những lúc khó khăn, hơn thế, không giúp bạn lúc bạn gặp khó khăn có khi lại làm hại chính mình.
Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.