Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ Việt Bắc

Cảm thụ văn học bài Nhớ Việt Bắc - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ Việt Bắc là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ Việt Bắc

NHỚ VIỆT BẮC

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Núi giăng thành luỹ sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

(Tố Hữu)

Cách đọc

Đọc chậm rãi, giọng đọc tình cảm, tha thiết. Nhịp thơ chủ yếu là nhịp chẵn, riêng câu thơ cuối đoạn ngắt nhịp lẻ 3/5. Ngắt nghỉ hơi đúng, linh hoạt giữa các dòng, các câu thơ lục bát; biết nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm (đỏ tươi, trắng rừng, giăng thành luỹ sắt dày, rừng che, rừng vây,…). Mười câu thơ đầu đọc với giọng ngạc nhiên, thích thú như một tiếng reo vui. Sáu câu cuối đoạn đọc với giọng trìu mến, thân thương, tự hào về Việt Bắc gian khổ và hào hùng trong chiến đấu.

Gợi ý cảm thụ

Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc khi kháng chiến thắng lợi, cán bộ và Chính phủ ta trở về xuôi, về Thủ đô (1954). Cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn giữa người về xuôi với người dân Việt Bắc:

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Mười câu thơ trên là bức tranh tứ bình xuân, hạ, thu, đông với nỗi nhớ cảnh, nhớ người Việt Bắc. Hai câu đầu giới thiệu nội dung khái quát của đoạn thơ. Nếu hoa là tinh tuý của thiên nhiên thì con người là tinh tuý của trời đất, hoa và người gắn bó với nhau, soi chiếu vào nhau, vẻ đẹp của con người hiện ra rạng ngời giữa thiên nhiên nguyên sơ, trong trẻo. Câu trên là hỏi người, còn câu dưới là giãi bày lòng mình, vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc hiện về trong nỗi nhớ của người ra đi.

Tám câu còn lại của đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ cụ thể của người ra đi. Ta thấy bốn cặp lục bát có một kết cấu rất đẹp, câu sáu nói nhớ cảnh, câu tám nói nhớ người. Cảnh và người trong mỗi cặp câu lục bát lại có đặc điểm, sắc thái riêng, vẻ đẹp nên thơ đa dạng về đường nét màu sắc, ánh sáng, âm thanh lần lượt hiện lên sinh động trước mắt người đọc.

Cảnh vật Việt Bắc được khắc hoạ rất điển hình. Phong cảnh được tác giả gợi tả ở đây là phong cảnh núi rừng được thể hiện qua vẻ đẹp riêng của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa đông, trên nền xanh của đại ngàn rực lên sắc đỏ của hoa chuối. Mùa xuân “mơ nở trắng rừng”. Tiếng ve râm ran trong rừng phách đổ vàng khi mùa hạ đến. Và ánh trăng rọi hoà bình cùng tiếng hát ân tình thuỷ chung làm cho mùa thu có hồn hơn. Bức tranh có buổi trưa tràn đầy nắng, có bầu trời đêm mát dịu ánh trăng, có tiếng ve dệt thành bản đồng ca mùa hạ rộn ràng, tươi vui, có nhiều màu sắc: xanh, đỏ tươi, trắng, vàng,… Vẻ đẹp của cảnh núi rừng Việt Bắc được tạo ra bởi sự hài hoà tuyệt diệu giữa màu sắc và âm thanh.

Nỗi nhớ thương cứ tăng dần, càng về sau, nỗi nhớ càng trở nên tha thiết hơn. Điệp từ “nhớ” được sử dụng trong đoạn thơ góp phần khẳng định điều đó. Nỗi nhớ của người ra đi không chỉ gắn với cảnh, mà còn thật đằm thắm tình người. Nỗi nhớ khi thì hướng về một đối tượng cụ thể (”nhớ người đan nón”, “nhớ cô em gái”), khi thì hướng về một đối tượng chung chung (“nhớ ai tiếng hát”) song lại chứa chan niềm nhớ thương về một con người cụ thể nào đó. Dù sắc thái cung bậc khác nhau nhưng bao giờ nỗi nhớ cũng hướng về những con người lao động cần cù, có tấm lòng son sắt thuỷ chung.

Đoạn thơ được cấu trúc hài hoà, có giá trị tạo hình, trong một cặp câu lục bát, cứ câu sáu tả cảnh, câu tám lại tả người. Nếu như tác giả miêu tả thiên nhiên bằng bút pháp tả thực chi tiết thì khi tả người lại chỉ dùng những nét điểm xuyết nhưng lại là những nét có hồn nhất của con người Việt Bắc (“dao gài thắt lưng”, “chuốt từng sợi giang”, “cô gái hái măng một mình”…).

Cấu trúc đoạn thơ độc đáo đan xen nhịp nhàng cho ta thấy cảnh và người Việt Bắc luôn có sự quấn quýt giao hoà, sự gắn bó hữu tình làm nên vẻ đẹp cuộc sống, cho dù đây là cuộc sống kháng chiến gian khổ.

Sáu câu tiếp là dòng hồi tưởng về cuộc sống kháng chiến gian khổ. Ở phần trên tác giả hồi tưởng lại một thiên nhiên thơ mộng, nên thơ, hữu tình còn đến đây lại là một thiên nhiên hùng vĩ cùng con người kháng chiến. Nghệ thuật nhân hoá “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” cho ta thấy núi rừng Việt Bắc đối với ta là bạn, đối với địch là thù. Cuộc kháng chiến của ta thắng lợi là bởi “Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.

Thể thơ lục bát ngân nga thiết tha uyển chuyển, câu nọ gọi câu kia, cảm xúc dào dạt. Nhịp thơ đều đặn, câu sáu nhịp 2/4, câu tám nhịp 4/4 cân xứng tạo ra sự nhịp nhàng, dìu dặt cho lời thơ. Đoạn thơ cùng với cả bài, có nhạc điệu êm dịu như một khúc hát ru kỉ niệm.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
4 2.500
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm