Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Những chiếc chuông reo
Cảm thụ văn học bài Những chiếc chuông reo - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Những chiếc chuông reo là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Những chiếc chuông reo
NHỮNG CHIẾC CHUÔNG REO
Giữa cánh đồng, có một túp lều bằng phên rạ màu vàng xỉn, xung quanh xếp đầy những hàng gạch mới đóng. Đó là túp lều của gia đình bác thợ đóng gạch.
Tôi rất thích ra lò gạch chơi trò ú tim với thằng Cu và cái Cún, con bác. Một chiều giáp Tết, gạch vào lò, sắp nhóm lửa, thằng Cu rủ tôi nặn những chiếc chuông con to hơn quả táo, có cái núm để xâu dây, lại thêm cả một viên bi nhỏ ở trong để tạo ra tiếng kêu. Bác thợ gạch để hộ cái kho báu đó vào một góc lò nung. Khi các đồ đất nung đã nguội, bác lấy hai sợi dây thép xâu những chiếc chuông thành hai cái vòng: một vòng treo trước cửa nhà bác cho Cu và Cún chơi, vòng kia tặng tôi đem về treo Lên cây nêu trước sân.
Tết ấy, những tiếng chuông đất nung kêu lanh canh trên cây nêu làm sân nhà tôi ấm áp và náo nức hẳn lên.
Theo Ngô Quân Miện
Cách đọc
Đọc truyện với giọng kể vui, nhẹ nhàng. Chú ý ngắt nghỉ hơi theo các dấu câu, nhấn giọng ở một số từ ngữ gợi tả như: màu vàng xỉn, xếp đầy, lanh canh, ấm áp, náo nức.
Gợi ý cảm thụ
Câu chuyện đưa chúng ta về với một vùng quê nghèo, bình yên những ngày giáp Tết. Mở đầu truyện là hình ảnh túp lều bằng phên rạ màu vàng xỉn của gia đình bác thợ đóng gạch. Bây giờ không còn nhiều những túp lều như vậy nữa, nhưng thời trước, ở làng quê Việt Nam, hình ảnh mái rạ, nhà tranh vách đất không phải là hiếm gặp. Trần Đăng Khoa trong trường ca Khúc hát người anh hùng đã viết những câu thơ rất hay về hình ảnh làng quê nghèo với mái gianh, phên rạ:
Mái tranh ơi hỡi mái tranh
Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương.
Ở đây, hình ảnh bình dị ấy của quê hương đã trở thành một hoài niệm. Kỉ niệm của một thời thơ ấu được nhà văn Ngô Quân Miện kể lại rất tự nhiên, sống động và thật hấp dẫn.
Người thợ làm nghề đóng gạch nhưng vẫn ở túp lều bằng phên rạ, vàng xỉn, nhỏ bé, nghèo nàn, rúm ró ở giữa cánh đồng. Những đứa trẻ con bác cũng có những tên gọi rất giản đơn là thằng Cu và cái Cún. Trò chơi của trẻ con nông thôn được nói tới ở đây là nặn đất sét, thích hình gì là tưởng tượng ra và ngồi nặn ra đủ thứ hình thù theo ý muốn. Hơn nữa, gia đình có lò gạch, nên mới có cái trò đặc biệt hấp dẫn là “nặn những chiếc chuông con to hơn quả táo, có cái núm để xâu dây, lại thêm cả một viên bi nhỏ ở trong để tạo ra tiếng kêu”. Sản phẩm ra khỏi lò nung là những chiếc chuông đất, bác thợ gạch đã lấy dây thép xâu thành hai cái vòng, một treo trước cửa nhà bác cho thằng Cu và cái Cún chơi; một bác tặng cho “tôi” để đem về treo lên cây nêu trước sân.
Câu chuyện giản dị vô cùng mà thật đáng nhớ, nó gắn liền với tuổi thơ, với làng quê, cánh đồng. Một không gian làng quê dân dã được khơi mở từ hình ảnh một túp lều, cái lò gạch, những chiếc chuông được chính các cậu bé nặn bằng đất và nung trong lò. Hình ảnh cây nêu gợi ra không khí của ngày Tết cổ truyền, mang màu sắc truyền thống ở làng quê Việt Nam. Cây nêu treo để đuổi quỷ, trừ tà mà lại được gắn vào đó tiếng chuông kêu lanh canh nữa thì thật tuyệt. Mùa xuân, ngày Tết, cây nêu, âm thanh của những cái chuông bằng đất nung… kí ức tuổi thơ nguyên sơ, trong trẻo làm tươi mát tâm hồn nhà văn – khi xưa, chỉ là một chú bé ở vùng quê nghèo như bao vùng miền ở trên đất nước Việt Nam thời trước.
So với những trò chơi, cũng như đồ chơi của các cậu bé, cô bé ngày nay thì những chiếc chuông đất ấy chẳng có giá trị vật chất, thế nhưng, đối với nhân vật “tôi” và thằng Cu, con Cún của ngày ấy, cái chuông không chỉ là đồ chơi của con trẻ. Cái vòng dây thép xâu những chiếc chuông ấy đã mở ra niềm vui, nỗi mong mỏi, chờ đợi những ngày Tết Nguyên đán, dẫn những đứa trẻ tới niềm hân hoan náo nức của con người khi Tết đến xuân về.
Cuộc sống của những người dân quê thật bình dị, thân thiện. Con người đón Tết bằng niềm vui, trao tặng nhau những món quà giản đơn mà không hề vô vị, nó làm cho ngày xuân “ấm áp và náo nức hẳn lên”.
Truyện có tên là Những chiếc chuông reo, tiếng chuông lanh canh cứ ngân vang mãi trong lòng người đọc niềm vui, hạnh phúc thật giản dị, đầy tình thân ái của những người lao động ở nông thôn. Truyện rất ngắn mà giàu ý nghĩa, đầy ấn tượng, có sức ngân vang và lắng đọng, có không khí ngày Tết, có tình bạn trong sáng, ngây thơ, có bao hoài niệm, nhớ nhung về một tuổi thơ yên bình ở làng quê.
Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.