Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Mè hoa lượn sóng
Cảm thụ văn học bài Mè hoa lượn sóng
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mè hoa lượn sóng là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Bài hát trồng cây
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Người đi săn và con vượn
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mè hoa lượn sóng
Mè hoa lượn sóng
Mè hoả mè hoa
Ùa ra giỡn nước
Chị bơi đi trước
Em lượn theo sau
Ruộng rộng, ao sâu
Đìa con đìa cạn
Gọi chúng gọi bạn
Đắp đập be bờ
Quăng đó quăng lờ
Cắm cờ lá chuối
Cá mè ăn nổi
Cá chép ăn chìm
Con tép lim dim
Trong chùm rễ cỏ
Con cua áo đỏ
Cắt cỏ trên bờ
Con cá múa cờ
Đẹp ơi là đẹp!
(Thạch Quỳ)
Cách đọc
Bài thơ gần gũi với đồng dao (loại bài bát dân gian của thiếu nhi), cho nên đọc giọng vui, dí dỏm.
Đọc nhấn vào tiếng gieo vần và tiếng đối thanh ở cuối câu. Ví dụ:
Mè hoả mè hoa
Ùa ra giỡn nước
Chị bơi đi trước
Em lượn theo sau
Ruộng rộng, ao sâu
Đìa con đìa cạn
Gọi chúng gọi bạn
(Các tiếng nước và trước, cạn và bạn là tiếng bắt vần; các tiếng hoa và nước, trước và sau, sâu và cạn là tiếng đối thanh)
Gợi ý cảm thụ
Cuộc sống dưới nước là cả một thế giới phong phú. Nhà thơ Thạch Quỳ đã cho chúng ta thấy một phần cuộc sống đó qua bài thơ này. Nhân vật trung tâm ở đây là đàn cá mè hoa, những con mè hoa còn nhỏ, cho nên được gọi theo cách trìu mến là “mè hoả mè hoa” (giống như cách hát “bống bống bang bang”, “con vỏi con voi” trong các bài đồng dao). Đàn mè hoa mặc dù đông đúc vẫn ngao du thiên hạ tìm thêm bạn chơi. Chúng đi khắp “Ruộng rộng, ao sâu – Đìa con đìa cạn”, nghĩa là gần như bất cứ chỗ nào có các loài sống dưới nước. Đi đến đâu cũng mời gọi bạn vào các công việc hay trò chơi: “Đắp đập be bờ – Quăng đó quăng lờ – cắm cờ lá chuối”. Cái ngộ nghĩnh ở đây là tác giả biến những hoạt động đánh bắt cá của con người thành trò chơi của chúng, cũng chỉ để cho thấy các hoạt động phong phú của thế giới dưới nước.
Phần sau của bài thơ dành để nói về các loài bạn của mè hoa. Bằng phép nhân hoá, mỗi loài chỉ dành một, hai câu nhưng đã gợi đúng vẻ đặc sắc của chúng. Giữa hai loài cá to – “Cá mè ăn nổi” và “Cá chép ăn chìm” thì ở tầng giữa có “Con tép lim dim – Trong chùm rễ cỏ”. Đây là cách nhân hoá có sức gợi đặc biệt: loài tép (tôm nhỏ) thường kiếm ăn quanh những chùm cỏ ngập nước, những cái râu, cái càng chạm nhẹ vào đám cỏ, tạo ra sóng nước lăn tăn, “lim dim” như con mắt. Con cua có cái mai đỏ và đôi càng to, sắc hay cặp lung tung, lại hay bò lên bờ nên được nhân hoá thành “áo đỏ” và “cắt cỏ trên bờ”. Con cá cờ đuôi dài, màu đỏ tía, bơi lượn khoẻ, được coi là “múa cờ”, tạo ra khí thế cho cả đám bạn. Như vậy, tầng trên tầng dưới, ven bờ, trên bờ, mỗi loài mỗi vẻ, đua nhau làm việc hay vui chơi.
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.