Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Mồ côi xử kiện

Cảm thụ văn học bài Mồ côi xử kiện - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mồ côi xử kiện là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mồ côi xử kiện

Mồ côi xử kiện

1. Ngày xưa, ở một vùng quê nọ, có chàng Mồ Côi được dân tin cậy giao cho việc xử kiện.

Một hôm, có người chủ quán đưa một bác nông dân đến công đường.

Chủ quán thưa:

– Bác này vào quán của tôi hít hết mùi thơm lợn quay, gà luộc, vịt rán mà không trả tiền. Nhờ Ngài xét cho.

2. Mồ Côi hỏi bác nông dân. Bác trả lời:

– Tôi chỉ vào quán ngồi nhờ để ăn miếng cơm nắm. Tôi không mua gì cả.

Mồ Côi bảo:

– Nhưng bác có hít hương thơm thức ăn trong quán không?

Bác nông dân đáp:

– Thưa có.

Mồ Côi nói:

– Thế thì bác phải bồi thường. Chủ quán muốn bồi thường bao nhiêu?

– Thưa Ngài, hai mươi đồng.

– Bác hãy đưa hai mươi đồng đây, tôi phân xử cho!

Nghe nói, bác nông dân giãy nảy:

– Tôi có đụng chạm gì đến thức ăn trong quán đâu mà phải trả tiền.

– Bác cứ đưa tiền đây.

3. Bác nông dân ấm ức:

– Nhưng tôi chỉ có hai đồng.

– Cũng được – Mồ Côi vừa nói vừa thản nhiên cầm lấy hai đồng bạc bỏ vào một cái bát, rồi úp một cái bát khác lên, đưa cho bác nông dân, nói:

– Bác hãy xóc lên cho đủ mười lần. Còn ông chủ quán, ông hãy chịu khó mà nghe.

Hai người tuy chưa hiểu gì nhưng cũng cứ làm theo, Khi đồng bạc trong bát úp đã kêu lạch cạch đến lần thứ mười, Mồ Côi phán:

– Bác này đã bồi thường cho chủ quán đủ số tiền. Một bên “hít mùi thịt”, một bên “nghe tiếng bạc”. Thế là công bằng.

Nói xong, Mồ Côi trả hai đồng bạc cho bác nông dân rồi tuyên bố kết thúc phiên xử.

Truyện cổ tích Nùng

Cách đọc

Đọc đúng các kiểu câu, chú ý phân biệt được lời dẫn truyện và lời nhân vật (chủ quán, bác nông dân, Mồ Côi). Giọng chủ quán vu vạ, thiếu thật thà. Giọng bác nông dân phân trần, thật thà, ngạc nhiên. Giọng Mồ Côi nhẹ nhàng, thản nhiên, khi nghiêm nghị, khi giấu nụ cười hóm hỉnh. Đọc bài với giọng đọc vừa phải, đọc chậm rãi. Biết ngắt nghỉ đúng chỗ, nhấn giọng ở những từ ngữ chỉ thái độ của các nhân vật.

Gợi ý cảm thụ

Mồ Côi xử kiện là truyện cổ thể hiện tài trí dân gian, nói lên ước mơ của nhân dân được sống trong một xã hội công bằng.

Trước hết, ta hãy nói về nhân vật chính trong truyện với cái tên rất đặc biệt: Mồ Côi. Mồ Côi là người bị mất cha, hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ khi còn bé. Chàng trai trong truyện bị mất cả cha lẫn mẹ nên được đặt tên là Mồ Côi. Tên này thành tên riêng của chàng nên được viết hoa. Theo lời dẫn truyện, chàng được dân làng tin cậy giao cho việc xử kiện. Còn tại sao chàng được tin cậy thì người kể chuyện không nói rõ. Đó là cách để lôi cuốn người đọc vào câu chuyện. Mồ Côi đã xử kiện như thế nào để được dân tin cậy giao cho việc quan trọng như vậy?

Nhân vật thứ hai là chủ quán. Chủ quán kiện bác nông dân về tội bác vào quán hít mùi thức ăn: mùi thơm của lợn quay, gà luộc, vịt rán mà không trả tiền.

Vụ án thật khó phân xử, phải xử sao cho công bằng, bảo vệ được bác nông dân bị oan, làm cho chủ quán bẽ mặt mà vẫn phải tâm phục, khẩu phục.

Lí lẽ của bác nông dân rất đơn giản: bác chỉ vào quán ngồi nhờ để ăn cơm nắm, và không mua gì. Bác nhận là bác có hít mùi thơm của thức ăn trong quán.

Mồ Côi đã xử như sau: Trước hết, bác nông dân phải bồi thường 20 đồng để quan toà phân xử. Bác nông dân giãy nảy lên vì bác không hề đụng chạm vào thức ăn, sao lại phải trả tiền. Mâu thuẫn trở nên căng thẳng hơn. Mồ Côi yêu cầu bác nông dân xóc 2 đồng bạc đủ 10 lần để đủ số tiền 20 đồng. Cuối cùng, chàng tuyên bố: Bác này đã bồi thường cho chủ quán đủ số tiền. Một bên “hít mùi thịt”, một hên “nghe tiếng bạc”. Thế là công bằng.

Mồ Côi xử trí thật tài tình, công bằng đến bất ngờ làm cho chủ quán tham lam không thể cãi vào đâu được và bác nông dân chắc là rất sung sướng, thở phào nhẹ nhõm. Lời phán của chàng dõng dạc, rõ ràng và giấu một nụ cười hóm hỉnh. Cách lập lí của chàng thực sự thông minh, nhanh trí khiến tên chủ quán đành chịu thua. Truyện kết thúc có hậu mang lại tiếng cười sảng khoái và niềm hân hoan vui sướng của tất cả mọi người. Bác nông dân vô tội chiến thắng, kẻ tham lam bị vạch mặt, thật đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Bác nông dân thật thà được thấy chàng Mồ Côi phán xử hay như thế nào. Tình huống của câu chuyện này có thể xác nhận một châm ngôn sống: “Thật thà là cha quỷ quái”.

Các em có thể đặt một số nhan đề khác cho truyện như: “Vị quan toà thông minh”, “Phiên xử thú vị”, “Bẽ mặt kẻ tham lam”, “Ăn “hơi” trả tiếng”,…

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
12
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm