Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Tiếng ru

Cảm thụ văn học bài Tiếng ru - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Tiếng ru là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài thơ. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Tiếng ru

Tiếng ru

(Trích)

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao, chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.

Một người – đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp, núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

(Tố Hữu)

Cách đọc

Đọc chậm rãi, giọng đọc tình cảm, nhẹ nhàng, tha thiết. Chú ý ngắt nghỉ hơi giữa các dòng thơ. Chú ý sử dụng ngữ điệu phù hợp cho các câu cảm thán, câu hỏi, câu khẳng định, câu phủ định.

Gợi ý cảm thụ

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bằng những câu lục bát có nhạc điệu hài hoà, êm dịu, bằng giọng thơ tâm tình ngọt ngào thương mến, bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu đã góp phần làm sáng lên truyền thống đạo lí đó của dân tộc.

Khổ 1: Con người phải biết yêu thương nhau

Bài thơ chia thành 3 khổ nhưng chủ đề của bài nằm ngay trong câu thơ ở khổ 1:

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Hai câu thơ đầu, nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng biện pháp lặp cấu trúc câu, liệt kê, sử dụng chính xác các dấu câu nhằm mục đích cơ bản: chỉ ra mối quan hệ có tính chất ràng buộc, mối quan hệ điều kiện, kết quả. Con ong yêu hoa vì hoa có mật ngọt giúp ong làm mật. Con cá yêu nước vì có nước cá mới bơi lội được, mới sống được, không có nước cá sẽ chết. Con chim yêu trời vì có bầu trời cao rộng, chim mới thả sức tung cánh, hót ca, bay lượn.

Tố Hữu đã sử dụng cách nói của ca dao, dùng ngoại vật để gợi cảm hứng, để rồi rút ra một quy luật của sự sống. Con ong yêu hoa, con cá yêu nước, con chim yêu bầu trời, và con người phải biết đoàn kết, yêu thương nhau. Quy luật của cuộc sống con người cũng giống như quy luật của thiên nhiên, vì con người cũng là một phần của thế giới tự nhiên.

Hai câu thơ cuối khổ với nhịp thơ chẵn 4/2, 4/4 để nhấn mạnh tiếng gọi tha thiết, trìu mến “con ơi” như lời ru của mẹ dành cho con. Từ “phải” như một sự khẳng định, bắt buộc; như một quy luật, phải xảy ra như thế, như mặt trời hằng ngày vẫn mọc. Từ “yêu” được lặp lại hai lần trong câu thơ có sử dụng lối tiểu đối (đối trong một câu) để nhấn mạnh một điều kiện tất yếu trong cuộc sống là con người phải biết yêu thương mọi người, vì theo tinh thần quốc tế vô sản thì “bốn phương đều là anh em”, đều là “anh em”, “đồng chí”. Kết cấu câu “Muốn… phải” với lối thơ vắt dòng đã đưa ra một điều kiện chí lí, chí tình. Quy luật của vạn vật trong vũ trụ chính là: “chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh”. Muốn sống tốt, sống hữu ích, sống đẹp thì điều kiện cao nhất và có thể nói là duy nhất là tình yêu thương con người như một câu hát quen thuộc: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”.

Khổ 2, 3: Mỗi người cần phải có tình thần đoàn kết, mình vì mọi người

Vẫn theo kiểu kết cấu ở khổ 1, khổ 2 cũng đưa ra một quy luật: một ngôi sao không thể làm sáng bầu trời đêm, một thân lúa chín không làm nên mùa lúa chín và một người không thể là cả thế giới loài người, sống một mình giống như một đốm lửa đang tàn lụi. Nhiều người mới làm nên nhân loại, sống cô đơn một mình, con người giống một đốm lửa nhỏ không toả sáng, cháy lan ra được, con người sẽ tàn.

Ở khổ 1, tác giả tạo ra một sự so sánh: con ong, con cá bơi với con người. Sang khổ 2, lại có sự so sánh đối chiếu giữa một ngôi sao, một thân lúa chín và một người, một đốm lửa tàn. Điệp từ “một” được lặp lại bốn lần để khẳng định rằng một cá nhân không thể tạo nên sức mạnh. Đây là cách nói mang âm hưởng của ca dao:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Câu thơ lục bát trong khổ thơ được ngắt nhịp rất linh hoạt và sinh động: 3/3, 4/4/, 2/4, 2/4/2. Sự phối hợp của ba kiểu câu: câu kể, câu hỏi, câu cảm thán đã góp phần tạo nên thứ nhạc điệu du dương, trầm bổng, hài hoà, tinh tế, nhuần nhị.

Núi không chê đất thấp vì núi nhờ có đất bồi mà cao. Biển không chê sông nhỏ vì biển nhờ có nước của muôn dòng sông mà đầy. Câu thơ còn nhắc tới một triết lí sống của dân tộc Việt Nam: uống nước phải biết nhớ nguồn, thành công hay sự trưởng thành của một người không phải tự nhiên mà có, đó phải là do sự phấn đấu lâu dài, bền bỉ, do sự nâng đỡ, dìu dắt của những người khác, những người xung quanh ta, những người thân yêu, ruột thịt.

Nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven từng nói: “Tuổi thọ đời người tính bằng thời gian, giá trị đời người tính bằng sự cống hiến”. Mỗi con người sống trong cuộc đời hãy sống có ích, mình vì mọi người để cuộc đời mãi tươi đẹp, tràn ngập tình yêu thương, bởi vì:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người, sống để yêu nhau.

(Tố Hữu)

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm