Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Đất quý, đất yêu
Cảm thụ văn học bài Đất quý, đất yêu - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Đất quý, đất yêu là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Đất quý, đất yêu
Đất quý, đất yêu
1. Ngày xưa, có hai người khách du lịch đến nước Ê-ti-ô-pi-a. Họ đi khắp đất nước thăm đường sá, núi đồi, sông ngòi. Vua nước Ê-ti-ồ-pi-a mời họ vào cung điện, mở tiệc chiêu đãi và tặng họ nhiều vật quý.
Sau đó, vua sai một viên quan đưa khách xuống tàu.
2. Lúc hai người khách định bước xuống tàu, viên quan bảo khách dừng lại, cởi giày ra. Ông sai người cạo sạch đất ở đế giày của khách rồi mới để họ xuống tàu trở về nước. Hai người khách rất ngạc nhiên, hỏi:
– Tại sao các ông lại phải làm như vậy?
Viên quan trả lời:
– Đây là mảnh đất yêu quý của chúng tôi. Chúng tôi sinh ra ở đây, chết cũng ở đây. Trên mảnh đất này, chúng tôi trồng trọt, chăn nuôi. Đất Ê-ti-ô-pi-a là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt của chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp các ông như những khách quý. Nhà vua đã tặng các ông nhiều sản vật hiếm. Song đất Ê-ti-ô-pi-a đối với chúng tôi là thiêng liêng, cao quý nhất. Chúng tôi không thể để các ông mang đi, dù chỉ là một hạt cát nhỏ.
3. Nghe những lời nói chân tình của viên quan, hai người khách càng thêm khâm phục tấm lòng yêu quý mảnh đất quê hương của người Ê-ti-ô-pi-a.
Truyện dân gian Ê-ti-ô-pi-a
(Mai Hà dịch)
Cách đọc
Đọc với giọng kể, nhấn giọng ở câu hỏi của hai vị khách (thể hiện sự ngạc nhiên); đọc giọng thể hiện sự cởi mở, chân tình, tự hào của viên quan (ở đoạn 2); phân biệt lời dẫn chuyện và lời nhân vật (hai vị khách, viên quan).
Gợi ý cảm thụ
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết về mảnh đất thiêng liêng của quê hương, đất nước Việt Nam như sau:
[…] Đất là nơi anh đến trường
[…] Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
[…] Đất Nước là máu xương của mình
[…] Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Năm 1941, tại Cao Bằng sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bác xúc động hôn lên nắm đất quê hương. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về sự kiện này:
Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai.
Đối với người dân của bất cứ dân tộc nào, đất đai Tổ quốc là thứ thiêng liêng, cao quý nhất. Bởi lẽ ở đó cha ông họ từ ngàn đời đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, kể cả máu xương để mở mang, bảo vệ, giữ gìn. Ở đó, khi họ sống, mảnh đất màu mỡ nuôi sống họ; khi họ chết, đất mẹ lại mở lòng đón họ. Người dân Ê-ti-ô-pi-a cũng vậy. Câu chuyện Đất quý, đất yêu ở trên đã minh chứng cho điều đó. Điều thú vị là nói về tấm lòng yêu quý đất đai Tổ quốc nhưng ở đây tình yêu ấy đã được cụ thể hoá thành một câu chuyện với nhiều chi tiết hấp dẫn. Trong câu chuyện, những chi tiết gây ấn tượng sâu đậm nhất và cũng thú vị nhất đối với người đọc được thể hiện qua hành vi và lời nói của nhân vật “viên quan” tiễn khách xuống tàu. Cụ thể, viên quan “sai người cạo sạch đất ở đế giày của khách rồi mới để họ xuống tàu trở về nước”. Viên quan còn nói với khách những lời chân tình: “Chúng tôi không thể để các ông mang đi, dù chỉ là một hạt cát nhỏ”. Có thể nói, yêu quý đất đai Tổ quốc là lẽ thường, nhưng yêu quý đến mức độ như người dân Ê-ti-ô-pi-a được nói tới trong câu chuyện thì cũng là một sự lạ. Đó là một tập quán có thể nói là kì lạ nhưng qua đó cho ta thấy tình yẽu thắm thiết, sâu nặng biết nhường nào của người dân nơi đây đối với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mình. Những tình cảm cao quý đó của họ thật đáng được trân trọng.
Để khẳng định, khắc hoạ, tô đậm ý đất đai Tổ quốc là thiêng liêng, cao quý và bất khả xâm phạm, tác giả dân gian trong câu chuyện này còn sử dụng thủ pháp so sánh đối lập, thể hiện qua lời nói của viên quan tiễn khách xuống tàu. Viên quan nhấn mạnh: “Nhà vua đã tặng các ông nhiều sản vật hiếm” (thể hiện sự hào phóng, hiếu khách). “Song đất Ê-ti-ô-pi-a đối với chúng tôi là thiêng liêng, cao quý nhất. Chúng tôi không thể để các ông mang đi, dù chỉ là một hạt cát” (thể hiện sự chặt chẽ, cứng rắn). Người dân nơi đây khẳng định không gì quý bằng đất đai Tổ quốc, kể cả vàng bạc châu báu và các sản vật quý hiếm. Không chỉ có nhân vật “hai người khách” mà hết thảy độc giả đọc đến đây đều cảm phục, ngưỡng mộ tấm lòng, tình cảm mà người dân nơi đây dành cho quê hương, đất nước của họ.
Câu chuyện dân gian mộc mạc nhưng để lại cho ta bao suy nghĩ về tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của mỗi người dân đối với mảnh đất quê hương thiêng liêng và cao quý của mình.
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.