Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Cậu bé thông minh

Cảm thụ văn học bài Cậu bé thông minh - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Cậu bé thông minh là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của cốt truyện. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh sao cho hay hơn.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Cậu bé thông minh

1. Ngày xưa, có một ông vua muốn tìm người tài ra giúp nước. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng, nếu không có thì cả làng phải chịu tội.

Được lệnh vua, cả vùng lo sợ. Chỉ có một cậu bé bình tĩnh thưa với cha:

- Cha đưa con lên kinh đô gặp Đức Vua, con sẽ lo được việc này.

Người cha lấy làm lạ, nói với làng. Làng không biết làm thế nào, đành cấp tiền cho hai cha con lên đường.

2. Đến trước cung vua, cậu bé kêu khóc om sòm. Vua cho gọi vào, hỏi:

– Cậu bé kia, sao dám đến đây làm ầm ĩ?

– Muôn tâu Đức Vua – cậu bé đáp – bố con mới đẻ em bé, bắt con đi xin sữa cho em. Con không xin được, liền bị đuổi đi.

Vua quát:

– Thằng bé này láo, dám đùa với trẫm! Bố ngươi là đàn ông thì đẻ sao được!

Cậu bé bèn đáp:

– Muôn tâu, vậy sao Đức Vua lại ra lệnh cho làng con phải nộp gà trống biết đẻ trứng ạ?

Vua bật cười, thầm khen cậu bé, nhưng vẫn muốn thử tài cậu lần nữa.

3. Hôm sau, nhà vua cho người đem đến một con chim sẻ nhỏ, bảo cậu bé làm ba mâm cỗ. Cậu bé đưa cho sứ giả một chiếc kim khâu, nói:

– Xin ông về tâu Đức Vua rèn cho tôi chiếc kim này thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Vua biết là đã tìm được người giỏi, bèn trọng thưởng cho cậu bé và gửi cậu vào trường học để luyện thành tài.

Cách đọc

Đọc với giọng kể chuyện, nhẹ nhàng, chậm rãi. Giọng người dẫn chuyện thể hiện được sự lo lắng trước yêu cầu oái oăm của nhà vua; khoan thai, thoải mái sau mỗi lần cậu bé tài trí vượt qua được thử thách của nhà vua. Giọng cậu bé lễ phép, bình tĩnh, tự tin. Giọng nhà vua oai nghiêm, có lúc tỏ ra bực tức, quát tháo.

Gợi ý cảm thụ

Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống nạn ngoại xâm, chống thiên tai lũ lụt. Vì thế, các triều đại phong kiến, các đời vua luôn phải mở các cuộc thi tài, kén rể, tìm người hiền tài ra giúp nước. Có thể kể đến các truyện cổ dân gian Thánh Giống, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Thạch Sanh,… Nhưng chỉ có một truyện cổ tích mà trong đó người hiền tài nhà vua tìm được lại là một cậu bé, con của một người nông dân. Đó là truyện Cậu bé thông minh. Không có ông bụt, bà tiên, không có phép màu kì diệu, không có những nhân vật cổ tích chết đi sống lại nhưng truyện vẫn hấp dẫn, đầy sức sống trong lòng nhân dân qua nhiều thế hệ, đặc biệt với lứa tuổi nhỏ.

Đoạn đầu truyện giới thiệu chú bé thông minh qua tình huống truyện là nhà vua nghĩ ra một cách để tìm người tài trong thiên hạ: “lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ phải nộp một con gà trống biết đẻ trứng”. Trong những truyện cổ tích về những người tài trí, thông minh, tình huống nói trên là một thử thách để nhân vật bộc lộ tài năng, phẩm chất, sự thông minh của mình.

Em bé trong truyện đã vượt qua hai lần thử thách. Lần một, lên kinh đô, cậu bé kêu khóc om sòm ở trước cung vua để khi được gặp vua, cậu kể một câu chuyện khiến vua cho là vô lí (chuyện bố đẻ em bé), từ đó làm ngài phải thừa nhận: lệnh của ngài cũng vô lí (gà trống không thể đẻ trứng). Lần sau, cậu yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim. Cậu yêu cầu một việc không ai có thể làm nổi để khỏi phải thực hiện lệnh của vua. Có thể gọi là một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa thể hiện trí thông minh, tài đối đáp vừa không cãi lệnh và cũng không cần phải thi hành lệnh vua ban.

Cách giải đố của cậu bé rất lí thú ở chỗ, cậu làm cho người ra câu đố tự thấy điều phi lí mà mình đã nêu. Sự thông minh của cậu bé không phải do được học ở một trường lớp nào, đó là nhờ kinh nghiệm sống, do trí tuệ dân gian. Câu đố hóc búa và phi lí của vua ra không thể phản bác quyết liệt, vì nhà vua là người trị vì đất nước, không thể phạm thượng. Lời giải đố và cách trình bày của cậu bé thật giản dị mà bất ngờ, làm cho nhà vua ngạc nhiên, thích thú “bật cười, thầm khen cậu bé”.

Từ đầu đến cuối truyện, cậu bé luôn lễ phép với người lớn (cha, nhà vua, sứ giả), đồng thời nói năng rành mạch, bình tĩnh, dứt khoát. Cách xưng hô rất chừng mực, phải phép, thưa gửi có thứ bậc: với người cha, cậu gọi cha xưng con; với nhà vua, thưa: muôn tâu Đức Vua, xưng con; với sứ giả gọi ông xưng tôi. Nhờ tài ứng đối thông minh của mình, chú bé đã giúp dân làng thoát nạn, chú còn được nhà vua ban thưởng. Và phần thưởng quý giá nhất, hậu hĩnh nhất là cậu được gửi vào trường học để luyện thành tài.

Đây là kiểu truyện cổ tích về nhân vật thông minh. Truyện đề cao sự mưu trí, thông minh của em bé, con trai người nông dân đồng thời tạo nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.

Đã là truyện cổ tích, dĩ nhiên, chỉ là hư cấu tưởng tượng, song qua đó, mỗi chúng ta cũng đều rút ra được những điều bổ ích lí thú cho bản thân mình.

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 827
Sắp xếp theo

Tiếng Việt lớp 3 Chân trời

Xem thêm