Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Cô giáo tí hon

Cảm thụ văn học bài Cô giáo tí hon - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Cô giáo tí hon là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của cốt truyện. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Cô giáo tí hon

Cô giáo tí hon

Bé kẹp lại tóc, thả ống quần xuống, lấy cái nón của má đội lên đầu. Nó cố bắt chước dáng đi khoan thai của cô giáo khi cô bước vào lớp. Mấy đứa nhỏ làm y hệt đám học trò, đứng cả dậy, khúc khích cười chào cô.

Bé treo nón, mặt tỉnh khô, bẻ một nhánh trâm bầu làm thước. Mấy đứa em chống hai tay ngồi nhìn chị. Làm như cô giáo, Bé đưa mắt nhìn đám học trò, tay cầm nhánh trâm bầu nhịp nhịp trên tấm bảng. Nó đánh vần từng tiếng. Đàn em ríu rít đánh vần theo. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai đứa lớn. Cái Anh hai má núng nính, ngồi gọn tròn như củ khoai, bao giờ cũng giành phần đọc xong trước. Cái Thanh ngồi cao hơn hai em một đầu. Nó mở to đôi mắt dịu hiền nhìn tấm bảng, vừa đọc vừa mân mê mớ tóc mai.

Cách đọc

Đọc bài với giọng vui thong thả, nhẹ nhàng. Chú ý ngắt nghỉ đúng chỗ, theo dấu câu và theo lô gích ý nghĩa, nhấn giọng ở các từ khoan thai, khúc khích, tỉnh khô, rối rít, núng nính, hiền dịu, mân mê.

Gợi ý cảm thụ

Bé là con chị Nguyễn Thị út, anh hùng quân đội, quê ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Bài Cô giáo tí hon trích trong Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi – kể chuyện về Bé. Chữ Bé được viết hoa, là tên gọi thể hiện tình cảm yêu thương của bố mẹ dành cho con. Mặc dù còn ít tuổi, Bé đã chăm sóc các em nhỏ để mẹ đi chiến đấu.

Đoạn văn đã dựng lại trò chơi đóng vai rất thú vị của trẻ con. Bạn Bé trong bài văn Cô giáo tí hon đã đóng vai cô giáo trong một hoàn cảnh đặc biệt : ba má bạn ấy đang tham gia chiến đấu. Bé ở nhà một mình trông em, cùng các em bày trò chơi lớp học.

Đoạn đầu, tác giả đã miêu tả “cô giáo” Bé trông rất chững chạc; Để ra vẻ người lớn, giống cô giáo, Bé “kẹp lại tóc, thả ống quần xuống, lấy cái nón của má đội lên đầu”. Qua cách gọi “má”, có thể thấy bối cảnh của câu chuyện là ở miền Nam. Trò chơi lớp học giống như vở kịch có phân vai: Bé làm cô giáo, các em của Bé đóng vai học trò. Mọi cử chỉ, động tác, Bé đều cố gắng “bắt chước cô giáo”, “làm như cô giáo”: đi vào lớp, dáng đi khoan thai, treo nón, mặt tỉnh khô, đưa mắt nhìn đám học trò; bắt chước cô giáo dạy học, bẻ nhánh trâm bầu làm thước, nhịp nhịp cái thước, đánh vần từng tiếng.

Đám học trò thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các em của Bé làm y hệt các học trò thật: đứng dậy, khúc khích cười chào cô, ríu rít đánh vần theo cô. Mỗi người một vẻ: thằng Hiển ngọng líu, cái Anh hai má núng nính, ngồi gọn tròn như củ khoai, bao giờ cũng giành phần đọc xong trước; cái Thanh mở to đôi mắt dịu hiền nhìn bảng, vừa đọc vừa mân mê mớ tóc mai. Tất cả các chi tiết đều có lựa chọn, rất hợp lí, tự nhiên, các câu văn vừa kể xen lẫn tả rất sống động, hấp dẫn. Ngoài một số từ tượng thanh như khúc khích, ríu rít, ngọng líu để miêu tả tiếng nói, tiếng cười của trẻ thơ, đoạn văn chủ yếu dùng các từ ngữ tượng hình để miêu tả cử chỉ, hành động của Bé khi đóng vai cô giáo. Làm như cô giáo là đầu tóc phải gọn gàng, cặp tóc sau gáy, dáng đi phải khoan thai, cử chỉ thong thả, ánh mắt nhìn học trò phải điềm tĩnh, âu yếm và nghiêm nghị. Điều đó cho thấy, trong ấn tượng của các em, lời nói, việc làm, hành động của cô giáo luôn là chuẩn mực cho mọi lời nói, hành động. Các em say sưa, vui thích nhìn “cô giáo” chị, và trong những đôi mắt thơ ngây ấy phải chăng cũng ẩn chứa những ước ao mai sau lớn lên được là cô giáo?

Bài văn tả trò chơi lớp học ngộ nghĩnh của mấy chị em, qua đó người đọc cũng cảm nhận được những nét tính cách hồn nhiên, đáng yêu, ngộ nghĩnh và đặc biệt là sự đảm đang, ngoan ngoãn của Bé khi cha mẹ vắng nhà. Bé mới mười tuổi nhưng đã là một người con ngoan của cha mẹ, một người chị lớn biết dạy bảo các em, trông nom các em thật chu đáo. Tác giả kể chuyện theo lối tường thuật khách quan, am hiểu tâm lí của trẻ thơ. Qua lời kể, chúng ta cũng thấy được cái nhìn nhân hậu của nhà văn dành cho trẻ em.

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 112
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm