Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Chõ bánh khúc của dì tôi
Cảm thụ văn học bài Chõ bánh khúc của dì tôi - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Chõ bánh khúc của dì tôi là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Chõ bánh khúc của dì tôi
Chõ bánh khúc của dì tôi
Dì tôi cắp một chiếc rổ lớn, dắt tay tôi đi hái rau khúc.
Cây rau khúc rất nhỏ, chỉ bằng một mầm cỏ non mới nhú. Lá rau như mạ bạc, trông như được phủ một lượt tuyết cực mỏng. Những hạt sương sớm đọng trên lá long lanh như những bóng đèn pha lê. Hai dì cháu tôi hái đầy rổ mới về.
…Ngủ một giấc dậy, tôi đã thấy dì mang chõ bánh lên. Vung vừa mở ra, hơi nóng bốc nghi ngút. Những cái bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được đặt vào những miếng lá chuối hơ qua lửa thật mềm, trông đẹp như những bông hoa. Nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu, cắn một miếng bánh thì như thấy cả hương đồng, cỏ nội gói vào trong đó.
Bao năm rồi, tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy, hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
Theo Ngô Văn Phú
Cách đọc
Đọc đúng giọng văn miêu tả (xen với kể), nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Đọc giọng hồn nhiên, vui vẻ, phù hợp với giọng điệu của một bạn nhỏ.
Gợi ý cảm thụ
Nếu em nào sinh trưởng ở các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thì hẳn không xa lạ với cây rau khúc và chiếc bánh khúc mộc mạc, dân dã nhưng có hương vị khó quên. Bài văn Chõ bánh khúc của dì tôi của nhà văn Ngô Văn Phú đã miêu tả một cách tự nhiên, khéo léo và tinh tế hình ảnh cây rau khúc, chiếc bánh khúc; đã diễn tả cũng khéo léo và tinh tế tình yêu quê hương gắn với những kỉ niệm thời thơ ấu của chính tác giả.
Trước hết, hình ảnh cây rau khúc nhỏ nhoi, khiêm nhường, mọc trên các luống khoai lang hoặc ở đồng bãi của các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ được tác giả miêu tả rất khéo, rất sinh động. Điểm nổi bật trong đoạn văn miêu tả cây rau khúc là tác giả đã sử dụng thủ pháp so sánh khá nhiều. Vì vậy, đoạn văn giàu hình ảnh và người đọc dễ hình dung sự vật mà nhà văn muốn diễn tả. Để diễn tả “cây rau khúc rất nhỏ”, tác giả ví: “chỉ bằng một mầm cỏ non mới nhú”. Rồi “lá rau như mạ bạc, trông như được phủ một lớp tuyết thật mỏng”. Còn “những hạt sương sớm đọng trên lá” thì “long lanh như những bóng đèn pha lê”… Mật độ dày của những hình ảnh so sánh nêu trên đã gây được ở người đọc một ấn tượng đẹp về hình ảnh của những cây rau khúc nhỏ bé, dễ thương; hình ảnh của bờ bãi, đồng quê trên quê hương yêu dấu.
Tiếp đến là hình ảnh của những chiếc bánh khúc được tác giả nhớ lại, vẽ nên một cách cụ thể và sinh động. Đó là “những cái bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được đặt vào những miếng lá chuối hơ qua lửa thật mềm, trông đẹp như những bông hoa”. Trong câu văn trên, “áo xôi nếp trắng” là một hình ảnh ẩn dụ. Những hạt xôi nếp bọc quanh chiếc bánh được coi như một lớp áo ngoài của bánh. Lớp áo đó điểm tô cho chiếc bánh và làm tăng sự hấp dẫn của thứ sản phẩm đồng quê này. Cạnh đó là một hình ảnh so sánh: “những cái bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng… trông đẹp như những bông hoa” ; bông hoa có màu xanh rêu của thân bánh, màu trắng điểm xuyết của những hạt xôi, vừa đẹp vừa ngon mắt. Nhưng thú vị nhất là khi được trực tiếp thưởng thức món quà quê này: “Cắn một miếng bánh thì như thấy cả hương đồng, cỏ nội gói vào trong đó”. Quả là như vậy, bánh khúc được coi là một thức quà của đồng nội và hương vị đó là hương vị đồng quê Việt Nam. Điều đó giải thích được vì sao sau bao nhiêu năm tháng của cuộc đời, tác giả vẫn không quên được hương vị của chiếc bánh khúc quê hương. Và tình yêu, nỗi nhớ đối với quê hương cũng thường bắt đầu, khởi nguồn từ tình yêu, nỗi nhớ đối với những sự vật rất đỗi bình thường như vậy.
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.