Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Hũ bạc của người cha
Cảm thụ văn học bài Hũ bạc của người cha - Tiếng Việt lớp 3
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Hũ bạc của người cha là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ Việt Bắc
Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Một trường tiểu học vùng cao
Cảm thụ văn học lớp 3 bài Hũ bạc của người cha
Hũ bạc của người cha
1. Ngày xưa, có một nông dân người Chăm rất siêng năng. Về già, ông để dành được một hũ bạc. Tuy vậy, ông rất buồn vì cậu con trai lười biếng.
Một hôm, ông bảo con:
– Cha muốn trước khi nhắm mắt thấy con kiếm nổi bát cơm. Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
2. Bà mẹ sợ con vất vả, liền dúi cho một ít tiền. Anh này cầm tiền đi chơi mấy hôm, khi chỉ còn vài đồng mới trở về đưa cho cha. Người cha vút ngay nắm tiền xuống ao. Thấy con vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng:
- Đây không phải tiền con làm ra.
3. Người con lại ra đi. Bà mẹ chỉ dám cho ít tiền ăn đường. Ăn hết tiền, anh ta đành tìm vào một làng xin xay thóc thuê. Xay một thúng thóc được trả công hai bát gạo, anh chỉ dám ăn một bát. Suốt ba tháng, dành dụm được chín mươi bát gạo, anh bán lấy tiền.
4. Hôm đó, ông lão đang ngồi sưởi lửa thì con đem tiền về. Ông liền ném luôn mấy đồng vào bếp lửa. Người con vội thọc tay vào lửa lấy ra. Ông lão cười chảy nước mắt:
– Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền.
5. Ông đào hũ bạc lên, đưa cho con và bảo:
– Nếu con lười biếng, dù cha cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là hai bàn tay con.
Truyện cổ tích Chăm
Cách đọc
Đọc đúng các kiểu câu, chú ý phân biệt được lời dẫn truyện và lời nhân vật (ông lão). Giọng ông lão: khuyên bảo (khi đưa tiền cho con ra đi tập kiếm lấy cơm ăn); nghiêm khắc (khi vứt nắm tiền xuống ao); cảm động (khi thấy con đã biết quý đồng tiền làm nên nhờ lao động); ân cần, trang trọng trong lời nói với con ở cuối truyện khi trao hũ bạc cho con.
Giọng người kể phù hợp với sự phát triển của tình tiết truyện. Biết ngắt nghỉ đúng chỗ, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả: siêng năng, lười biếng, nghiêm giọng, làm lụng, vất vả, thản nhiên, hũ bạc,…
Gợi ý cảm thụ
Cốt truyện xoay quanh mong muốn của một ông lão nông dân người Chăm: “trước khi nhắm mắt thấy con kiếm nổi bát cơm”. Một người cha chăm chỉ lao động có một người con trai lười biếng, đó là điều mà người cha trăn trở suốt cuộc đời. Ông muốn con trở thành người siêng năng chăm chỉ, tự làm, tự nuôi sống mình, không phải nhờ vào bố mẹ.
Lần thứ nhất, người con trai ra khỏi nhà theo ý nguyện của người cha. Người mẹ nào cũng thương con. Bà mẹ ở đây cũng rất thương con, không muốn con vất vả, cho con tiền. Điều đó không phải là tốt, vì anh con trai vẫn không chịu lao động, chỉ biết đi chơi, tiêu gần hết tiền rồi về nhà. Khi người cha vứt những đồng tiền còn lại xuống ao, người con vẫn thản nhiên. Thái độ này chứng tỏ người con chưa hiểu ra điều mà người cha muốn dạy bảo, vẫn tiếp tục lầm đường lạc lối, tiêu tiền không cần biết đồng tiền ấy là do công lao khó nhọc của bố mẹ.
Lần thứ hai, bà mẹ “chỉ dám cho con ít tiền ăn đường”. Miệng ăn núi lở, chỉ vài ngày là hết tiền, anh ta đành phải nghĩ đến làm việc. Công việc của anh là lao động chân tay “xay thóc thuê, xay một thúng thóc được trả công hai bát gạo”. Suy nghĩ của anh đã thay đổi, anh biết tiết kiệm, dành dụm được chín mươi bát gạo, bán lấy tiền. Đó là những đồng tiền quý giá lần đầu tiên trong đời anh đã kiếm được. Vấn đề lần này lại ở chỗ, khi người cha ném tiền vào bếp lửa, anh vội thọc tay vào lửa để lấy ra. Nếu lần trước, anh thản nhiên nhìn cha ném tiền xuống ao, thì lần này anh bất chấp sự bỏng rát của lửa để giữ lại những đồng tiền quý giá mà suốt ba tháng trời anh mới dành dụm được. Tình huống bất ngờ này là đỉnh điểm của cốt truyện, chi tiết anh thọc tay vào lửa là điểm mở nút. Phải đến khi người cha cười chảy nước mắt nói với con rằng: “Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền”, ý nghĩa triết lí của câu chuyện mới được hé lộ.
Truyện có tên là Hũ bạc của người cha nhưng hình ảnh cái hũ bạc chỉ xuất hiện ở phần đầu và phần kết truyện. Truyện kết thúc có hậu, chàng trai vừa hiểu ra giá trị của lao động, vừa được cha trao lại cho một tài sản quý giá mà cha mẹ cả đời làm lụng tích cóp, chỉ mong đến khi nào người con đủ khôn lớn, trưởng thành, biết quý trọng đồng tiền để trao cho con.
Truyện hấp dẫn người đọc vì tình huống truyện bất ngờ, cốt truyện và lời kể giản dị, kết thúc có hậu, ý nghĩa sâu sắc. Sức nặng của truyện nằm ở lời của người cha ở câu kết: “Nếu con lười biếng, dù cha cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là hai bàn tay con”.
Cách nghĩ của người Chăm cũng là chân lí của cuộc đời mà ai cũng phải công nhận. Truyện đem đến cho chúng ta một bài học về cuộc sống: phải biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền có được do bàn tay lao động của con người. Người xưa thường nói: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ đem phần đến cho” và:
Nên thợ, nên thầy vì có học
No ăn, no mặc bởi hay làm
(Nguyễn Trãi)
Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3 và Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.