Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận vấn đề lòng tự trọng

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận vấn đề lòng tự trọng dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý chi tiết nghị luận về lòng tự trọng

Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: lòng tự trọng.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lòng tự trọng: là việc mỗi người nhận thức đúng đắn về giá trị của bản thân, biết phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình để phát triển được tốt hơn. Bên cạnh đó, lòng tự trọng còn là việc chúng ta tôn trọng nhân phẩm, giá trị con người của người khác.

→ Lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần có để sống tốt hơn.

b. Phân tích

Lòng tự trọng là một phẩm chất vô cùng quan trọng góp phần tạo nên giá trị của con người; khích lệ con người hướng tới những điều tốt đẹp và nâng cao giá trọ phẩm chất, con người của mình.

Lòng tự trọng là phẩm chất đáng quý cần được đề cao trong xã hội và cần được xây dựng trong mỗi con người. Mỗi người cần biết rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân để bồi dưỡng lòng tự trọng và phấn đấu học tập để vươn đến thành công.

Người có lòng tự trọng luôn cố gắng sống đúng theo chuẩn mực đạo đức xã hội, có suy nghĩ, hành vi, lời nói đẹp đẽ để không làm tổn tương người khác cũng như để bản thân mình được tôn trọng.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống có lòng tự trọng, nâng cao giá trị bản thân, cống hiến được những điều tốt đẹp để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người có biểu hiện thiếu tự trọng làm cho con người mất đi những giá trị đạo đức khác, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt trong đời sống xã hội và dẫn đến những hành vi sai lầm… Những người này cần xem xét và thay đổi bản thân mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lòng tự trọng; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tự trọng mẫu 2

1. Mở bài

– Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội. Mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người. Giá trị của con người được thể hiện qua lòng tự trọng.

2. Thân bài

a) Giải thích

– “Lòng tự trọng”: Là ý thức và tình cảm của cá nhân tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của chính mình. Một cá nhân, tập thể, hay một dân tộc đều có lòng tự trọng của riêng mình.

b) Bàn luận vấn đề

(1) Biểu hiện lòng tự trọng:

– Người có lòng tự trọng sẽ biết kiềm chế những nhu cầu và ham muốn thấp kém, những phản ứng có tính chất bản năng.

– Người có lòng tự trọng luôn cố gắng sống đúng theo chuẩn mực đạo đức xã hội: Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; quyết không làm những việc xấu, chỉ hưởng những gì mình xứng đáng được hưởng; sống trung thực; biết tôn trọng pháp luật…

– Người có lòng tự trọng có suy nghĩ, hành vi lời nói đẹp đẽ.

– Một tập thể, một dân tộc có lòng tự trọng luôn cố gắng vươn lên để khẳng định giá trị của mình.

(2) Vai trò của lòng tự trọng:

– Lòng tự trọng là một phẩm chất vô cùng quan trọng góp phần tạo nên giá trị của con người; khích lệ con người vươn tới những điều tốt đẹp, có khả năng khơi dậy những khả năng kì diệu của con người. Người có lòng tự trọng sẽ được mọi người xung quanh quý trọng và từ đó lòng tự trọng cá nhân càng được củng cố.

– Nhiều người có lòng tự trọng sẽ tạo nên một xã hội phát triển lành mạnh và toàn diện.

(3) Mở rộng, phản đề

– Trong cuộc sống, bên cạnh những người giàu lòng tự trọng còn có nhiều người có biểu hiện thiếu tự trọng: Nói tục chửi bậy, không trung thực trong thi cử, không tôn trọng pháp luật… Sự thiếu tự trọng làm cho con người mất đi những giá trị đạo đức khác, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Nếu hiểu sai con người sẽ rơi vào sự tự kiêu, tự ái dẫn đến những hành vi sai lầm.

c) Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức: lòng tự trọng là phẩm chất đáng quý cần được đề cao trong xã hội và cần được xây dựng trong mỗi con người.

– Bài học hành động:

+ Cần biết rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân để bồi dưỡng lòng tự trọng và gạt bỏ tính tự ái.

+ Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác.

+ Phấn đấu học tập để vươn đến thành công nhưng không được quên sống tự trọng.

3. Kết bài

Ai cũng muốn mình được tôn trọng. Không ai muốn mình bị người khác coi thường. Nhưng người khác chỉ coi thường bạn khi bạn để họ có được cơ hội ấy. Bạn phải là người đầu tiên tôn trọng giá trị bản thân mình. Ai ai cũng đều không hoàn hảo nhưng ai ai cũng có những thứ để tự hào về con người của mình. Chính lòng tự trọng đã giúp họ có được những điều ấy.

II. Văn mẫu nghị luận về lòng tự trọng

Nghị luận vấn đề lòng tự trọng mẫu 1

Mỗi người sinh ra có một nét tính cách riêng, một đặc trưng riêng. Không ai là hoàn hảo và không ai là giống ai cả. Hãy giữ cho mình những phẩm chất tốt đẹp cũng như luôn là chính mình bằng cách rèn luyện cho mình lòng tự trọng. Lòng tự trọng là ý thức và tình cảm của cá nhân tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của chính mình, không cố thay đổi mình theo một hình mẫu nào khác. Lòng tự trọng là một phẩm chất vô cùng quan trọng góp phần tạo nên giá trị của con người; khích lệ con người vươn tới những điều tốt đẹp, có khả năng khơi dậy những khả năng kì diệu của con người. Người có lòng tự trọng sẽ được mọi người xung quanh yêu quý, tôn trọng. Họ là những người luôn tự nguyện thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; quyết không làm những việc xấu, chỉ hưởng những gì mình xứng đáng được hưởng; sống trung thực; biết tôn trọng pháp luật và biết kiềm chế những nhu cầu và ham muốn thấp kém, những phản ứng có tính chất bản năng của bản thân để tránh sa đọa. Nếu một xã hội có nhiều người có lòng tự trọng sẽ tạo nên một xã hội phát triển lành mạnh và toàn diện. Tuy nhiên, trong cuộc sống, bên cạnh những người giàu lòng tự trọng còn có nhiều người có biểu hiện thiếu tự trọng như nói tục chửi bậy, không trung thực trong thi cử, không tôn trọng pháp luật… Sự thiếu tự trọng làm cho con người mất đi những giá trị đạo đức khác, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Là người học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta cần biết rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân để bồi dưỡng lòng tự trọng và gạt bỏ tính tự ái. Bên cạnh đó ta cũng cần tôn trọng, không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác và phải luôn phấn đấu học tập để vươn đến thành công. Ai cũng muốn mình được tôn trọng. Không ai muốn mình bị người khác coi thường. Bạn phải là người đầu tiên tôn trọng giá trị bản thân mình và hoàn thiện nó thì người khác mới có thể công nhận và tôn trọng bạn.

Nghị luận vấn đề lòng tự trọng mẫu 2

Mỗi người đều có một đặc điểm, một giá trị riêng của mình. Chính vì thế chúng ta cần cố gắng phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để bản thân hoàn thiện hơn, nâng cao giá trị hơn và sống với lòng tự trọng để bảo vệ những giá trị đó. Lòng tự trọng là việc mỗi người nhận thức đúng đắn về giá trị của bản thân, biết phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình để phát triển được tốt hơn. Bên cạnh đó, lòng tự trọng còn là việc chúng ta tôn trọng nhân phẩm, giá trị con người của người khác. Lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần có để sống tốt hơn. Lòng tự trọng là một phẩm chất vô cùng quan trọng góp phần tạo nên giá trị của con người; khích lệ con người hướng tới những điều tốt đẹp và nâng cao giá trọ phẩm chất, con người của mình. Lòng tự trọng là phẩm chất đáng quý cần được đề cao trong xã hội và cần được xây dựng trong mỗi con người. Mỗi người cần biết rèn luyện, nghiêm khắc với bản thân để bồi dưỡng lòng tự trọng và phấn đấu học tập để vươn đến thành công. Người có lòng tự trọng luôn cố gắng sống đúng theo chuẩn mực đạo đức xã hội, có suy nghĩ, hành vi, lời nói đẹp đẽ để không làm tổn tương người khác cũng như để bản thân mình được tôn trọng. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người có biểu hiện thiếu tự trọng làm cho con người mất đi những giá trị đạo đức khác, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt trong đời sống xã hội và dẫn đến những hành vi sai lầm… Những người này cần xem xét và thay đổi bản thân mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Người học sinh chúng ta cần rèn luyện lòng tự trọng bằng việc tích cực trau dồi bản thân, nâng cao giá trị bản thân, nỗ lực hết sức mình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành người công dân tốt cống hiến cho xã hội những giá trị cao cả. Hãy tỏa sáng rực rỡ trong chính cuộc sống của mình và đóng góp giúp nước nhà ngày càng bền đẹp, vững mạnh hơn.

Nghị luận về lòng tự trọng mẫu 3

Trong suốt cuộc đời của mỗi con người, bên cạnh những thành công mà ta cố gắng nỗ lực đạt được thì có đôi khi ta không thể tránh khỏi thất bại. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thành công giúp chúng ta tự tin vững bước vào tương lai; thất bại giúp ta nhìn lại mình và nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Bạn biết không, người bạn luôn song hành giúp ta có thêm nghị lực cũng như tự tin đó chính là lòng tự trọng ở trong mỗi người đấy bạn ạ.

Có thể nói, lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp trong phẩm giá của mỗi con người. Người có lòng tự trọng luôn biết nhìn nhận một cách đúng đắn về bản thân và những người xung quanh. Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào thì người có lòng tự trọng luôn biết ứng xử theo quan niệm của tổ tiên ta từ ngàn đời nay “Đói cho sạch, rách cho thơm” hay “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Lòng tự trọng không phải ngẫu nhiên có trong mỗi người mà để có được điều ấy mỗi cá nhân trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ. Để có được nó thì rất khó nhưng để mất nó thì dễ lắm bạn ạ.

Ngày nay, có rất nhiều người, nhiều việc biểu hiện thiếu lòng tự trọng. Học sinh tìm cách quay cóp trong các ki thi, sinh viên chép lại luận văn mỗi kỳ tốt nghiệp. Ngoài đường, khi tham gia giao thông người ta hay đi vào đường ngược chiều hay vượt đèn đỏ một cách tự nhiên khi không có cảnh sát, người ta có thể đổ rác ở bất cứ đâu nghĩa là không phải nhà mình. Nơi công sở, người ta làm việc riêng hay dùng điện thoại cơ quan để trò chuyện hàng giờ. Nơi công cộng, người ta gây phiền hà cho mọi người, không có ý thức giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Lòng tự trọng khác với tự kiêu. Người tự trọng là người không bao giờ quá đề cao bản thân mình mà coi thường người khác. Người có lòng tự trọng là người luôn cố gắng phát huy tài năng của bản thân; luôn học tập, tìm tòi, khám phá và biết tiếp thu ý kiến của người khác để tự hoàn thiện bản thân mình. Chính vì vậy, mỗi bạn học sinh hãy rèn luyện đức tính này cho mình, các bạn nhé. Chúng ta hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất – đừng bao giờ thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử; đừng bao giờ dối trá; hãy biết nhận lỗi một cách thành thực khi mắc khuyết điểm – đó là tự trọng đây bạn ạ.

Ngạn ngữ Nga có câu: “Hãy giữ chiếc áo khi còn mới. Hãy giữ danh dự khi còn trẻ trung”. Đó là lời khuyên vô cùng có ý nghĩa và bố ích đối với mỗi bạn học sinh chúng ta khi muốn trở thành một con người chân chính có ích cho xã hội, cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam thân yêu.

Nghị luận về lòng tự trọng mẫu 4

Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội. Mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người. Người có lòng tự trọng biết được giá trị của bản thân mình. Bàn về lòng tự trọng có rất nhiều điều để nói đến.

Trước hết là khái niệm lòng tự trọng. Lòng tự trọng là coi trọng danh dự, phẩm chất, nhân cách của bản thân. Người có lòng tự trọng là luôn biết giá trị của bản thân mình. Họ biết mình là ai, có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy. Người có lòng tự trọng sẽ biết bảo vệ lòng tự trọng của mình. Lòng tự trọng sẽ không là những thứ đi ngược với lương tâm con người. Đừng qui lòng tự trọng với tâm lý sĩ diện là một. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau và thể hiện những thái độ hoàn toàn khác nhau. Tâm lý sĩ diện thể hiện một thái độ tiêu cực còn lòng tự trọng thì ngược lại. Nó đem đến những tích cực nhất định. Lòng tự trọng đi liền với cái tôi cá nhân. Bởi mỗi người sẽ có những giá trị riêng của bản thân vì thế mà ai cũng có lòng tự trọng riêng ở mức độ nhất định. Có lòng tự trọng bạn sẽ biết tôn trọng bản thân mình từ đó tôn trọng người khác. Sự tôn trọng thực sự cần thiết trong các mối quan hệ xã hội ngày nay. Được xây dựng trên nền tảng là sự tôn trọng, các mối quan hệ sẽ vững bền hơn. Bạn không thể sống trong sự cô lập với xã hội vì thế không có các mối quan hệ, bạn sẽ không thể tồn tại được. Lòng tự trọng sẽ giúp bạn có được những mối quan hệ lâu dài. Không chỉ thế, lòng tự trọng còn là nội tâm, là lý trí để ngăn cản bạn làm những điều xấu, những hành vi đi ngược với đạo đức và lương tâm con người. Bởi có lòng tự trọng, bạn sẽ tìm cách để bảo vệ nó. Để bảo vệ nó bạn sẽ không để mình hành động theo bản năng mà luôn suy xét lợi, hại cũng như sự ảnh hưởng của nó. Hành động sau suy nghĩ sẽ là một cách tốt để bạn giảm đi những sai lầm không đáng có.

Bảo vệ lòng tự trọng thì khó chứ đánh mất nó thì dễ dàng. Chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ cũng khiến bạn đánh mất lòng tự trọng bấy lâu nay mà mình gìn giữ. Chẳng hạn đi gây hấn, đánh cãi chửi nhau nơi công cộng cũng quá đủ để đánh mất lòng tự trọng của bản thân mình. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ tới nhân vật thị trong "Vợ nhặt" của Kim Lân. Cái đói đã đẩy Thị đến bước đường đánh mất lòng tự trọng. Thị gạ ăn với anh Tràng rồi chỉ tin những câu nói bông đùa theo không Tràng về làm vợ. Lòng tự trọng của Thị đã bị mất hoàn toàn chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Nhưng không thể trách Thị. Thị chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Để bảo vệ được lòng tự trọng cũng như nhận thức rõ giá trị của bản thân, bạn không làm gì khác ngoài rèn luyện để giữ gìn và phát triển nhân cách trong sạch, đúng mực. Bạn phải học tập hàng ngày để hình thành nhân sinh quan đúng đắn cho bản thân mình. Có như vậy bạn mới có khả năng đánh giá đúng đắn những hành động mà mình làm. Nghiêm khắc với chính bản thân mình là cách tốt nhất để rèn luyện. Có tôn trọng bản thân bạn mới tôn trọng người khác, ý thức được lòng tự trọng của bản thân, bạn mới biết cách để bảo vệ nó. Nhưng chỉ bảo vệ lòng tự trọng thôi thì chưa đủ, bạn cần phải làm cho nó ngày càng có giá trị hơn. Hãy rèn luyện sức khỏe, bản thân, học tập không ngừng, để giá trị con người ngày càng phát triển. Bổ sung kiến thức khoa học cũng như xã hội, giữ cho bản thân có một thái độ lạc quan và tích cực trong mọi tình huống, hòa nhã và tôn trọng người đối diện. Biết nhận lỗi và sửa sai lỗi lầm. Đừng để cái tôi cá nhân quá lớn lấn át lòng tự trọng. Làm sai mà không nhận ra còn khăng khăng cho là mình đúng thì quả là không tốt chút nào. Tâm lí ấy bạn có thì hãy nên gạt bỏ ngay từ bây giờ. Thái độ tích cực sẽ đem tới cho bạn nhiều niềm vui hơn là cố chấp bảo vệ bản thân trong tình huống không phù hợp. Cái cách mà bạn nhận lỗi và xin lỗi cũng là cách để khẳng định giá trị bản thân mình. Xin lỗi không có nghĩa là lòng tự trọng của bạn sẽ bị mất đi. Bạn đừng hiểu lầm nói lời xin lỗi là khuất phục trước người khác mà không thể bảo vệ được quan điểm cá nhân. Đó là sai lầm. Lời xin lỗi lúc cần không những là sự tôn trọng của bạn đối với người khác mà còn thể hiện bản thân là người có học thức, có nhân cách. Như tôi đã nói ở trên chỉ vài hành động nhỏ cũng đủ để bạn đánh mất lòng tự trọng của bản thân mình. Hãy cư xử một cách văn minh, lịch sự, hòa nhã và tôn trọng người khác. Cuộc sống là cho đi rồi lại nhận về. Bạn đối xử với họ ra sao họ cũng sẽ đối xử với bạn như vậy. Bạn tôn trọng họ, họ tôn trọng bạn, bạn hòa nhã với họ họ cũng sẽ như vậy. Có như vậy bạn sẽ được mọi người yêu mến. Xây dựng được hình tượng tốt trong mắt mọi người không hề dễ dàng. Nhưng làm được điều đó không phải là không thể. Bạn tự làm đẹp cho tâm hồn mình thì bạn sẽ nhân được những điều tốt đẹp ấy mà thôi. Nhân đây tôi cũng kể cho bạn nghe một câu chuyện sâu sắc. Một cậu bé bán vé số trên đường. Đi qua một quán nước mời mua mà không ai chịu. Đi được một quãng, hai chàng thanh niên uống nước ở vỉa hè ném vỏ lon ra lòng đường. Cậu bé nhặt lên mà ai cũng nghĩ cậu lượm về đem bán. Nhưng không, cậu mang chúng vào thùng rác trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. Thấy thế một anh gọi cậu đến hỏi: "Tại sao em không đem về bán". Cậu trả lời: "Cô giáo em dạy không được xả rác bừa bãi" – "Em còn đi học hả?" – "Dạ không em nghỉ rồi ạ". "Lại đây anh mua vé số cho". "Sao vừa nãy em mời anh không mua". "Bây giờ anh tội nghiệp em". "Em không bán cho anh đâu, em không cần anh tội nghiệp". Lòng tự trọng của cậu bé thật khiến anh thanh niên phải suy ngẫm. Một bài học quý giá về cách cư xử giữa con người với nhau. Lòng tự trọng của cậu bé bán vé số thực sự khiến tôi nhận ra được nhiều điều.

Lòng tự trọng là thứ cơ bản và cần thiết đối với mỗi con người. Có lòng tự trọng, bạn mới có được sự tôn trọng của người khác đối với bản thân mình. Không ai muốn mình bị người khác coi thường. Nhưng người khác chỉ coi thường bạn khi bạn để họ có được cơ hội ấy. Bạn phải là người đầu tiên tôn trọng giá trị bản thân mình. Ai ai cũng đều không hoàn hảo nhưng họ vẫn có những thứ để tự hào về con người của mình. Chính lòng tự trọng đã giúp họ có được những điều ấy.

Nghị luận về lòng tự trọng mẫu 5

Lòng tự trọng là thước đo đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Người có phẩm giá, biết tôn quý, yêu thương bản thân mình thì mới có lòng tự trọng.

Vậy thế nào là tự trọng, là lòng tự trọng? – Biết coi trọng, biết giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình là tự trọng.

Người có lòng tự trọng là người tự biết, xấu hổ, luôn luôn chăm lo giữ gìn nhân cách của mình trước đồng loại. Ăn mặc, đứng đắn, sạch sẽ khi đi ra khỏi nhà, khi đến trường, đến lớp… là tự trọng. Không ăn nói tục tằn. không nói điều phàm phu, biết “gọi dạ, bảo vâng”, ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng… là tự trọng. Không chơi bời, lêu lổng, không ăn chơi đua đòi, không làm việc xấu, không quan hệ với người xấu, không giao du với kẻ bất lương… là tự trọng.

Con cháu biết giữ gìn nếp nhà, biết giữ gìn danh dự, tiếng thơm, tiếng tốt cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ… là tự trọng. Học trò biết vâng lời thầy, biết học giỏi, biết vun đắp cho tình thầy trò, bè bạn, góp phần xây dựng truyền thống tốt đẹp cho trường… là tự trọng.

Câu tục ngữ “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” luôn luôn nhắc nhở mỗi chúng ta biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách, biết tôn quý lòng tự trọng. Có không ít kẻ sống “lèm nhèm”, nhưng khoe tài, khoe đức, khoe công…! Có không ít “hồi kí” của ông quan này, của giáo sư nọ, của nghệ sĩ kia. ăn nói ồn ào, lúc phân trần, lúc khoe mẽ, lúc nói xấu đồng chí, lúc chê bai bạn bè, lúc ngấm nguýt đồng nghiệp… không chỉ tác giả đã đánh mất lòng tự trọng, tự bôi xấu mặt mày mà còn trương ra một tấm liếp xấu xí, hoen ố trước con đường đi lên phía trước của tuổi trẻ.

Kẻ không biết tự trọng là kẻ thiếu văn hóa, là kẻ không biết xấu hổ, chỉ biết ăn tục nói càn, làm bậy! Có nhà triết học đã ví lòng tự trọng như cái máy hãm (nhạy bén, chính xác) của cỗ xe. Khi cái máy hãm bị hoen gỉ, bị hỏng hóc thì cái cỗ xe ấy phái vứt đi, con người ấy bị đồng loại coi thường, khinh rẻ.

Có bao kẻ nghiện ngập cờ bạc, rượu chè, ma túy, mà trở thành sa đọa, tù tội. Có bao kẻ dối trá, lừa bịp, tham nhũng, đục khoét, nhâng nhâng nháo nháo ngoài đời, chỉ nhìn những kẻ ấy, ta mới thấy việc trau dồi đạo đức, phẩm giá, việc giữ gìn lòng tự trọng cấp thiết như thế nào. Câu khẩu hiệu “nói không với tiêu cực”, được báo chí nói đến chính là lời nhắc nhở lòng tự trọng.

Muốn sống đẹp phải có lòng tự trọng, biết ứng xử văn minh, lịch sự. Trẻ em. người lớn. người trẻ, người già, đàn ông, đàn bà, quan lại chức sắc, dân đen… ai cũng biết tự trọng, biết tu dưỡng phẩm giá của mình. Và phải nhớ câu “Anh em khinh trước, làng nước khinh sau” để mà tu nhân tích đức, để mà rèn luyện, tu dưỡng lòng tự trọng, để được làm Con Người.

Nghị luận về lòng tự trọng mẫu 6

Người ta thường nói, đối với mỗi người bản thân mình là quan trọng nhất. Nhưng để hiểu về bản thân một cách rõ ràng, cụ thể và đặc biệt biết cách khẳng định giá trị bản thân trong cuộc sống thì đó lại là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Những người làm được điều đó là những người nhận thức rất rõ “lòng tự trọng”.

Theo từ điển Tiếng Việt, “tự trọng” là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Người có lòng “tự trọng” là người luôn biết bản thân mình là ai, mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?. Điều đó được biểu hiện ở chỗ, bạn biết bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào từ đó bạn biết cách phát huy điểm mạnh và luôn cố gắng tìm cách khắc phục điểm yếu.Đối với lứa tuổi học sinh ở lứa tuổi từ 16 – 18, tâm lý luôn muốn được làm người lớn, muốn khẳng định bản thân mình thì việc tu dưỡng lòng “tự trọng” là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, trước hết bạn cần cố gắng giữ gìn các phẩm chất đạo đức, luôn tôn trọng thầy cô và giữ mối quan hệ hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt, bạn luôn phải trung thực với chính bản thân mình và những người xung quanh. Tuyệt đối không được quay cóp, gian lận trong khi làm bài kiểm tra, bởi nếu bị thầy cô phát hiện bạn đã tự mình đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình.

Trong học tập, bạn cần nỗ lực cố gắng tìm tòi, học hỏi để bổ sung và hoàn thiện kiến thức, hơn nữa bạn cần đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, dù khó khăn cũng không được nản chí. Đó chính là cách bạn khẳng định bản thân. Trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè, bạn cần giữ thái độ lễ phép và từ tốn. Dù người khác có nói sai thì bạn cũng không được cắt ngang lời hoặc có những lời lẽ xúc phạm, nếu bạn nghĩ mình làm điều đó để thể hiện cái tôi của mình thì bạn đã sai rồi, ngược lại những người xung quanh bạn sẽ nghĩ bạn thiếu tôn trọng họ và bạn sẽ làm mất hình ảnh của chính mình.

Người có lòng tự trọng luôn biết cách nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm. Nếu bạn làm điều gì đó có lỗi với bố mẹ, bạn bè hoặc những người xung quanh, hãy nói lời xin lỗi họ và hứa lần sau sẽ không tái phạm. Đó cũng là cách bạn khẳng định giá trị bản thân. Nếu bạn né tránh hoặc đổ lỗi cho người khác, mọi người sẽ không coi trọng bạn bởi vì bạn dám làm nhưng không dám nhận, đó là hành vi hèn nhát. Bên cạnh việc cố gắng trong học tập, bạn cần biết cách hài hòa các mối quan hệ xung quanh bằng việc nói được, làm được và giúp đỡ người khác trong khả năng có thể bằng những hành động đơn giản như chào hỏi lễ phép, nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi làm người khác phải suy nghĩ. Bởi nếu bạn làm được điều đó, mọi người sẽ luôn nhìn nhận bạn là một người tốt, họ sẽ tôn trọng và quý mến bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đã xây dựng được hình ảnh bản thân trong mắt của những người xung quanh.

Lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả. Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Để làm được điều đó, bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập cũng như trong cuộc sống.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận vấn đề lòng tự trọng cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm