Nghị luận về câu ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng
Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về câu ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng gồm các dạng văn mẫu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Nghị luận vấn đề: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng
Nghị luận về ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng mẫu 1
Rơi vào hoàn cảnh như thế, có lẽ ai cũng buồn cũng tiếc. Người xưa cũng đã thấy được điều này:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Vàng ở đây chỉ chung những thứ quý giá: quý như vàng, đắt như vàng… Cầm vàng là có trong tay một cái gì đó rất có giá trị. Lội qua sông là vượt qua khó khăn, trở ngại. Còn vàng rơi, vật quý mất cũng không tiếc mà chỉ tiếc công giữ gìn nó thôi.
Hiểu như vậy chỉ là hiểu trên bề mặt ngôn từ – nghĩa tường minh chứ chưa hiểu được nghĩa hàm ẩn của nó. Vậy, vật quý kia là gì? Một hiện thực tuyệt vời? Một ước mơ huy hoàng? Hay một thứ gì khác? Lời ẩn dụ ngắn gọn quá không dễ hiểu. Cụm từ “tiếc công” may ra có thể là một gợi ý.
“Tiếc công” có mặt trong nhiều câu ca dao như một mô-típ: Tiếc công anh đắp đập be bờ, Để ai quảy đó mang lờ đến đơm; Tiếc công anh gánh gạch xây thành, Trồng cây nên trái để dành ai ăn; Tiếc công anh đi xuống đi lên, Mòn đường chết cỏ chẳng nên càng thương…
Trong bài ca dao này, ta chưa thấy vàng hay thấy vật quý cụ thể là gì nhưng ý ám chỉ tình yêu thì thấy rõ. Công cầm vàng không thấy nhưng thấy công phu bỏ ra theo đuổi, nhen nhúm, bồi đắp cho một mối tình. Còn vàng không phải chỉ rơi mà biến mất dạng, mất tăm, hoặc tình chẳng bén mà lại tan vỡ phũ phàng.
Vậy sự thất bại ở câu ca dao này trước hết là sự thất bại về tình yêu. Giọng điệu câu ca có gì như bẽ bàng, chua chát. Có thể hình dung sự tình như thế này chăng: Từ chỗ hiểu nhau, yêu nhau đến chỗ hẹn ước, thề nguyền gắn bó trăm năm. Tình yêu ấy không phải tự nhiên mà có. Nó ắt phải trải qua ngọt bùi, đắng cay, thử thách. Vì thế, nó quý giá hơn mọi thứ trên đời. Những tưởng hạnh phúc đã gần kề, ai ngờ sóng gió dẫn tới ly tan, nước mây đôi ngả. Người yêu rời bỏ anh, hoặc anh không giữ được người yêu. Sóng gió ấy quá lớn không thể vượt qua nên người trong cuộc chỉ còn biết ngậm ngùi, than thở. Mình than với mình rồi lặng đi trong niềm xót đau, chua chát.
Nhưng thực tế ở đời cho thấy: thất vọng trong tình yêu không chỉ có một lối thoát duy nhất là chết mòn vì tương tư. vết thương trên da thịt dần dần sẽ lành: vết thương trong lòng cũng vậy. Có đau khổ một thời gian nhưng theo ngày tháng, nỗi khổ ấy sẽ nguôi dần. Người ta sẽ tỉnh ra và nghĩ lại.
Kẻ kia tình đã nhạt chăng? Mắt họ đã bị cuốn hút vào chỗ giàu sang chàng? Hay là chung quanh dèm pha? Gia đình ngăn trở?… Mình biết thân phận mình. Thế thì thôi! Nói như các anh con trai khác, ở câu ca dao trên kia, họ chẳng sá gì đến việc kẻ khác đến đơm cá, đến ăn trái, mà họ chỉ tiếc công mình đắp đập be bờ, gánh gạch xây thành, trồng cây… Còn mình, tình yêu đã mất, vàng đã rơi, công lênh cũng chẳng ít, nhưng tiếc làm chi! Chỉ tiếc công bỏ ra bấy lâu xây đắp mối tình vàng ngọc kia mà thôi. Bởi tình này mất còn tìm tình khác được, chứ công lao đã bỏ ra, thời gian đã mất đi làm sao tìm lại được? Tiếc công cầm vàng là vậy.
Từ lĩnh vực tình yêu, ta có thể mở rộng, nâng cao ý nghĩa của câu ca dao trên sang lĩnh vực khác. Không phải chỉ là tình yêu mà có thể là một ước mơ tốt đẹp: đỗ đạt cao, tài năng lớn, làm giàu nhanh… Đeo đuổi một ước mơ như thế phải tốn bao công sức, tiền bạc, thời gian. Nhưng cuối cùng mơ ước chẳng được, chỉ tiếc cho công lao đã bỏ ra.
Mỗi lần vấp ngã, mỗi lần thất bại đều để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và con người ta lớn lên rất nhiều sau những thử thách, vấn đề quan trọng là thắng không kiêu, bại không nản, mỗi người có đủ nghị lực, can đảm, lí trí sáng suốt để tìm cho mình những chất vàng ròng tinh túy của đời sống tâm hồn hay không. Bài ca dao là một lời khuyên thiết thực về chuyện theo đuổi những mơ ước đẹp đẽ ở đời.
Nghị luận về ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng mẫu 2
Những lúc lắng lòng đối diện với mình, tôi thấy yêu lời tâm tư kia đến lạ. Mà nào phải là kia, mà chính là mình:
Cầm vàng mà lội xuống sông
Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Lời ca đúng phẩm chất ca dao, tải nặng một cái tình, thăm thẳm. Như mở một nẻo chạy hút về phía cõi mình, cuối con đường hun hút ấy là vườn địa đàng đã vắng cõi trần, đã xanh cõi tâm.
Nhà thơ bình dân nào đã lặng vào vô danh, lặng luôn cả cái sự, để qua một nhọc nhằn mất mát chỉ còn lại bền bỉ nhất một ánh nhìn, một chép miệng thở dài, một suy tư.
Thử hình dung, thử nỗ lực ráp nối, giả dĩ cũng thỏa được cái mạch lạc của một sự đời.
Có mở đầu là một hành động: Lội
Có sự kiện diễn biến: Đánh rơi cái gì quý giá.
Có kết thúc: Nỗi niềm tiếc nuối.
Song cái mạch lạc đã lặng đi ở đúng cái chỗ cần lặng nhất. Mấy cái diễn biến luộm thuộm bờm xờm vốn thường thấy ở cái đời nhiều sự thì tiếc nuối gì mà giữ, mà nên cắt bỏ cho nhẹ cái người, cho thanh thản lời ca.
Cắt bỏ khẳng khái. Mà thái độ cũng khẳng khái: Vàng thời không tiếc. Dừng ở đây, lời ca có phẩm chất của một triết lý.
Từ khi linh hồn kết cuộc chung thân với cái chữ người thì đã bỏ hai chân mà lội cõi nhân gian, cái tài, cái tình, cái danh cứ bắt con người ta phải lội. Lộ trình đời người ấy lắm lúc lại cứ phải đánh rơi.
Khi mệt mỏi mà rơi.
Khi bỏ cuộc mà rơi.
Khi yếu tài kém thế mà rơi.
Khi dập giàn giăng bẫy mà hỏng.
Mà mỗi cuộc đánh rơi là mỗi một trận bão lòng!
Lúc ấy giá mà học được thái độ chấp nhận mà nhủ mình: Không tiếc.
Giá mà được làm thằng say một đời trong truyện của Nam Cao để mà khẳng khái: “ Chết cả đi rồi có ai gọi là cụ lớn mả”. Giá mà nuốt trôi được, tiêu hóa được cái lời của một học giả: “ Không ai ăn một ngày quá ba bữa và ngủ một đêm trên hai cái giường”. Chấp nhận được thế đời nhẹ lắm, thanh thản lắm. Mà cũng chẳng còn cái vị cái mùi gì nữa.
Vậy thì cứ buông đi phần xác, cứ giữ lại phần hồn: Tiếc công cầm vàng. Là tiếc cái vun đắp, tiếc cái hoài bão, tiếc cái thâm tình. Cũng tại cõi đời vốn không nhẹ như nhiều nhà tư tưởng nghĩ. Có cái qua đi rồi mà cứ níu lại phía sau. Có cái đi dùng dằng chẳng đặng. Nhất là những gì vốn thuộc về tâm hồn, thuộc về con tim. Dòng xoáy nào cuốn trôi một bàn tay tình bạn. Con sóng nào đánh bạt một tình yêu.
Ừ thì cho đến cái thân này còn có khi chẳng còn giữ nổi, hơi đâu mà tiếc cái vật vong thân, ai lại triết lí cuồng ngạo thế bao giờ. Lại cứ phải sụp xuống, chới với một bàn tay: Tiếc công cầm vàng.
Như người dân quê tôi những năm lửa đạn, cả quê di tản, từ khu định cư nhìn về chốn cũ chỉ thấy mờ mờ mịt mịt, thay cho những cánh cò chớp trắng là những cánh tàu bay với những chớp trắng là những cánh tàu bay với những chớp lửa đạn nhì nhằng, người dân thương hàng cau sau hè, cây thị trước ngõ, cánh đồng vụ tháng ba oằn oại ngoài đồng mà ngơ ngẩn vào ra. Thương là thương cái giọt mồ hôi còn nằm lại. Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Như cái bận sau ngày giải phóng, tháng mười hai năm bảy lăm, ba tôi tổ chức lễ mừng Chúa giáng sinh tại gia, chính quyền bắt phạt vì tổ chức hội kín mà không xin phép, tội nghiệp mấy chú du kích vốn là học trò cũ, nhìn ba dẫy cỏ trước sân ủy ban như đứa học trò dốt bị kỷ luật mà không dám một tiếng chào thầy. Bà chép miệng: Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Tôi thương lời ca tình nghĩa ấy, không màu mè câu chữ mà nặng oằn gan ruột. Tôi cũng đồ chừng rằng để có được lời ca vừa khẳng khái vừa rất đỗi ân tình đó thì cái ý tưởng ban đầu cũng đã trôi nổi qua bao nhiêu cuộc riêng tư, rồi cứ như một thứ vàng luyện qua bao lửa đời để chắc tuổi mười đến thế. Rồi cũng tự nhủ mình đâu phải lúc nào cũng lạnh băng ráo hoảnh mới là bản lĩnh, thôi thì cứ yên tâm mà bận bịu một chút tình. Dòng sông cuộc đời chảy dọc, có mất mát mới là đời. Đừng có té sấp té ngửa vì thiệt hơn mới là bản lĩnh. Và, cần nhất, bận bịu một chút với ngày qua để thực là người, để xứng là người.
Nghị luận về ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng mẫu 3
“Cầm vàng mà lội sang sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”.
“Vàng” là vật quý báu. “Cầm vàng” có thể hiểu là giữ gìn một vật quý báu. “Lội sang sông”, hiểu theo nghĩa đen là dùng đôi chân mình để lội sang phía bên kia bờ sông mà không dùng thuyền hay đò; hiểu theo nghĩa bóng là phải trải qua những khó khăn trở ngại, tốn nhiều thời gian, công sức. “Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”, hiểu nghĩa của câu trong chỉnh thể của nó ta sẽ có một ý nghĩa khái quát nhất: mất mát vật quý báu cũng không tiếc bằng công sức mình, thời gian mình đã bỏ ra để giữ gìn vật đó. Ở câu này ta không nên hiểu máy móc “vàng rơi không tiếc” là vật quý mất đi cũng không tiếc, bởi trong thực tế thì không ai không tiếc “vàng rơi” cả. “Vàng rơi không tiếc” chỉ là một cách nói quá nghệ thuật để nhấn mạnh hơn tới mệnh đề sau: “Tiếc công cầm vàng”.
Tại sao mất vật quý giá lại không tiếc bằng công sức thời gian mình đã bỏ ra để giữ gìn vật đó? Liệu nó có đúng với thực tế không? Ta lại liên tưởng tới câu tục ngữ “Của một đồng công một nén”. Thì ra dân gian đã coi trọng công sức làm ra của cải, công sức giữ gìn của cải hơn là giá trị vật chất của của cải đó. Hơn nữa của cải mất có thể làm lại được, cái mất đi không tìm lại được là thời gian và công sức đã giữ gìn của cải đó.
Có thể hiểu câu ca dao còn một lớp nghĩa nữa, lớp nghĩa nói về tình yêu. Một người con trai đến với một người con gái. Họ đã vượt qua bao trở ngại, khó khăn, đã tốn bao thời gian và công sức để nuôi dưỡng tình yêu. Họ chờ đợi, hy vọng và tin tưởng vào tình yêu. Nhưng cuối cùng họ không lấy được nhau do một nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó. Căn cứ vào lớp nghĩa thứ nhất, ta có thể hiểu như thế này chăng: mất tình yêu cũng rất tiếc, nhưng tiếc hơn cả là tiếc thời gian, công sức mình đã nuôi dưỡng, chờ đợi và hy vọng vào tình yêu. Điều này liệu có đúng với thực tế không?
Một câu ca dao khác cũng có thể đúng với trường hợp này:
“Tưởng giếng sâu em nối sợi gầu dài.
Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”
Nghĩa là tiếc công mình, tiếc niềm tin mình đã đặt vào một ai đó, ai ngờ người đó không xứng đáng với niềm tin mình, với tình yêu của mình. Người đó mình không tiếc, mà tiếc cho công sức mình, thời gian mình đã chờ đợi, tin tưởng.
Nếu cách hiểu lớp nghĩa thứ hai này là hợp lý thì câu ca dao “cầm vàng”… này là một triết lý sâu sắc về tình yêu: Trong tình yêu, nếu không yêu nhau nữa hay vì một cớ gì đấy mà không lấy được nhau thì cũng đừng nên lấy làm tiếc (có thể tìm một tình yêu khác), cái đáng tiếc là mất đi niềm tin, mất đi thời gian quý báu tức là mất đi một phần của cuộc đời mình. Phải chăng đằng sau triết lí này còn hàm chứa nỗi thương thân sâu lắng?
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận về câu ca dao: Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.