Nghị luận về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông hướng dẫn các em làm bài văn bàn về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật như kịch, âm nhạc, hội họa, vũ đạo,… trong nhà trường phổ thông. Nhiều người cho rằng các môn học này không cần thiết đối với học sinh; song nhiều người khác lại cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của nền giáo dục toàn diện và hiện đại. Ý kiến của bạn là gì?

Đề bài: Bàn về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật như kịch, âm nhạc, hội họa, vũ đạo,… trong nhà trường phổ thông, nhiều người cho rằng các môn học này không cần thiết đối với học sinh; song nhiều người khác lại cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của nền giáo dục toàn diện và hiện đại.

Anh/chị đồng tình với ý kiến nào? Hãy trình bày bằng một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ).

1. Hướng dẫn tìm hiểu và giải quyết vấn đề: Vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông

- Trước hết cần hiểu được khái niệm chung về các môn nghệ thuật. Kịch, âm nhạc, hội hoạ, vũ đạo... là những loại hình nghệ thuật, cũng là những bộ môn đã được đưa vào dạy học trong nhà trường phổ thông.

- Tuy nhiên, có hai luồng ý kiến khác nhau về việc giảng dạy các bộ môn này: nhiều người cho rằng các môn học này không cần thiết đối với học sinh; song nhiều người khác lại cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục toàn diện và hiện đại.

+ Nên chỉ ra một cách khách quan vai trò của các loại hình nghệ thuật này trong đời sống và mục tiêu dạy học các bộ môn này trong nhà trường phổ thông. Trong đời sống, các loại hình nghệ thuật này chủ yếu được coi là những hình thức giải trí mang tính thẩm mĩ của con người; trong nhà trường, chúng góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

+ Học sinh không chỉ cần học những môn khoa học, văn hoá mà còn phải học các môn nghệ thuật để phát triển năng lực sáng tạo của cá nhân, bồi đắp thị hiếu, năng lực cảm thụ thẩm mĩ... Hiện nay, nước ta và các quốc gia khác trên thế giới đang hướng đến một nền giáo dục toàn diện ở nhà trường phổ thông. Vì thế, sự xuất hiện của các bộ môn hoặc hoạt động liên quan đến nghệ thuật như kịch, âm nhạc, hội hoạ, vũ đạo... là điều dễ hiểu.

- Sau đó, học sinh cần bày tỏ quan điểm của mình đối với hai luồng ý kiến về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật kể trên. Có thể đồng tình hoặc phản đối với một trong hai luồng ý kiến đó.

Gợi ý về một số cách thức bày tỏ quan điểm:

- Nếu học sinh bày tỏ sự phản đối với ý kiến cho rằng các môn học này không cần thiết đối với học sinh phổ thông thì các lập luận phản đối phải bám vào tác dụng của các môn nghệ thuật trên đối với đời sống và sự phát triển của mỗi cá nhân, nhất là những học sinh có năng khiếu về các môn học đó; chỉ ra hạn chế của việc chỉ học tập các môn khoa học với việc thiên về truyền thụ những kiến thức mang tính hàn lâm, kinh viện; nêu lên hạn chế của việc không hiểu bản chất, đặc trưng của các bộ môn nghệ thuật này khiến cho học sinh không biết hoặc không thưởng thức hết được giá trị của các tác phẩm nghệ thuật thuộc các loại hình đó...

- Nếu học sinh bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cho rằng các môn nghệ thuật kể trên không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục toàn diện và hiện đại, ngoài những lí lẽ đã nêu ở ý trên, học sinh cần chỉ ra rằng ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, các bộ môn nghệ thuật này đã được đưa vào trường học từ rất lâu, vừa là môn học bắt buộc, vừa là môn học tự chọn, để học sinh vừa được cung cấp những kiến thức, kĩ năng nền tảng trong việc thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, vừa được bồi dưỡng và phát triển những năng lực chuyên biệt hay nghề nghiệp mà mình định theo đuổi... Nếu coi nền giáo dục toàn diện và hiện đại là nền giáo dục không bỏ rơi bất kì một học sinh nào thì việc quan tâm phát triển năng khiếu, năng lực chuyên biệt (trong đó có năng lực thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật) là điều tất yếu.

2. Bài văn mẫu nghị luận về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông

2.1. Bài văn mẫu số 1: Nghị luận về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông

Xưa nay, chúng ta vẫn thường quan niệm giỏi và thông minh là phải về các môn kiến thức tự nhiên hay xã hội mà bỏ qua hay coi nhẹ những bộ môn nghệ thuật như kịch, âm nhạc,…Và nhiều người cho rằng việc dạy các bộ môn này ở nhà trường phổ thông là không cần thiết song nhiều người khác lại cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của nền giáo dục toàn diện và hiện đại. Vậy nên đi theo chiểu hướng nào ?

Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của những yếu tố nghệ thuật trong cả cuộc sống hàng ngày hay trong môi trường giáo dục. Nếu cuộc sống không có âm nhạc, không có hội họa…thì sẽ chẳng còn vẻ đẹp của thẩm mĩ, tâm hồn chúng ta không còn được thư giãn, bồi dưỡng. Còn trong quá trình dạy và học, học sinh không chỉ lĩnh hội những kiến thức khoa học mà còn phải phát triển năng lực sáng tạo của cá nhân, bồi đắp thị hiếu, năng lực cảm thụ thẩm mĩ…qua những môn học như hội họa, vũ đạo, âm nhạc…Ở Việt Nam và các quốc gia khác cũng đang hướng đến nền giáo dục toàn diện ở phổ thông. Vì thế việc xuất hiện các môn học hay các hoạt động về nghệ thuật là điều hoàn toàn dễ hiểu. Với tôi, đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết cho những thế hệ tương lai của đất nước. Kiến thức khoa học và kiến thức thẩm mỹ có mối quan hệ như hai mặt của một tờ giấy vậy, sẽ chẳng có tờ giấy nào tồn tại mà chỉ có một mặt, chẳng có ai thành công khi chỉ sở hữu kiến thức khoa học hay thẩm mĩ. Những kiến thức khoa học sẽ giúp các em có được nền tảng để cảm thụ được vẻ đẹp của những bộ môn nghệ thuật. Không có sự am hiểu về cuộc sống, về tự nhiên, về xã hội thì không thể lĩnh hội được hết thông điệp từ những giai điệu, không thể hiểu được ngụ ý của họa sĩ qua những bức vẽ…Ngược lại, những hoạt động nghệ thuật sẽ đưa đến cho học sinh tư duy sáng tạo thẩm mĩ để tăng khả năng tiếp thu những kiến thức khác. Ở các nước tiên tiến, họ đã đưa các bộ môn nghệ thuật vào nhà trường từ rất lâu, vừa là môn bắt buộc vừa là môn tự chọn để học sinh vưa được cung cấp những kiến thức nền tảng trong việc thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, vừa được bồi dưỡng và phát triển những năng lực chuyên biệt hay nghề nghiệp mà mình định theo đuổi. Một nền giáo dục tiên tiến và thành công khi để học sinh được phát triển một cách toàn diện, đánh thức được tiềm năng của mỗi cá nhân.

Như vậy, bản thân mỗi học sinh cần tự chủ động định hướng con đường cho mình, cần song song phát triển cả kiến thức khoa học và bồi dưỡng tư duy thẩm mĩ. Hãy để cuộc đời là một vườn hoa rực sắc đa dạng, nơi đó có những loài hoa kiến thức đẹp nhất, hoàn thiện nhất và hương hoa thẩm mỹ ngát thơm nhất.

* Dưới đây là 3 bài viết hay của các tác giả viết về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông như âm nhạc, hội họa, ... Các em có thể đọc và tham khảo để lấy thêm những thông tin có ích cho bài nghị luận của mình:

2.2. Bài văn mẫu số 2: Vai trò của môn Âm nhạc trong trường phổ thông

Đối với học sinh Trung học cơ sở (THCS), môn Âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mĩ nhằm góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, tạo cơ sở hình thành nhân cách con người. Âm nhạc trong trường THCS với tư cách là một môn học có mục đích giáo dục văn hoá âm nhạc cho học sinh nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản, bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy ở các em những khả năng sáng tạo trong hoạt động âm nhạc, củng cố thêm về tình cảm đạo đức, về niềm tin thị hiếu nghệ thuật và nhu cầu âm nhạc.

Nếu ở con người, nhu cầu về thẩm mĩ là nhu cầu tinh tế và cao quý; ý thức về cái đẹp, cái hay là ý thức có tính nhân loại cao thì trong cấu trúc nền giáo dục phổ thông hiện đại, giáo dục thẩm mĩ nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng, phải là bộ phận mang tính đặc thù, có cấp độ cao tương xứng với nó. Ở trường phổ thông, các môn học khác đều được xây dựng và lấy tác động hình thành nhân cách học sinh theo hướng chủ yếu: từ trí tuệ đến tình cảm, thì ngược lại, môn học Âm nhạc lại được xây dựng, lấy tác động hình thành nhân cách học sinh theo hướng chủ yếu: trực tiếp từ tình cảm đến trí tuệ, tạo ra một sự kết hợp hài hòa, và do đó, nó là môn học không thể thiếu được.

Mục đích giáo dục âm nhạc bao gồm những mục tiêu yêu cầu giáo dục cụ thể, là sự phản ánh kết quả mong muốn sau một quá trình giáo dục - dạy học. Kết quả ấy cũng chính là mô hình hay kiểu nhân cách cần hình thành, kiểu tập thể cần xây dựng ở học sinh thông qua môn học âm nhạc. Giáo dục âm nhạc là một hình thức giáo dục nghệ thuật mang tính đặc thù. Nó có khả năng liên kết, sử dụng cũng như hỗ trợ, xen lồng vào tất cả các hình thức nội dung giáo dục khác làm cho chúng đạt đến hiệu quả cao trong việc thực hiện những yêu cầu mục tiêu giáo dục. Nhưng với nhiệm vụ, chức năng chủ yếu của mình, giáo dục âm nhạc trước hết thể hiện mục tiêu, yêu cầu giáo dục nổi trội của mình là giáo dục thẩm mĩ. Nắm vững mục đích nổi trội này là một yêu cầu hết sức quan trọng. Nhưng để thực hiện trên thực tế có kết quả mục đích yêu cầu giáo dục này lại đòi hỏi phải tìm hiểu, nắm vững bản chất đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc.

Mục tiêu và nhiệm vụ của môn âm nhạc ở trường THCS là trang bị cho học sinh một số kiến thức về kỹ năng ca hát, đọc và nghe nhạc; về lý thuyết âm nhạc ở mức độ đơn giản để một chừng mực nào đó, các em có thể tham gia vào các hoạt động âm nhạc của cộng đồng. Hình thành cho học sinh những hiểu biết sơ đẳng về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, về ý nghĩa tác dụng của âm nhạc với đời sống, đồng thời mở mang vốn hiểu biết về truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam, tinh hoa âm nhạc thế giới, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, tạo không khí vui tươi lành mạnh, làm phong phú thế giới tinh thần nhằm phát triển hài hòa, toàn diện nhân cách học sinh.

Môn âm nhạc ở trường THCS gồm nhiều phân môn như: Âm nhạc thường thức, Học hát, Tập đọc nhạc. Mỗi phân môn có một vai trò nhất định. Ví dụ, với phân môn Học hát: Hoạt động ca hát có vị trí quan trọng trong đời sống con người; bài hát phản ánh một cách hình tượng những khái niệm sâu sắc về cuộc sống, thiên nhiên, con người và tất cả các mối quan hệ, tư tưởng, tình cảm. Hoạt động ca hát ảnh hưởng trực tiếp đến con người bằng tác động của âm nhạc và lời ca. Giọng hát không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc suy nghĩ của người hát mà còn khơi dậy ở người nghe những cảm xúc tương ứng, những hiểu biết nhất định đem lại sảng khoái thẩm mĩ; sức diễn cảm của giọng hát cùng những cử chỉ, thái độ, nét mặt phù hợp rất thu hút học sinh. Nó khơi dậy ở học sinh những cảm xúc hướng tới chân - thiện - mỹ. Ca hát là một hoạt động quan trọng, bản chất của nó là thông qua luyện tập giúp học sinh có tinh thần sảng khoái và tạo cho học sinh có những ước mơ tươi đẹp. Chẳng hạn, khi nghe bài hát “Ngày đầu tiên đi học”, trong lòng học sinh trào dâng một cảm xúc êm đềm về tình mẹ, về kỉ niệm tuổi thơ…

Nội dung môn Âm nhạc ở trường THCS được tiến hành thông qua ba phân môn: Học hát; Nhạc lý - Tập đọc nhạc và Âm nhạc thường thức. Học hát là trọng tâm, Nhạc lý - Tập đọc nhạc là cơ sở và Âm nhạc thường thức làm nhiệm vụ nâng cao nội dung giảng dạy âm nhạc ở trường THCS.

Phân môn Nhạc lý - Tập đọc nhạc: giúp học sinh nhận biết những kí hiệu ghi chép âm nhạc đơn giản, thông thường nhất. Có khái niệm về yếu tố cơ bản của âm nhạc như cao độ, trường độ, giai điệu, tiết tấu, sắc thái...và giới thiệu sơ lược về cung, quãng, gam, giọng... đồng thời hướng dẫn các em đọc các bài nhạc chủ yếu ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ, áp dụng các loại nhịp thông dụng với các âm hình tiết tấu đơn giản và những giai điệu dễ đọc.

Phân môn Âm nhạc thường thức: học sinh được nghe nhạc có dẫn giải các tác phẩm, qua đó giới thiệu một số tác giả tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam và thế giới, một số nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Hồ Chí Minh, một số nhạc sĩ quen thuộc với lứa tuổi học sinh và một vài nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển và lãng mạn phương Tây, giới thiệu một vài nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây phổ biến, giới thiệu sơ lược về dân ca Việt Nam, một số sinh hoạt âm nhạc dân gian, dân ca một số vùng miền tiêu biểu, một vài thể loại âm nhạc phổ biến, đôi nét về sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi, tác dụng và ảnh hưởng của âm nhạc trong đời sống xã hội...

Như vậy, về tác dụng của âm nhạc đối với học sinh trong nhà trường là điều không thể phủ nhận. Cái đích cuối cùng của mục tiêu và nhiệm vụ môn Âm nhạc trong trường THCS là tạo nên một trình độ văn hóa âm nhạc nhất định. Trình độ văn hóa phổ thông hay trình độ học vấn phổ thông ở bậc THCS là do tất cả những hoạt động giáo dục và các môn học tạo dựng nên, trong đó có môn Âm nhạc.

2.3. Bài văn mẫu số 3: Bàn về giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

Giáo dục nghệ thuật mang trong nó nội hàm rất rộng như chính đặc điểm tồn tại của nội dung khái niệm nghệ thuật. Nghệ thuật sinh ra như một đòi hỏi tất yếu của xã hội, như một thể hiện, biểu hiện cần có của con người với thế giới chung quanh.

Khi nói tới nghệ thuật, người ta thường nhớ câu nói nổi tiếng của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky: “Ở đâu và khi nào ngôn từ bất lực thì ở đó sẽ sinh ra một thứ ngôn ngữ mới hùng hồn hơn, đó là âm nhạc”. Nhưng tôi nghĩ, tất cả các loại hình của nghệ thuật đều có thể được coi là đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Và bên cạnh đó, trong tôi luôn tồn tại một hoài nghi: có thể cả ngôn từ và nghệ thuật đã cùng nhau sinh ra khi có sự xuất hiện của loài người, cùng song hành tồn tại và trong từng giai đoạn nhất định của diễn trình lịch sử xã hội loài người có những tương quan, quan hệ khác nhau.

Các loại hình nghệ thuật bao giờ cũng mang trong nó những đặc thù riêng về phương diện biểu hiện. Điều đó cũng có nghĩa: để hiểu, để thưởng thức một loại hình nghệ thuật cũng cần có những tri thức cơ bản, kiến thức nhất định về loại hình nghệ thuật đó. Tri thức đã có của mỗi loại hình nghệ thuật là rất to lớn và luôn dường như vô tận. Khi tiếp cận với nó, có thể sẽ làm cho chúng ta nhớ đến câu nói của người xưa: “càng học càng dốt” vậy. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, với một lượng tri thức cơ bản vẫn có thể là điều kiện cần cho phép chúng ta tiếp cận với một loại hình nghệ thuật. Để làm được việc đó thì vai trò của công tác giáo dục nghệ thuật là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghệ thuật là lĩnh vực có thể sẽ mang đến cho đối tượng cần những tri thức cơ bản để có thể tiếp cận với một loại hình nghệ thuật.

Thật ra, việc đánh giá cao vai trò của giáo dục nghệ thuật không phải là điều mới trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Từ thời cổ đại, các triết gia đã coi giáo dục nghệ thuật là một trong những phương thức hiệu quả nhất cho việc giáo dục con người trở thành người tốt. Chính vì vậy, diễn trình lịch sử xã hội loài người cũng có thể được nhìn nhận ở góc độ của những quan điểm khác nhau về giáo dục nghệ thuật.

Trong thời gian qua, khi nói đến giáo dục nghệ thuật, nhiều nhà giáo dục nghệ thuật thường chỉ chú trọng tới đối tượng nhà trường phổ thông, coi đây là khu vực quan trọng để có thể tiến tới mục tiêu giáo dục nghệ thuật cho toàn xã hội trong tương lai: “Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai”. Phải nhìn nhận: Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông giữ vai trò rất quan trọng. Nhưng thực ra cần phải có cái nhìn toàn diện về công tác này, bởi ngoài thời gian ở nhà trường, phần lớn thời gian trẻ em sống ở gia đình và ngoài xã hội. Do vậy, công tác giáo dục nghệ thuật cần phải đa dạng hơn về không gian và phương thức tiến hành.

Bên cạnh đó, không nên chỉ coi học sinh là đối tượng duy nhất cần thiết của giáo dục nghệ thuật; giáo dục nghệ thuật còn cần phải là nhu cầu cho mọi tầng lớp xã hội, cần phải được nhìn nhận ở một tầm khái quát cao. Và theo chúng tôi, đó mới chính là đối tượng thật sự của công tác giáo dục nghệ thuật. Chính vì vậy, công tác giáo dục nghệ thuật phải được đa dạng hóa về phương diện hình thức tiến hành. Nghệ thuật luôn không chỉ mang đến cho con người những giây phút giải trí thoải mái, mà hơn vậy, mang đến cho con người sự hưởng thụ mang tính thẩm mỹ về phương diện tinh thần, mang đến cho con người sự thanh cao – cao thượng và cả nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường ở Việt Nam mấy chục năm qua thực chất chỉ triển khai ở hai môn âm nhạc và mỹ thuật. Các bài học về âm nhạc và mỹ thuật tại trường phổ thông đã đóng góp tích cực trong việc mang đến cho tuổi trẻ Việt Nam những kiến thức cần để có thể trở thành một con người toàn diện. Nhưng có một điều có lẽ cũng cần nói ở đây: Nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy giờ học âm nhạc và mỹ thuật ở trường phổ thông chỉ có ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở, không có giờ dạy nghệ thuật (âm nhạc hay mỹ thuật) ở trường trung học phổ thông (THPT). Mà như chúng ta đã biết, học sinh lứa tuổi THPT đầy hiếu động và cần được sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và toàn xã hội trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật. Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu về giáo dục nghệ thuật thường bày tỏ lo ngại về thị hiếu thẩm mỹ của lứa tuổi này. Qua nhiều khảo sát chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một điều: Nhiều giá trị tinh thần vốn là bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam không được các em biết và yêu quý, nhất là đối với học sinh THPT ở các thành phố, trung tâm lớn. Trong khi đó các em lại có thể biết, yêu thích nhiều tác phẩm âm nhạc nước ngoài. Khi nói về vấn đề này, các nhà nghiên cứu giáo dục nghệ thuật, trên từng góc độ của mình thường chỉ ra, nhấn mạnh những nguyên nhân khác nhau. Nhưng có lẽ tất cả đều thống nhất với nhau về sự cần thiết, cấp bách của công tác giáo dục nghệ thuật cho lứa tuổi THPT, về một cái nhìn, một sự chỉ đạo ở tầm chiến lược của công tác này.

Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, một cơ sở đào tạo quan trọng của giáo dục nghệ thuật Việt Nam cho các trường phổ thông hàng chục năm qua cũng đã và đang chỉ đào tạo chủ yếu hai loại hình giáo viên âm nhạc và giáo viên mỹ thuật. Song qua khảo sát tại các địa phương và thực tế phát triển của xã hội chúng tôi nhận thấy: để có thể trở thành một người phát triển toàn diện trẻ em không phải chỉ cần học nhạc và mỹ thuật, phần đông các em đều rất thích học và có năng khiếu với các môn nghệ thuật khác như múa, kịch, v.v. Thời gian qua, xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu của xã hội, nhà trường đã đề nghị và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm một số ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục nghệ thuật của xã hội như: Quản lý Văn hóa, Thiết kế thời trang, Hội họa và Thiết kế đồ họa. Theo chúng tôi, đây sẽ là những khởi đầu đầy hứa hẹn cho tương lai của công tác giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam. Nhà trường cũng đã và đang hoàn thành nội dung Chương trình giảng dạy của một số mã ngành đào tạo khác thuộc lĩnh vực nghệ thuật để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc cho đào tạo trong thời gian tới như: Sư phạm múa, sư phạm thanh nhạc, sư phạm nhạc cụ (organ/ghita), v.v. Nội dung của chương trình là những môn học nhằm đào tạo ra những giảng viên có trình độ chuyên ngành cao không chỉ cho các trường phổ thông, mà cả cho các trường sư phạm địa phương và trung ương của Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Từ đó, mỗi con người Việt Nam sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc trong sự hội nhập giữa các nền văn hóa trên thế giới. Trong nhiều khảo sát của các cơ quan có trách nhiệm trong thời gian vừa qua đã chỉ ra: Những giá trị văn hóa cổ truyền còn chưa được yêu thích và coi trọng, nhất là trong giới trẻ. Giới trẻ Việt Nam hôm nay phần nhiều không yêu thích do không hiểu được những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống. Trong các bài dân ca, nhiều lời ca cổ là khó hiểu đối với thế hệ trẻ hôm nay. Để khắc phục vấn đề này, theo chúng tôi không phải là công việc có thể làm ngay được và phải tốn rất nhiều công sức của một tầm chiến lược mang tính định hướng cao. Nhưng chắc chắn đây là công việc cần phải làm của toàn xã hội vì thế hệ trẻ và cũng là vì tương lai của đất nước.

2.4. Bài văn mẫu số 4: Âm nhạc trong giáo dục phổ thông

Âm nhạc là một tài sản vô hình không thể thiếu trong một đời người, trong một tộc người, trong một cộng đồng tùy theo mức lớn nhỏ mà được gọi là dân tộc, quốc gia, thời đại hay toàn thể nhân loại.

Âm nhạc được sinh ra từ cá thể sáng tạo để bày tỏ cảm xúc và sẻ chia với cá thể khác. Đó là mối liên kết giữa người với người, là sự đồng cảm, là tiếng nói chung có thể không cần đến ngôn từ giữa các dân tộc khác nhau trên khắp địa cầu, giữa các thời đại khác nhau suốt chiều dài lịch sử.

Âm nhạc có sức mạnh khôn lường trong sự tác động cả thuận lẫn nghịch tới tâm lí con người. Nó giúp người mất thăng bằng lấy lại cân bằng hoặc khiến người đang bình thường trở nên phấn khích đến mất kiểm soát. Nó giúp ta đứng dậy, vượt qua nỗi đau nỗi sợ tưởng chừng không thể vượt qua, song cũng chính nó lại xô ta ngã vùi, bất lực trong tuyệt vọng.

Thực hành âm nhạc giúp con người ta không những nhạy cảm, giàu tưởng tượng, trí nhớ tốt, biết lắng nghe, mà còn rèn giũa nhiều phẩm chất khác như tính kiên nhẫn, tính kỉ luật, tính đồng đội…

Một môi trường âm nhạc trong lành là điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng con người nhân hậu và hướng thiện, ngược lại, một đời sống âm nhạc xô bồ độc hại cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng xã hội vô cảm, thiếu nhân cách. Gây dựng một môi trường âm nhạc tốt lành hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kĩ năng xã hội cho thế hệ tương lai, vì thế không thể xem nhẹ giáo dục âm nhạc cũng như giáo dục nghệ thuật nói chung trong chương trình phổ thông.

Một nền giáo dục phổ thông tốt là không chỉ đóng khung trong việc trang bị kiến thức cho con trẻ, không nhồi sọ quá tải lí thuyết suông, mà quan trọng hơn thế, đó là giúp các công dân tương lai biết thực hành kĩ năng sống, biết cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình người, để từ đó biết sống lương thiện với đúng nghĩa một con người có nhân cách.

Chúng ta từng có một tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc nên giờ luôn cố chăm chút cho con mình được hưởng mọi nhu cầu vật chất, đến mức đôi khi không để ý tới nhu cầu tinh thần của con, trong đó có âm nhạc, có môi trường hình thành thị hiếu và nuôi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc.

Trong đời sống xã hội ngày càng bị cuốn theo cơn lốc chạy đua thành tích, trường học như một xã hội thu nhỏ cũng phải chạy theo điểm số, nhất là các môn được coi là quan trọng. Các con phải học thêm nào toán, nào văn, nào ngoại ngữ…, học thêm buổi ở trường, học ngoài giờ ở nhà thầy cô. Cả thầy lẫn trò chẳng còn để tâm vào mấy môn bị xếp là thứ yếu như nhạc - họa. Mấy môn nghệ thuật học chỉ để lấy lệ đó trong nhiều năm bị loại khỏi chương trình trung học phổ thông. Các con đến tuổi phải tập trung toàn tâm toàn lực vào những môn quan trọng cho cái đích bắt buộc phải đạt tới là đỗ đại học, nên càng cần nhồi nhét kiến thức khoa học bao nhiêu thì hẳn nhiên càng phải giảm tải những thứ nhạc nhẽo vẽ vời bị coi là “vớ vẩn” kia đi. Thế là thả nổi cái nhu cầu ca hát, nhu cầu giải trí bằng âm nhạc ở độ tuổi đang định hình tính cách, dù nhu cầu đó không hề giảm đi, mà ngược lại, càng thiết thực và đòi hỏi hơn vì đến tuổi này các con càng muốn chứng tỏ mình với mọi người xung quanh và khao khát khám phá thế giới xung quanh mình. Hơn bao giờ hết, các cô bé cậu bé sắp trưởng thành rất cần đến sự kết nối và tự tin trong giao tiếp là những thứ có thể dựa vào sự hỗ trợ của âm nhạc. Song, nhà trường “buông” rồi, chẳng bị ai kiểm soát áp đặt, cũng có nghĩa là không còn ai gợi mở, điều chỉnh và dẫn dắt trong thẩm mĩ nữa, tất cả những gì liên quan đến âm nhạc từ đây chỉ có thể tự học trong “trường đời” mà thôi. Và cái đời sống âm nhạc trong “trường đời” ấy đã đủ tốt lành chưa? Các con đủ bản lĩnh để phân biệt hay - dở, thật - giả trong không gian mở của thế giới phẳng hôm nay chưa? Rõ ràng đây là lỗ hổng quá lớn trong giáo dục âm nhạc phổ thông, là một nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng buồn trong giáo dục thẩm mĩ đại chúng hiện nay.

Để thấy sau khi được hưởng quá trình giáo dục phổ thông, các con đủ hiểu biết trong thưởng thức và cảm nhận cái đẹp qua âm nhạc chưa thì phải nhìn ngược về điểm khởi đầu chương trình giáo dục.

Âm nhạc đóng vai trò rất lớn đối với tuổi nhà trẻ - mẫu giáo, lứa tuổi hoàn toàn vui chơi, gọi là “đi học” đấy, nhưng là “học mà chơi”, các bé học được gì chủ yếu đều thông qua hình thức “chơi”. Âm nhạc gần như bao trùm mọi hoạt động của các bé. Đến cấp tiểu học và trung học cơ sở, âm nhạc chỉ còn là một môn học có mức độ hạn chế về thời lượng và tầm quan trọng.

Âm nhạc cho tuổi nhà trẻ - mẫu giáo có khá nhiều điều cần xem xét, nhưng vì chủ đề ở đây giới hạn chỉ trong độ tuổi tiểu học và trung học. Vậy nên ta thử xem ở độ tuổi này các con được học gì trong giờ nhạc. Sách giáo khoa âm nhạc cho thấy có hai nội dung chính là học hát và phát triển khả năng âm nhạc.

Học hát chủ yếu là ca khúc thiếu nhi (dĩ nhiên!), điểm thêm đôi ba bài dân ca Việt và bài hát nước ngoài. Ở tiểu học riêng lớp 1 và 2 học 12 bài mỗi năm, từ lớp 3 đến lớp 5 giảm còn 10 bài mỗi năm và bắt đầu học thêm xướng âm; ở trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 8 học 8 bài mỗi năm, riêng lớp 9 chỉ còn 4 bài - có lẽ vì cần ưu tiên thời gian cho những môn thi chuyển cấp. Con số cụ thể bao nhiêu không quan trọng, nêu ra đây chỉ để thấy rõ số lượng bài hát giảm dần theo lứa tuổi. Danh sách bài cần học cố định cho tất cả các vùng miền khác nhau. Giáo trình “đóng khung” danh mục đó quả là nhàn cho thầy cô và dễ kiểm soát cho các nhà quản lí giáo dục, nhưng cũng giảm đi tính linh hoạt của một nghệ thuật luôn cần sự tươi mới và sinh động theo dòng chảy thời gian như âm nhạc.

Còn điều nữa dễ nhận ra: xưa nay học hát vẫn là hình thức chủ yếu trong chương trình giáo dục phổ thông nếu không nói là duy nhất. Cách dạy hát ở trường thường rơi vào tình trạng thụ động, mô phạm và một chiều (nghĩa là thầy độc thoại, trò chỉ biết tiếp nhận và làm theo chứ hoàn toàn không có đối thoại tranh luận giữa đôi bên), đó cũng là tình trạng chung của các môn học khác. Một phương pháp sói mòn, ít đòi hỏi sáng tạo cả ở thầy lẫn trò. Thực ra đây vẫn có thể là giờ học đầy thú vị và sáng tạo nếu may mắn có được người thầy tài hoa cả về âm nhạc cũng như phương pháp sư phạm.

Sự sáng tạo linh hoạt trong dạy nhạc và học nhạc cần được thể hiện nhiều hơn ở nội dung thứ hai: phát triển khả năng âm nhạc, bao gồm các phân mục tập nghe nhạc/ câu chuyện âm nhạc/ phân biệt âm thanh cao thấp ngắn dài, giai điệu chuyển động lên xuống/ làm quen nhạc cụ/ trò chơi âm nhạc. Đây là lúc thầy khám phá năng khiếu ở trò và dẫn dắt trò khám phá vẻ đẹp của âm nhạc. Thầy khơi gợi cảm nhận âm nhạc ở trò, biến giờ học thành những khoảnh khắc hưởng thụ. Thầy trò là bạn đồng hành trong cuộc phiêu lưu vào thế giới âm thanh, để cùng có chung một tình yêu với nghệ thuật âm nhạc.

Đó là điều có thể xảy ra vào lúc nào đó trong tương lai, chứ thực tế còn xa con cháu chúng ta mới được hưởng những giờ học nhạc thực sự lôi cuốn trong những năm tháng học tại trường phổ thông. Các con tôi đã học nhạc một cách đối phó bởi không tìm thấy chút hấp dẫn nào ở đó. Tập đọc nốt nhạc từ 9-10 tuổi mà đến tuổi trưởng thành vẫn mù nhạc, bởi các con xướng âm đâu thèm nhìn mặt nốt mà chỉ coi các chữ cái đờ-rờ-mờ bằng bút chì ghi dưới các nốt đồ-rê-mi, rồi học vẹt như thuộc lòng một lời ca vô nghĩa vậy. Thầy biết cũng mặc, miễn sao cả lớp đọc trôi chảy để toàn đạt điểm tốt.

Tôi cứ băn khoăn vì sao quá ít bài hát đọng lại trong kí ức tuổi thơ của các con? Bài hát thiếu nhi mới vẫn xuất hiện đều đều. Năm nào Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng trao không ít giải thưởng cho hạng mục ca khúc thiếu nhi. Thế mà các con ở mọi lứa tuổi - từ nhà trẻ đến tuổi thanh thiếu niên - vẫn cứ thiếu bài hay để hát. Trường trung học phổ thông gần nhà tôi mỗi sáng đầu tuần hoặc lúc liên hoan văn nghệ vẫn nghe tiếng học sinh đồng thanh hát vang những lời ca như: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”. Chúng ta luôn trách các bác các cô chú nhạc sĩ thiếu quan tâm đến mảng ca khúc thiếu nhi, nhưng lỗi không hoàn toàn ở họ, bài hát thiếu nhi có viết nhiều viết hay đến mấy mà không được hỗ trợ quảng bá, cập nhật thì thiếu vẫn hoàn thiếu. Người nhớn vẫn bắt trẻ con hát nhiều bài ca của thời chiến mà chúng không thực sự hiểu ý nghĩa.

Trong giáo trình giáo dục âm nhạc phổ thông hiện nay, bài hát được tuyển vào chương trình đều có tuổi đời khá cao, được hát qua nhiều thập niên, có nghĩa đó là bài hát của tuổi thơ thế hệ giờ đã lên chức ông chức bà, dù có hay, có thuộc loại “bài ca đi cùng năm tháng” đi nữa thì nội dung lời ca chưa chắc đã còn phù hợp với tuổi thơ hôm nay.

Nên chăng để giáo trình “mở”: bên cạnh những bài hát được chọn làm cái khung mẫu (như kiểu “lòng bản” trong nhạc dân gian!) còn có kèm theo một danh sách linh hoạt để thay thế bài nào đó là tùy thầy cô, danh sách này mỗi năm được điều chỉnh và cập nhật để có thêm những bài mới được các con ưa thích và phù hợp với thời nay. Ngoài ra, các địa phương được quyền thay thế một vài bài hát trong giáo trình bằng đôi ba làn điệu nhạc cổ truyền của riêng quê mình, đặc biệt những di sản đã và sắp được UNESSCO vinh danh là di sản vi vật thể của nhân loại, chẳng hạn Xoan ở Phú Thọ, Quan Họ ở Bắc Ninh, Then ở vùng núi phía Bắc, Ví Dặm ở miền Trung... Việc này không khó thực hiện thông qua giáo án điện tử bắt đầu được sử dụng từ 2002 và đang dần trở nên phổ cập.

Tuy vẫn cần có cái nhìn thoáng hơn, linh hoạt hơn trong xây dựng và sử dụng giáo trình, nhưng với nội dung qua sự tuyển chọn bài hát và những yêu cầu đặt ra giúp học sinh hiểu biết và thực hành âm nhạc, thì giáo trình hiện nay có thể được coi là tạm ổn. Hơn nữa, được biết trong tương lai gần giáo trình còn hướng tới mục tiêu cảm thụ âm nhạc, sáng tạo âm nhạc và ứng dụng âm nhạc. Vậy thì giáo trình chưa phải là điều đáng lo ngại nhất trong những lí do khiến môn nhạc chưa thực sự có được hiệu quả cần có, phải chăng vấn đề nằm ở chất lượng và phương pháp dạy nhạc?

Chúng ta có không ít cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc, nhưng xem ra số lượng đầu vào hàng năm không cao lắm, chất lượng đầu ra cũng không được đồng đều và chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu xã hội. Chất lượng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan như năng khiếu âm nhạc, cái duyên âm nhạc và tình yêu âm nhạc, mà còn được quyết định bởi yếu tố khách quan: giáo viên tương lai được trang bị phương pháp dạy học như thế nào. Rất tiếc trong nhiều năm ta từng xem nhẹ điều này, và phương pháp dạy học cũ kĩ giáo điều có thể làm hỏng nhiều thế hệ học trò.

Thấy được vai trò của âm nhạc trong đời sống con người và phát triển xã hội quan trọng bao nhiêu, thì càng thấy vai trò đào tạo người dạy nhạc quan trọng bấy nhiêu. Từ đây cần ghi nhận tầm quan trọng của các trường sư phạm nghệ thuật. Và mỗi trường có bao nhiêu giáo sư tiến sĩ không quan trọng bằng mỗi năm chúng ta có thêm được bao nhiêu giáo viên trẻ thực sự có nghề có tâm.

Tương lai chỉ tốt đẹp hơn khi chính ta dám thay đổi cả trong ý thức và hành động, dám bỏ qua mọi thứ phù phiếm hình thức, dành toàn tâm toàn lực vì một môi trường âm nhạc trong lành hướng thiện, để con cháu chúng ta không chỉ mạnh về thể lực mà còn đẹp cả về tâm hồn và nhân cách.

-----------------------------

Trên đây là phần hướng dẫn lập chi tiết và một số bài văn mẫu tham khảo Nghị luận về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình thêm hấp dẫn. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 hiệu quả.

Các tài liệu liên quan:

Đánh giá bài viết
1 294
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm