Nhà văn Mác-xim Goóc-ki đã nói: “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Em suy nghĩ gì về câu nói đó?

Văn mẫu lớp 7: Nhà văn Mác-xim Goóc-ki đã nói: “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Em suy nghĩ gì về câu nói đó? dưới đây gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Em suy nghĩ gì về câu nói trên

1. Đặt vấn đề:

– Học tập là một quá trình liên tục, lâu dài, gắn bó với con người trong suốt cuộc đời.

– Có nhiều môi trường khác nhau để con người học tập: trong gia đình, trong trường học, ngoài xã hội…

– Giới thiệu câu nói của M.Goóc-ki: “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Câu nói này khẳng định vai trò của môi trường xã hội, của cuộc sống đối với sự trưởng thành của con người, đồng thời cho ta hiểu vai trò của tự học..

2. Giải quyết vấn đề:

– Chứng minh qua cuộc đời của M.Goóc-ki: bị mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng bà và bố; cuộc sống nghèo khó nên không được đi học và phải đi làm từ nhỏ; làm đủ mọi thứ nghề; sau này trở thành nhà văn nổi tiếng (tác phẩm Thời thơ ấu ghi lại những kỉ niệm ấu thơ, những ngày tháng cơ cực…).

– Giải thích câu nói của Goóc-ki: vì sao lại đúng?

+ Cuộc sống rộng lớn, phong phú mỗi người ta tiếp xúc, những mối quan hệ hình thành, những sự việc ta chứng kiến đều là những kinh nghiệm thực tế mà không có một trường học nào dạy.

+ Do nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể đi học chính quy ở các trường học mà phải tự học thông qua quá trình tiếp xúc cuộc sống từ rất sớm.

+ Do thời gian học ở nhà trường không kéo dài mãi, kiến thức thì vô hạn mà hiểu biết của con người hữu hạn nên mỗi người phải vừa đi làm vừa học được từ những trải nghiệm trong cuộc sống.

– Chứng minh tiếp tục qua các dẫn chứng khác về tinh thần tự học của những người nổi tiếng- học từ “trường đại học cuộc sống”.

– Bàn luận, nâng cao:

+ Học từ cuộc sống không có nghĩa “bạ đâu học đấy” mà phải có sự chọn lọc, suy nghĩ chín chắn, phân biệt đúng- sai, cái nên học và cái không nên….

+ Việc học diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, học từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng.

+ Phê phán trường hợp những học sinh, sinh viên bê trễ học hành, coi việc ra ngoài cuộc sống sẽ tốt hơn → bị thất bại, sai lầm → so sánh giữa học chính quy ở trường và tự học.

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại về ý nghĩa câu nói của M. Goóc-ki.

– Rút ra bài học cho bản thân về vấn đề tự học trong cuộc sống.

“Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Em suy nghĩ gì về câu nói trên

V.I. Lê-nin có câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”. Lại có người nói: “Học vấn là hành trang tri thức là sức mạnh”. Vậy nên, có thể nói, học vấn chính là của cải quý giá của con người, là hành trang không thể thiếu để con người vươn tới thành công.

Có nhiều môi trường khác nhau để con người học tập: trong gia đình, trong trường học, ngoài xã hội…, gắn liền với nó là những hình thức học tập khác nhau: học từ thầy, từ bạn, từ cha mẹ, người thân, từ xã hội.

Nói về vấn đề này, nhà văn người Nga Mác-xim Goóc-ki đã nói: “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Câu nói này khẳng định vai trò của môi trường xã hội, của cuộc sống đối với sự trưởng | thành của con người, đồng thời cho ta hiểu vai trò của tư hoc.

Nói đến M. Goóc-ki là nói đến một tuổi thơ đầy cay đắng, bất hạnh. Bị mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng bà và bố, vì cuộc sống quá nghèo khó nên Goóc-ki không được đi học mà phải đi làm từ rất sớm Ông đã làm đủ mọi thứ nghề, kể cả những nghề phải lao động chân tay vất vả, cực nhọc nhất để nuôi thân. Hồi ức về những ngày tháng cơ cực ấy được ghi lại trong cuốn hồi ký Thời thơ ấu của ông. Vậy mà sau này, M. Goóc-ki đã trở thành nhà văn nổi tiếng không chỉ của nền văn học Nga mà cả văn học thế giới. Ông được coi là “cánh chim báo bão” của thế kỉ XX, là đại biểu xuất sắc nhất của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Từ cuộc đời và sự nghiệp của ông, ta có thể nhận được bài học lớn về kinh nghiệm học tập và thành công, đó là ta có thể trưởng thành nhờ học tập từ cuộc sống. Chính cuộc sống đã “dạy” cho nhà văn những kinh nghiệm quý báu, đã làm cho vốn hiểu biết của nhà văn được dồi dào, phong phú. Càng tiếp xúc với nhiều công việc, nhiều hạng người trong cuộc sống thì nhà văn lại càng thuận lợi hơn trong việc xây dựng, sáng tạo hình tượng nhân vật, thể hiện tâm lý, tính cách con người… Có thể nói, năng lực tự học, tự tích lũy và “xử lý” tri thức từ cuộc sống của nhà văn là vô cùng quan trọng.

Do đó, có thể khẳng định rằng trong rất nhiều con đường đạt tới, chiếm lĩnh học vấn, tự học có thể coi là con đường cơ bản và quan trọng nhất.

Vậy, thế nào là tự học?

Tự học là hình thức ở đó, người học là chủ thể tự tiếp cận, thu nhận, khám phá và chiếm lĩnh tri thức mà không có sự hướng dẫn, chỉ dạy của đối tượng khách thể khác. Một người tự học có thể không được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường, không có bằng cấp cao về học vấn, nhưng họ có thể học được ở mọi nơi, trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh, từ nhiều nguồn khác nhau.

Ông cha ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu tục ngữ đó đã đề cao vai trò không thể thiếu của người thầy trong việc dẫn dắt mỗi người đến chân trời tri thức. Lại có câu tục ngữ: “Học thầy không tày học bạn”, ở đó, vai trò của việc học bạn lại được nhấn mạnh. Vậy, tại sao tự học lại được khẳng định là phương thức cơ bản và quan trọng nhất đối với quá trình tích luỹ, trau dồi và nâng cao học vấn của mỗi con người?

Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận rằng con người là một thực thể tinh thần đặc biệt, độc đáo. Chỉ duy có con người mới có khả năng cảm nhận, thể hiện suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ, đồng thời lao động, sáng tạo ra của cải vật chất cũng như những giá trị tinh thần nhằm đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của chính mình.

Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã có khả năng “học” được từ môi trường bên ngoài thông qua mối quan hệ tiếp xúc gần gũi với cha mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình. Những điều mà một em bé học được một phần là do sự tự nhận thức của bé, còn phần lớn là do sự chỉ dạy của người lớn. Tiếp đó, cùng với quá trình lớn lên về thể chất, mỗi người đều được đưa vào những môi trường giáo dục khác nhau để học những kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức. Và lúc người thầy có vai trò quan trọng nhất trong việc truyền thụ tri thức, dạy cách tư duy cho người học. Bên cạnh đó, mỗi người còn có thể học được nhiều điều từ bạn bè, từ những mối quan hệ xã hội. Càng gia nhập vào những mối quan hệ rộng lớn của cộng đồng xã hội, con người càng tách dần quá trình tiếp nhận tri thức một cách thụ động mà vươn lên nắm giữ vai trò chủ động tiếp nhận, thậm chí phát hiện và sáng tạo ra những chân trời tri thức mới. Chính ở quá trình này, con người phải tự học thì mới có thể nâng cao và mở rộng tầm trí tuệ, tâm hồn mình. Tự học là cột mốc đánh dấu trình độ tự nhận thức, tự ý thức cao của con người, đồng thời là con đường tất yếu trên hành trình đạt tới đỉnh cao học vấn của mỗi người…

Tự học có vai trò quyết định đối với chúng ta còn bởi một thực tế là nếu trong quá trình “học thầy”, “học bạn”, mỗi cá nhân chỉ luôn ở vị trí tiếp nhận thụ động mà không tự thân tìm tòi, suy nghĩ thì việc học sẽ không đạt được hiệu quả tốt. Những kiến thức mà thầy cô, bạn bè truyền tới mỗi người nếu không được cá nhân đó xử lý và phản hồi lại sẽ là những kiến thức “chết”, không có khả năng áp dụng vào cuộc sống. Như vậy, chỉ bằng tự học, tự nhận thức, đào sâu, nghiên cứu, con người mới có thể biến tri thức được tiếp thu từ bên ngoài thành tri thức của chính mình và có thể vận dụng nó vào những hoàn cảnh khác nhau của mình trong cuộc sống.

Hơn nữa, tri thức của nhân loại thì vô hạn, mà nhận thức của con người thì hữu hạn, giống như “giọt nước giữa biển cả”. Chúng ta không thể tiếp nhận được ngay một lúc một khối lượng kiến thức khổng lồ từ trên ghế nhà trường. Quá trình liên tục học tập, tích lũy và mở rộng tri thức đòi hỏi tự học phải là phương thức cơ bản và hữu hiệu nhất gắn bó với con người trong suốt cuộc đời.

Ngoài ra, trong thực tế, không phải ai sinh ra cũng được có điều kiện học tập bài bản, liên tục mà có rất nhiều người vì những nguyên nhân khác nhau (do gia đình không có điều kiện về kinh tế, hoặc do bản thân bị khuyết tật, hoặc do những rủi ro, những bước ngoặt, thăng trầm trong cuộc đời…), họ không thể đi học như những người bình thường khác. Do đó, đối với họ, tự học chính là con đường đưa họ đến với tri thức, kinh nghiệm của nhân loại, giúp họ tự nuôi sống mình và trở thành người có ích cho xã hội.

Thực tế đã chứng minh có nhiều tấm gương những người thành công, nổi tiếng nhờ tự học.

Trên thế giới, ta không thể quên tên tuổi của nhà khoa học vật lý Anbe Anhxtanh- con người vĩ đại nhất của mọi thời đại, người đã phát minh ra “thuyết tương đối” bằng lòng say mê, kiên trì nghiên cứu của chính mình mà không qua thời gian được học tập, giảng dạy trên ghế nhà trường. Đó còn là nhà khoa học Ê-đi-xơn – người đã phát minh ra đèn điện cũng bằng con đường tự học bền bỉ. Nền văn học thế giới ghi nhận tên tuổi của những tài năng biết vươn lên, đạt tới đỉnh cao thành công bằng con đường tự học, đó là nhà văn tiêu biểu nhất của Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp H. Ban-dắc, là nhà văn Mỹ Mác-Tuên, là nhà văn xuất sắc của nước Nga Mác-xim Goóc-ki. Với những nhà văn ấy, chính “cuộc sống là trường đại học vĩ đại”. Những kinh nghiệm từng trải trong cuộc đời sớm chịu nhiều thua thiệt, gian khó đã mang lại cho những trang văn của họ hơi thở của sự sống tươi nguyên, sống động nhất, đưa tác phẩm của họ đến được với số đông công chúng nhất.

Ở Việt Nam, ta cũng có thể kể ra rất nhiều tấm gương những con người vượt lên số phận, tự học thành công như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – người đã từng thả đom đóm vào vỏ trứng làm đèn học; anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ, sau này trở thành một nhà thơ, nhà giáo ưu tú; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn. Và tấm gương rực rỡ, chói sáng hơn cả chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già của dân tộc Việt Nam, người đã lên con tàu viễn dương bôn ba sang các nước Châu Âu, Mĩ để tìm đường cứu nước. Chỉ bằng hai bàn tay trắng, với lòng yêu nước sâu sắc và ý chí quyết tâm, bền bỉ, Người đã tự học hàng chục ngoại ngữ, tự học cách thích nghi với những nền văn hoá khác nhau trên thế giới và được thế giới ngưỡng mộ, tôn là Danh nhân văn hoá thế giới.

Những con người đó cũng chính là những tấm gương của niềm say mê lao động, nghiên cứu và hoạt động xã hội, của ý chí kiên cường vượt lên số phận và những sóng gió của cuộc đời. Cuộc đời và nhân cách cao đẹp của họ là động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn nữa trên con đường hướng tới thành công, đạt đến đỉnh cao tri thức nhân loại.

Nói tự học là biểu hiện của trình độ ý thức tự giác cao của con người, điều đó cũng có nghĩa là cá nhân mỗi người phải nhận thức rõ ràng và sâu sắc những thuận lợi cũng như hạn chế của phương pháp tự học. So với hình thức học chính quy ở các trường học hoặc các trung tâm giáo dục, nơi người học nhận được sự hướng dẫn, chỉ dạy của người thầy thì tự học có hạn chế là người học phải tự tìm tòi, suy nghĩ, tích luỹ và xử lý kiến thức theo nhận thức của mình. Con đường tự học vậy nên sẽ “mây mờ”, mất nhiều thời gian, công sức và cũng dễ vấp phải những sai lầm, ngộ nhận hơn. Tuy nhiên, khi người tự học biết vượt qua những va vấp, khó khăn ban đầu đó thì họ lại có được ưu thế là sẽ tự nâng cao trình độ nhận thức độc lập của bản thân, sẽ đào sâu tìm tòi, mở rộng kiến thức, thậm chí có thể phát hiện ra những điều mới mẻ, không đi lại dấu chân của người khác. Nhờ tự học, con người sẽ trưởng thành hơn, trở thành một nhân cách độc lập, đầy bản lĩnh.

Tuy nhiên, nói tự học, nhưng chúng ta cũng phải xác định tự học cái gì, và quan trọng hơn là tự học như thế nào. Không phải ta cứ ngồi vào bàn và đọc bất cứ cái gì có trong tay thì được gọi là tự học. Một người học sáng suốt là người biết chọn lọc những kiến thức khoa học phù hợp, cơ bản để làm nền tảng, đồng thời còn biết cập nhật và mở rộng hiểu biết của mình về những vấn đề xã hội. Chúng ta có thể học được ở nhiều người khác nhau mà ta gặp trong cuộc sống, học từ những tấm gương thành công lẫn những trường hợp thất bại, có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, từ nhiều nguồn như sách báo, truyền hình, internet… Xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất, mới nhất. Mỗi người không chỉ nhận thức được vai trò của tự học mà còn phải biến nó thành hành động thực tế, học thường xuyên, nghiêm túc, theo tư duy logic, khoa học, và cuối cùng là biết biến kiến thức mà mình thu nhận được thành sản phẩm cụ thể, thực tế.

Trong giáo dục hiện đại ngày nay xuất hiện xu hướng biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tự học cũng trở thành con đường phổ biến và quan trọng hướng tới xây dựng một “xã hội học tập”. Mặc dù vậy, mỗi chúng ta cần tránh rơi vào cực đoan, duy ý chí khi tuyệt đối hoá vai trò của tự học, tự giáo dục. Hiện nay, có nhiều học sinh, sinh viên vin vào tự học mà lơ là, chểnh mảng việc học trên lớp, coi nhẹ vai trò giáo dục của nhà trường và vị trí của người thầy. Lại có nhiều trường hợp lấy tự học là cái cớ để tìm đến những trò chơi điện tử hoặc lang thang trên mạng, quên cả việc học hành. Những hiện tượng tiêu cực đó cần sớm bị phát hiện và lên án.

Như vậy, một mặt, chúng ta cần nhận thức đúng đắn vai trò và phương pháp tự học, mặt khác phải biết kết hợp tự học với những hình thức học tập khác nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho việc học. Và câu nói của V.I. Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”, vẫn được coi là kim chỉ nam cho con người hướng đến đỉnh cao tri thức của nhân loại.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nhà văn Mác-xim Goóc-ki đã nói: “Cuộc sống là trường đại học vĩ đại của tôi”. Em suy nghĩ gì về câu nói đó? cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
2 2.162
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm