Nhân dịp cùng bố mẹ đi tham quan, em đã được làm quen với một người bạn mới. Em hãy kể lại kỷ niệm đó
Kể lại kỷ niệm đó nhân dịp cùng bố mẹ đi tham quan, em đã được làm quen với một người bạn mới
Nhân dịp cùng bố mẹ đi tham quan, em đã được làm quen với một người bạn mới. Em hãy kể lại kỷ niệm đó được VnDoc sưu tầm, tổng hợp giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng hoàn thiện cách làm bài văn kể chuyện lớp 6. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.
Hãy tưởng tượng và kể lại truyện cổ tích Sọ Dừa theo một kết thúc mới
Kể lại tâm sự của cây bàng (hoặc cây phượng) non bị lũ trẻ bẻ cành lá
Đề bài: Nhân dịp cùng bố mẹ đi tham quan, em đã được làm quen với một người bạn mới. Dù cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi nhưng tình bạn ấy vẫn là một kỷ niệm khó phai. Em hãy kể lại
Bài tham khảo 1
Tôi đã đi nhiều nơi và hầu hết là đi biển. Nhưng hè năm nay, bố lại có một đề nghị khác. Để mừng lần đầu tiên con gái đạt giải học sinh giỏi, gia đình ta sẽ đi nghỉ mát ở Tam Đảo hai ngày. Không giấu nổi niềm vui, mẹ tôi vỗ tay tán thưởng vui mừng. Còn tôi và thằng Ti thì chạy ào đến quàng lên vai, lên lưng bố mà cảm ơn rối rít.
Ngày hôm trước khi đi đúng là một ngày bận rộn của mẹ. Mẹ chuẩn bị không biết là bao nhiêu thứ nhưng lại còn có thêm cả mấy chiếc áo thu đông. Thấy lạ, tôi liền hỏi mẹ:
Mẹ ơi! Sao đi nghỉ hè mẹ lại chuẩn bị cả áo thu đông như vậy?
Mẹ trả lời bí ẩn:
Cứ lên đó! Con sẽ hiểu tại sao?
Câu trả lời của mẹ dường như làm tăng thêm sự thú vị của Tam Đảo trong tôi.
Sáng hôm sau, mới sáu giờ, chiếc xe bố thuê ở ngoài phố đã sẵn sàng đưa cả gia đình đi suốt cuộc hành trình. Chiếc xe băng nhanh ra khỏi nội thành. Phía sau cửa kính, cả tôi và bé Ti cứ mải miết nhổm lên mà ngắm những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Loáng cái xe đã đến Nội Bài, Phúc Yên rồi rẽ Vĩnh Yên, xe vào đường Tam Đảo (tên những địa danh tôi đọc được trên những biển chỉ đường). Thấy biển đề Tam Đảo, tôi bỗng reo lên:
A! Đến nơi rồi!
Nhưng bố nói: “Chưa đến đâu con ạ! Còn mấy chục cây nữa cơ! Bây giờ bắt đầu đến đoạn đường đi khó, hai con phải ngồi cho ngoan và cẩn thân”. Bố vừa nói dứt lời thì tôi chợt nhận ra con đường trước mặt ngoằn ngoèo như con rắn và dường như cứ hun hút đi lên. Ngồi trong xe mà cả nhà tôi cứ lắc qua lắc lại đến chóng cả mặt. Để rồi khi bố nói đã đến nơi, bước chân xuống xe mà tôi vẫn không tưởng tượng nổi đó là Tam Đảo. Một vùng đồi núi mờ mờ ẩn hiện khác hẳn với trí tưởng tượng trước đó của tôi.
Về khách sạn nhận phòng rồi ăn xong bữa sáng nhẹ nhàng nhờ sự khéo tay của mẹ, gia đình tối bắt đầu cuộc hành trình "chinh phục tháp truyền hình". Ngọn tháp cao hun hút đến nỗi mẹ và em Ti phải bỏ cuộc giữa chừng còn tôi và bố dù đã lên tới đỉnh nhưng lúc xuống cũng phải ngồi nghỉ không dưới mười lần. Buổi sáng, cả gia đình tôi còn kịp đi thăm thêm vài điểm nữa trước khi về khách sạn vào lúc chân tay ai cùng thấy mệt nhoài.
Đầu giờ chiều mẹ nói, hôm nay gia đình sẽ đi sắm một ít đồ kỷ niệm. Lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra lời dặn của Hùng "nghệ sĩ”, cậu bạn thân nhất của tôi. Chả là Hùng thổi sáo rất hay. Biết tôi lên Tam Đảo, nó đã dặn kỹ, thế nào cũng phải mua cho nó một cây sáo trúc.
Ôi! Cơ man nào là đồ kỷ niệm, lại có không biết bao nhiêu đồ làm từ tre trúc. Tôi đi qua một lượt trong tiếng mời chào không ngớt rồi dừng lại trước quán hàng của một cậu bạn xem chừng trạc tuổi tôi.
Bạn mua sáo đi, mang về xuôi tặng bạn bè nào biết thổi để làm kỷ niệm - Cậu bán hàng mời.
Tôi bị ấn tượng ngay vì quán của cậu chỉ bán sáo. Cây nào cũng đề chữ "Hà Vinh - Tam Đảo" chứ không phải "Kỷ niệm Tam Đảo" như những quán tôi đã đi qua. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, người bán hàng đoán được ý, liền giải thích ngay:
Hà Vinh là tên của mình, ở đây người ta bán sáo chủ yếu để làm kỷ niệm. Còn sáo mình làm vừa để làm kỷ niệm vừa để tặng những ai chơi được, thậm chí chơi sáo hay. Mình nghĩ tặng quà cũng nên như vậy.
Tôi ngớ người, người bán nói trúng ý của mình. Tôi bèn nói:
Mình ở dưới xuôi lên lại chẳng biết gì về sáo, thấy cậu có vẻ cũng trạc tuổi mình nên đánh bạo ra mua.
Thế cậu học lớp mấy? - Hà Vinh hỏi:
Năm nay mình lớp sáu.
Vậy cậu ít tuổi hơn mình nhưng chúng ta cứ gọi nhau là bạn bè thôi. Nhà mình vất vả nên vừa học, mình vừa làm thêm giúp mẹ bằng nghề này.
Em là Minh, người Hà Nội, rất vui được quen anh. Nhờ anh chọn giúp em một cây sáo để tặng một người bạn của em. Bạn ấy chơi sáo được.
Hà Vinh chọn rất nhanh và lại còn thử cho tôi nghe một vài tiểu khúc nữa. Tiếng sáo của Hà Vinh chẳng kém gi Hùng nghệ sĩ - cậu bạn được đào tạo bài bản từ lúc nhỏ. Anh Vinh nói:
Mình tặng Minh một cây làm kỷ niệm, không lấy tiền đâu!
Thế thì không được. Anh còn phải giúp mẹ cơ mà. Em không dám nhận!
Không sao Minh ạ! Thứ nhất mình chưa tặng cho ai bao giờ. Thứ hai, mình muốn có thêm một người bạn mới và rất vui vì biết có người chơi được sáo hay và có sở thích giống mình.
Chiều đã muộn, tôi đành nhận cây sáo rồi ra về trong lòng cảm kích vô cùng. Anh Hà Vinh sâu sắc nhưng thật thà, giản dị và tốt quá.
Hôm sau tôi về mà không gặp anh Vinh (chắc buổi sáng anh đi học). Mấy hôm sau tôi theo địa chỉ gửi cho Hà Vinh mấy cuốn sách hay. Anh thích lắm và rất cảm ơn tôi trong lá thư đáp lại. Chuyến đi Tam Đảo đã cho tôi một tình bạn khó phai từ ngày ấy. Còn Hùng nghệ sĩ thì mỗi lúc gặp tôi lại cảm ơn rối rít vì không biết tôi mua thế nào mà lại được cây sáo trúc vừa đẹp vừa hay.
Bài tham khảo 2
Quê tôi ở nông thôn nhưng tôi lớn lên ở thành phố. Từ bé đến giờ, tôi mới chỉ được về quê có một lần. Nhưng lần ấy đã xa xôi lắm rồi, tôi chẳng còn nhớ điều gì nữa. Chả là lúc ấy tôi còn quá bé mà. Tuần vừa qua, tôi thật bất ngờ khi được bố mẹ cho về quê chơi ngày chủ nhật. Chuyến đi đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên.
Suốt đêm hôm trước, tôi gần như không ngủ. Tôi cứ nằm mà tưởng tượng về quê nội. Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một vùng quê nghèo ở miền trung du. Sáng sớm tàu đã chạy, tôi nghủ lăn trong lòng mẹ vì mệt quá. Lúc tỉnh dậy bước chân đầu tiên từ tàu bước xuống là bước chân tôi đi vào nhà nội. Ngôi nhà nằm ngay cạnh đường tàu, ba gian cũ kỹ, được xây bằng thứ gạch mà lâu ngày đã bị đám rêu làm cho ngả màu xanh. Trước mặt ngôi nhà là cánh đồng lúa mới gặt xong, những gốc lúa trơ ra phơi mình dưới những cơn gió heo may.
Ăn cơm trưa xong, bố mẹ bắt tôi đi ngủ như ở trên thành phố. Đến chiều, tôi mới được mẹ cho đi chơi cùng các anh chị ở ngoài đồng. Một khung cảnh rộng mênh mông bát ngát nhìn mỏi mắt ở phía xa cũng chỉ thấy núi và mây trắng chứ không như thành phố chỉ thấy toàn nhà tầng và cao ốc. Đang cắm đầu đuổi theo con cào cào có cặp cánh màu xanh đỏ, tôi bỗng lao sầm vào một cậu bé trông người nhỏ nhắn hơn tôi khiến cậu bật phăng chiếc chạt bò. Tôi vội vàng:
- Xin lỗi cậu! Cậu có sao không?
- Không! Em không sao! Còn anh?
- Mình cũng không sao
Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ người bạn: Cậu người nhỏ nhắn nhưng nhìn khuôn mặt xem chừng không ít tuổi hơn tôi. Nước da cậu đen nhém nhưng đôi mắt sáng có vẻ rất thông minh. Tôi chủ động làm quen:
- Mình tên là Hải, mới về đây thăm ông bà nội. Còn bạn tên gì? Bạn bao nhiêu tuổi?
- Em tên là Minh, em 12 tuổi.
- Vậy hả? Thế là chúng mình cùng tuổi với nhau.
Sự niềm nở của Minh không ngờ đã khiến một cậu bé khó tính như tôi nhanh chóng hoà nhập với đồng quê. Minh đã chỉ cho tôi bao thú chơi trong buổi chiều ngắn ngủi. Những thú chơi ấy đến trong mơ tôi cũng chẳng bao giờ có thể nghĩ ra. Phải chăng vì thế mà tôi đã trở thành khó tính. Và vì thế mà giờ đây tôi mới phải đeo cặp kính cận nặng nề với một mớ kiến thức không sao tiêu thụ nổi. Minh kể cho tôi biết, cậu cũng là học sinh giỏi toàn diện của trường nhưng so với tôi, Minh còn biết bao nhiêu thứ khác. Minh dạy tôi biết bắt dế đồng rồi cho một cái hộp để chơi trò chọi dế, dạy cách thả diều, dạy cách nghe tiếng sáo để phân biệt diều nhỏ, diều to… Tóm lại ở Minh, tôi thấy như có một kho những trò chơi mà tuổi thơ những ai lớn lên ở thành phố không bao giờ biết được.
Buổi chiều ngắn ngủi trôi đi nhanh chóng. Tôi chia tay người bạn mới quen để về thành phố. Trước khi đi Minh còn cho tôi một chiếc diều. Tôi cầm chiếc diều lấy làm thích thú mặc dù đem về thành phố nhà mình chẳng biết sẽ thả ở đâu.
Về đến nhà, thỉnh thoảng tôi lại viết thư về quê hỏi thăm Minh. Tôi hay kể cho Minh nghe chuyện phố phường, còn Minh lại bù đắp cho tôi những trống rỗng của tuổi thơ. Minh là người bạn mà tôi quen gần đây nhất. Tôi thật không ngờ ở cái nơi xa xôi ấy, tôi lại có được một tình bạn sâu sắc và thân thương đến vậy!
Bài tham khảo 3
Do là lần đầu tiên tôi đến Thủ đô. Dưới con mắt của đứa bé quanh năm quanh quẩn nơi thị xã heo hút thì Hà Nội mới đẹp và nhộn nhịp làm sao. Bên các con đường, khách sạn nhà hàng thi nhau mọc lên như nấm. Còn ở lòng đường, ô tô, xe máy, đi lại như mắc cửi. Một lát sau, tôi đã tới nhà dì, một cửa hàng sầm uất cũng như bao cửa hàng khác. Rất tò mò với thành phố nổi tiếng này nên vừa đỡ mệt một chút, tôi đã mượn dì chiếc xe mini đỏ đạp thẳng ra phố phường Hà Nội. Dì dặn với theo tôi là tiện thể mua ít trứng chút nữa chiên!
Sau một hồi hăm hở ngắm đường ngắm phố, tôi trở về với những quả trứng hồng hồng đáng yêu. Tôi đang ngầm sung sướng thì bỗng "Huỵch!", Á!". Ôi trời ơi, chục trứng dấu yêu của tôi đã rơi xuống đất, vỡ vụn trên đường. Nguyên nhân là con nhỏ tết tóc hai bên đang lúng túng xin lỗi. Lập tức, tôi sừng sộ:
- Làm cái gì vậy hả?
- Tớ! Tớ xin lỗi! Tại tớ không để ý... Tớ…
Thấy cô bạn cúng trạc tuổi mình, tôi dịu giọng:
Thôi! Không sao đâu, lỗi tại tôi không để ý ấy mà! Cậu thông cảm nhé.
Nói rồi cô bạn tới thu dọn "chiến trường" rồi phóng lên xe đi thẳng. Đành bỏ tiền túi ra vậy, chẳng lẽ về tay không với bộ mặt tiu nghỉu. Thế rồi tôi đạp xe ra chợ mua trứng, về tới nhà dì, tôi vô cùng sửng sốt cô bạn vừa rồi lại đứng ngay cửa nhà mình. Hỏi ra thì mới biết, bạn tên là Linh, học cùng lớp với Bình, em họ tôi. Linh nhìn thấy tôi cũng ngạc nhiên không kém.
Linh có nước da rám nắng, đôi mắt ưu tư, luôn có vẻ đượm buồn. Tôi chưa kịp quan sát kĩ hơn cô bạn thì Bình từ trên gác đi xuống và cho Linh mượn quyển sách giáo khoa. Bạn đỡ lấy và cám ơn rồi xin phép ra về. Tôi vội nở nụ cười xoà:
- À! Mà cậu biết tên mình chưa? Mình là Trang đó!
- Vậy ư? Cái tên hay đấy!
- Tên Linh cũng hay lắm!
Chỉ vậy thôi rồi Linh ra về. Nghe Bình kể lại, nhà Linh nghèo lắm, từ khi sinh ra bạn chưa nhìn thấy mặt bố bao giờ. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Nhà neo đơn, lại sống trong xóm chợ tồi tàn nên Linh khổ lắm, phải nghỉ học để đi làm kiếm sống. Đôi mắt tôi đã nhoè đi từ lúc nào không biết. Trước mắt tôi là hình ảnh của Linh còn ít tuổi mà đà sớm lam lũ, vất vả. Đôi mắt ưu tư, cánh tay gầy gò,... tất cả đều nói lên số phận bất hạnh của bạn.
Sáng ngày hôm sau, theo địa chỉ Bình cho, tôi tới nhà Linh. Ban đầu bạn còn rụt rè nhưng càng nói chuyện chúng tôi càng hợp nhau. Linh yêu văn học lắm, tôi lấy làm lạ vì bạn thuộc lòng nhiều bài thơ của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi,... Và chính từ ngày hôm ấy, chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau. Vào những ngày nghỉ, tôi thường đến nhà Linh, giảng giải cho bạn những bài toán khó, những bài văn hay... Linh rất thông minh, chẳng mấy lúc đã đuổi kịp kiến thức các bạn cùng lớp. Nhưng bài toán, bài sinh, vật lý... có đều tiếp thu rất nhanh. Thời gian cứ thế trôi qua. Đã hai tháng rồi, tôi phải về nhà để đến trường. Buổi cuối cùng, tôi và Linh di dạo ở Hồ Gươm, thả mặc cho làn gió mát lạnh thổi vào mái tóc. Rồi chúng tôi ôn lại ngày đầu, hôm tôi và Linh "chạm chán". Chúng tôi cười rúc rích, cùng nghĩ đến một tương lai tươi sáng, đẹp đẽ. Hôm ở ga tàu, Linh đã đến và ôm tôi tạm biệt và hẹn ngày gặp lại.
Ngồi trên tàu tôi bâng khuâng nhớ đến Linh da diết. Linh ạ! Tôi sẽ gửi thư cho bạn và nhất định quay lại Hà Nội. Mong bạn hãy luôn nhớ đến tôi, dù cuộc gặp gỡ rất ngắn ngủi. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một ngày không xa.