Phân tích bài thơ Cuối xuân tức sự của Nguyễn Trãi

Văn mẫu: Phân tích bài thơ Cuối xuân tức sự của Nguyễn Trãi được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích tác phẩm Cuối xuân tức sự

Nguyễn Trãi không chỉ là một vị quan tài giỏi, có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là một nhà văn, nhà thơ, một đại thi hào của dân tộc. Ngoài áng thiên cổ hùng văn Bình ngô đại cáo, nhà thơ lớn này còn là tác giả của hàng trăm bài thơ Quốc âm, thơ chữ Hán đặc sắc. Trong số đó, phải kể đến bài Mộ xuân tức sự nguyên văn bằng chữ Hán.

Bài thơ được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch thành Cuối xuân tự sự như sau:

"Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan."

Bài thơ mang tên Cuối xuân tức sự, nghĩa là tả các sự việc xảy ra trước mắt vào một ngày cuối xuân. Nguyễn Trãi viết bài thơ này khi ông đã lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Khi ấy ông đã không được tin dùng, lại bị nghi kị, gièm pha. Không gian trong bài thơ thu hẹp lại nơi phòng văn của tác giả, vắng lặng trọn ngày cửa khép, khách tục không kẻ vãng lai. Phải chăng nơi đây được ví như tiên cảnh, tách biệt hẳn với không khí ồn ào, náo nhiệt bụi bặm của phù hoa trần thế. Trọn ngày nhàn nhã, nhà thơ đang ẩn mình giữa rừng nho biển thánh, đắm mình trong hương sắc tư tưởng đạo đức của cố nhân từ các áng sách xưa lan tỏa.

"Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần"

Lời thơ rất mực nhẹ nhàng, nhưng hàm chứa ít nhiều chua cay, bực bội và khó chịu, mang theo tâm trạng của nhà thơ. Con người trước nay ham hành động vì nước vì dân như Nguyễn Trãi, bây giờ phải chịu bó rọ giữa phòng văn suốt ngày nhàn nhã. Nhìn cảnh đất nước lầm than, dân chúng khổ sở ông rất đau lòng mà không làm gì được.

Lúc bấy giờ các bậc công thần cũ có lòng yêu nước thương dân như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đã bị gian thần gièm pha hãm hại cả rồi. Triều đình gần như chỉ còn lại một bọn xu nịnh âm mưu kéo bè kết cánh, thực hiện mọi thủ đoạn gian ác để củng cố địa vị của mình. Nhà thơ của chúng ta đã phải lánh xa bọn gian thần tục tử ấy, từ chối mọi gần gũi giao tiếp với họ. Ông chọn cho mình thái độ lánh đục tìm trong để bảo toàn khí tiết, dù phải cam chịu một nỗi cô đơn trong sạch. Thật thanh cao biết bao khi mà nhà thơ cố gắng ẩn mình để tìm sự trong sạch, từ bỏ phú quý giàu sang để không phải sống cùng những kẻ tội đồ xấu xa.

Thật ra trong thâm tâm nhà thơ lớn này, thái độ sống ấy chẳng qua là bất đắc dĩ, cùng đường nên mới phải giam mình như vậy. Tuy phải giam mình trong một phòng văn bé nhỏ, nhưng tâm hồn ông mở ra lồng lộng gió trời. Đóng cửa đấy, nhưng mùa xuân vẫn tràn qua bằng âm thanh của tiếng cuốc khắc khoải, bằng mùi hương của hoa xoan thoảng nhẹ. Cửa đóng mà lòng vẫn giao cảm chan hòa với thiên nhiên bên ngoài:

"Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn"

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan. Nhà thơ cảm nhận xuân bằng tiếng cuốc và bằng mùi hương vọng vào, ông cảm nhận ra rằng ngoài kia hoa xoan đang nở trong làn mưa bụi rắc nhẹ lay phay. Tiếng cuốc gọi hè ở đây đâu chỉ nhắc nhở cho nhà thơ biết mùa xuân sắp tàn mà phải chăng như còn đem đến cho ông âm vang một hướng vọng về đất nước như một cách cảm nhận của người xưa. Ông đã linh cảm được số phận của đất nước, số phận của nhân dân. Chim cuốc là hóa thân Thục Đế ngày nào bị mất nước, nên còn ôm mãi mối hận khôn nguôi. Tuy trong phòng văn, nhưng chẳng phút nào nhà thơ không nghĩ đến hoàn cảnh đất nước đang buổi khó khăn. Đôi lúc lại chạnh nghĩ đến cảnh mình tuổi xuân đã muộn. Nỗi day dứt không nguôi trong lòng đã hóa thân thành từng dòng thơ hàm súc mà ta đang phân tích. Đủ thấy, dù trong hoàn cảnh nào, nhà thơ vẫn không nguôi ngoai được nỗi niềm ái quốc yêu dân của mình.

Bài thơ khép lại với hình ảnh trong làn mưa bụi, hoa xoan hé mở thoảng một mùi hương. Sao lại là hoa xoan, một thứ hoa dân dã quen thuộc của quê hương mà không là hoa huệ, hoa lan ước lệ kiêu sa? Hoa nở dìu dịu trong mưa bụi lay phay thực là gợi cảm như niềm hy vọng hé nở trong lòng người, sau cuộc phong ba. Ta không thể không liên tưởng đến đôi dòng thơ của thiền sư Mãn Giác đời Lý:

"Chớ bảo xuân tàn hoa lụi hết

Đêm qua sân trước một nhành mai"

Hay tả đôi câu của cụ Trạng Trình sau này:

"Chín mươi thì kể xuân đã muộn

Xuân ấy qua ngày xuân khắc còn"

Tuy mỗi người một cảnh, nhưng người xưa hầu như lúc nào cũng thắm thiết lòng tin yêu cuộc sống! Có thể xem đó là một bài học lớn cho con cháu ngày sau chăng?

Tóm lại, tuy có nhan đề là Cuối xuân tức sự, nhưng trong bài thơ, đâu phải nhà thơ ghi toàn các sự việc. Rõ ràng là phía sau xuân đã muộn mà hoa xoan vẫn bừng nở đầy xuân kia là tấm lòng của Nguyễn Trãi. Tấm lòng của một con người có nỗi niềm buồn bực, âu lo trong cô quạnh, nhưng vẫn tin yêu và hy vọng: lòng ưu dân ái quốc mãi mãi vẫn tràn đầy như sức xuân bất chấp cả tuổi tác, thời gian.

Bản dịch của nhà thơ Khương Hữu Dụng giản dị, trong sáng, thể hiện được tính cách và tâm hồn của tác giả. Về tiết tấu, bản dịch đã ít nhiều thoát khỏi khuôn sáo để có được âm điệu nhẹ nhàng, đa dạng. Có thể xem đây là một bài thơ hay, vì nó đã cô đúc được tâm tình và tư tưởng cao quý, thanh bạch của một thi hào thật đáng để cho người đời sau suy nghĩ và học hỏi.

Đứng trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân khổ cục nhiều bậc nho sĩ tự giam mình nơi yên tĩnh. Với mong muốn là có thể giúp gì cho đất nước. Bài thơ không chỉ có nghệ thuật hay mà nó còn thể hiện khí phách kiên cường hiên ngang của một nho sĩ trước mặt chồng.

Trên đây VnDoc tổng hợp các dạng bài văn mẫu lớp 10: Phân tích bài thơ Cuối xuân tức sự của Nguyễn Trãi cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 và các tác giả - tác phẩm Ngữ văn 10 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 2.299
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm