Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Suy nghĩ của em về câu nói sau đây: "Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối, nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh"

Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về câu nói sau đây: "Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối, nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh" được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Suy nghĩ của em về câu: "Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối, nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh"

Kiên nhẫn và nóng vội là hai mặt đối lập trong tính cách, nhân cách. Đúng như có người đã nói:

“Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối; nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh”.

Kiên nhẫn là có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, mặc dù thời gian kéo dài, kết quả chưa thấy.

Nóng vội là muốn cho xong ngay, được ngay, không chịu được sự chờ đợi.

Tại sao kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối? Trên đường đời dài dằng dặc, dài vô tận có muôn ngàn khó khăn. Nào là núi cao, đèo cao, lũng hẹp, suối sâu... Nào là đại dương mênh mông, muôn trùng sóng bạc. Có sóng thần, có bão tố, có cá mập nhe nanh. Trên rừng có nhiều thú dữ, hổ sói từng đàn. Mùa đông băng tuyết bao phủ bao la. Mùa hè nắng như đổ lửa, như thiêu như đốt. Nào là đói khát, dịch bệnh hoành hành. Làm sao để vượt qua, để đi tới? Đúng là đường đời có muôn vàn thử thách khó khăn. “Hành lộ nan! Hành lộ nan!”, nhà thơ Lý Bạch đời Đường đã nói như vậy.

Ngoài khó khăn khách quan, người đi đường còn gặp khó khăn chủ quan. Đó là sự ngại khó, ngại khổ, là sự mỏi gối chồn chân. Đầu thế kỉ XX, nhà giáo Nguyễn Bá Học đã khuyên học sinh: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. “Lòng ngại núi e sông” là do tư tưởng ngại khó, ngại khổ, là thiếu niềm tin, thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần bền bỉ, cố gắng.

Trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu cũng vậy, nếu thiếu ý chí, quyết tâm, hay giao động nản lòng, thiếu niềm tin,... thì không thể nào thu được kết quả tốt đẹp. Có nỗ lực vươn lên thì mới có thể:

“Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

(Đi đường - Hồ Chí Minh)

Nhà nông phải thức khuya dậy sớm, cuốc bẫm cày sâu, trải qua nhiều mưa nắng, “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” mới có thể làm nên những cánh đồng xanh, những mùa vàng bội thu, mới có thóc đầy kho, cơm đầy nồi, sống ấm no hạnh phúc.

Học trò cũng phải siêng năng học tập, học ở trường lớp, học ở ngoài đời, học ở tại gia đình, tranh thủ mọi thời gian để học tập, có lúc phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể thi đua cùng bạn bè, phấn đấu trở thành học sinh giỏi. Kiên nhẫn là tri thức.Người lính thời khói lửa, phải hành quân chiến đấu liên miên, trải qua đói khát, xông pha trong mưa bom bão đạn, nếu sợ khó, sợ khổ, sợ chết thì làm sao có thể đập tan được đồn giặc, làm sao có thể “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào” được. Với người lính ngoài lòng kiên nhẫn còn phải có tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng yêu nước thương dân mới có thể viết nên bao chiến công hiển hách.

Mài sắt nên kim, kiến tha lâu cũng đầy tổ, rùa thắng thỏ trong cuộc chạy thi,... những mẩu chuyện ngụ ngôn ấy đã khẳng định một chân lí, một niềm tin ở đời: “Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối”-, kiên nhẫn cho ta niềm tin và sức mạnh để vươn lên trong cuộc đời. Kiên nhẫn là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho chúng ta.

Trái với lòng kiên nhẫn là sự nóng vội. Nóng vội là một trong những hạn chế, khuyết tật về tính cách. Tại sao nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh?

Công việc chưa chuẩn bị đến nơi đến chốn, thiếu thông tin, tài lực chưa đủ mà đã hấp tấp, đã nóng vội làm thì sao không đổ vỡ? Học trò làm bài thi, chưa đọc kĩ đề bài, chưa suy nghĩ đầy đủ đã nóng vội viết ào ào, chất lượng, điểm số’ bài thi sẽ thế nào? Đánh giặc muốn thắng giặc phải chuẩn bị lực lượng và tinh thần chiến đấu cho ba quân, phải biết ta biết địch thì trăm trận trăm thắng! Cày cấy, phải theo quy luật mùa vụ, thời tiết; phải ba tháng trông cây, một ngày trông quả. Không thể nóng vội như anh nông dân nọ “kéo cây lúa lên” cho lúa xanh tốt hơn lúa mọi người! Nóng vội vì ngu si dốt nát là vậy.

Có sức mạnh mới giành được thắng lợi trong làm ăn, trong học tập, trong chiến đấu. Nếu thiếu kiên nhẫn, nếu chỉ hùng hục nóng vội sẽ làm đổ vỡ sức mạnh, làm tiêu tan sự nghiệp.

Bệnh duy ý chí, khẩu hiệu “đốt cháy giai đoạn” là nguồn gốc đẻ ra tư tưởng và hành động nóng vội. Thiếu kiến thức khoa học kĩ thuật mà chỉ nóng vội hành đồng sẽ chuốc lấy nhiều thất bại cay đắng trong xây dựng và phát triển sản xuất, mở mang kinh tế.

Bài ca dao sau đây, chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ:

“Đi đâu mà vội mà vàng

Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?

Thủng thẳng, như chúng em đẫy,

Có đá nào vấp, có dây nào quàng?

Sống phải bình tĩnh, phải tỉnh táo, phải nêu cao tinh thần làm chủ trước khi hành động bất kì công việc to, nhỏ nào. Phải biết rèn luyện đức tính kiên nhẫn, phải sáng suốt khắc phục tính nóng vội để vượt qua mọi khó khăn thách thức, để tránh mọi đổ vỡ đáng tiếc.

Bên Tàu có truyện “Ngu Công dời núi”, ở ta có truyện cười “Ăn sống nuốt tươi”, mọi người nên biết, nên nhớ để thấm sâu hơn bài học về kiên nhẫn và nóng vội.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Suy nghĩ của em về câu nói sau đây: "Kiên nhẫn trợ giúp sự yếu đuối, nóng vội làm đổ vỡ sức mạnh" cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm