Tác giả Nam Cao
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Tác giả Nam Cao để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết bao gồm phần 1 khái quát chung về tiểu sử cuộc đời của tác giả và phần 2 đi sâu vào làm rõ Sự nghiệp văn học của ông cũng như những cống hiến to lớn của ông với nền văn học nước nhà.
I. Tiểu sử cuộc đời tác giả Nam Cao
Nam Cao (1917 - 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam.
Cuộc đời Nam Cao trải qua nhiều gian khổ, biến cố. Tháng 11 - 1951, trên đường vào công tác ở vùng địch hậu Liên khu III, ông bị giặc Pháp phục kích và sát hại.
Con người Nam Cao nhìn bề ngoài có vẻ lạnh lùng, vụng về, ít nói nhưng đời sống nội tâm lại rất phong phú, luôn luôn sôi sục, có khi căng thẳng. Bình sinh, Nam Cao thường day dứt, hối hận, lấy làm xấu hổ về những việc làm, những ý nghĩ mà ông tự thấy là tầm thường của mình.
Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ.
II. Sự nghiệp văn học của nhà văn Nam Cao
1. Quan điểm nghệ thuật
Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề “sống và viết” rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Có thể nói, đến Nam Cao, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam từ năm 1930 đến 1945 mới thực sự tự giác, đầy đủ về những nguyên tắc sáng tác của nó.
Khi mới cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Nhưng ông đã dần nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của nhân dân lao động và ông đã đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.
Sau Cách mạng, Nam Cao tích cực tham gia kháng chiến, sẵn sàng hi sinh thứ “nghệ thuật cao siêu” của mình với ý nghĩ: lợi ích của dân tộc là trên hết. Tuy ấp ủ hoài bão sáng tác nhưng ông vẫn tận tụy trong mọi công tác phục vụ kháng chiến với quan niệm “sống đã rồi hãy viết”; góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn.
2. Các đề tài chính
Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tập trung vào hai đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
Sau Cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).
3. Phong cách nghệ thuật
Trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nam Cao là nhà văn có phong cách độc đáo. Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá “con người trong con người” dù viết về người nông dân hay người trí thức.
Nam Cao có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông là nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.
Do am hiểu tâm lí nhân vật nên Nam Cao đã tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thực, sinh động. Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng: buồn thương chua chát, dửng dưng lạnh lùng mà đầu thương cảm, đằm thắm yêu thương.
Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sáng tác của ông đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách càng sáng ngời. Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông lại càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.
----------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Tác giả Nam Cao. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 11, Trắc nghiệm Tiếng Anh 11, Giải bài tập Toán 11, Trắc nghiệm Vật lý 11 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 11.
Chúc các em học tập tốt.