Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Thương nhớ bầy ong
Với nội dung bài Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Thương nhớ bầy ong Ngữ văn lớp 6 Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết trình bày đầy đủ nội dung chính quan trọng nhất về tác phẩm giúp các bạn tham khảo chuẩn bị tốt cho môn Ngữ văn.
Bài Thương nhớ bầy ong
A. Bố cục văn bản Thương nhớ bầy ong
Có thể chia văn bản thành 2 phần:
- Phần 1 (Từ đầu đến... ra đồng cày tra): Gia đình nhân vật tôi nuôi ong
- Phần 2 (Còn lại): Nhân vật tôi chứng kiến đàn ong bay đi
B. Tóm tắt Thương nhớ bầy ong
Tóm tắt tác phẩm Thương nhớ bầy ong - Mẫu 1
Nhà nhân vật tôi có truyền thống nuôi ong. Tuổi thơ của nhân vật tôi gắn liền với những đõ ong đó, mặc dù bị ong đốt nhiều lần những vẫn rất say mê xem đàn ong bay ra họp đàn trước đó. Nhân vật tôi rất buồn khi chứng kiến đàn “trại” đi rời bỏ tổ mang theo một con ong chúa bay đi. Nhiều lần khi thấy ong “trại” người chú phải hô lên cho cả xóm ném đất vụn lên để đàn ong mệt lử không thể bay tiếp. Trong một lần ở nhà khi chứng kiến đàn ong “trại” nhân vật tôi đã cố gắng ném vụn đất lên nhưng chẳng có ích gì. Nhân vật tôi buồn không nói nên lời, hình ảnh bầy ong bay đi như một mảnh linh hồn của nhân vật tôi đã bị san sẻ đi nơi khác.
Tóm tắt tác phẩm Thương nhớ bầy ong - Mẫu 2
Sau nhà tôi có hai đõ ong sai lắm. Tôi rất mê xem ong họp đàn, đến nỗi nhiều khi còn bị ong đốt. Có mấy lần ong “trại” khiến tôi rất buồn. Nếu ong “trại” vào buổi trưa thì cả xóm biết và ném đất vụn lên để bầy ong mệt lử phải trở về đõ nhưng nếu ong “trại” vào buổi chiều thì đành chịu vì chú tôi bận ra đồng cày ải rồi. Có lần, tôi ở nhà một mình và thấy ong “trại”. Tôi cũng ném đất vụn lên nhưng không ăn thua, ong vù vù bay lên và mất hút trong chốc lát. Nhìn ong “trại” đi mà tôi buồn, tưởng như một mảnh hồn đã san đi nơi khác. Những vật vô tri vô giác đều có linh hồn, nó vương vấn với hồn ta, khiến cho ta phải yêu mến và nhớ thương.
Tóm tắt tác phẩm Thương nhớ bầy ong - Mẫu 3
Với thể loại hồi kí kết hợp các biện pháp tu từ: so sánh, câu hỏi tu từ, đối lập. Văn bản Thương nhớ bầy ong là hồi ức của nhân vật tôi về những đõ ong mà nhân vật tôi đã từng được nhìn thấy, cảm nhận, mê đắm ngày nhỏ. Kèm theo những hồi ức tươi đẹp ấy là nỗi buồn không dứt, buồn đến phát khóc khi chúng rời xa.
C. Nội dung chính Thương nhớ bầy ong
“Thương nhớ bầy ong” là hồi ức của nhân vật tôi về những đõ ong mà nhân vật tôi đã từng được nhìn thấy, cảm nhận, mê đắm ngày nhỏ. Kèm theo những hồi ức tươi đẹp ấy là nỗi buồn không dứt, buồn đến phát khóc khi chúng rời xa. Từ đó nêu lên triết lí, những vật nhỏ bé, vô tri vô giác đều gây vương vấn, ám ảnh vào tâm hồn, ảnh hưởng đến thơ ca, nghệ thuật của mỗi người.
D. Tác giả, tác phẩm Thương nhớ bầy ong
I. Tác giả
- Huy Cận (1919 – 2006) tên đầy đủ là Cù Huy Cận.
- Quê quán: xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo.
- Ngày còn bé Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp; rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu.
- Sau Cách mạng Tháng Tám, Huy Cận giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng.
- Từ năm 1984, ông là chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,II và VII. Tháng 6, năm 2001, ông được bầu làm viện trưởng Viện hàn lâm Thơ Thế giới.
- Phong cách nghệ thuật hàm súc, triết lý – đại biểu xuất sắc cho phong trào thơ mới với hồn thơ ảo não. Có thể thấy rằng các sáng tác của Huy Cận luôn bám sát hiện thực cuộc sống, thời đại.
- Tác phẩm chính: Lửa thiêng (thơ, 1940); Vũ trụ ca (thơ, 1942); Kinh cầu tự (văn xuôi, 1942); Tính chất dân tộc trong văn nghệ (nghiên cứu, 1958); Trời mỗi ngày lại sáng (thơ, 1958); Đất nở hoa (thơ, 1960); Bài thơ cuộc đời (thơ, 1963); Hai bàn tay em (thơ, 1967); Phù Đổng Thiên Vương (thơ, 1968); Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Cô gái Mèo (thơ, 1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (thơ, 1973); Chiến trường gần đến chiến trường xa (thơ, 1973); Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975); Sơn Tinh, Thủy Tinh (thơ, 1976); Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978); Hạt lại gieo (thơ, 1984); Văn hóa và chính sách văn hóa ở CHXHCN Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris, 1985); Tuyển tập (thơ, 1986); Nước thủy triều Đông (thơ, song ngữ, xuất bản ở Paris, 1994); Hồi ký song đôi (1997).
- Giải thưởng:
+ Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 – năm 1996)
+ Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.
+ Ngày 23 tháng 2 năm 2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
II. Tìm hiểu sơ lược về tác phẩm
1. Thể loại: Hồi kí chủ yếu kể lại những sự việc mà người viết đã từng tham dự hoặc chứng kiến trong quá khứ được sắp xếp theo trình tự thời gian, gắn với một hoặc nhiều giai đoạn của tác giả.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Trích từ Tổ ong “trại” trong tập 1 Tuổi trẻ và tình bạn của hồi kí Hồi kí Song đôi sáng tác năm 1997.
3. Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm.
4. Người kể chuyện: Ngôi thứ nhất – Huy Cận.
5. Tóm tắt: Từ ngày ông chết, cha và chú nhân vật tôi chỉ nuôi một ít đõ ong. Nhân vật tôi mê lắm, xem đến khi bị đốt nhưng vẫn không thôi. Buồn nhất là khi mấy lần ong trại, rời tổ. Lúc ấy có chú nhân vật tôi ở nhà thì còn hô cả xóm ném đất vụn để ong mệt quay trở về. Một hôm, khi ấy chú ra đồng, một mình nhân vật tôi không thể làm gì đành nhìn lũ ong bay đi. Nỗi buồn ấy khiến cậu cảm thấy một phần linh hồn ra đi.
6. Bố cục (2 phần):
- Phần 1 (Từ đầu đến... ra đồng cày tra): Gia đình nhân vật tôi nuôi ong
- Phần 2 (Còn lại): Nhân vật tôi chứng kiến đàn ong bay đi
7. Giá trị nội dung: Đoạn trích bày tỏ tình yêu, say mê của nhân vật tôi dành cho bầy ong mà nhà mình nuôi. Và đó cũng là nỗi buồn thương da diết của nhân vật tôi khi chứng kiến bầy ong bỏ tổ bay đi mà không có cách nào níu giữ chúng lại được.
8. Giá trị nghệ thuật: Kết hợp giữa tự sự kể lại sự việc và biểu cảm kể lại cảm xúc, suy tư khiến văn hồi kí của Huy Cận giàu chất thơ và truyền cảm, khiến người đọc cũng buồn vui cùng nhân vật “tôi” trong tác phẩm.
III. Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm
1. Kí ức về bầy ong
- Ông nuôi nhiều ong, tận hai dãy đõ ong mật.
- Đõ ong “sây” lắm.
- Chiều lỡ buổi, ong bay ra họp đàn trước ngõ.
- Nhân vật tôi mê xem kể cả bị đốt.
→ Bầy ong trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ.
2. Nỗi buồn của hiện tại
- Sau khi ông mất, cha và chú nuôi ít đi, không còn “vượng” như xưa.
- Mấy lần ong "trại": một phần đàn ong rời xa, bỏ tổ nhà, mang theo một ong chúa.
- Một lần ở nhà một mình, thấy ong trại mà không thể làm gì được. Chỉ nhìn theo, buồn không nói được:
+ Cái buồn của đứa trẻ rộng lớn đến bao nhiêu, các thi sĩ, văn nhân đã ai nói đến chưa? → Câu hỏi tu từ.
+ Nhìn trại ong đi, tưởng như một mảnh hồn tôi đã san đi nơi khác. Nơi xa xôi nào đó đã nhận một phần cốt tủy của linh hồn nhà tôi với bầy ong trại? → Câu hỏi tu từ.
→ Buồn bã, nỗi buồn không thôi, buồn đến phát khóc.
➩ Ý nghĩa:
- Những vật vô tri vô giác đều có một linh hồn, nó vương vấn với hồn ta và khiến ta yêu mến.
- Bao nhiêu vật nhỏ nhẻ, vụn vặt đã gom góp cho tôi những cảm giác đầu tiên, những cái nhìn ngó đầu tiên vào ý nghĩa cuộc đời và vũ trụ.
- Ý thơ cuộc đời, ý thơ vũ trụ, cái xa xôi vắng vẻ sau này ám ảnh tôi, ngày thơ bé tôi đã nghe rồi. Linh hồn của đất đá, có phải là một điều bịa đặt của các thi nhân đâu.
>>>> Bài tiếp theo: Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Đánh thức trầu