Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam
Văn mẫu: Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 10 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam
Tết đến xuân sang là dịp thường diễn ra rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh như chúc Tết, mừng xuân, lễ hội truyền thống của các địa phương, các đình chùa nổi tiếng trong cả nước như hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội Gióng, hội Lim, hội phủ Giầy, lễ xuống đồng, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương… Nhân dân nô nức tham gia để tiếp nhận luồng sinh khí dồi dào, vui đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Tết là dịp chủ yếu để những người thân trong gia đình, họ hàng sum họp, hàn huyên tâm sự, chia sẻ vui buồn, thành công hay thất bại trong năm vừa qua và trao đổi những dự định học hành, làm ăn trong năm tới.
Tuy vậy, bên cạnh những phong tục tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy như đã nêu trên thì Tết cũng là dịp thuận tiện cho nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội như thói tiêu xài phung phí, mê tín dị đoan, cờ bạc… phát triển.
Từ xưa, dân gian đã có câu: Khó quanh năm, giàu ba ngày Tết. Có nghĩa là dù quanh năm sống trong nghèo túng thì ba ngày Tết mọi người cũng phải cố sắm sửa sao cho tươm tất để tổ tiên, ông bà khỏi tủi và để đỡ mất mặt với hàng xóm láng giềng. Nhưng điều đó vẫn nằm trong mức độ khả năng kinh tế cho phép, chứ không đồng nghĩa với sự chi tiêu vung tay quá trán mà ngày nay nhiều người, nhiều gia đình mắc phải. Tết hoàn toàn không phải là dịp khoe giàu khoe sang, phô trương thanh thế để lòe thiên hạ. Thế nhưng hiện nay không ít người hiểu sai lệch về ý nghĩa của Tết. Họ đua nhau mua sắm, chất đầy nhà thức ăn, thức uống, cố tìm cho được những gì là quý, là lạ, bất chấp giá cả, chỉ cần tỏ ra ta đây là dân thừa tiền, sành điệu. Họ dám bỏ ra vài chục triệu để mua một cây mai hay một cây cảnh mà họ gọi là “hàng độc” để trưng chơi trong ba ngày Tết. Chi tiêu kiểu đó quả là xa hoa phung phí, trong khi xung quanh còn rất nhiều gia đình nghèo khổ, Tết đến chỉ mong lo được cho đàn con vài cái bánh tét, bánh chưng, vài bộ quần áo mới. Trong cảnh nghèo, nhiều gia đình chỉ có chén trà thay rượu khi tiếp khách và đồ nhắm là những câu chuyện, những tràng cười vui vẻ.
Ăn nhậu say xỉn cũng là một tệ nạn diễn ra liên miên trong dịp Tết. Lấy cớ vui Tết đón xuân, nhiều thanh niên, trung niên la cà hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhà này sang nhà khác để gầy độ nhậu. Họ uống rượu, uống bia đến mức ói mửa, say xỉn không thể nhớ đường về nhà, thậm chí ngã vật ra tại chỗ không biết trời trăng là gì. Không những thế, họ nhậu từ trước Tết tới ngoài rằm tháng Giêng mà vẫn lai rai chưa hết. Ăn nhậu vô độ làm tốn tiền bạc, thời gian, sức khỏe và gây ra nhiều tai nạn giao thông. Thế là Tết vui hóa thành Tết buồn.
Người Việt có phong tục đi lễ đền, lễ chùa vào dịp Tết đến xuân sang để cầu cho quốc thái dân an hoặc cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên… hay thăm viếng các danh lam thắng cảnh của đất nước. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, với các thế hệ tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Lợi dụng phong tục tốt đẹp này, nhiều kẻ vẽ vời ra trồ cúng kiểng, bói toán với những lời lẽ chung chung, vô căn cứ để kiếm tiền. Vậy mà vẫn có người tin để rồi không chịu cố gắng phấn đấu học hành, làm việc; cứ mơ ước viển vông, trông đợi vào vận may hoặc tự chuốc lấy lo âu, sầu não. Rõ ràng là tiền mất tật mang. Điều đáng buồn cười là không ít vị có chức có quyền nhưng dính vào tham ô, hối lộ cũng đi lễ đền, lễ chùa để cầu cho tai qua nạn khỏi. Thử hỏi có Thần, Phật nào phù hộ độ trì cho những kẻ tội đầy mình, hại nước hại dân như thế?
Mừng tuổi vốn là một phong tục đẹp có từ ngàn năm nay. Con cháu mừng tuổi ông bà, bố mẹ và ông bà, bố mẹ mừng tuổi cho con cháu, Kèm theo là cái bao lì xì màu đỏ, trong đó có ít tiền mới tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Thế nhưng phong tục đó giờ đây cũng bị một số người lợi dụng, biến thành hình thức cầu cạnh, hối lộ để “mua quan bán tước”, mưu cầu tiến thân. Đó cũng là một tệ nạn nhức nhối trong xã hội ngày nay vì nó là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, làm rối loạn kỉ cương xã hội.
Một tệ nạn phổ biến khác trong dịp Tết là cờ bạc sẵn có tiền trong tay, nhiều kẻ bài bạc thâu đêm suốt sáng. Trẻ con thì tham gia trò “bầu cua cá cọp”; thanh niên thì đánh bài tá lả ăn tiền, chơi xóc đĩa, cò quay… Trung niên, người già cũng tụ tập ngồi vào chiếu bạc, ít thì vài chục, vài trăm ngàn, nhiều thì hàng triệu, chục triệu. Ca dao có câu: Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Ấy thế nhưng đã trót sa vào cờ bạc thì ít người tỉnh ngộ. Càng đánh càng thua, càng thua càng đánh để hòng gỡ lại, để rồi thua đến trắng tay, của cải nối nhau đội nón ra đi. Bàn thờ tổ tiên thì nhang tàn khói lạnh, vợ chồng, con cái thì cáu gắt, chì chiết lẫn nhau. Khởi đầu một năm mới như thế là bất hạnh.
Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, năm hết thì Tết đến, xuân qua xuân lại lại. Mỗi khi Tết đến xuân về, trong lòng người lại dâng lên những cảm xúc thanh cao, háo hức trước đất trời và cuộc sống. Chúng ta hãy cố gắng gìn giữ và phát huy những phong tục tốt đẹp của ông cha, mạnh dạn đẩy lùi những hủ tục, tệ nạn chỉ đem lại những hậu quả xấu ; để Tết Nguyên Đán thực sự có ý nghĩa thiêng liêng, thực sự là niềm vui, niềm mong đợi của tất cả mọi người.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 10 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 và biết cách soạn bài lớp 10 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.