Bài văn mẫu lớp 10 số 4 đề 3: Hãy viết một bài văn để thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

Hãy viết một bài văn để thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Bài văn mẫu lớp 10 số 4 đề 3: Hãy viết một bài văn để thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn, các bạn sẽ được tham khảo những bài văn mẫu hay mà VnDoc.com đã cập nhật, chắc chắn sẽ là nguồn tài liệu hữu ích dành cho các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 10.

Bài văn mẫu lớp 10 số 4 đề 3: Hãy viết một bài văn để thuyết minh về một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn

Bài văn mẫu lớp 10 số 4 đề 3: Bài làm 1

Hiện nay, có hiện tượng học sinh ngại học môn Ngữ văn 10 vì cho rằng đây là môn học khó và khổ. Nguyên nhân là do các bạn chưa tự rút ra cho mình những kinh nghiệm cần thiết cho môn học.

"Nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại" là một kinh nghiệm giúp bạn có thể chiếm lĩnh được môn học và ngày càng yêu thích, say mê văn chương.Mỗi nhà văn trong sáng tác đều tuân theo lí thuyết về đặc trưng thể loại. Có 3 phương thức sáng tác: tự sự, trữ tình, kịch. Mỗi phương thức có cách chiếm lĩnh đời sống và phương tiện nghệ thuật riêng biệt.

Khi học bài trên lớp hay trong quá trình dạy, giáo viên đều hướng dẫn học sinh tìm hiểu theo đặc trưng thể loại của tác phẩm. Ví dụ tìm hiểu tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng, thầy cô sẽ hướng dẫn chúng ta tìm hiểu từ tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ…Việc soạn bài, tìm hiểu tác phẩm trước ở nhà cũng trên cơ sở các câu hỏi về đặc trưng thể loại đó. Khi soạn truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày", học sinh sẽ được hướng dẫn soạn từ kịch tính của màn kịch, từ nghệ thuật gây cười mà suy ra tính cách nhân vật. Nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại là dựa vào thể loại để tìm hiểu tác phẩm. Từ đó làm định hướng cho việc tìm ý và làm văn (thuyết minh, nghị luận, biểu cảm…).

Muốn vậy, trước hết ta phải nắm chắc kiến thức về thể loại tác phẩm. Khi học phần văn học dân gian ở học kì I, ta phải nắm được thế nào là sử thi, thế nào là ca dao, thế nào là truyện cười… Khi học phần văn học trung đại, phải nắm được thế nào là phú, thế nào là hịch, cáo, chiếu, biểu. Sau đó, căn cứ vào đặc trưng thể loại, ta sẽ tìm hiểu nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Rồi từ đó vận dụng vào làm văn. Ví dụ: khi tìm hiểu những đoạn trích trong sử thi "Đăm Săn", ta phải nắm được đặc trưng của sử thi anh hùng. Về nội dung: Sử thi anh hùng chủ yếu ca ngợi những nhân vật anh hùng có nhiều chiến công trong lãnh đạo cộng đồng thị tộc làm ăn sản xuất hay chiến đấu chống kẻ xâm chiếm cộng đồng. Về nghệ thuật, sử thi anh hùng thường dùng nhiều so sánh, phóng đại, trùng điệp, ngôn ngữ giàu tính hình tượng… Căn cứ vào kiến thức về thể loại đó, khi học và tìm hiểu đoạn trích "Chiến thắng Mtao Mxây", ta phải tìm hiểu hai nội dung trọng tâm: thứ nhất, đó là vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn trong trận giao chiến với Mtao Mxây (hành động, sức mạnh, lời nói, phẩm chất anh hùng); thứ hai, là sinh hoạt của cả cộng đồng trong lễ ăn mừng chiến thắng. Ngoài ra, còn phải chú trọng phân tích nghệ thuật so sánh, phóng đại, trùng điệp trong miêu tả. Cuối cùng, mô hình hóa cách nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại thành đề cương ôn tập để làm tư liệu vận dụng ôn thi hay làm văn. Chẳng hạn, khi ôn tập, chúng ta sẽ phân loại tác phẩm theo thể loại (tự sự, trữ tình) để ôn. Ở các tác phẩm truyện, cần nắm được hình tượng thơ, tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu…

Kinh nghiệm nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại sẽ giúp chúng ta phát huy được tính tích cực, chủ động của mình trong việc học. Thúc đẩy quá trình tự học, tự lĩnh hội kiến thức và làm chủ kiến thức với chiếc chìa khóa hữu hiệu trong tay.

Vận dụng kinh nghiệm đó sẽ giúp học sinh chúng ta nắm được tác phẩm một cách dễ dàng và đặc biệt khi làm văn không lung túng, lạc đề.Môn Ngữ văn là bộ môn có tính nghệ thuật kết hợp với tính khoa học cao. Rút được kinh nghiệm học văn và làm văn tốt sẽ giúp cho chúng ta khám phá được những bí ẩn của văn chương. "Nắm tác phẩm theo đặc trưng thể loại" là một trong những kinh nghiệm như thế.

Bài văn mẫu lớp 10 số 4 đề 3: Bài làm 2

Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa - thời kì mà con người như bị cuốn hút vào đồng tiền, cơn vũ bão của vật chất, văn chương, chữ nghĩa gần như trở thành một trang sức tầm thường, có cũng đc mà không có cũng chẳng sao. Hiếm người nhận thức được giá trí đích thực của việc học văn. Vậy thì, để nhận ra những giá trị của văn chương, cần có những phương pháp hiệu quả để tiếp cận, để học, để có những bài văn hay, thuyết phục những con người mù quáng đó.

Điều đầu tiên, chúng ta cần chọn thầy để học. Nếu được thầy cô giỏi, tâm huyết giảng dạy và hướng dẫn, chúng ta sẽ vẫn thấy văn học hấp dẫn và thú vị hơn, hiểu vấn đề sâu sắc hơn. Hiện nay, tài liệu tham khảo tràn ngập thị trường, để mua được những cuốn sách tốt, chúng ta nên nhờ thầy cô có uy tín giới thiệu. Khi đọc tài liệu tham khảo, chúng ta không nên "bê" nguyên một bài viết của người khác vào làm bài của mình. Những người cầm bút nên nhớ không bao giờ được Đạo Văn. Đọc sách tham khảo không phải chỉ để chép mà còn để xem cách thức làm bài, triển khai vấn đề ...

Thứ hai, để có thể hiểu được một tác phẩm văn học, chúng ta cần khám phá tác phẩm trong các mối liên hệ. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, nhưng cũng là con đẻ của hoàn cảnh lịch sử, thời đại và là nơi ghi dấu ấn tâm hồn, tư tưởng, tài năng của và tâm huyết của nhà văn trong một thời điểm nhất định. Muốn nắm bắt tác phẩm cần phải biết tác phẩm đó gắn liền với hoàn cảnh lịch sử nào. Khi tìm hiểu văn học cũng phải đặt nó trong mối liên hệ mật thiết với giai đoạn văn học, trào lưu văn học, thời kì hoặc phương pháp sáng tác... Mỗi tác phẩm văn chương thường có hai phần nổi bật là nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Tìm hiểu nội dung là nhằm chỉ ra tư tưởng và quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống, tìm hiểu hình thức là chỉ ra tài năng nghệ thuật của nhà văn, cũng như sự thống nhất và phù hợp của hình thức với nội dung. Nên từ hình thức tìm ra nội dung và tránh diễn xuôi tác phẩm, văn thơ. "Mọi chân lí sẽ trở nên sai lầm, nếu chúng ta cứ xét đoán nó trên cơ sở của nhưng kinh nghiệm hằng ngày" (Ph.Angghen ). Thế giới hình tượng trong tác phẩm được xây dựng nên từ các chi tiết nghệ thuật. Tìm hiểu tác phẩm phải luôn xuất phát từ chi tiết. Mỗi chi tiết trong tác phẩm là một ô cửa mở ra cả thế giới, bởi nó có khả năng sinh nở ra những ý nghĩa mới.

Nói chung, về văn xuôi, chúng ta nhất định phải nắm đc diễn biến câu chuyện, cách kể và giọng điệu của nhà văn, nhân vật trung tâm và những chi tiết, sự kiện xoay quanh nhân vật trung tâm đó.

Về thơ, cần phải nắm được cảm hứng chủ đạo của thơ, kết cấu cảm hứng của bài thơ, đoạn thơ, những chi tiết, hình ảnh mà nhà thơ sử dụng để bộc lộ cảm xúc.

Về kịch, phải nắm được những mâu thuẫn, xung đột, các lời thoại quan trong... Từ các chi tiết nghệ thuật ấy, tìm ra tư tưởng và tình cảm mà nhà văn gửi gắm cũng như tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Còn làm sao để có thể viết được một bài văn hay? Văn chương không phải là chuyện cứ làm cho câu cú cầu kỳ, chữ nghĩa đến một bay bổng, uốn éo là hay. Một câu văn hay là một câu văn đơn giản, khúc chiết, rõ ràng và đủ ý. Chỉ có những lúc khi tâm hồn thăng hoa thì văn chương sẽ đạt đến một mức độ thuần túy, thanh khiết, chứ không bao giờ "bay bổng". Muốn diễn đạt đến mức tinh tế thì phải chuẩn xác ngôn ngữ. Đơn giản nhưng chính là cái phức tạp nhất. Bằng cách nào? Đọc nhiều sách, và một cách đơn giản và thiết thực hơn là có một cuốn từ điển Tiếng Việt. Trong số chúng ta, phần lớn ai cũng có những cuốn từ điển ngoại ngữ mà không hề xuất hiện một cuốn từ điển Tiếng Việt, kể cũng nực cười. Chúng ta chỉ nên đọc chứ không nên tra. Chỉ có những người không hiểu gì về văn học và việc làm văn mới cho là văn chương lai láng, mơ mộng, càng dài càng tốt, muốn viết thế nào thì tùy .

Văn học là một môn khoa học nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, cần kết hợp tăng cường chất văn vừa tăng cường chính xác trong bài văn, nhất là tỏng việc trích dẫn kiến thức và dẫn chứng. Từ xưa, cụ Tú Xương đã dạy "Văn chương nào phải đơn thuốc/Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu."

Khi viết văn, cần tuân thủ các nguyên tắc. Để đạt điểm cao, bài văn phải được trình bày sáng sủa, sạch đẹp. Vì vậy, trong quá trình triển khai ý làm bài, các em nên trình bày mỗi ý thành một đoạn văn, được phân biệt với dấu chấm xuống dòng. Cách trình bày như thế vừa giúp bài văn sạch đẹp hơn, gây thiện cảm đới với thầy cô giáo, các ý trong bài nổi bật hơn, thầy cô không thể bỏ sót ý, nên bài văn có lợi hơn về điểm số.

Diễn đạt là quá trình vô cùng quan trọng, sánh ngang với việt tìm ý cho bài văn. Không có ý, thì ko có gì để viết, nhưng có ý đầy trong đầu, mà không biết cách nói ra, thì ý dù hay, dù sâu sắc đến đâu cũng trở thành vô nghĩa. Cũng cần tránh trình trạng diễn đạt mập mờ, dễ gây hiểu nhầm cho người đoc. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện cho mình một cách diễn đạt đúng, nghĩa là nói và viết đúng ngữ pháp. Nếu chưa giỏi diễn đạt, hãy viết các câu văn ngắn, ít thành phần câu, tránh cầu kì, rườm rà và dễ bị mắc lỗi ngữ pháp. Và sau đó, khi đã tiến bộ, cần sử dụng linh hoạt các kiểu câu, linh hoạt các hình ảnh, các phép tu từ, chuyển nghĩa để lời văn có cảm xúc và chất văn.

Giống như quá tình tư duy, quá trình nhận thức của con người, khi học và làm văn, cũng cần qua ba bước là "HIỂU – NHỚ - VẬN DỤNG". Muốn nhớ được kiến thức thì trước hết phải hiểu nó. Muốn hiểu thì phải chịu khó tìm tòi, suy nghĩ. Học văn không phải là cắm đầu ghi cho đầy vở, mà là phải hiểu, nhớ và ghi lại các ý hay, quan trọng. Gặp những vấn đề chưa hiểu, chúng ta cứ mạnh dạn hỏi, chắc chắn không thầy cô giáo nào từ chối. Kiến thức càng sắp xếp khoa học, chặt chẽ, rành mạch bao nhiêu thì càng dễ nhớ bấy nhiêu. Để tránh học vẹt, khi học văn, chúng ta không nên cầm sách học thuộc lòng, mà nên học theo phương pháp tái hiện.

Sau giờ học trên lớp, hãy dành thời gian tĩnh tâm (khoảng 20- 30 phút) để nhớ lại kiến thức vừa học. Việc hệ thống kiến thức theo các bảng, theo mô hình nhánh cây... và việc liên hệ giữa văn học và cuộc sống cũng giúp chúng ta nhớ kiến thức lâu và sâu sắc.

Sau khi đã hiểu và nhớ, cần vận dụng lại bằng cách làm bài tập,.. Để dễ nhớ dẫn chứng và học văn đạt kết quả tốt, cần đọc tác phẩm. Ta nên đọc tác phẩm trước khi được học trên lớp, khi chưa hề nghe giảng. Điều này rất quan trọng, bởi những ấn tượng bạn đầu của các em khi tiếp xúc với tác phẩm sẽ được nhớ lâu và giúp định hướng tác phẩm.

Nhìn chung, để học văn đạt hịêu quả, chúng ta phải học văn bằng chính trái tim và cái đầu của mình, tự tìm một con đường riêng cho mình.

Maxim Gorky đã từng nói "văn học là nhân học". Đến với văn học, chúng ta sẽ tự mình đến với những cung bậc và cảm xúc khác nhau của đời thường. Đến với văn học, chúng ta sẽ nhìn đời sâu sắc hơn cũng như khám phá thêm nhiều điều bổ ích lí thú của cuộc sống. Vậy thì, chúng ta hãy học vằn một cách khoa học ngay từ hôm nay để có những kiến thức vững chắc và những bài văn hay.

Đánh giá bài viết
4 2.218
Sắp xếp theo

    Soạn văn 10 sách mới

    Xem thêm