Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2016 - 2017
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2016 - 2017
Nhằm hỗ trợ các bạn học sinh trong việc tìm kiếm tài liệu học tập dễ dàng và đồng bộ hơn cho kì thi học kì 1, VnDoc.com xin giới thiệu đến các bạn Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2016 - 2017. Gồm nhiều đề thi được chúng tôi chọn lọc khá kĩ càng. Mời tham khảo!
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 năm học 2016 - 2017
Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 - 2017
ĐỀ SỐ 1
TRƯỜNG THCS AN NINH | ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2016 - 2017 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 7 Thời gian làm bài: 90 phút |
Câu 1: Chép lại bài ca dao số 1 nói về tình cảm gia đình (công lao của cha mẹ). (1,0 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung và nghệ thuật của bài thơ "Qua đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan? (1,0 điểm)
Câu 3: Từ ghép hán Việt có mấy loại, đó là những loại nào? Hãy xếp các từ ghép: Hữu ích, thi nhân, phát thanh, tân binh vào nhóm thích hợp:
a) Từ có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.
b) Từ có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau. (1,0 điểm)
Câu 4: Điền từ trái nghĩa thích hợp vào các thành ngừ sau: (1,0 điểm)
Chân cứng đá ... Chạy sấp chạy ...
Mắt nhắm mắt ... Gần nhà ... ngõ
Câu 5: Phát biểu cảm nghĩ của em về một người thân mà em yêu quí nhất (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ...) (6,0 điểm)
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
Câu 1: (1,0 điểm) Học sinh viết lại đúng chính tả bài ca dao số 1 về tình cảm gia đình SGK trang 35
Câu 2: (1,0 điểm)
- Nghệ thuật: (0,5 điểm): Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, đối rất chỉnh, sử dụng từ láy, từ tượng thanh.
- Nội dung: (0,5 điểm): Bài thơ cho thấy cảnh tượng đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.
Câu 3: (1,0 điểm)
- Từ ghép Hán Việt có 2 loại: Đẳng lập, chính phụ (0,5 điểm)
- Sắp xếp đúng được 0,5 điểm
a) Hữu ích, phát thanh b) Thi nhân, tân binh
Câu 4: (1,0 điểm) Mỗi câu thành ngữ điền đúng được 0,25 điểm:
Chân cứng đá mềm Chạy sấp chạy ngửa
Mắt nhắm mắt mở Gần nhà xa ngõ
Câu 5: (6,0 điểm)
a. Mở bài: (1,0 điểm)
- Giới thiệu được đối tượng muốn phát biểu cảm nghĩ.
- Khái quát được tình cảm của bản thân với người đó.
b. Thân bài: (4,0 điểm)
- Đó là người như thế nào ...?
- Họ đã làm gì cho em và gia đình ...?
- Kỉ niệm sâu sắc về họ mà em nhớ mãi...
- Ý nghĩa của họ đối với em ...?
- Tình cảm và thái độ của em ... ?
- Em phải làm gì để xứng đáng với họ, làm gì để thể hiện tình cảm của em ...?
c. Kết bài: (1,0 điểm) Cảm xúc của bản thân về họ
ĐỀ SỐ 2
PHÒNG GD&ĐT THÁI THỤY | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016 - 2017 Môn: NGỮ VĂN 7 Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề) |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)
CẢNH KHUYA
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
1947, Hồ Chí Minh
Sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015
Em hãy đọc kỹ văn bản trên rồi trả lời các câu hỏi sau:
1) Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
2) Bài thơ được làm theo thể thơ nào? Nêu biện pháp tu từ chủ yếu được tác giả sử dụng trong bài thơ.
3) Hai câu thơ cuối bài thơ đã biểu hiện tâm trạng gì của tác giả?
4) Kể tên các bài thơ và tác giả đã học và đọc thêm trong sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng chủ đề với bài thơ này.
II. PHẦN LÀM VĂN (8,0 điểm)
Mái trường cùng thầy cô và bạn bè đã để lại trong em bao kỉ niệm. Hãy trình bày cảm nghĩ của em về mái trường thân yêu ấy bằng một bài văn biểu cảm.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: 2,0 điểm
Câu 1: Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được Bác Hồ viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1947, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Câu 2: Bài thơ được làm theo thể thơ nào? Nêu biện pháp tu từ chủ yếu được tác giả sử dụng trong bài thơ.
- Bài thơ được làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
- Biện pháp tu từ chủ yếu được tác giả sử dụng trong bài thơ: Biện pháp so sánh
Câu 3: Hai câu thơ cuối bài thơ đã biểu hiện tâm trạng gì của tác giả?
- Sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh của cảnh rừng Việt Bắc.
- Bác Hồ thao thức chưa ngủ chính là lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Câu 4: Kể tên các bài thơ và tác giả đã học và đọc thêm trong sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng chủ đề với bài thơ này: Học sinh kể được 2 bài thơ, hai tác giả: Rằm tháng giêng - Hồ chí Minh; Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh (Kể được 1 bài, 1 tác giả: 0,25 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN: 8,0 điểm
Mái trường cùng thầy cô và bạn bè đã để lại trong em bao kỉ niệm. Hãy trình bày cảm nghĩ của em về mái trường thân yêu ấy bằng một bài văn biểu cảm.
- Yêu cầu: Học sinh vận dụng kiến thức Tập làm văn để làm một bài văn biểu cảm.
- Yêu cầu cụ thể: Trình bày cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về mái trường thân yêu - nơi gắn bó với các em với bao kỉ niệm về mái trường, về thầy cô và bạn bè...
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về trường em, về thầy cô, bạn bè ...
- Nêu khái quát tình cảm của em với mái trường, với thầy cô, bạn bè...hs có thể nêu một tình huống, một hoàn cảnh cụ thể để trình bày cảm nghĩ, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
2. Thân bài:
- Giới thiệu về mái trường thân yêu của em: qua miêu tả những hình ảnh cụ thể, sinh động về mái trường: cổng trường, hàng cây, sân trường, lớp học với những dãy bàn ghế thân thuộc gắn bó với em hàng ngày.
- Giới thiệu về thầy cô, bạn bè qua miêu tả, kết hợp kể chuyện, tạo tình huống, hoàn cảnh sinh động để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của em với mái trường...
- Trực tiếp trình bày cảm xúc, suy nghĩ của em về mái trường: mái trường trở nên thân thuộc, gắn bó với em, em yêu mái trường nơi có bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ, nơi nâng bước em vào đời...
* Lưu ý:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể giới thiệu về mái trường, thầy cô, bạn bè sau đó mới trình bày cảm nghĩ, có thể vừa kết hợp giới thiệu về mái trường, về thầy cô, bạn bè vừa trình bày cảm nghĩ...
- Khuyến khích sự sáng tạo của hs qua sự hồi tưởng về quá khứ (nhớ lại những kỉ niệm), suy nghĩ về hiện tại, mơ ước, tưởng tượng tới tương lai...
3. Kết bài
- Khẳng định lại cảm xúc, suy nghĩ chung về mái trường thân yêu ...
- Học sinh có thể liên hệ với nội dung Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đang được thực hiện ...
* VẬN DỤNG CHO ĐIỂM: Phần làm văn
- Điểm 7 - 8: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng tốt các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc về mái trường thân yêu, diễn đạt tốt.
- Điểm 5 - 6: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có cảm xúc và suy nghĩ tương đối sâu sắc về mái trường, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 3 - 4: Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung và phương pháp, có cảm xúc và suy nghĩ tương đối sâu sắc về mái trường, nhưng có đoạn còn diễn xuôi hoặc kể lan man, có thể còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1 - 2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung và phương pháp, có cảm xúc và suy nghĩ về mái trường, nhưng có đoạn còn diễn xuôi hoặc kể lể lại những sự việc, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng
* Một số lưu ý:
- Vì đề bài văn biểu cảm (Trình bày cảm nghĩ của em về mái trường thân yêu) nên cũng có thể đặt ra tình huống có hs không hoặc chưa thật yêu mái trường vì mái trường gợi cho em những kỉ niệm buồn của tuổi học trò (vì hoàn cảnh gia đình nghèo, vì học yếu kém, vì những lí do khác...) nên trong khi chấm bài, giáo viên tùy theo cách trình bày của học sinh, tùy theo sự vận dụng kiến thức Tập làm văn của hs để chấm bài, không vận dụng máy móc.
- Trân trọng những cảm xúc, suy nghĩ có tính sáng tạo của học sinh, nhất là những bài viết có liên hệ với thực tế sinh động.
- Trong quá trình chấm bài, cần hết sức quan tâm đến kĩ năng diễn đạt và trình bày của học sinh. Coi diễn đạt và trình bày (cả nội dung & hình thức, chữ viết, chính tả...) là những yêu cầu rất quan trọng trong bài làm. Khi cho điểm toàn bài, cần chú ý các yêu cầu này.
* Điểm toàn bài: làm tròn tới 0,5 (4,0; 4,5; 5,0; 5,5 . . . 9,0; 9,5; 10)