Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 - 2017. Mời các bạn cùng tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi, các dạng bài tập thường ra trong kì thi học kì. Thông qua việc giải đề thi để các bạn củng cố lại kiến thức môn học, tích lũy kiến thức và nâng cao kỹ năng giải đề, biết cách phân bổ thời gian hợp lý trong từng bài thi.

Bộ đề thi học kì 1 môn Toán lớp 7 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 1 môn Địa lý lớp 6 năm học 2016 - 2017

Bộ đề thi học kì 1 môn Vật lý lớp 7 năm học 2016 - 2017

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2016 - 2017

Đề kiểm tra học kì I lớp 9 môn Ngữ văn - Đề 1

ĐỀ SỐ 1

UBND THÀNH PHỐ MÓNG CÁI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút

Câu 1 (2.5 điểm)

a, Nhớ và chép thuộc lòng khổ thơ cuối bài thơ "Ánh trăng" của nhà thơ Nguyễn Duy

b, Xác định từ láy và biện pháp tu từ có trong khổ thơ vừa chép.

c, Qua bài thơ "Ánh trăng" của nhà thơ Nguyễn Duy, em rút ra cho mình thái độ sống như thế nào? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 6 đến 8 câu)

Câu 2 (1.5 điểm)

a, Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ liên quan đến phương châm hội thoại nào?

- Nói băm nói bổ.
- Nửa úp nửa mở.

b, Sau khi học xong các phương châm hội thoại, khi giao tiếp em cần chú ý những gì?

Câu 3 (1.0 điểm)

Cho các câu sau:

a, Em có chân trong đội tuyển bóng đá của nhà trường.

b,

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Xác định phương thức chuyển nghĩa của từ chân trong các câu trên.

Câu 4 (5.0 điểm)

Thay lời nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân, hãy kể lại sự việc từ khi ông nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe được tin làng cải chính.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Câu 1: (2.5 điểm)

a, Học sinh nhớ và viết lại chính xác khổ thơ cuối của bài thơ (0.5 điểm)

b, Xác định đúng từ láy: Vành vạnh, phăng phắc (0.5 điểm).

  • Xác định: Ẩn dụ: Trăng cứ tròn vành vạnh. Nhân hóa: Ánh trăng im phăng phắc (0.5 điểm).

c, Viết đúng hình thức 1 đoạn văn từ 6 đến 8 câu, các câu trong đoạn văn phải có sự liên kết chặt chẽ

  • Nội dung:
    • Nêu được thái độ sống: Uống nước nhớ nguồn: Nhớ ơn cội nguồn, cha mẹ, thầy cô, sống ân nghĩa thủy chung, sống có trước có sau không được quên đi quá khứ. (0.5 điểm)
    • Bằng các việc làm, hành động cụ thể để thể hiện truyền thống nhớ ơn: chăm ngoan, học giỏi, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô.Tri ân, tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ: Thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, dọn dẹp đài tưởng niệm liệt sĩ (0.5 điểm)

Câu 2: (1.5 điểm)

a, Giải nghĩa các thành ngữ và nêu phương châm hội thoại có liên quan.

  • Nói băm nói bổ: Nói bốp chát, xỉa xói, thô bạo
  • Phương châm lịch sự. (0.5 điểm)
  • Nửa úp nửa mở: Nói mập mờ, ỡm ờ, không nói ra hết
  • Phương châm cách thức. (0.5 điểm)

b, Khi giao tiếp cần chú ý: Nói đúng vào đề tài giao tiếp, nói ngắn gọn, rành mạch, tế nhị và tôn trọng người khác (0.5 điểm)

Câu 3: (1.0 điểm)

a, Từ chân (có chân trong đội tuyển): Chuyển theo phương thức hoán dụ.

b, Từ chân (chân mây): Chuyển theo phương thức ẩn dụ.

Câu 4: (5.0 điểm)

1. Yêu cầu:

  • Hình thức: Thể loại văn tự sự kết hợp nghị luận, miêu tả nội tâm với các hình thức độc thoại, đối thoại; bố cục gồm 3 phần, trình bày mạch lạc, vận dụng ngôi kể thứ nhất.
  • Nội dung:

a/ Mở bài: Giới thiệu bản thân mình là ông Hai, khái quát chung được tâm trạng của ông Hai

b/ Thân bài:

  • Kể lại diễn biến tâm trạng của ông Hai theo trình tự: Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc tâm trạng ông: Sững sờ, ngạc nhiên, sau đó đau đớn, tủi hổ. Cử chỉ: Cười nhạt thếch bước đi trong sự trốn tránh xấu hổ và nhục nhã.
  • Về nhà ông nằm vật ra giường, nghĩ đến sự hắt hủi của mọi người. Khi nói chuyện với vợ thì gắt gỏng, bực bội vô cớ.
  • Tâm trạng mấy ngày sau đó không dám ra khỏi nhà, lo lắng thường xuyên.
  • Tâm trạng khi nghe tin làng cải chính: Vui mừng, phấn khởi, tự hào. Hành động vui vẻ chia quà cho các con, đi khoe tin làng chợ Dầu không theo giặc.

c/ Kết bài: Khái quát về tâm trạng, tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước của ông Hai..

2. Biểu điểm:

  • Điểm 4,0 - 5,0: Đảm bảo tốt các yêu cầu trên, biết kết hợp các yếu tố miêu tả nội tâm, biểu cảm, nghị luận một cách linh hoạt, chữ viết sạch sẽ, không mắc các lỗi: Dùng từ, đặt câu, chính tả.
  • Điểm 3,0 - 3.75: Đảm bảo các yêu cầu trên. Kết hợp các yếu tố tương đối linh hoạt, còn sai một số lỗi nhỏ về dùng từ, diễn đạt, chính tả.
  • Điểm 1,0 - 2,75: Đảm bảo tương đối đầy đủ các yêu cầu trên song sắp xếp một số ý còn lộn xộn; trình bày cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi câu, diễn đạt.
  • Điểm dưới 1,0: Bài viết chưa đảm bảo các yêu cầu trên hoặc lạc đề.

* Chú ý: Trên đây là những gợi ý chính, khi chấm bài giáo viên căn cứ vào thực tế bài viết của học sinh để vận dụng cho điểm linh hoạt.

ĐỀ SỐ 2

PHÒNG GD&ĐT BA ĐÌNHKIỂM TRA HỌC KỲ I MÔN NGỮ VĂN 9
Năm học 2016 – 2017
Thời gian làm bài: 90 phút

Phần I (4.5 điểm):

Câu 1: Chép chính xác khổ cuối bài thơ "Ánh trăng" (Ngữ văn 9, tập một)

Câu 2: Bài thơ "Ánh trăng" là sáng tác của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ này?

Câu 3: Chỉ ra các từ láy trong khổ thơ trên. Những từ láy đó cho ta cảm nhận gì về vẻ đẹp của vầng trăng?

Câu 4: Với khổ thơ trên, tác giả đã cho ta thấy ánh trăng chính là biểu tượng của ánh nhìn vị tha từ quá khứ không hề đòi hỏi một sự đáp đền, chính điều đó khiến con người giật mình thức tỉnh. Từ hình ảnh mang tính biểu tượng này, em hãy viết một đoạn văn, khoảng nửa trang giấy thi, trình bày suy nghĩ của em về lòng vị tha trong cuộc sống hôm nay.

Phần II (4.5 điểm): Đọc đoạn văn sau:

"Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:

- Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?

- Là con thấy mấy lị con u.

- Thế nhà con ở đâu?

- Nhà ta ở làng chợ Dầu.

- Thế con có thích về làng chợ Dầu không?

Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

- Có

Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:

- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé dơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:

- Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

- Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.

Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy..."

("Làng" – Kim Lân, Ngữ văn 9, tập một)

Câu 1: Trong đoạn trích trên, tác giả đã sử dụng hình thức ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại? Hãy giải thích rõ.

Câu 2: Xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về làng chợ Dầu nhưng vì sao Kim Lân lại đặt tên truyện ngắn của mình là "Làng" mà không phải là "Làng Chợ Dầu"? Điều này có ý nghĩa gì?

Câu 3: Qua những lời trò chuyện của ông Hai với đứa con út, ta thấy được tình cảm sâu nặng, chân thành của ông đối với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến. Bằng một đoạn văn theo cách lập luận tổng – phân – hợp, khoảng 12 câu, phân tích đoạn trích trên để làm rõ điều đó. Trong đoạn văn có sử dụng một câu cảm thán và lời dẫn trực tiếp (gạch chân, chú thích).

Phần III (1.0 điểm):

Trong văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình", vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa"? Em có suy nghĩ gì trước lời cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ hủy diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Phần I (4.5 điểm)

Câu 1

Chép chính xác khổ thơ, có dấu chấm kết thúc. (Nếu không có dấu chấm, trừ 0.25 điểm)

Câu 2

  • Tác giả: Nguyễn Duy
  • Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1978, ba năm sau khi đất nước thống nhất, khi đó Nguyễn Duy đang sống và công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 3

  • Từ láy: Vành vạnh, phăng phắc.
  • Giá trị biểu cảm của các từ láy:
    • Cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn của vầng trăng;
    • Đồng thời nhấn mạnh sự bất biến, vĩnh hằng, sự bao dung, độ lượng của thiên nhiên, của quá khứ ân tình.

Câu 4

* Hình thức: Đúng đoạn văn, đủ dung lượng, không mắc lỗi chính tả. (0.25 điểm)

* Nội dung:

a. Thế nào là lòng vị tha? (0.5 điểm)

  • Lòng vị tha luôn tồn tại trong mỗi con người.
  • Vị tha chính là thái độ bao dung, độ lượng, là sự tha thứ... xuất phát từ lòng yêu thương, từ trái tim nhân hậu...

b. Biểu hiện: (0.5 điểm)

  • Biểu hiện cụ thể của lòng vị tha: sống vì người khác, không ích kỉ, hẹp hòi... (HS tự lấy ví dụ trong đời sống thực tế và các tác phẩm văn học).

c. Ý nghĩa: (0.5 điểm)

  • Lòng vị tha khiến người với người gần nhau hơn, biết yêu thương và sẻ chia, đoàn kết với nhau trong mọi hoàn cảnh để từ đó cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, nhân ái hơn.
  • Tuy nhiên, trong thực tế đời sống vẫn có không ít những kẻ ích kỉ, hẹp hòi, tham lam... -> Làm cuộc sống nặng nề, giảm bớt lòng tin yêu giữa người với người.

d. Liên hệ bản thân và rút ra bài học. (0.5 điểm)

* Diễn đạt: Lưu loát, mạch lạc. (0.25 điểm)

* Lưu ý: Đây là đoạn văn nghị luận xã hội có tính chất mở nên Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản mang tính định hướng, khi chấm cần linh hoạt và tôn trọng những suy nghĩ chân thực của học sinh. Khuyến khích những bài viết có liên hệ thực tế tích cực.

Phần II (4.5 điểm)

Câu 1

  • Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng hình thức ngôn ngữ đối thoại.
  • Tại vì: Đoạn trích có hai nhân vật tham gia vào cuộc thoại là ông Hai và thằng cu Húc. Trong đoạn có lời trao và lời đáp, được đánh dấu bằng các gạch đầu dòng ứng với mỗi lượt lời.

Câu 2

* Kim Lân lại đặt tên truyện ngắn của mình là "Làng" mà không phải là "Làng Chợ Dầu" vì:

  • "Làng Chợ Dầu" chỉ một địa danh cụ thể, là ngôi làng của nhân vật ông Hai trong truyện, nó chỉ có ý nghĩa hẹp.
  • Còn "Làng" có ý nghĩa khái quát chỉ làng xóm, quê hương nói chung.
  • Dụng ý của tác giả khi đặt tên truyện là "Làng" là muốn nói tới một vấn đề mang tính khái quát, phổ biến ở khắp các làng quê, ở mọi người nông dân trong kháng chiến chống Pháp. Bởi thế, nhan đề "Làng" sẽ có sức khái quát sâu rộng.
  • Nhan đề "Làng" còn góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm: ca ngợi tình yêu làng quê tha thiết của tất cả những người nông dân trong kháng chiến chống Pháp.

Câu 3

Viết đoạn văn:

a. Hình thức:

  • Kiểu đoạn tổng – phân – hợp, độ dài khoảng 12 câu. (0.5 điểm)
  • Sử dụng câu cảm thán (gạch chân, chú thích) (0.25 điểm)
  • Có lời dẫn trực tiếp (gạch chân, chú thích) (0.25 điểm)

b. Nội dung: Đoạn văn cần làm rõ các ý sau:

* Về nội dung:

  • Tâm trạng day dứt của ông Hai khi trò chuyện với con. Tâm sự với con, ông Hai muốn con khắc cốt ghi tâm về ngôi làng Chợ Dầu thân yêu. Dù biết rằng làng đã theo giặc, ông đã phải từ bỏ, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn da diết nhớ làng... (0.75 điểm)
  • Nét chuyển biến mới của nhân vật: yêu làng, nhớ làng nhưng một lòng gắn bó, thủy chung với cách mạng và kháng chiến... (0.25 điểm)

* Về nghệ thuật:

  • Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế qua cuộc trò chuyện với con: Tâm lí của ông Hai rất nhớ làng, rất yêu nước,... (0.25 điểm)
  • Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, xây dựng tình huống tinh tế. (0.25 điểm)

Phần III (1.0 điểm)

HS nêu được suy nghĩ của mình trước lời cảnh báo của Mác-két qua văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình", qua một số gợi ý sau:

  • Chiến tranh hạt nhân không chỉ tiêu diệt nhân loại mà còn tiêu hủy mọi sự sống trên trái đất: phản tiến hóa, phản "lí trí tự nhiên" (ở đây hiểu "lí trí tự nhiên" là quy luật tự nhiên, lôgic tất yếu của tự nhiên),...
  • Nhận thức rõ tính chất phản tiến hóa, phản tự nhiên của chiến tranh hạt nhân: Nếu nổ ra, nó sẽ đẩy lùi sự tiến hóa trở về sự xuất phát ban đầu, tiêu hủy mọi thành quả của quá trình tiến hóa sự sống trong tự nhiên... -> Liên hệ bản thân và rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đánh giá bài viết
6 12.606
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 1 lớp 9

    Xem thêm