Bộ đề Đọc hiểu Ngữ văn 9 học kì 1 năm học 2023 - 2024
Đọc hiểu văn bản là nội dung không thể thiếu trong các đề thi Ngữ văn THCS. Để giúp các em học sinh học tốt phần này, VnDoc giới thiệu Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm học 2023 - 2024 bao gồm 14 đề đọc hiểu khác nhau, giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm các đề đọc hiểu Ngữ văn, từ đó học tốt Văn 9 hơn. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.
Đề đọc hiểu Ngữ văn 9 chọn lọc
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 1
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 2
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 3
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 4
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 5
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 6
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 7
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 8
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 9
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 10
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 11
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 12
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 13
- Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 14
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 1
Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận…
[…] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.
[…] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”
Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
(Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3: Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì?
b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên.
Câu 4: Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên.
b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì?
Đáp án
1 | Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. |
Phương thức biểu đạt chính: Tự sự | |
2 | Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích. |
Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…” | |
3 | Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì? b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên. |
a. Câu ghép b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là biện pháp so sánh. Hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. - Tác dụng của biện pháp so sánh: + Khẳng định giá trị của những vết thương mà hai mẹ con phải chịu đựng. + Hai vết sẹo ấy là bằng chứng sáng rõ nhất của tinh thần làm việc thiện, sẵn sàng cho đi một phần thân thể của mình mà không cần đáp lại. ⟹ Khẳng định tinh thần hiến dâng, biết sống vì người khác của hai mẹ con. | |
4 | Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được! a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên. b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì? |
a. Thành phần biệt lập trong câu văn trên là: Có lẽ - thành phần biệt lập tình thái. b. Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời. |
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 2
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
1. Đoạn thơ nằm trong tác phẩm nào? Của ai?
2. Tìm hai điển cố trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?
3. Trong đoạn thơ trên, tại sao khi nói tới nỗi nhớ của Kiều hướng tới Kim Trọng, tác giả sử dụng từ “tưởng”, còn khi nói tới nỗi nhớ của Kiều dành cho cha mẹ, nhà thơ lại dùng từ “xót”
4. Viết một đoạn văn khoảng 12- 15 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ những phẩm chất của Kiều được thể hiện ở đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động (gạch dưới câu bị động)
Đáp án
1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích, của tác giả Nguyễn Du (1 điểm)
2. Hai điển tích điển cố được sử dụng:
- Quạt nồng ấp lạnh: nói về người con có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, mùa hè trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông trời giá lạnh thì vào nằm trong giường trước cho ấm (0,25 điểm)
- Sân Lai: sân nhà Lão Tử người nước Sở thời Xuân Thu rất có hiếu với cha mẹ, tuy đã già mà còn nhảy múa ngoài sân cho cha mẹ xem để mua vui cho cha mẹ. (0,25 điểm)
- Sử dụng điển tích điển cố nhằm thể hiện, nhấn mạnh nỗi nhớ nhà, nhớ mong, lo lắng cho cha mẹ của Thúy Kiều (0,5 điểm)
3.
Nỗi nhớ Kiều dành cho Kim Trọng sử dụng động từ “tưởng” (hồi tưởng, nhớ lại) để nói về những kỉ niệm đẹp đẽ trong quá khứ. Trong nỗi nhớ của Thúy Kiều về tình yêu đẹp có cả hình dung về không gian đêm trăng thề nguyền, sự khắc khoải trông chờ của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy… Tưởng là vừa nhớ, vừa hoài niệm. (0,5 điểm)
- Nhớ về cha mẹ Nguyễn Du dùng từ “xót” thể hiện nỗi khổ tâm đau xót của người con giàu lòng vị tha hiếu thảo khi không chăm sóc được cha mẹ. (0,5 điểm)
4. Viết đoạn văn
Nỗi nhớ Kim Trọng (1 điểm)
- Chữ “tưởng” nhớ lại, hồi tưởng lại
+ Nhớ đêm trăng thề nguyền
+ Nhớ về Kim Trọng nên đau đớn hình dùng ra khi chàng trở về không hề biết Kiều đã bán mình chuộc cha
- Động từ “gột rửa” diễn tả tấm lòng son sắt, thủy chung của mối tình đầu, nhưng cũng xót thương cho tấm thân không còn gột rửa được nữa
→ Nỗi nhớ người yêu tha thiết, đau đáu
Nỗi nhớ cha mẹ (1 điểm)
- Sử dụng thành ngữ, điển tích, điểm cố để nói tới nỗi nhớ cha mẹ
- Kiều xót xa khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu mà hằng ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con
- Kiều lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ đã già không biết có ái chăm sóc, đỡ đần
→ Kiều là người con hiếu thảo, tình nghĩa
- Sử dụng được câu bị động (0,5 điểm)
Trình bày sạch đẹp, đầy đủ ý (0,5 điểm)
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 3
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.
Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người.
Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.
Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi", trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người?
Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.
Câu 4: Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với em?
Đáp án
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2:
Điều sẽ quyết định "đẳng cấp" về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người
Câu 3:
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:
"Tầm gửi" là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận "tầm gửi" là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.
Câu 4:
Thí sinh có thể rút ra bài học:
- Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
- Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.
Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân và lí giải.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 4
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Tôi hỏi đất:
- Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào ?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
(Hữu Thỉnh, Trích Thư mùa đông, NXB Hội Nhà văn, 1994)
Câu 1 (0,75 điểm): Xác định thể thơ và nêu tác dụng của việc sử dụng thể thơ mà Hữu Thỉnh đã lựa chọn cho bài thơ trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Ở ba khổ thơ đầu, các từ ngữ "tôn cao", "làm đầy", "đan vào", "làm nên" cùng có chung nét nghĩa nào?
Câu 3 (0,75 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở sáu dòng thơ cuối bài.
Câu 4 (1,0 điểm): Tại sao khi nhân vật trữ tình hỏi đất, nước, cỏ đều nhận được trả lời, còn khi hỏi người lại không nhận được câu trả lời? Nếu được hỏi: "Người sống với người như thế nào?", anh/chị sẽ trả lời ra sao? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).
Đáp án
Câu 1:
Bài thơ viết theo thể thơ tự do.
Tác dụng: Chọn thể thơ không bị chi phối bởi luật thơ; các câu thơ linh hoạt, tự do về vần điệu;... nhà thơ có thể bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau một cách tự nhiên,...
Câu 2:
Nét nghĩa chung của các từ ngữ "tôn cao", "làm đầy", "đan vào", "làm nên": cùng nhau sinh tồn, phát triển, bù đắp cho nhau để hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn.
Câu 3:
Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc (Tôi hỏi người:/Người sống với người như thế nào?) và câu hỏi tu từ (Người sống với người như thế nào?).
Tác dụng: Qua hình thức nghệ thuật này, tác giả nhắc nhở mọi người tự nhận thức lại, tự nhìn lại mình để có cách "sống với nhau" cho phù hợp,...
Câu 4:
- Gợi ý đoạn văn:
Người không trả lời được câu hỏi là do cách mỗi cá nhân đối xử với người khác có sự khác nhau, có tốt, có xấu, có lạnh lùng vô cảm,…và những hành động xấu vẫn xảy ra hằng ngày,…
Bài học: chúng ta cần nhìn nhận lại cách sống, cách đối xử với mọi người xung quanh của mình, hướng đến những điều tốt đẹp, yêu thương, chan hòa.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 5
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta trông thấy đều là cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội.
Câu 1: Theo tác giả, kẻ thù lớn nhất của chúng ta là gì? Các yếu tố tạo nên cơ hội là gì?
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn văn trên.
Câu 3: Từ nội dung của đoạn văn, hãy nêu bài học mà em rút ra được để hoàn thiện mình.
Đáp án
Câu 1:
Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là sự lười biếng. Các yếu tố tạo nên cơ hội là không lười biếng và phải dũng cảm.
Câu 2:
Nội dung chính của đoạn văn trên: nêu ra những tác hại của việc lười biếng, thuyết phục con người nên dũng cảm, không lười biếng để tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Câu 3:
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
- Nêu ra tác hại của sự lười biếng đối với bản thân: khiến bản thân trì trệ, không hoàn thành được công việc, tạo ra thói qune xấu, ỷ lại,…
- Tại sao chúng ta không nên lười biếng và phải dũng cảm: chăm chỉ giúp con người hoàn thành công việc năng suất hơn, dũng cảm để dám nghĩ dám làm,…
- Bản thân em đã, đang và sẽ làm gì để có thể nắm bắt được mọi cơ hội: tích cực học tập, rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng,…
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 6
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
“Trên bao dặm đường dài của cuộc đời, có thể cũng có lúc con chồn chân, mỏi gối và đớn đau. Đó chưa hẳn là bất hạnh đâu con ạ. Đời người, nếu bằng phẳng quá, cũng coi như mình chưa từng nếm đủ các dư vị của cuộc đời. Nhạt nhẽo, không thể là nguyên liệu của hạnh phúc.
Mẹ không cầu chúc con may mắn. Mẹ không cầu chúc con sung sướng, hạnh phúc hơn người. Mẹ chỉ mong muốn con của mẹ luôn là một CON NGƯỜI có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và với non sông, đất nước này.
(Trích: Thư mừng sinh nhật con gái 21 tuổi – nguồn: Giáo dục, Vietnamnet)
Câu 1: Người mẹ cầu chúc điều gì cho con mình?
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 3: Em hiểu thế nào về câu: “Đời người, nếu bằng phẳng quá, cũng coi như mình chưa từng nếm đủ các dư vị của cuộc đời. Nhạt nhẽo, không thể là nguyên liệu của hạnh phúc.”
Đáp án
Câu 1:
Người mẹ cầu chúc cho con mình luôn là một CON NGƯỜI có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và với non sông, đất nước này.
Câu 2:
Nội dung: người mẹ đã giúp con nhìn nhận cuộc sống, hướng con đến giá trị làm một con người chân chính, đó là con người có trách nhiệm với chính mình từ suy nghĩ, hành động, ứng xử, có trách nhiệm với cộng đồng, mình vì mọi người và trách nhiệm cống hiến với non sông đất nước.
Câu 3:
Câu nói mang ý nghĩa: cuộc đời của mỗi con người từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành sẽ phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió thì mới có thể đúc rút ra những bài học để hoàn thiện bản thân. Có trải qua sóng gió, chúng ta mới thêm trân trọng và thấy những lúc bình yên, hạnh phúc vô cùng đáng giá.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 7
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
(Bếp lửa - Bằng Việt)
Câu 1 (0,5đ): Thói quen của bà là gì?
Câu 2 (0,5đ): Kể tên những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ.
Câu 3 (1đ): Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.
Câu 4 (2đ): Từ nội dung chính của đoạn thơ, viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về tình cảm bà cháu.
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Thói quen của người bà là dậy sớm và nhóm bếp lửa.
Câu 2 (0,5đ):
Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ: lận đận, tâm tình, thiêng liêng.
Câu 3 (1đ):
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: đảo ngữ (đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ (lận đận đời bà…; nhóm…)
Tác dụng: nhấn mạnh vào từ ngữ ở đầu câu, giúp bạn đọc hình dung ra nỗi vất vả của bà cũng như hiểu hơn về cuộc đời bà.
Câu 4 (2đ):
Nội dung của đoạn thơ: nỗi nhớ của người cháu về những kỉ niệm bên bà đồng thời thể hiện tình cảm yêu thương với bà.
Suy nghĩ về tình cảm bà cháu: tình cảm bà cháu là tình cảm cao đẹp, nhất là khi từ nhỏ cháu đã gắn bó bên bà, được bà yêu thương, chăm sóc.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 8
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Tiếng thu - Lưu Trọng Lư)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5đ): Kể tên những sự vật được nhắc đến trong hai khổ thơ trên.
Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.
Câu 4 (2đ): Từ bài thơ trên hãy trình bày cảm nhận của em về mùa thu.
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ được viết theo thể thơ năm chữ.
Câu 2 (0,5đ):
Những sự vật được nhắc đến trong khổ thơ: mùa thu, trăng mờ, rừng thu, lá thu, con nai vàng.
Câu 3 (0,75đ):
Biện pháp nghệ thuật: điệp cấu trúc: “Em không nghe…?”
Tác dụng: Làm cho bài thơ giàu chất nhạc như là lời tâm tình với người yêu.
Câu 4 (2đ):
Cảm nhận về mùa thu:
Thiên nhiên: thời tiết dịu mát hơn, lá xanh dần úa vàng, không gian gợi chút buồn man mác.
Con người: mùa tựu trường, rằm trung thu…
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 9
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hai kiểu áo
Có ông quan lớn đến hiệu may để may một cái áo thật sang tiếp khách. Biết quan xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may bèn hỏi:
- Xin quan lớn cho biết người may chiếc áo này để tiếp ai ạ?
Quan lớn ngạc nhiên:
- Nhà ngươi biết để làm gì?
Người thợ may đáp:
- Thưa ngài, con hỏi để may cho vừa. Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc, còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen, thì vạt đằng sau phải may ngắn lại.
Quan ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo:
- Thế thì nhà ngươi may cho ta cả hai kiểu.
(Theo Trương Chính - Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)
Câu 1 (0,5đ): Nhân vật trong câu chuyện trên là ai? Họ đối thoại với nhau về vấn đề gì?
Câu 2 (0,5đ): Vị quan là người thế nào?
Câu 3 (1đ): Tiếng cười trong câu chuyện được bộc phát thế nào?
Câu 4 (2đ): Qua câu chuyện, em hiểu thêm điều gì về con người trong xã hội bấy giờ? (Trình bày thành đoạn văn).
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Nhân vật trong câu chuyện trên: viên quan và người thợ may.
Nội dung cuộc đối thoại: về vấn đề viên quan muốn may một cái áo thật sang để tiếp khách.
Câu 2 (0,5đ):
Thái độ của người nhà giàu: khinh bỉ, coi thường, xua đuổi người ăn xin và cho rằng họ chỉ thuộc về nơi địa ngục.
Vị quan là người luồn cúi, xu nịnh quan trên và hách dịch với dân đen.
Câu 3 (1đ):
Tiếng cười không được bộc phát khi độc giả đọc xong câu chuyện mà nó được bộc phát khi chúng ta suy ngẫm về nội dung sâu cay của câu chuyện đó.
Câu 4 (2đ):
Những điều nhận ra về con người trong xã hội bấy giờ qua câu chuyện: một số quan lại luôn tìm cách xu nịnh, luồn lách để được thăng tiến, vơ vét của cải của dân lành về làm giàu cho mình và thói khinh bỉ, bắt nạt, coi thường những người dân đen nghèo khổ.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 10
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Lỗi lầm và sự biết ơn
Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận và một người nổi nóng không kiềm chế được mình nên đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”
Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
(theo Hạt giống tâm hồng)
Câu 1 (0,5đ): Người bạn trong câu chuyện trên đã viết và khắc lên đâu?
Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của câu chuyện.
Câu 3 (1đ): Em rút ra được điều gì qua câu chuyện trên?
Câu 4 (1,5đ): Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện (Bằng một đoạn văn).
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Người bạn trong câu chuyện trên đã viết lên cát và khắc lên đá.
Câu 2 (1đ):
Nội dung chính của câu chuyện: hãy cố gắng lãng quên những lỗi lầm của người khác đã gây ra cho mình để sống tốt hơn. Tuy nhiên phải biết khắc ghi công ơn của người khác với mình.
Câu 3 (1đ):
Bài học rút ra: đôi lúc trong cuộc sống, người xung quanh sẽ là cho chúng ta muộn phiền nhưng không nên để tâm và sống tốt, duy trì những mối quan hệ cần thiết, hãy bao dung.
Câu 4 (1,5đ):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:
Bài học rút ra: hãy bao dung trước lỗi lầm của người khác và ghi nhớ ơn nghĩa của người khác với mình.
Trong cuộc sống con người sẽ có nhiều biến cố xảy ra, hãy sẵn sàng đối đầu; sống chan hòa với mọi người, sẵn sàng bao dung với những lỗi lầm của người khác.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 11
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Người ăn xin
Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.
Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có khăn tay, không có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:
- Xin ông đừng giận cháu. Cháu không có gì cho ông cả.
Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.
(Theo Tuốc-ghê-nhép)
Câu 1 (0,5đ): Người ăn xin trong câu chuyện được miêu tả như thế nào?
Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của câu chuyện.
Câu 3 (1đ): Theo em, điều mà nhân vật “tôi” nhận được là gì?
Câu 4 (1,5đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về bài học được rút ra từ câu chuyện.
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Người ăn xin được miêu tả: đã già; đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi.
Câu 2 (1đ):
Nội dung chính của câu chuyện: ca gợi tình thương giữa con người với con người, chỉ cần có tấm lòng giúp đỡ người khó khăn hơn mình dù mình không có gì cũng là một điều đáng trân quý.
Câu 3 (1đ):
Thứ mà nhân vật “tôi” nhận lại được chính là tình cảm, sự biết ơn của người ăn xin trước tấm lòng mà anh dành cho người ăn xin đó.
Câu 4 (1,5đ):
- Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào gợi ý sau:
Bài học được rút ra từ câu chuyện: hãy biết yêu thương, đồng cảm và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Suy nghĩ của bản thân: trong cuộc sống còn nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp đỡ họ không chỉ khiến cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, xã hội phát triển hơn mà còn khiến tình cảm cao đẹp của con người được lan tỏa, hơn nữa nó còn thể hiện nhân cách của bản thân,…
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 12
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nha quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hoặc hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.”
(Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,5đ): Đối tượng được tác giả nêu ra trong đoạn trích là gì?
Câu 3 (1đ): Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện như thế nào?
Câu 4 (2đ): Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về tầm quan trọng của văn nghệ?
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.
Câu 2 (0,5đ):
Đối tượng: người phụ nữ và văn nghệ.
Câu 3 (1đ):
Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện: văn nghệ đánh thức tâm hồn cằn cỗi của con người.
Câu 4 (2đ):
Tầm quan trọng của văn nghệ: văn nghệ nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tâm hồn của con người tràn đầy sức sống hơn, chạm đến trái tim và giúp con người trở nên tốt đẹp hơn.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 13
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ ngỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?
Câu 2 (1đ): Tác giả sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn thơ? Nêu tác dụng.
Câu 3 (2,5đ): Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về hình ảnh người mẹ trong đoạn thơ trên.
Đáp án
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
Câu 2 (1đ):
Biện pháp nghệ thuật: so sánh (Lưng núi - lưng mẹ) và ẩn dụ (ví em bé là mặt trời của mẹ).
Tác dụng: phép so sánh nhấn mạnh nỗi vất vả của người mẹ khi phải một tay làm cả nương ngô rộng lớn. Ẩn dụ để thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho đứa con bé bỏng, con giống như mặt trời của cuộc đời mẹ.
Câu 3 (2,5đ):
Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào những gợi ý sau:
Người mẹ trong đoạn văn trên là người mẹ chăm chỉ, tần tảo làm việc không chỉ để nuôi con mà còn để giúp đỡ người chiến sĩ, giúp đỡ cách mạng.
Người mẹ trên có một tình yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì con.
Là người mẹ đại diện cho Người mẹ Việt Nam anh hùng.
Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 số 14
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.”
Câu 1 (0,5đ): Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu là gì?
Câu 2 (1đ): Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động gì?
Câu 3 (2,5đ): Đoạn văn giúp em nhận ra bài học gì? (Trình bày bằng một đoạn văn).
Đáp án
Câu 1 (0,5đ):
Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu: một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.
Câu 2 (1đ):
Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động: Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những chú trai không chịu được đau xót nên đã chết. Những cơ thể trai sống thì lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót.
Câu 3 (2,5đ):
Bài học rút ra sau đoạn văn:
Trong cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn thử thách ập đến mà chúng ta không lường trước được.
Lựa chọn vượt qua hay bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách là của chính bản thân mỗi người.
Khi vượt qua khó khăn, chúng ta sẽ có được những thành quả ngọt ngào.
---------------------------
Ngoài Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 9 môn Ngữ Văn năm học 2023 - 2024, mời các bạn tham khảo các đề thi học học kì 1 lớp 9 các môn khác mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.