Cảm nhận bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo”
Cảm nhận bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo”
- Dàn ý cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 1
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 2
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 3
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 4
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 5
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 6
- Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 7
Bài Cảm nhận bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" thuộc bộ sách Ngữ văn 10 Cánh Diều do VnDoc biên soạn chi tiết nhằm giúp các bạn học sinh nắm được cách phân tích một tác phẩm thơ tự do theo yêu cầu của Chương trình giáo dục THPT. Mời các bạn tham khảo.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại
Dàn ý cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo
A. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên biển đảo".
B. Thân bài
- Cuộc sống khó khăn của người lính đảo phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt.
- Sự lạc quan và kiên cường của người lính đối mặt với khó khăn.
- Sự đối lập giữa khắc nghiệt của thiên nhiên và tâm hồn lạc quan của người lính.
- Những ước mơ về tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước của người lính.
C. Kết bài
- Tổng kết ý nghĩa của bài thơ và tầm quan trọng của người lính đảo.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 1
“Ở Việt nam có bao nhiêu bông hoa đẹp, là có bấy nhiêu anh hùng”. Ta đã từng bắt gặp những bông hoa trên “chiếc xe không kính” qua cảm nhận của Phạm Tiến Duật, hay là những bông hoa nơi rừng sâu qua những vần thơ của Chính Hữu,... Và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã đem đến cho văn học một bông hoa mới - “Lính đảo hát tình ca trên biển đảo”, một bông hoa kiên cường mọc giữa biển đảo đất trời.
Bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” được viết vào năm 1982, in trong tập “Bên cửa sổ máy bay”. Bài thơ đã tái hiện lại cuộc sống của những người lính đảo. Họ tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tâm hồn của họ thì vô cùng trẻ trung, lạc quan, dũng cảm, giàu tình yêu đời và yêu đất nước.
Mở đầu bài thơ, Trần Đăng Khoa đã đưa người đọc đến với buổi diễn văn nghệ rất đặc biệt:
“Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”
Nhắc tới văn nghệ, người ta thường nghĩ đến một thế giới đắm chìm trong sắc màu và nghệ thuật. Nhưng với những chiến sĩ Trường Sơn thì lại khác, đạo cụ trang hoàng cho buổi diễn văn nghệ của họ là “đá san hô” và “vài tấm tôn”. Họ đứng ca hát trên những mỏm đá san hô đơn sơ, và ngăn cách sân khấu bằng những tấm tôn tạm bợ, mộc mạc. Họ biết mình thiếu thốn về vật chất là thế, nên gửi lời dặn dò cảm thông rằng “đừng trách”. “Gió Trường Sa” như tái hiện lại khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt và dữ dội nơi biển đảo xa xôi. Giữa biển trời mênh mông, tiếng hát của người nghệ sĩ như hòa vào gió biển, biến chốn hoang sơ khắc nghiệt ấy thành một “sân khấu” đầy chất biển.
Những khó khăn của họ đâu chỉ là sự thiếu thốn về vật chất mà còn bao gồm thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội tưởng:
“Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Đá củ đậu bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…”
Thật đúng là một Trường Sa đầy nắng và gió, cam go và thử thách bủa vây. Vạn vật của thiên như đang tác động mạnh vào cơ thể của các anh. Gió làm rát mặt, rát da. Gió còn làm cho những hòn Đảo thay hình đổi dáng. Từ “luôn” chỉ sự thường xuyên, ngày nào cũng có. Thế mới thấy, ngày nào những người lính cũng phải phơi mình trước Trường Sơn khắc nghiệt. Hình ảnh “Sỏi cát bay” đã được nhà thơ so sánh như “lũ chim hoang”, gợi tả khung cảnh như hiện rõ trước mắt người đọc. Gió mạnh đến mức cuốn bay sỏi cát hòa cùng với không khí và cảnh vật, làm cho mọi thứ trở nên mịt mù. Câu thơ như khắc họa một bức tranh thiên nhiên dữ dội khiến người đọc phải giật mình sợ hãi. Trần Đăng Khoa đã thật tài hoa khi vận dụng nhiều giác quan cơ thể để cảm nhận về gió đảo Trường Sơn, quả là một đôi mắt tinh tường ít ai có được.
Đối lập với thiên nhiên dữ dội ấy, tâm hồn của họ vẫn thật lạc quan yêu đời. Vế thơ “Cứ mặc nó!” được tách ra bởi dấu chấm than trong dòng thơ, như một lời trò chuyện, một lời động viên mà những người lính dành cho nhau. Họ gọi nhau là những “chiến hữu”, những người đồng đội luôn sát cánh bên nhau để hoàn thành nhiệm vụ Tổ Quốc. Hai từ “bắt đầu” thể hiện sự dứt khoát và kiên quyết của người lính, dường như họ đã chuẩn bị hành trang đầy đủ với một tình yêu nước cao cả, nên họ không hề lo sợ gì trước những “trò đùa” của thiên nhiên.
Tới đây, “mây nước đã mở màn”, một sân khấu như hiện ra giữa mây nước, sóng rẽ cho sân khấu làm tâm điểm:
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau”
Sân khấu cuối cùng cũng đã đến lúc bừng sáng. Những người lính hiện lên với hàng loạt hình ảnh độc đáo, tếu táo: “đầu trọc”, “trọc tếu” và họ xuất thân từ nhiều độ tuổi khác nhau từ trẻ tới già. Đi cùng với những hình ảnh đáng yêu dí dỏm ấy, nhà thơ đã sử dụng các từ láy gợi hình, gợi cảm “lô nhô”, “ngổn ngang” làm tăng tính sinh động cho câu thơ. Nước ngọt được xem là “hiếm” ở nơi đảo xa. Cách nói “không lẽ đành” thể hiện sự trêu đùa nhưng cũng như một lời thừa nhận đầy ngang trái: nước ngọt đã ít, giờ còn đem đi gội đầu? Sự thật là những người lính đã cạo hết tóc của mình để tránh dùng nhiều nước trong hoạt động vệ sinh cá nhân. Câu thơ hiện lên với khung cảnh như đầy ắp tiếng cười trước hình hài và dáng vẻ dí dỏm của người lính. Nhưng ẩn sâu trong câu thơ ấy, hình ảnh một Trường Sơn khắc nghiệt, dữ dội khiến chúng ta không khỏi đau xót về thân hình người lính.
“Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca”
Không chỉ là những người lính với cái đầu trọc, họ còn gọi nhau đầy dí dỏm là “sư cụ”, “bà con xa với bụt ốc”. Tiếng cười giòn tan như vang lên trong mỗi vần thơ. Đang đắm chìm trong niềm vui ấy, tiếng cười bỗng đột ngột chuyển thành sự bí ẩn và tò mò “Có gì đang sóng sánh”. “Hóa ra” xuất hiện ở đầu câu thơ như một phát hiện đầy bất ngờ và lý thú của những người lính. Bài hát bắt đầu cất lên:
“Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời…”
Nói đến giai điệu âm nhạc, chúng ta sẽ nghĩ đến những nốt nhạc trầm bổng. Nhưng với những người lính đảo, âm nhạc của họ được tạo nên bởi tiếng sóng biển rầm rì. Gió biển và tiếng nói ngang tàng của người lính hòa trộn vào nhau đã làm nên một khúc ca mặn mà nơi biển cả. Lời ca ấy không là những câu hát vô định, đó là những lời thương, lời nhớ sâu nặng.
Màn đêm giờ đã buông xuống trong những vần thơ của Trần Đăng Khoa, chỉ còn tiếng hát, và nỗi nhớ nồng nàn dành cho “em” như kéo dài bất tận:
“Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
Tuổi trẻ thường gắn với tình yêu và những ước mơ. Nhưng với những người chiến sĩ, tình yêu đôi lứa lại quá xa vời. Anh mơ về những đêm trăng sáng hiền hòa được cùng em đi dạo, gương mặt em dịu dàng xinh tươi trong mắt anh và đôi tay ta đan cài ngọt ngào biết mấy. Hành trang mà người lính mang theo nơi biển đảo, một bên là tình yêu Tổ quốc, một bên là tình yêu dành cho em. Hình tượng người yêu - đất nước, quê hương đã không còn xa lạ trong văn học:
“Anh yêu em như yêu đất nước”
(Nhớ - Nguyễn Đình Thi)
Chế Lan Viên đã từng viết về tình yêu đắm say và nồng nàn, rất riêng tư nhưng cũng thật lý tưởng, rất chung:
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Trần Đăng Khoa đã đi sâu vào khai thác khía cạnh tình yêu của người lính, nhưng không hề làm mất đi vẻ hào hùng, uy nghiêm của các anh. Ngược lại, những vần thơ ấy còn làm cho ta thêm yêu và trân trọng tâm hồn sâu sắc của họ biết bao!
“Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước”
Nhưng thật trớ trêu thay, tất cả chỉ là mộng ảo. Không có em, không có trăng hay cái nắm tay nào cả. Chỉ có anh và tiếng sóng vỗ rì rào vọng lại. “Có trời mà biết được” như một sự hụt hẫng, pha chút buồn tủi và thất vọng vì sẽ chẳng có “bóng dáng” nào đến với họ. Khung cảnh hiện ra chỉ toàn mây nước, âm u, bao quanh lấy anh và những mộng tưởng ấy. Những câu ca mặn mà tình yêu và biển trời được cất lên từ đáy lòng:
“Nào hát lên cho mấy nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”
Phép điệp “Nào hát lên…rằng…” như gợi lên sự cao trào và ngân vang của những câu hát, như một bản tình ca thời đại của những người lính. Dù anh chưa biết em là ai, không biết em đến từ phương trời nào, thư tình chưa biết sẽ gửi trao về đâu, nhưng những chàng trai ấy như cam đoan với biển đảo và Tổ quốc về lòng chung thủy dành cho em. Một tình yêu mặn mà hơn muối biển, đây là một cách so sánh độc đáo và thú vị của tác giả, thể hiện một tình yêu lớn lao, son sắt của những chàng trai nơi Trường Sa nắng gió.
Tình yêu lứa đôi giờ như hòa quyện với tình yêu Tổ quốc lấp lánh nơi trái tim người chiến sĩ. Tình yêu ấy sẽ là ánh sáng dẫn đường cho họ, họ sẽ đứng nơi đây, một lòng một dạ bảo vệ khoảng trời Việt Nam.
“Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu…”
Khúc ca như đạt đến độ cao trào rực rỡ. Từ láy “chót vót” chỉ âm hưởng cao nhất của ca khúc. Nhưng từ “Bỗng” rơi xuống dòng thơ như một sự giật mình, thảng thốt. Với những chàng trai trẻ, những hòn đá nhấp nhô ở bời biển cũng trở thành những khán giả say sưa thưởng thức âm nhạc. Những người lính quả thật rất cứng cỏi, mạnh mẽ. Họ đã đi theo tiếng gọi Tổ quốc, ghìm chặt bao tâm tư, ước mơ riêng tư của bản thân để bảo vệ bình yêu cho triệu triệu mái nhà.
Với ngôn ngữ thơ mộc mạc, tự nhiên pha chút đùa vui hóm hỉnh, những hình ảnh so sánh và phép tương phản độc đáo, bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” là một bài ca hào hùng về người chiến sĩ Trường Sa. Cuộc sống của họ dù khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng điều hiện lên rõ nhất vẫn là tinh thần bất khuất, lạc quan yêu đời của họ.
Tác phẩm khép lại nhưng những giai điệu thì vẫn còn vang vọng. “Lính đảo hát tình ca trên đảo” mãi là khúc ca bất diệt về vẻ đẹp con người Việt Nam nơi hải đảo.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 2
“…sức mạnh thơ ca luôn là một cái gì đó bí ẩn đối với các tác giả. Nó không hẳn phụ thuộc vào kiến thức uyên thâm, vào kỹ thuật lắt léo, vào tư tưởng tiến bộ. Nhiều khi nó chinh phục độc giả chỉ bởi một thứ duyên riêng rất khó ước đoán”. Quả thực vậy, sức mạnh linh diệu của thơ ca, từ xưa tới nay, vốn nằm ở chất trữ tình tự nhiên, đằm thắm. Không cầu kì gọt đẽo, không viết về những điều xa xôi, nhiều bài thơ đi vào lòng độc giả bởi sự chân thành, mộc mạc. “Lính đảo hát tình ca trên đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa chính là một bài thơ như thế. Tác phẩm là khúc ca ân tình của những chiến sĩ Trường Sa, cho ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp ở những con người nơi đầu sóng ngọn gió.
Khi thời đại của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đi, đề tài người lính vẫn được rất nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác. Tuy nhiên, góc nhìn về người lính đã thay đổi. Hình ảnh những người chiến sĩ được thể hiện dưới nhiều góc độ sâu sắc hơn, chiều sâu tâm hồn với những khát khao đời thường bỏng cháy của họ được đề cập đến. “Lính đảo hát tình ca trên đảo” chính là một tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ được sáng tác vào năm 1982, in trong tập “Bên cửa sổ máy bay”. Tác phẩm được chia làm hai phần với phần đầu (khổ một đến khổ bốn) khắc họa sân khấu và chân dung đặc biệt của người lính, chân dung và phần hai (còn lại) nói về khúc tình ca của lính đảo.
Ở phần đầu tiên bài thơ, tác giả đã mở ra một khung cảnh đặc biệt:
“Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vải tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”
Đây là khung cảnh của một buổi biểu diễn văn nghệ nhưng sân khấu không được trang hoàng lộng lẫy bởi những ánh đèn màu rực rỡ. Ở nơi ấy, các chiến sĩ đứng trên những phiến đá san hô để ca hát, ngăn cách giữa “sân khấu” và “cánh gà” cũng chỉ có vài tấm tôn đơn sơ, tạm bợ. Màn đêm bao trùm không gian của buổi diễn đến mức những người lính “nhìn nhau không rõ nữa”. Ba chữ “Em đừng trách” thật thân thương, tựa như một lời bộc bạch mong được thông cảm bởi “Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”. Câu thơ đã hé lộ hoàn cảnh sống thiếu thốn của những người lính và sự dữ dội của thiên nhiên nơi hải đảo. Gió Trường Sa lúc nào cũng như gào thét nên mây trời, sóng nước đành trở thành phông nền cho sân khấu của người chiến sĩ. Tưởng như với hoàn cảnh khó khăn ấy, tiếng thơ sẽ trở thành tiếng buồn bã, trách than nhưng khổ thơ thứ hai đã đem đến cho người đọc điều ngược lại:
“Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn”
Trường Sa sao mà khắc nghiệt quá! Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên bằng nhiều giác quan: xúc giác (Gió rát mặt), thị giác (Đảo luôn thay hình dáng) để thấy hết sự khốc liệt của gió, bão, sóng, cát nơi đây. Cách so sánh “Sỏi cát bay như lũ chim hoang” gợi tả khung cảnh gió mịt mù đến mức che lấp tầm nhìn của con người, cho thấy sức mạnh của gió cuốn sóng gầm. Thiên nhiên vừa hoang sơ vừa dữ dội, đem đến cho con người biết bao trở ngại. Thế nhưng, vượt lên tất cả, hình ảnh những người lính trong hai câu thơ cuối khổ hai đã hiện lên thật đẹp, thật hiên ngang. Họ bất chấp lời thách thức ghê gớm của tự nhiên để cất lên tiếng ca yêu đời. Câu thơ thứ ba có cách ngắt nhịp khác lạ, cách nói “Cứ mặc nó”, “Ta bắt đầu thôi” thể hiện thái độ dứt khoát, ngang tàng của người lính. Các chiến sĩ lấy cái bao la của trời, cái vô tận của biển, cái mạnh mẽ của gió để mở màn buổi biểu diễn. Thiên nhiên không đối chọi với con người mà trở nên hòa quyện, trở thành một phần trong lời ca lính tráng. Tiếng gọi “Nào hỡi” kết hợp với cách xưng hô “chiến hữu” cho thấy tình đồng chí đồng đội sâu sắc. Họ cùng nhau chinh phục tự nhiên, khảng khái hát vang khúc ca lòng. Những người lính quả thực là những con người rất sáng tạo, chủ động, tràn đầy nhiệt huyết.
Khổ thơ thứ ba đã khắc họa chân dung những nghệ sĩ và khán giả của buổi trình diễn đặc biệt:
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau.”
Tham dự buổi diễn ấy không có một bóng dáng một người con gái nào, tất cả đều là lính đảo. Họ hiện lên với chân dung tự họa độc đáo, khác lạ “ mấy chàng đầu trọc ”, “ rặt lính trọc đầu ”. Các từ láy “ lô nhô ”, “ ngổn ngang ” giàu sức gợi hình cùng ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ khiến câu thơ mang sắc thái dí dỏm. Không chỉ Trần Đăng Khoa, trước đây nhà thơ Quang Dũng cũng từng miêu tả những người lính trọc đầu trong bài “Tây Tiến”:
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm ”.
Chi tiết “không mọc tóc” không phải là kết quả của sự phóng đại hay tượng trưng, đó đều là những hình ảnh tả thực, cho thấy sự gian nan của đời lính. Tuy nhiên, nếu người lính Tây Tiến mang đậm vẻ gai góc thì người chiến sĩ đảo Trường Sa lại có phần vui tươi, tinh nghịch. Câu thơ thứ ba ở khổ ba đã lí giải nguyên nhân làm nên sự đặc biệt trong ngoại hình ấy:
“Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”
Điệp từ “trọc” được lặp lại ba lần trong khổ thơ, gây ấn tượng mạnh với người đọc về ngoại hình như thể bị sóng, gió bào mòn đi của người lính. Chỉ qua một nét đặc tả, ta hình dung được cuộc sống vất vả, gian lao của những binh đoàn đóng quân tại Trường Sa . Đặc biệt, ở đảo Sơn Ca - nơi nhà thơ gặp các chiến sĩ, không có nguồn nước ngọt như tự nhiên. Các chiến sĩ đành phải cạo tóc, dành dụm phần nước ngọt quý giá ấy cho những công việc khác. Ở đảo xa, cơn mưa là niềm ước ao như nhà thơ đã viết trong “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn:
“Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền
Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ”
Cách nói “ không lẽ đành ”, “ đều trọc tếu ” mang giọng điệu lạc quan, dí dỏm nhưng lại khiến người đọc cảm thấy xót xa. Nơi đầu sóng ngọn gió, biết bao thế hệ đã “ra đi không tiếc đời mình”, dâng hiến cả thanh xuân cho Tổ quốc. Được tôi luyện bởi gió bão Trường Sa, trái tim họ ngoan cường, dũng cảm nhưng cũng rất mực chân thành, yêu đời, yêu sự sống.
“Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca”
Không chỉ cùng nhau ca hát, những người lính còn lấy sự độc đáo trong ngoại hình của mình để bông đùa, tếu táo. Những chàng trai trẻ độ tuổi đôi mươi, những người lính già tuổi xế chiều, tất cả đều là “sư cụ”, “bà con xa với bụt ốc”. Hai tiếng “đây mà” đặt ở cuối dòng khiến câu thơ như tiếng cười khoái chí, giòn giã của người chiến sĩ. Sau niềm vui ấy, lời thơ bỗng đột ngột chuyển giọng “Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh”. Không gian đang ồn ào bỗng yên ắng lạ, là âm thanh gì đang “sóng sánh”? Là tiếng sóng biển ầm ì ngàn năm đã tác động đến tâm hồn người lính hay chính cơn sóng lòng của người lính đang dâng trào, tạo thành những âm hưởng bất tận? Câu thơ thứ tư mở đầu với ba tiếng “Hóa ra là” như một phát hiện đầy lý thú của người lính, bài hát đã bắt đầu cất lên.
Qua việc miêu tả sân khấu đêm ca hát và chân dung đặc biệt của những người lính đảo, bốn khổ thơ đầu đã đem đến cho người đọc cái nhìn hiện thực về cuộc sống chiếu đấu nơi biên cương hải đảo. Từ đó, ta thấy được nét đẹp tâm hồn, phẩm chất ẩn sâu trong vẻ ngoài gai góc nơi những người anh hùng: trẻ trung, yêu đời, có tâm hồn nghệ sĩ, vui tính, hóm hỉnh và dũng cảm, hiên ngang, không ngại thử thách khó khăn.
Hai khổ thơ thứ năm và thứ sau là những giai điệu của bản tình ca dạt dào, góp phần tô đậm vẻ đẹp của hình tượng những chàng lính đảo:
Những giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời
Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình.
Thủ pháp đối lập được vận dụng rất tài hoa. Những chàng trai ấy, trên đầu là vùng trời mênh mang của Tổ quốc, dưới chân là đất Mẹ thiêng liêng. Sóng và gió Trường Sa đã tôi luyện họ, chất mặn mòi của muối biển đã thấm vào da thịt để rồi đến âm điệu bài ca cũng mạnh mẽ, dồn dập, “ngang tàng như gió biển”. Trái ngược với giai điệu ấy, phần lời của bài hát lại “toàn nhớ với thương thôi” rất đỗi trữ tình. Ta tìm thấy trong lời ca ước mơ hạnh phúc, khát khao tình yêu đôi lứa bỏng cháy của người lính. Họ mơ về đêm trăng thơ mộng đi dạo dưới hàng cây, bóng dáng người yêu với gương mặt dịu dàng. Họ ước ao những cái nắm tay lãng mạn, ngọt ngào của tình yêu biết mấy! Người lính, dù kiên trung, cứng rắn nhưng trái tim nào phải sắt đá bao giờ, vẫn biết cháy lên những rung cảm xao xuyến khi nghĩ về tình yêu. Một thời, người chiến sĩ trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi cũng được miêu tả dưới khía cạnh ấy:
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Khai thác khía cạnh tình yêu người lính không những không làm mất đi vẻ hào hùng, anh dũng mà càng khiến hình tượng những anh hùng Tổ quốc thêm phần gần gũi, chân thực, tự nhiên, sâu sắc. Không chỉ thấy được niềm mong mỏi của họ, tác giả còn thấu hiểu nỗi buồn của người lính khi “Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ”, trở về với thực tại. Một bên là dáng hình, gương mặt “em” yêu dấu cụ thể như kề sát bên đối lập với một bên là thực tế “em” chỉ là nỗi ước ao, là tưởng tượng, là khát khao rất khó thành hiện thực:
"Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được
Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước."
Tình yêu vốn dĩ là khát khao thuần khiết, tự nhiên nhất của mỗi chúng ta. Hạnh phúc của con người, suy cho tới cùng, chính là cảm thấy mình yêu và được yêu trên cõi đời này. Còn gì khổ tâm hơn là khi cất lên tiếng gọi tình yêu mà không được hồi đáp. Câu hỏi tu từ “Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?”, cách nói “có trời mà biết được”, “Những bóng dáng nào” bộc lộ ước vọng tình yêu và nỗi buồn, niềm băn khoăn của người lính. Họ gửi sự xao xuyến, suy tư của mình vào không gian rộng lớn nhưng giữa “bốn phía chỉ âm u mây nước”, hình dáng “em” vẫn là điều bỏ ngỏ. Đọc những câu thơ trên, ta thật thương yêu và cảm phục những người lính đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ, tình yêu của mình cho Tổ quốc. Nhờ có họ mà bao mái nhà được bình yên, bao tình yêu được đơm hoa kết trái, bao mầm sống được nảy nở trên mảnh đất quê hương.
Nào hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này…
Dù có những nốt trầm nhưng bản tình ca vẫn không dừng lại, tiếng hát mỗi lúc một vang vọng hơn. Phép điệp “Nào hát lên…/Rằng…” gợi ra phần điệp khúc và cao trào trong ca khúc. Dù “em” chưa hiện hiện hữu, lá thư tình chưa có tên người nhận nhưng những chàng trai vẫn mạnh mẽ khẳng định tình yêu trước sau như một: “Yêu em thủy chung hơn muối mặn”. Hinh ảnh “muối mặn” trong câu thơ trên khiến ta liên tưởng đến “chén muối, đĩa gừng” trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. Chi tiết này vừa gợi lên truyền thống ân nghĩa của dân tộc, vừa nhấn mạnh phẩm chất chung thủy, son sắt ở người chiến sĩ. Mây nước vời vợi, bóng đêm thăm thẳm của Trường Sa không thể chiến thắng tình yêu nồng nàn, bỏng cháy. Tổ quốc sinh ra anh và “em”, bảo vệ Tổ quốc cũng chính là che chở cho “em” và chính tình yêu của những người như chúng ta đã dệt nên đất nước ngàn năm văn hiến. Tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu Tổ quốc bừng sáng trong lồng ngực người chiến sĩ. Đó là động lực để người lính “đứng vững trên đảo xa sóng gió”, gìn giữ nền độc lập cho quốc gia và nối dài những câu chuyện về con người Việt Nam nhân hậu, bao dung, nặng tình nghĩa mà vẫn rất dũng cảm, nghị lực phi thường. Dấu “…” đặt ở cuối dòng thơ như lời hứa hẹn về sự phát triển không ngừng của đất nước. Hai khổ thơ có nhịp điệu tha thiết, dâng trào, khỏe khoắn, sôi nổi, tràn đầy niềm tự hào, khắc họa tư thế kiêu hãnh, hiên ngang của người lính đảo.
Bản tình ca đột ngột kết thúc bởi sự xuất hiện của những khán giả đặc biệt:
Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu…
Lời thơ lại trở về giọng điệu bông đùa, dí dỏm. Đoạn thơ miêu tả một hiện tượng tự nhiên: đêm đến, thủy triều rút, những tảng đá hiện ra. Bản tình ca đang ở hồi cao trào, “chót vót”, người lính bỗng “bàng hoàng” nhận ra tiếng hát của mình có sức lay động kì diệu. Cách nói “người đâu lên đông thế”, từ “Ô” lại diễn tả phát hiện kì thú của các chiến sĩ. Với họ, những hòn đá kia cũng trở thành những khán giả say sưa thưởng thức âm nhạc. Thiên nhiên và con người cùng đồng điệu trong cảm xúc, tất cả tỏa sáng rực rỡ giữa đêm tối Trường Sa. “Còn gì đẹp trên đời hơn thế?”
Bài thơ đã khắc họa sinh động, chân thực hoàn cảnh sống và chiến đấu gian lao của những người lính. Không chỉ vậy, “bản tình ca đặc biệt” này còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người lính với nhiều phẩm chất đáng quý: yêu đời, lạc quan, có tâm hồn nghệ sĩ, khát khao hạnh phúc, son sắt thủy chung và hơn hết là yêu Tổ quốc, giàu tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, hiên ngang, kiên cường. Họ là đại diện cho hình ảnh những con người Việt Nam:
“ Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa
Trong và th ực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa ”
Về nghệ thuật, nhà thơ đã sử dụng thể thơ tự do với nhịp điệu thơ thay đổi linh hoạt, giọng thơ hóm hỉnh ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ, các biện pháp tu từ như so sánh, điệp ngữ, câu hỏi tu từ. Đặc biệt, việc giọng điệu thơ cho phù hợp với mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình từ tinh nghịch, lạc quan đến suy tư, trầm lắng rồi kiêu hãnh, tự hào đã góp phần lớn vào thành công của tác phẩm.
“Thơ ca trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” ( Belinsky). Bài thơ “ Lính đảo hát tình ca trên đảo ” đã làm tròn cả hai phần ấy, khắc họa được hiện thực bằng ngòi bút nghệ thuật tài hoa. Giữa những tác phẩm viết về đề tài người lính ra đời từ trước, Trần Đăng Khoa đã thành công tạo dấu ấn riêng cho mình với “bản tình ca đặc biệt” này.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 3
Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi (puskin). Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình, là tiếng nói tình cảm là những rung động của trái tim con người trước cuộc đời. Ta say đắm trước áng mây hồng của buổi sớm mai bình minh hay áng mây buồn khi chiều tà khuất lối? Ta rung động trước cánh hoa đẹp lung linh kiều diễm hay những cánh đồng lúa úa tàn không sinh khí? Thơ không chỉ là những đóa hoa cao sang kiều diễm mà thơ đôi khi là những cơn gió rít lên từng hồi, là những làn sóng dồn dập vỗ về bờ cát trắng hay chỉ là những con người chân phương hiện lên đầy chất phác đến đáng yêu. Là một làn gió không mấy xa lạ, nhưng sức sống mà nhà thơ ấy thổi vào đem đến một làn gió mới mẻ gợi những rung cảm sâu xa cho người đọc. Bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo của nhà thơ Trần Đăng Khoa là một “bài ca” như vậy.
Thơ là cuộc hôn phối giữa con người và vũ trụ. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên “Nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào biến chuyển lịch sử”_ John Perse. Như vậy dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn của cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy. Hơn ai hết họ là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, tinh tế nhất. Trần Đăng khoa đứng trong dòng chảy của thời đại để cất lên những vần thơ trong trẻo bình dị mang đến sức rung cảm mãnh liệt cho người đọc. Bài thơ viết về những người lính trên quần đảo Trường Sa vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX. Tuy cuộc sống của họ còn thiếu thốn về vật chất, sống với điều kiện khắc nghiệt… nhưng tâm hồn họ thì vô cùng lạc quan, yêu đời. Họ cất cao lời hát của tự do của tâm hồn, bài hát của tình yêu tổ quốc tình yêu quê hương đất nước. Dù chưa biết “người thương” ở phương nào, họ vẫn khát khao và mộng tưởng, họ khẳng định tình yêu thủy chung như muối mặn của mình dẫu chưa hề biết “bóng dáng nào sẽ đến” với họ. Có thể nói, họ thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm. Chỉ có tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước thì luôn chan chứa trong tim.
“Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió trường sa”
Trần Đăng Khoa được biết đến là nhà thơ viết nhiều về thiếu nhi và những sáng tác của ông dành nhiều cho thiếu nhi đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng của ông. Nhưng điều đó không có nghĩa là những sác tác của ông ở ngoài vùng sở trường lại mờ nhạt, nghèo nàn. Nếu ta đã quen với hình ảnh chú bộ đội cụ hồ xuất thân từ những người nông dân chân chất trong bài thơ Đồng Chí của nhà thơ Chính Hữu hay những chàng thanh niên yêu nước đi theo tiếng gọi của tổ quốc trong bài thơ Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Cùng hát chung khúc hát về người lính, “lính đảo hát tình ca trên đảo” mang một giọng văn riêng, âm sắc riêng – thật mới mẻ và đặc sắc giữa cõi văn chương. Vẫn là những anh lính đảo sống giữa muôn trùng sóng nước thiếu thốn đủ bề mà luôn lạc quan, yêu đời. Khổ thơ đầu tiên mở ra cho ta thấy về những buổi liên hoan văn nghệ của người lính đảo. Người lính đâu chỉ có khô cằn cứng nhắc trong điều lệ, nội quy, họ cũng có lúc bay bổng, thăng hoa trong lời ca tiếng hát. Với tâm hồn lồng lộng biển khơi, yêu đời, yêu cuộc sống, người lính đã tự làm sinh động cho nhịp sống thường nhật buồn tẻ chốn hoang sơ của mình bằng những giai điệu du dương, ngang tàng chất lính. Ta đã quen với một sân khấu với dàn âm thanh ánh sáng lộng lẫy, những vũ công diễn viên xinh đẹp thì ở những người lính sân khấu của họ thật đặt biệt. Sân khấu của họ chẳng cầu kì như lẽ thường phải thế. Sân khấu của họ được kê bằng đá san hô, còn cánh gà chôn mấy tấm tôn tạm bợ. Họ trang trí nơi biểu diễn nghệ thuật bằng những thứ chẳng có tính nghệ thuật – những thứ vốn có sẵn trong cuộc sống thường ngày. Điều đó nói lên rất nhiều những thiếu thốn, gian khổ của người lính chốn biển đảo xa xôi. Đất nước mình những năm 80 còn khó khăn vất vả gấp bội phần. Những thiếu thốn ấy đã được những chàng lính yêu đời, lạc quan biện luận bằng một lí do rất chân thực. Theo lời phân trần của người lính, thì sự tạm bợ của họ không hẳn vì họ không có phông màn trang trí cho sân khấu mà vì: “chẳng phông màn nào chịu nổi gió trường sa” thật dễ thông cảm biết bao với cái lí do bất khả kháng ấy. Đọc câu thơ này của ông ta chợt nhớ đến bài thơ Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật:
“ Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi..”
Những con người lạc quan luôn nhìn thấy trong khó khăn những điều thú vị như vật đó.
Qua sự phân trần của những người lính, người đọc mới hiểu hơn về một Trường Sa khắc nghiệt đến bội phần:
“Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…”
Lời thơ như khắc họa trong tâm trí người đọc một trường sa đầy nắng và gió. Gió mang cảm giác bỏng rát trên mặt trần, gió tùng sỏi cát như lũ chim hoang, gió làm biến đổi hình dạng của đảo mỗi ngày… hai câu thơ giàu sức gợi mang đến những những cảm nhận có phần khá lạ lẫm trong lòng người đọc về thiên nhiên trường sa, bởi không phải ai cũng từng được trải nghiệm sức mạnh khủng khiếp của nắng gió nơi đây. Cuộc sống mỗi ngày phải đối diện với khó khăn, vất vả thế nhưng thật thú vị, người lính nói về điều đó một cách thản nhiên, bình thản như đó là một phần hương vị của cuộc sống, không có gì đáng bận tâm. Họ không lấy điều đó làm phiền, ngược lại họ vẫn sống lạc quan yêu đời.
“Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn…”
Người lính bỏ lại tất cả sau lưng những khó khăn để vui sống mỗi ngày. Niềm vui ấy là cùng các chiến hữu cất cao lời hát, niềm vui ấy không cầu kì mà đậm chất lính. Sự phối hợp hài hòa đối lập nhau giữa hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt trong những câu thơ trên và tâm hồn phơi phới của những chàng lính là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Trần đăng khoa đã mượn gian nan, khắc nghiệt của cuộc sống làm đòn bẩy nâng cao vẻ đẹp tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính. Cách nói mây nước mở màn của nhà thơ thật lạ, thật thú vị. Màn ở đây là màn sân khấu. Sân khấu đứng giữa đất trời mênh mông nên mấy nước mở màn là một liên tưởng độc đáo. Sân khấu ấy thiếu phông màn vải vóc sặc sỡ, được thay bằng mây nước biển khơi.
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng… rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau
Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang đang sóng sánh
Hóa ra là sư cụ hát tình ca”
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không chỉ cản trở người lính trong hoạt động nghệ thuật nữa mà còn khiến cho những người lính ấy phải cạo trọc đầu để chống chọi lại sự thiếu thốn ấy. Ở nơi biển đảo hẻo lánh ấy thứ còn quý hơn vàng có lẽ là nước ngọt. Một tài nguyên ta cho là tầm thường và hiện hữu quanh ta nên ta chẳng biết quý trọng. Chỉ khi ta đặt mình vào vị trí của những người lính ấy bốn bể đèo là cát trắng và nước biển mặn chát là gió rít từng hồi rát cả da thịt… ta mới hiểu được câu thơ “Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc” những anh chàng đầu trọc khiến ta liên tưởng tới những người lính đầu trọc trong tây tiến của Quang Dũng:
“Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm…”
Đều là những khó khăn xuất phát từ hoàn cảnh, nhưng ý chí kiên cường của người lính có lẽ còn cứng rắn hơn bất kì thứ gì khác. Diễn viên và khán giả ở đây đều là những anh chàng “trọc đầu” trông thật tếu. Những người thanh niên ấy đã hi sinh tuổi trẻ, thanh xuân của mình để bám trụ lại nơi địa cùng tổ quốc để giữ yên từng tấc đất nơi đây. Họ cũng như chúng ta, họ cũng biết làm đẹp cho bản thân chứ, ai lại muốn “đầu trọc” bao giờ, nhưng bởi vì nước ngọt ở đảo trường sa ấy còn khan hiếm lắm đâu chỉ dùng để tắm gội thôi đâu mà còn để uống để sinh hoạt nấu nướng.Điều kiện sống của những người làm nhiệm vụ ở Trường Sa còn có quá nhiều thiếu thốn, gian khổ, đến mức khắc nghiệt. Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở đây còn nhiều khó khăn: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu văn công và các hoạt động nghệ thuật. Nhưng, ở nơi đầu sóng ngọn gió, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, những người lính canh biển luôn trong tư thế sẵn sàng. Không có sự yếu lòng trước những thử thách của cuộc sống. Khó khăn vất vả là vậy tình đồng chí đồng đội luôn thắp sáng và sưởi ấm con tim của những người cầm súng bảo vệ nơi đầu sóng. Họ biết yêu thương nhau, tạo niềm vui cho cuộc sống của mình. Họ cùng nhau lắng nghe khúc tình ca của biển cả, những cơn sóng ôm ấp chồng lên nhau tạo nên một giai điệu rất riêng mà có lẽ chỉ những người sống trên vùng đất này mới cảm nhận hết được vẻ đẹp này. Biển hiền hòa êm dịu, biển êm đềm khúc hát…. mãi mãi khúc tình ca. Con người và thiên nhiên hòa làm một, con người là trung tâm của vũ trụ và thiên nhiên là nền trời cho con người tỏa sáng. Khúc hát rì rầm ấy khi nghe người ta cũng chẳng biết được là trái tim của người lính đang thổn thức hay là lời thì thầm của biển cả.
Hơn bao giờ hết, bản tình ca này đặc biệt hơn thế:
“Các giai điệu ngang tàng như gió biển
Những lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời…”
Đâu chỉ những nốt nhạc mới làm nên giai điệu, đôi khi chỉ là tiếng du dương rầm rì của sóng vỗ lao xao của gió biển lay đưa hàng dừa ….. chúng hòa trộn vào nhau, tạo nên một bản giao hưởng đậm hương vị mặn mà của biển. Nói đến giai điệu, chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng nó sẽ là sự êm ả vui tai, nhẹ nhàng mà trầm lắng nhưng với Trần Đăng Khoa giai điệu được ví ngang tàng như sóng biển. Lời ca ấy không chỉ là yêu đời, một tinh thần lạc quan mà còn chứa đựng một nỗi nhớ và tình thương sâu nặng. Lời ca nào mà chẳng có tình yêu, huống chi đó là lời ca xuất phát từ con tim của người chiến sĩ. Làm nhiệm vụ xa nhà chắc hẳn các anh rất nhớ đất liền. Nhưng tạm gác lại nỗi nhớ nhiệm vụ mà các anh gánh vác trên vai còn cao cả hơn thế. Đêm buông xuống, màn nhung đen phủ kín bầu trời chẳng còn nhìn rõ được gì nữa. Chỉ có tiếng hát là vang vọng mãi biển xa. Tiếng vỏ ốc va vào nhau sau từng đợt sóng được nhà thơ nhân hóa lên thành vỏ ốc cất lời làm cho lời như sống dậy, sinh động hơn.
“Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước”
Ở độ tuổi đẹp nhất đời người, đôi mươi sung sức có lẽ các anh chiến sĩ nơi đây cô đơn lắm vì chẳng ở gần người thương. Họ ao ước vào những đêm trăng sáng, được nắm tay người mình yêu đi dạo, được ngắm nhìn khuôn mặt dịu dàng của em dưới ánh sáng lấp ló qua hàng cây… thật lung linh tuyệt đẹp. Nhưng khi mở mắt ra, mọi ao ước đều ảo mộng mơ phai, chỉ nghe bên tai tiếng sóng vỗ rì rào. Và tay mình lại nắm lấy chính tay mình. Khó khăn cô đơn là thế nhưng họ vẫn rất lạc quan, họ vẫn mong chờ người mình yêu đang ở một nơi nào đó đợi mình. Người ấy ở đâu, như thế nào cũng chẳng biết nữa chỉ biết là khi mở mắt ra, bốn phía bao quanh mình đều là mây nước lồng lộng.
“Nào hát lên cho mấy nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai…
Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này”
Dù ở hoàn cảnh nào, dù gặp khó khăn gì họ vẫn cất cao tiếng hát của tâm hồn, một tâm hồn cao cả và đa cảm. Dù chưa biết mai này mình sẽ yêu ai, chưa biết chủ nhân của bức thư tình là người nào nhưng các anh vẫn trung trinh một tấm lòng chung thủy. Lời hát cất lên như một lời thề son sắt, tình yêu vẫn còn trong tim dù là đứng trong đêm tối mịt mù tình yêu sẽ là ánh sáng dẫn đường , các anh vẫn sẽ ở đây, bảo vệ cho khoảng trời thân yêu này bởi Việt Nam bắt đầu tại nơi đây. Điệp lại cấu trúc thơ: “Nào hát lên; Rằng chúng ta, Rằng tình yêu”. Phép điệp cấu trúc giúp hai khổ thơ liên kết gần gũi, dễ đọc dễ nhớ giống đoạn điệp khúc của một bài hát.
“Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu…”
Khúc tình ca ấy vẫn mãi ngân vang, bỗng chững lại như một bản nhạc đang cao trào lên quãng 8 thì trầm xuống đến lắng đọng lòng người. Cảm xúc thăng hoa của tác giả như gặp điều gì đó bỗng trầm lắng xuống. Ngoài mép biển kia có gì đáng để nhà thơ phân tâm. Kết thúc bài thơ là một câu cảm thán dùng ngữ khí bất ngờ, đặc biệt: “Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu…”, thể hiện thái độ bất ngờ về sự xuất hiện của những người lính đảo. Họ được ví như những hòn đá, chịu nắng chịu mưa để bảo vệ cho an nguy tổ quốc. Họ hi sinh thầm lặng, gạt bỏ những nỗi lòng riêng để cùng phục vụ cho một mục đích cao cả hơn hết đó chính là sự yên bình của đất nước nơi đầu sóng ngọn gió.
Với ngôn ngữ thơ mộc mạc, tự nhiên pha chút đùa vui hóm hỉnh, những hình ảnh so sánh đối lập khác lạ. Bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo là một bài ca hùng tráng về người chiến sĩ hải quân ở Trường Sa. Qua vài nét phác họa đơn sơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa ta có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của người lính nơi biển đảo xa xôi ấy cũng như vẻ đẹp của tinh thần bất khuất, lạc quan yêu đời của họ. Tình cảm ưu ái và ngưỡng mộ của nhà thơ Trần Đăng Khoa dành cho họ cũng theo lời thơ mà bộc một cách tự nhiên, chân thành.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 4
Trần Đăng Khoa được người đời ngợi ca và mệnh danh là "Thần đồng thơ ca". Với ngôn từ mộc mạc, hình ảnh thân quen, những sáng tác của ông dễ dàng đi sâu vào tâm trí và trái tim người đọc. Trong đó, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bài thơ đã mang tới những hình ảnh chân thực về cuộc sống sinh hoạt của người lính nơi đầu sóng ngọn gió.
Mở đầu bài thơ, Trần Đăng Khoa trực tiếp đưa độc giả đến với khung cảnh:
"Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà"
Ngoài đảo, mọi thứ đều khan hiếm, thiếu thốn đủ đường. Vậy nên, sân khấu chỉ được lắp ghép, chắp vá tạm bợ bởi "đá san hô" mà thôi. Phía cánh gà cũng được tạo nên từ vài tấm tôn. Có thể thấy, chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã gợi lên cuộc sống khó khăn của những người lính đảo. Cuộc sống ấy còn bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên nhiên khắc nghiệt:
"Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi Trường Sa"
Cách xưng hô thân mật "em", "bọn chúng anh" cho thấy sự gắn kết giữa con người. Người lính nói bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng, như thể đây chỉ là một câu chuyện nhỏ nhẹ, không đáng quan tâm. Câu thơ giống như lời tâm sự thủ thỉ, lời lí giải nhẹ nhàng cho hoàn cảnh. Đồng thời, khéo léo nhấn mạnh vào ý chí, bản lĩnh của những người dám đương đầu với sóng to, gió lớn nơi biển đảo.
Dẫu thiếu thốn vật chất, điều kiện tự nhiên hà khắc, người lính vẫn nở nụ cười lạc quan:
"Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn"
Sống giữa biển trời mênh mông, người lính hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với biết bao gian khổ. Nào là những lần gió thổi rát mặt. Nào là những trận bão cát sỏi bay điên cuồng. Thế nhưng, họ chẳng lấy làm để tâm. Câu nói "Cứ mặc nó" cho thấy phong thái bình thản, ung dung của người lính đảo. Dường như, những khó khăn ấy không còn là nỗi bận tâm, lo lắng nữa rồi. Giờ đây, họ dành hết tâm trí cho chiếc sân khấu "có một không hai" - "mây nước mở màn" với đội ngũ biểu diễn và khán giả đặc biệt:
"Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính già lính trẻ đều trọc tếu như nhau"
Khổ thơ bốn dòng nhưng có đến ba từ "trọc" đã nhấn mạnh vào vẻ bề ngoài đặc trưng những chàng lính đảo. Ngoài đảo, nước ngọt khan hiếm vô cùng. Vì thế, họ không nỡ dùng nguồn nước quý giá đó để gội đầu. Từ lính mới đến lính cũ, lính già đến lính trẻ, ai ai cũng đồng lòng. Họ bảo nhau cắt đi mái tóc, biến mình thành "chàng đầu trọc" nhằm tiết kiệm những giọt nước tinh khiết. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, Trần Đăng Khoa đã khắc họa nên một bức tranh chân thực về đời sống của lính đảo, tuy khó khăn nhưng không bi lụy. Từ chính cái khổ cực ấy, họ biến chúng thành niềm vui: "Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ/ Là bà con xa với bụt ốc đây mà", "Hóa ra là sư cụ hát tình ca".
Giữa không gian bao la, mây trời sóng nước lồng bóng, người lính đảo được ví như "sư cụ" cất lên khúc hát đặc biệt:
"Những giai điệu ngang tàng như gió biển
Những lời ca toàn nhớ với thương thôi"
Nếu như giai điệu mạnh mẽ, ngang tàn như gió biển thổi thì lời ca lại nhẹ nhàng, tha thiết nỗi nhớ thương. Một bản tình ca độc đáo, mới lạ, chỉ có riêng ở người lính đảo. Hòa theo nhịp điệu, những chàng lính cất lên câu hát tâm tình, chan chứa yêu thương "Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo", "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?". Mượn lời ca, họ khéo léo bày tỏ tình cảm chân thành "Rằng chúng ta là những con người/ Yêu em thủy chung hơn muối mặn/ Dù thư tình chưa biết gửi cho ai". Có thể thấy, người lính đảo hiện lên thật chân thực với nét tính cách lạc quan, nhí nhảnh, tâm hồn trong sáng. Giống như bao người, các chàng trai ấy cũng có trái tim khao khát hạnh phúc và tình yêu đôi lứa.
Bản tình ca đằm thắm ấy còn là khúc hát say sưa về Tổ quốc thân yêu:
"Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này..."
Trên tất cả, trong trái tim thổn thức từng nhịp đập, tình yêu đất nước vẫn nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nó chính là ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết, là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. Giữa muôn trùng sóng gió của biển cả, người lính đảo luôn vững vàng chắp tay súng, bảo vệ từng tấc đất của nước nhà. Để rồi, thông qua đó, khẳng định đất nước bắt nguồn từ chính những vùng đất xa xôi mà thiêng liêng này.
Bài thơ kết thúc với hình ảnh ấn tượng:
"Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu..."
Khổ thơ cuối vẫn là giọng điệu hóm hỉnh, vui tươi và tếu táo giống các phần trước. Khi thủy triều rút, những tảng đá bóng nhẵn như cái đầu trọc lộ lên khỏi mặt nước. Có thể thấy, điều kiện sống thật cực khổ làm sao!
Bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những hình dung cụ thể, chi tiết về đời sống nơi hải đảo xa xôi, hiểm trở. Việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ như so sánh "Những giai điệu ngang tàn như gió biển", điệp ngữ "Nào hát lên cho",... cũng góp phần khắc họa thành công hình ảnh người lính đảo. Họ là những con người lạc quan, yêu đời, đầy mơ mộng với cuộc sống. Chính họ đã và đang từng ngày, từng giờ bảo vệ chủ quyền nước nhà.
Không màu mè, hoa mĩ, "Lính đảo hát tình ca trên đảo" là những vần thơ hết sức nhí nhảnh, vui tươi. Trần Đăng Khoa thật khéo léo khi khai thác đề tài người lính từ điều bình dị và thân thuộc. Qua tác phẩm này, ta càng thêm trân trọng, biết ơn công lao to lớn của thế hệ đi trước.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 5
Bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của Trần Đăng Khoa không chỉ là một trong những tác phẩm được độc giả chào đón nồng nhiệt, mà còn là một tác phẩm thơ độc đáo, mang đậm dấu ấn của tác giả về cuộc sống và tinh thần của người lính trên những đảo xa xôi. Từ những tảng đá san hô kỳ công lắp ráp thành sân khấu, cho đến cái cảm giác mãnh liệt của gió biển quật ngã, bài thơ đã khắc họa một cách chân thực nhưng đầy màu sắc về môi trường khắc nghiệt mà những người lính Trường Sa phải đối mặt hàng ngày.
Bản thân cách tác giả xử lý ngôn từ, hình ảnh cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Trần Đăng Khoa không chỉ mô tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn lồng ghép vào đó những biểu hiện của tinh thần dũng cảm, lạc quan của người lính. Từ những câu thơ như "Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng, Sỏi cát bay như lũ chim hoang", chúng ta nhận thấy sự gan dạ, quyết tâm của họ trước mọi khó khăn. Họ không chỉ là những chiến sĩ với trách nhiệm cao cả, mà còn là những con người lãng mạn, đầy lòng yêu thương với đất nước và nhau.
Vào đoạn thơ tiếp theo, hình ảnh của những người lính trẻ trọc đầu không chỉ là biểu tượng cho sự kiên nhẫn, sự hi sinh mà họ phải đối mặt, mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết, tình đồng đội giữa họ. Từ những câu như "Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau", ta cảm nhận được sự đồng lòng, đồng điệu giữa các thế hệ người lính, như một gia đình đoàn kết vững chắc giữa biển cả bao la.
Mặt khác, bài thơ còn toát lên một khát khao, một tình yêu vô bờ bến với đất nước, với biển đảo. Từ những dòng thơ như "Nào hát lên cho mấy nước biết, Rằng chúng ta là những con người, Yêu em thủy chung hơn muối mặn, Dù thư tình chưa biết gửi cho ai", ta cảm nhận được sự sâu sắc, chân thành trong lòng người lính, sự kiên trung, sự hy sinh không ngừng nghỉ cho Tổ quốc yêu dấu.
Cuối cùng, việc sử dụng hình ảnh "toàn những đá trọc đầu" như một kết thúc bất ngờ, là một điểm nhấn tinh tế để nhấn mạnh vào sự cứng cỏi, kiên cường của người lính, cũng như sự đoàn kết, tình đồng đội giữa họ. Điều này lại một lần nữa thể hiện rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người lính Trường Sa vẫn luôn là những người lính vững vàng, bảo vệ chủ quyền và tình yêu đối với Tổ quốc.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 6
Những dòng chữ trở thành tinh hoa của nghệ thuật, và những thi nhân, những nghệ sĩ, là những người tạo nên những bức tranh văn chương tuyệt đẹp bằng con chữ của mình. Trần Đăng Khoa, một nghệ sĩ của lời thơ, không chỉ viết ra những dòng thơ mà còn tạo ra những bức tranh hùng vĩ về cuộc sống và tâm hồn con người. Bằng bài thơ "Lính đảo hát bài ca trên đảo", ông đã mở ra một cửa sổ tâm hồn, cho chúng ta nhìn thấy những khía cạnh đẹp đẽ và ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống của những người lính canh giữ nơi đất đảo xa xôi.
Ngay từ đoạn mở đầu, chúng ta được đưa vào một thế giới khắc nghiệt của hải đảo, nơi mà ánh nắng và cơn gió luôn làm thay đổi bức tranh tự nhiên. Bức tranh ấy không chỉ đơn thuần là biển cả và cát trắng, mà còn là sự đổi dạng không ngừng của đảo nhỏ trên biển, những đàn chim hoang vỗ cánh làm cho không gian trở nên huyền bí và tiêu điều. Cuộc sống nơi đây không hề êm đềm, mỗi ngày đều là một thách thức mới, nhưng những người lính không bao giờ chùn bước trước khó khăn. Họ vẫn tiếp tục tiến về phía trước, lạc quan và đầy quyết tâm, tạo nên một bức tranh sinh động về sự kiên cường và ý chí của con người giữa biển cả bao la.
Hình ảnh của những người lính được Trần Đăng Khoa khai thác dưới góc nhìn đặc biệt, một góc nhìn không chỉ thơ mộng mà còn chứa đựng sự hiện hữu của những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống hằng ngày. Họ không phải là những người anh hùng lừng danh, mà chỉ là những người đơn giản, bình thường, nhưng lại ẩn chứa trong họ những trái tim dung dị, đầy tình yêu thương và lãng mạn. Đầu trọc của họ không chỉ là nét đặc trưng về hình thức mà còn là biểu tượng cho sự chịu đựng, sự gan dạ trong môi trường khắc nghiệt của đảo xa xôi.
Những dòng thơ tiếp theo, như những bức tranh đầy màu sắc, mô tả cuộc sống và tâm trạng của những người lính một cách sống động và chân thực. Hình ảnh của sân khấu lô nhô, với những người lính đầu trọc, tạo nên một bức tranh hài hước nhưng cũng đầy ý nghĩa về tình đồng đội và sự đoàn kết. Câu chuyện về sư cụ và bụt ốc không chỉ là lời đùa vui mà còn là biểu tượng cho tinh thần lạc quan và vượt lên trên khó khăn của những người lính. Và cuối cùng, giọng hát du dương của họ, như một khúc ca tình yêu về quê hương và đất nước, là điểm nhấn cuối cùng, tôn lên giá trị của cuộc sống và tình yêu đối với tổ quốc.
Bằng ngôn ngữ thơ mộc mạc nhưng tinh tế, Trần Đăng Khoa đã tạo ra một bức tranh về cuộc sống và con người ở vùng đảo xa xôi, đầy sức sống và ý nghĩa. Những từ gợi hình được sử dụng một cách tinh tế, giúp người đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống và tâm trạng của những người lính. Bức tranh ấy không chỉ là về sự gan dạ và kiên trì trước khó khăn mà còn là về tình đoàn kết và tình yêu với đất nước. Như một nghệ sĩ tài ba, Trần Đăng Khoa đã vẽ lên một bức tranh tuyệt vời về con người và cuộc sống trên đảo xa xôi.
Cảm nhận bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo - Mẫu 7
Trần Đăng Khoa được đánh giá cao với một loạt bài thơ xoay quanh chủ đề về biển đảo và cuộc sống của người lính, như "Tự tình người lính biển", "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn", và "Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài", cùng với thi phẩm "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bản thơ này đem lại một giọng điệu độc đáo, kết hợp giữa sự hóm hỉnh, lạc quan và sâu lắng, giới thiệu đến người đọc cuộc sống trên đảo xa xôi qua góc nhìn đầy chân thực và tinh tế.
Khúc đầu của bài thơ tái hiện một cảnh tượng khắc nghiệt về thời tiết trên quần đảo Trường Sa, với ánh nắng gay gắt và cơn gió mạnh mẽ. Sân khấu được mô tả như một công trình phức tạp, vươn lên từ đá san hô biển, với cánh gà làm từ tôn, tất cả chỉ tạm thời để chịu đựng sức mạnh của gió biển:
"Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn máy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa."
Tuy nhiên, điều đặc biệt hấp dẫn ở khổ thơ tiếp theo là sự đối lập giữa thời tiết gian khổ và tinh thần dũng cảm, lạc quan của người lính. Mặc dù phải đối mặt với "Gió rát mặt", "sỏi cát bay như lũ chim hoang", và biến đổi không ngừng của môi trường, nhưng họ vẫn tỏ ra lãng mạn và hào sảng:
"Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Máy nước đã mở màn..."
Sự thú vị nhất lại nằm ở đoạn thơ thứ hai, nơi sự kỳ diệu của biển đảo được thể hiện thông qua sự đấu tranh và sự lạc quan của người lính. Mây nước được mô tả như một sân khấu, mở ra một không gian độc đáo và lôi cuốn. Đây là một cách tiếp cận sáng tạo, cho thấy sự phong phú và độc đáo của tác phẩm.
Cuộc sống trên đảo Trường Sa đầy gian khổ và thiếu thốn, khiến người lính phải thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Nước ngọt là một trong những thứ hiếm hoi nhất, dẫn đến hình ảnh tất cả người lính cạo trọc đầu để tiết kiệm nước. Tuy nhiên, sự thiếu thốn này không làm mất đi tinh thần hóm hỉnh và đoàn kết của họ:
"Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau."
Họ gọi nhau là "sư cụ", "bà con xa với bụt ốc", tạo ra một không khí vui vẻ và gần gũi. Hình ảnh này không chỉ thể hiện sự đoàn kết giữa các chiến hữu mà còn là biểu tượng cho tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống hàng ngày trên đảo xa xôi. Sự kết hợp giữa tình thân, hài hước và tinh thần chiến đấu rõ ràng là điểm đặc biệt của bản thơ.
Tính cách lãng mạn và hào hoa của người lính được thể hiện qua việc hát tình ca trên đảo, bày tỏ tình cảm và lòng yêu nước. Dù giọng điệu của họ "ngang tàng như gió biển", nhưng những lời ca toàn là về "nhớ với thương thôi", khiến cho trái tim người đọc rung động:
"Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời..."
Câu hỏi về người yêu trong đoạn thơ cuối cùng tạo ra một không khí hồn nhiên và tò mò. Sự mong đợi và khao khát của người lính hiện ra trong từng từ ngữ:
"Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước."
Cuối cùng, bản thơ kết thúc với sự tôn vinh cho lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của người lính, khẳng định chủ quyền đất nước và trách nhiệm bảo vệ tổ quốc:
"Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngục ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này."
Tổng thể, bản thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm đầy màu sắc và sâu sắc, thể hiện sự kiên cường, đoàn kết và tình yêu nước của người lính trên đảo xa xôi.