Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Văn năm học 2020 - 2021 Đề 7

Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 7 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 10 trong quá trình ôn thi học kì 1 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 1 lớp 10 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.

(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)

Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của văn bản?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3 (1,5đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn

 Đọc hiểu văn bản 

Câu 1 (0,5đ):

Câu chủ đề của văn bản: “Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Câu 2 (1đ):

Nội dung chính của đoạn trích: bàn về ý nghĩa của việc cho và nhận trong cuộc sống đối với mỗi con người.

Câu 3 (1,5đ):

Bài học rút ra:

Cần sống có tình người, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác.

Chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều từ đoạn trích trên từ đó mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay.

2. Thân bài

a. Thực trạng

Nhiều bạn học sinh có những ngôn ngữ không phù hợp với lứa tuổi (nói tục, chửi bậy) để thể hiện cá tính và nghĩ rằng người khác sẽ sợ sệt mình. Có những bạn nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc phản cảm để thể hiện độ “chịu chơi” của mình.

Nhiều người coi thường nội quy trường lớp, hay luôn tạo ra những trào lưu vô bổ, gây ảnh hưởng xấu tới thầy cô, bạn bè, hút thuốc lá, uống rượu bia,… sa đà vào các tệ nạn xã hội khác.

b. Nguyên nhân

Chủ quan: do sự thay đổi tâm sinh lí của các bạn, do bản chất hiếu thắng, ham muốn thể hiện mình, muốn mình hơn người khác.

Khách quan; do các bạn không được dạy dỗ chu đáo, sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh dành cho con em mình; do môi trường xung quanh nhiều kẻ xấu tác động vào quá trình hình thành tính cách;…

c. Hậu quả

Những việc làm để thể hiện mình một cách tiêu cực như thế thì không những gây ảnh hưởng xấu tới trường lớp, bạn bè, thầy cô mà còn gây sự thiếu thiện cảm trong mắt mọi người, đang dần biến mình trở thành người xấu, người vô văn hóa.

Những thói quen, những sự “thích thể hiện” đó lâu dần sẽ trở thành tính cách của người đó, biến người đó thành người xấu, đi ngược với những phẩm chất tốt đẹp của xã hội.

d. Giải pháp

Mỗi người tự hướng bản thân mình đến những điều tích cực, tốt đẹp, học tập theo những tấm gương sáng, tránh xa những điều xấu.

Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, dạy dỗ con em mình theo con đường đúng đắn, trở thành một người tốt.

Nhà trường cần có những biện pháp giáo dục, răn đe những học sinh có suy nghĩ và hành động lệch lạc đồng thời giáo dục các em những điều hay lẽ phải.

e. Bình luận

Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống và thể hiện mình theo hướng tích cực, truyền cảm hứng cho người khác và lan tỏa những điều tích cực cho xã hội; tránh xa những thói hư tật xấu.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lối sống của giới trẻ hiện nay; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

1. Mở bài

Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ và những câu ca dao than thân: người phụ nữ là đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác giả và đi vào cả văn học dân gian thông qua những bài ca dao than thân.

2. Thân bài

a. Bài ca dao số 1

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

So sánh: “thân em - tấm lụa đào”: sự mỏng manh, yếu đuối của người phụ nữ, cần được che chở, yêu thương, nâng niu, đùm bọc.

“Phất phơ giữa chợ”: hình ảnh bơ vơ, trơ trọi giữa nơi đông người qua lại → gợi cảm giác cô đơn, tội nghiệp.

“biết vào tay ai”: tự vấn với bản thân mình, không biết số phận mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu.

→ Người phụ nữ trong xã hội cũ không được lựa chọn số phận, cuộc đời, thậm chí là cả tấm chồng cho bản thân mình mà chỉ như món hàng để đợi người khác đến lựa, việc lấy chồng như một trò chơi may mắn mà người phụ nữ là người chịu hậu quả.

→ Bài ca dao là lời than trách, giãi bày nỗi lòng đau khổ của người phụ nữ với số phận của chính bản thân mình.

b. Bài ca dao số 2

"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi"

So sánh: “thân em - củ ấu gai” để thể hiện tấm lòng sắt son của người phụ nữ. Vẻ đẹp của người phụ không chỉ là ngoại hình, đặc điểm bên ngoài mà còn là những tính cách, phẩm chất tốt đẹp bên trong, chỉ khi tiếp xúc và hiểu được tấm lòng ấy mới thấy nó đẹp đẽ, cao cả giống như củ ấu ai, nhìn bên ngoài sần sùi, đen nhẻm nhưng bên trong ruột lại trắng muốt và ngọt bùi. → Sự đối lập giữa “ngoài đen - trong trắng” càng làm nổi bật những tính cách, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.

Người phụ nữ muốn được xã hội công nhận những vẻ đẹp, giá trị của bản thân mình nhưng vẫn còn nhiều ngập ngừng: “Không tin bóc vỏ mà xem/Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi”.

c. Những bài ca dao khác

“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”

So sánh: “thân em - hạt mưa sa”: gợi cảm giác nhỏ bé, yếu ớt.

“Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”: số phận bấp bênh, không được lựa chọn cho mình một cuộc sống như mình mong muốn.

→ Thể hiện sự bất lực, là tiếng than và cũng là tiếng kêu mong muốn xã hội có sự thay đổi để mình có được cuộc sống tốt hơn.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

“Chiều chiều”: hoạt động hằng ngày, thường xuyên, liên tục.

“ruột đau chín chiều”: nhấn mạnh, phóng đại nỗi nhớ da diết về quê mẹ.

Người phụ nữ “xuất giá tòng phu”, lấy chồng phải theo chồng, dù có tủi nhục, nhớ nhung cũng không được về với mẹ, về với nơi mình sinh ra dù trong lòng mong ngóng và luôn hướng về quê mẹ.

Thể hiện sự bất công của xã hội với người phụ nữ.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của những bài ca dao than thân đồng thời rút ra kết luận.

-----------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 10 Đề 7. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
1 366
Sắp xếp theo

Đề thi học kì 1 lớp 10

Xem thêm