Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Văn năm 2023 - Đề 11
Đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 - Đề 11 do VnDoc biên soạn sát với đề tham khảo của Bộ Giáo dục nhằm giúp các em học sinh ôn luyện cho kì thi THPT Quốc gia. Mời các em tham khảo!
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2023 - Đề 11
Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II | MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 12 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Hạnh phúc là khi thấy mình còn đủ trẻ để thử những điều mới, đủ trẻ để bỏ đi và làm lại từ đầu. Thấy mình được sống theo cách mình thích, được làm những gì mình thích làm. Hạnh phúc khi mình đã tìm được đam mê của mình và đang trên con đường theo đuổi nó. Có bao nhiêu người trên đời chưa biết đam mê của mình là gì, vẫn đang cảm thấy lạc loài không một lối ra.
Hạnh phúc khi thấy mình được sinh ra là người. Được trải qua tất cả những vui buồn sướng khổ. Được tư duy và chiêm nghiệm. Ngẫm ra, được làm người đã là hạnh phúc lắm rồi, có cần điều gì khác nữa đâu.
Vậy nên, sao ta không nghĩ tới những chuyện làm ta hạnh phúc, những thứ làm ta vui vẻ, những điều khiến ta biết ơn. Giữ trong mình những khoảnh khắc hạnh phúc, an yên, để có thêm năng lượng tích cực để làm nhiều điều khác có ích.
(Trích Mình nói gì khi nói về hạnh phúc, Rosie Nguyễn, NXB Nhã Nam, 2018)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Theo tác giả, “Hạnh phúc” được thể hiện ở những điều gì?
Câu 3: Tác giả đưa ra lời khuyên gì để sống hạnh phúc?
Câu 4: Nêu thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích.
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1: Viết đoạn văn khoảng 400 từ nêu suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của đam mê.
Câu 2: Trong tác phẩm “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã viết:
“Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
– Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
– Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
– Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
– Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.”
Anh/chị hãy phân tích tâm trạng của bà cụ Tứ trong đoạn trích trên và nhận xét về tấm lòng nhân đạo của nhà văn được thể hiện qua đoạn trích.
Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn năm 2023 - Đề 11
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I |
| ĐỌC HIỂU | 4,0 |
1 | Phương thức biểu đạt: nghị luận. | 0,5 | |
2 | Theo tác giả, hạnh phúc là: + Thấy mình còn đủ trẻ để làm những điều mới, không sợ thất bại. + Được sống thật với chính mình. + Có đam mê và được theo đuổi đam mê. + Được sống, được “làm người”, trải nghiệm mọi vui buồn. | 1,0 | |
3
| Lời khuyên của tác giả để sống hạnh phúc: nghĩ tới những điều tích cực, những điều khiến ta biết ơn, biết lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ và lan tỏa hạnh phúc tới những người xung quanh. | 1,0 | |
4 |
* Lưu ý: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau miễn là suy nghĩ tích cực, hợp lí, thuyết phục. Giám khảo cần linh hoạt khi chấm. Sau đây là một số gợi ý: Thông điệp ý nghĩa rút ra từ đoạn trích: Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời là một điều tuyệt diệu nên hãy trân quý bản thân. Con người nên sống một cách hết mình, tìm cho bản thân đam mê để theo đuổi mà không sợ hãi thất bại và hãy luôn hướng đến những điều tích cực. | 1,5 | |
II |
| PHẦN LÀM VĂN |
|
1 | a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Suy nghĩ về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: ý nghĩa của đam mê | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận * Lưu ý: Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau miễn là suy nghĩ tích cực, hợp lí, thuyết phục. Giám khảo cần linh hoạt khi chấm. Sau đây là một số gợi ý: · Giải thích: Đam mê là điều mà con người yêu thích, hăng say, cố gắng theo đuổi để hiện thực hóa. => Đam mê có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống con người. · Bàn luận: - Bất kì cá nhân nào cũng có những sở thích riêng nhưng để biến sở thích thành “đam mê” để cố gắng theo đuổi là điều không phải ai cũng làm được. Đam mê được thể hiện rất đa dạng trong đời sống bởi mỗi người lại có cho mình những ước mơ, khát khao riêng. - Vai trò, ý nghĩa của đam mê: + Là kim chỉ nam cho cuộc sống, giúp con người xác định mục tiêu rõ ràng. + Là động lực giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách. + Bồi đắp cho con người những điều tốt đẹp khác như: nghị lực sống, sự chăm chỉ, sáng tạo,... + Không có đam mê, cuộc sống sẽ trôi qua trong tẻ nhạt và căng thẳng. - Học sinh lựa chọn dẫn chứng phù hợp · Phê phán: Phê phán những hiện tượng sống vô hướng, không có mục đích. · Phản đề: Sống hết mình với đam mê là điều tích cực tuy nhiên cần phân biệt rõ đam mê chân chính, tích cực với sự đua đòi hoặc ảo tưởng, viển vông. | 1,5 | ||
2 |
Đảm bảo yêu cầu hình thức bài văn |
0,25 | |
| Xác định đúng vấn đề cần phân tích: tâm trạng bà cụ Tứ và tấm lòng nhân đạo của nhà văn/ | 0,25 | |
|
Bài làm của học sinh cần đảm bảo các ý cơ bản sau: * Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần phân tích. * Thân bài: a.Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ Khái quát chung về tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh sáng tác, cốt truyện), Khát quát về nhân vật bà cụ Tứ, tóm tắt được diễn biến tâm trạng của nhân vật ở phần trước. Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ: - Vào sáng hôm sau: hoàn toàn thay đổi, những lo lắng, buồn tủi dường như tan biến. + Dậy sớm, cùng con dâu quét tước nhà cửa. + “Cái mặt bủng beo, u ám thường ngày bỗng rạng rỡ hẳn lên”. -> Sự thay đổi diệu kì, thể hiện sự biến chuyển trong tâm trạng, nhận thức của nhân vật. - Bữa cơm ngày đói: + Hình ảnh bữa cơm: thiếu thốn, nghèo nàn “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo” nhưng được sưởi ấm bởi tình người “cả nhà đều ăn rất ngon lành”. + Bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này: thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai. + Bà cụ Tứ còn tạo niềm vui cho các con trong thực tại: Nồi cháo cám là sự “sáng tạo” của bà cụ, thể hiện một cách đầy xúc động tấm lòng của bà mẹ nghèo. Bà cụ “sang trọng hóa” nồi cháo: gọi đó là chè và khen “ngon đáo để”, động viên các con ăn. -> Bà cụ Tứ vừa yêu thương con vừa tràn đầy tinh thần lạc quan, vượt qua cái nghèo đói để hướng tới tương lai, trở thành sức mạnh cho các con. => Hình ảnh bà cụ Tứ là tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, tốt bụng, mạnh mẽ, lạc quan. b. Tinh thần nhân đạo của nhà văn - Cảm thông, thương xót cho nỗi đau khổ của những người nông dân. - Phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của những người dân nghèo, mà trong đó bà cụ Tứ là tiêu biểu cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam. - Lên án, tố cáo bọn thực dân, phong kiến đã gây ra sự bất hạnh cho con người. - Gửi gắm triết lí sống tích cực. c. Tổng kết: Tổng kết lại những nét đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật. * Kết bài: Khẳng định lại giá trị tác phẩm và nhân vật. | 3.5 | |
| Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. | 0.5 | |
| Sáng tạo: phân tích và diễn đạt mới mẻ, sâu sắc. | 0.5 |
--------------------------------------------------------------
Ngoài tài liệu trên, mời các em tham khảo thêm Giải bài tập Lịch Sử 12 , Giải bài tập Địa Lí 12 , Học tốt Ngữ văn 12 , Tài liệu học tập lớp 12 , Soạn bài lớp 12.Chúc các em học tốt!