Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2024 (Đề 4)
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn năm 2024 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án.
Đề thi Văn lớp 9 học kì 2 có đáp án
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9.
Mời thầy cô và các em tham khảo: Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2020 (Đề 3) do VnDoc biên soạn.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hiện nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ số người tử vong vì COVID-19 trên thế giới này càng tăng, thì điều đáng mừng Việt Nam đang hạn chế mức thấp nhất ca nhiễm bệnh, dịch bệnh đang nằm trong sự kiểm soát.
(...) Có được thắng lợi đó, cho thấy chúng ta tích cực, chủ động vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trung ương cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.
(...) Cũng chính vì tập hợp được sức mạnh của dân tộc, tình người trong cơn “bão dịch” đã được thể hiện bằng nhiều hình thức ủng hộ khác nhau. Nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia vật chất với người bị cách ly, với các đồng chí nơi tuyến đầu chống dịch hay những người nghèo khó trong xã hội đã nhân lên tạo hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội.
(Dangcongsan.vn - Đại dịch COVID-19 và những bài học từ Việt Nam).
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2 (0,75đ): Văn bản đã thể hiện tinh thần gì của dân tộc ta trong đại dịch COVID-19?
Câu 3 (0,75đ): Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng mang đến những ý nghĩa đối với Việt Nam. Hãy nêu những ý nghĩa đó.
Câu 4 (1đ): Nêu bài học được rút ra từ văn bản.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Trình bày suy nghĩ của em về tinh thần đoàn kết dân tộc.
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
Hướng dẫn giải đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ)
Câu 1(0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận.
Câu 2 (0,75đ):
Văn bản đã thể hiện tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, sức mạnh của dân tộc, tình người của toàn dân, toàn quân và của cả đất nước Việt Nam ta kiên quyết đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 ra xa khỏi lãnh thổ.
Câu 3 (0,75đ): Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 cũng mang đến những ý nghĩa đối với Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc, là sức mạnh đùm bọc, giúp đỡ nhau; là khi cả đất nước cùng nhau chung tay để không một ai ra đi vì dịch bệnh. Đó không chỉ là sức mạnh gữa con người với con người mà còn là niềm tin của cả dân tộc dành cho giai cấp lãnh đạo. Có thể thấy đại dịch này đã giúp sức mạnh đoàn kết dân tộc được nâng lên rất nhiều.
Câu 4 (1đ):
Bài báo Đại dịch COVID-19 và những bài học từ Việt Nam của Dangcongsan.vn đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc với người dân Việt Nam. Qua bài báo, không chỉ ý thức của người dân về dịch bệnh được nâng cao mà tinh thần đoàn kết dân tộc, quyết tâm đẩy lùi bệnh dịch cũng được củng cố. Bài báo là lời cảnh tỉnh về dịch bệnh nhưng cũng là lời động viên, khuyến khích, tuyên dương dân tộc ta vì quyết tâm chống chọi, không ai bị bỏ lại vì dịch bệnh của một đất nước còn đói nghèo khiến cả nhân loại phải ngưỡng mộ.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý bài văn nghị luận xã hội: Tinh thần đoàn kết dân tộc.
1. Mở bài
Tinh thần đoàn kết dân tộc là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến sự phát triển của cả một đất nước.
2. Thân bài
a. Giải thích
Tinh thần đoàn kết dân tộc là sự gắn kết giữa con người với con người trong một quốc gia, là niềm tin mà nhân dân dành cho giai cấp lãnh đạo. Tinh thần đoàn kết dân tộc giúp mọi người gần gũi nhau hơn, không phân biệt giàu - nghèo, già - trẻ, gái - trai; tất cả đều hướng đến tình yêu Tổ Quốc mà bỏ qua hết cái tôi của mình.
b. Phân tích
- Tinh thần đoàn kết dân tộc là mấu chốt giúp đất nước phát triển.
- Con người sống trong đất nước có tinh thần đoàn kết dân tộc cao sẽ có suy nghĩ, hành động và điều kiện phát triển bản thân tốt hơn.
- Có tinh thần đoàn kết dân tộc thì mới có đất nước.
c. Chứng minh
- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, nhờ sức mạnh đoàn kết dân tộc mà chúng ta dù yếu thế hơn nhưng đã dành lại độc lập, tự do.
- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính nhờ tinh thân đoàn kết dân tộc mà Việt Nam ta đã phòng chống dịch bệnh thành công.
d. Phản biện
Nếu không có tinh thần đoàn kết dân tộc, một đất nước sẽ không thể tồn tại lâu và con người sẽ không thể phát triển tốt.
3. Kết bài
Tinh thần đoàn kết dân tộc giữ vai trò vô cùng quan trọng, mỗi con dân chúng ta hãy sống với tình yêu thương, luôn hướng về Tổ Quốc và sẵn sàng chung tay xây dựng đất nước.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý bài văn nghị luận phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
1. Mở bài
Bác Hồ chính là hình ảnh đẹp nhất, ngời sáng nhất trong thơ ca Việt Nam. Không ít tác phẩm viết về Người; nhưng có lẽ cảm xúc nhất trong những tác phẩm đó là Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.
2. Thân bài
a. Khổ thơ 1:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
- Tác giả ở tận miền Nam mãi sau ngày độc lập dân tộc mới được ra thăm vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hai từ “miền Nam” như nhấn mạnh hơn sự xa xôi trong khoảng cách địa lý giữa hai đầu Tổ quốc.
- Nhìn hàng tre quanh lăng Bác, nhà thơ chợt cảm thấy rằng những cây tre kia như ý chí con người Việt Nam qua bao năm tháng luôn luôn bất khuất, kiên cường, hiên ngang. Dù có trải qua “bão táp mưa sa” nhưng vẫn đoàn kết một lòng cùng nhau đứng lên.
- Từ láy “xanh xanh” diễn tả con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ luôn luôn “xanh” màu xanh bất diệt.
b. Khổ thơ 2:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
- “Ngày ngày” là sự liên tục của thời gian, sự lặp lại tuần hoàn của thiên nhiên cũng như lý tưởng, ý chí của Người sẽ luôn luôn sáng tỏ như mặt trời kia vậy. Biện pháp nghệ thuật hoán dụ: nếu mặt trời soi sáng cho nhân loại thì Bác Hồ là mặt trời của cả dân tộc Việt Nam, mang đến ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc.
- Lần thứ hai, “ngày ngày” được lặp lại khi diễn tả dòng người đang lặng lẽ vào lăng thăm Người. Hàng người đi trong sự trang nghiêm và tĩnh lặng, trong nỗi tiếc thương, đau xót vô vàn.
- Người đọc như cảm thấy được sự tĩnh lặng, sự trải dài miên man vô tận của hàng người vào viếng Bác. Cả đoàn người ấy cứ lặng lẽ “đi trong thương nhớ”, thương nhớ vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu của dân tộc.
- Viễn Phương hòa cùng dòng người đem tấm lòng yêu kính chân thành của mình dâng lên Bác, dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” của Người. Cả cuộc đời Người, với bảy mươi chín mùa xuân, tất cả đều cống hiến cho dân tộc, không một phút giây nào ngơi nghỉ dành cho bản thân mình.
c. Khổ thơ 3
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
- Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình.
- Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Dù lý trí luôn tỏ tường rằng quy luật của thiên nhiên là bất biến, nhưng vẫn “nghe nhói ở trong tim”.
d. Khổ thơ cuối
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
- Bao nhiêu nỗi đau xót, nghẹn ngào cứ thế tuôn theo dòng lệ trào.
- Điệp từ “muốn” lặp lại ba lần như khẳng định lại ước muốn của nhà thơ. Đó là một ước muốn mãnh liệt, niềm khao khát cháy bỏng được ở lại bên cạnh Người chỉ để làm “một con chim hót”, “một đóa hoa”, “một cây tre trung hiếu”.
→ Cả khổ thơ đã thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của tác giả, cũng chính là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Đó là luôn luôn được ở cạnh Người, ở cạnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc
3. Kết bài
Viếng lăng Bác là bài thơ ngắn mà ý thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ sâu lắng, một bài ca ngân vang ca ngợi về Bác Hồ và thể hiện được một nỗi niềm của chính nhà thơ Viễn Phương với Bác.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Bài tập đọc hiểu lớp 9 môn Ngữ văn
- 10 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ôn thi vào lớp 10
- Những đặc sắc trong bài thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương
- Giáo án bài Viếng lăng Bác
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2024 (Đề 4). Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.