Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Sinh học lớp 9 huyện Lâm Thao, Phú Thọ năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Sinh học lớp 9
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Lâm Thao, Phú Thọ là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Sinh lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 2013 - 2014
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 9 trường THCS Phương Trung, Thanh Oai năm 2014 - 2015
PHÒNG GD&ĐT LÂM THAO | ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN NĂM HỌC: 2015- 2016 MÔN: Sinh học 9 Thời gian làm bài:150 phút (không tính thời gian giao đề) (Đề này gồm 01 trang) |
ĐỀ BÀI
Câu 1
a. Trong nguyên phân, hãy nêu tóm tắt các sự kiện nào diễn ra có tính chu kì?
b. Giải thích tại sao ở kì giữa của quá trình nguyên phân, các NST phải đóng xoắn tối đa, sau đó lại dãn xoắn ở kì cuối?
Câu 2:
a. Nêu bản chất của mối quan hệ giữa gen và tính trạng qua sơ đồ:
Gen (một đoạn của ADN) → mARN → Protein → Tính trạng
b. Vì sao nói prôtêin có vai trò quan trọng đối với tế bào và cơ thể?
Câu 3: Giải thích vì sao 2 phân tử ADN con được tạo ra qua cơ chế nhân đôi lại giống ADN mẹ? Điều gì đã xảy ra khi phân tử ADN con tạo ra qua nhân đôi khác với phân tử ADN mẹ?
Câu 4: Trong thực tế hoa của những cây trồng bằng hạt thường cho nhiều biến dị về màu hoa hơn hoa những cây trồng theo phương pháp giâm, chiết, ghép. Hãy giải thích vì sao như vậy?
Câu 5: Cấu trúc nào là vật chất di truyền ở cấp độ tế bào? Cơ chế ổn định vật chất đó qua các thế hệ khác nhau của tế bào và cơ thể?
Câu 6: Cho biết các cặp gen đều phân li độc lập nhau. Các tính trạng trội là trội hoàn toàn.
a. Cá thể có kiểu gen AaBbDDEe khi giảm phân tạo ra những loại giao tử nào? Tỉ lệ mỗi loại?
b. Cho cặp bố mẹ có kiểu gen: AaBbDDEe x aabbddee. Hãy xác định, số kiểu gen, tỉ lệ kiểu gen, số kiểu hình, tỉ lệ các loại kiểu hình xuất hiện ở đời F1.
Câu 7: Xét một nhóm tế bào sinh giao tử, mỗi tế bào xét một cặp gen dị hợp dài 5100 Ao nằm trên một cặp nhiễm sắc thể tương đồng. Gen trội A nằm trên nhiễm sắc thể thứ nhất có1200 Ađênin, gen lặn a nằm trên nhiễm sắc thể thứ hai có1350 Ađênin.
a. Tính số nuclêôtit mỗi loại trên mỗi gen.
b. Khi tế bào ở vào kì giữa của giảm phân I, số lượng từng loại nuclêôtit của các gen trong tế bào là bao nhiêu?
c. Nếu có một số tế bào trong nhóm tế bào sinh giao tử xảy ra đột biến dị bội ở cặp nhiễm sắc thể chứa gen nói trên thì khi nhóm tế bào kết thúc giảm phân số lượng từng loại nuclêôtit trong mỗi loại giao tử là bao nhiêu?
Câu 8:
Ở đậu Hà Lan alen A qui định hạt vàng, alen a qui định hạt xanh. Cho cây mọc từ hạt vàng thuần chủng thụ phấn với cây mọc từ hạt xanh. Xác định tỉ lệ hạt trên các cây F1 và F2? Biết ở đậu Hà Lan tự thụ phấn nghiêm ngặt.
Đáp án đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Sinh học lớp 9
Câu 1:
a. Trong nguyên phân, các sự kiện diễn ra có tính chu kì như: (0,5đ)
- NST duỗi xoắn → đóng xoắn → duỗi xoắn
- NST ở thể đơn → thể kép → thể đơn
- Màng nhân tiêu biến → màng nhân tái hiện
- Thoi phân bào hình thành → thoi phân bào tiêu biến
b. Giải thích: (0,5đ)
- Các NST cần đóng xoắn tối đa để dễ di chuyển phân li về hai cực tế bào mà không bị rối.
- Sau khi phân chia xong, các NST phải duỗi xoắn thì các gen mới phiên mả được.
Câu 2:
a. Bản chất của mối quan hệ trong sơ đồ là:
- Trình tự các Nu trong ADN (gen) qui định trình tự các Nu trong mARN (0,25đ)
- Trình tự các Nu trong mARN qui định trình tự các axít amin cấu tạo thành prôtêin (0,25đ)
- Prôtêin tham gia vào cấu trúc và hoạt động sinh lý của tế bào, từ đó biểu hiện thành tính trạng kiểu hình của cơ thể. (0,25đ)
b. Prôtêin có vai trò quan trọng đối với tế bào và cơ thể vì prôtêin có nhiều chức năng quan trọng đối với tế bào và cơ thể như: cấu trúc, xúc tác, điều hòa quá trình trao đổi chất... liên quan đến toàn bộ các hoạt động sống của tế bào, biểu hiện thành các tính trạng của cơ thể. (0,5đ)
Câu 3:
* Hai ADN con sau nhân đôi giống ADN mẹ do quá trình nhân đôi diễn ra theo các nguyên tắc: (0,25đ)
- Nguyên tắc khuôn mẫu: Mạch mới phân tử ADN con được tổng hợp dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ. (0,25đ)
- Nguyên tắc bổ sung: Sự liên kết các nucleotit ở mạch khuôn với các nucleotit tự do trong môi trường nội bào theo nguyên tắc: A liên kết với T hay ngược lại; G liên kết với X hay ngược lại. (0,25đ)
- Nguyên tắc giữ lại một nữa (bán bảo toàn): Trong mỗi phân tử ADN con có 1 mạch của ADN mẹ, (mạch cũ), mạch còn lại được tổng hợp mới. (0,25đ)
* Xảy ra đột biến gen: rối loạn trong quá trình tự sao chép của phân tử ADN (0,25đ)
Câu 4:
- Hạt (chứa phôi) phát triển từ hợp tử. (0,25đ)
- Hợp tử là kết quả sự kết hợp giữa 2 quá trình giảm phân và thụ tinh trong sinh sản hữu tính. (0,25đ)
- Trong giảm phân tạo ra nhiều loại giao tử khác nhau về nguồn gốc NST. (0,25đ)
- Sự kết hợp ngẫu nhiên các giao tử trong thụ tinh tạo ra các hợp tử mang những tổ hợp NST khác nhau là nguyên nhân làm xuất hiện các biến dị tổ hợp phong phú. (0,25đ)
- Giâm, chiết, ghép là hình thức sinh sản vô tính dựa vào cơ chế nguyên phân của tế bào, trong đó có sự tự nhân đôi của ADN và NST nên đặc điểm di truyền được sao chép nguyên vẹn nên ít có khả năng tạo ra biến dị. (0,25đ)
Câu 5:
* Vật chất di truyền ở cấp độ tế bào là nhiễm sắc thể. (0,25đ)
* Cơ chế ổn định vật chất đó qua các thế hệ khác nhau của tế bào và cơ thể
Đối với loài sinh sản hữu tính: (0,5đ)
- Qua các thế hệ khác nhau của tế bào trong cùng một cơ thể, bộ nhiễm sắc thể được duy trì ổn định nhờ cơ chế nguyên phân.
- Sự kiện chính là là sự nhân đôi nhiễm sắc thể ở kì trung gian và sự phân li đồng đều nhiễm sắc thể ở kì sau đảm bảo hai tế bào con sinh ra có bộ nhiễm sắc thể giống hệt mẹ.
- Qua các thế hệ khác nhau của cơ thể bộ nhiễm sắc thể được duy trì ổn định nhờ sự kết hợp của ba cơ chế nguyên phân, giảm phân và thụ tinh.
- Các sự kiện quan trọng nhất là sự nhân đôi, phân li và tổ hợp nhiễm sắc thể trong nguyên phân và giảm phân, sự tổ hợp các nhiễm sắc thể tương đồng có nguồn gốc từ bố và mẹ trong thụ tinh (giảm phân tạo giao tử có bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n), thụ tinh khôi phục lại bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n).
Đối với loài sinh sản sinh dưỡng: bộ nhiễm sắc thể được duy trì ổn định qua các thế hệ khác nhau của tế bào và qua các thế hệ khác nhau của cơ thể đều nhờ cơ chế nguyên phân. (0,5đ)
Sự kiện chính là là sự nhân đôi nhiễm sắc thể ở kì trung gian và sự phân li đồng đều nhiễm sắc thể ở kì sau đảm bảo hai tế bào con sinh ra có bộ nhiễm sắc thể giống hệt mẹ.
Câu 6:
a. Cá thể có kiểu gen AaBbDDEe khi giảm phân tạo ra 23 =8 kiểu giao tử. Tỉ lệ các kiểu giao tử: (0,25đ)
ABDE = ABDe = AbDE = AbDe = aBDE = aBDe = abDE = abDe = 1/8 (0,25đ)
b. Số kiểu gen: 2.2.1.2 = 8 kiểu (0,25đ)
- Tỉ lệ kiểu gen: (1: 1)(1:1) .1.(1:1) = 1 : 1: 1: 1: 1: 1: 1: 1 (0,25đ)
- Số kiểu hình: 2.2.1.2 = 8 kiểu (0,25đ)
- Tỉ lệ kiểu hình: (1: 1)(1:1).1.(1:1) = 1: 1: 1: 1: 1: 1: 1: 1 (0,25đ)
Câu 7:
a) Tính số nuclêôtit mỗi loại trên mỗi gen.
Tổng số nu của mỗi gen là: (5100 : 3,4). 2 = 3000 (nu) (0,25đ)
Số nuclêôtit mỗi loại của gen trội A là: (0,25đ)
- A = T = 1200 (nu)
- G = X = 3000 : 2 – 1200 = 300 (nu)
Số nuclêôtit mỗi loại của gen lặn a là: (0,25đ)
- A = T = 1350 (nu)
- G = X = 3000 : 2 – 1350 = 150 (nu)
b) Khi tế bào ở vào kì giữa của giảm phân I, số lượng từng loại nuclêôtit của các gen trong tế bào là bao nhiêu?
Ở kì giữa của giảm phân I nhiễm sắc thể đã nhân đôi thành nhiễm sắc thể kép, do đó gen trên nhiễm sắc thể cũng được nhân đôi. (0,25đ)
Số lượng từng loại nuclêôtit trong tế bào tại thời điểm đó là: (0,25đ)
- A = T = (1200 + 1350). 2 = 5100 (nu)
- G = X = (300 + 150). 2 = 900 (nu)
c) Nếu xảy ra đột biến dị bội ở cặp nhiễm sắc thể chứa gen nói trên thì số lượng từng loại nuclêôtit trong mỗi loại giao tử là bao nhiêu?
Nếu một số tế bào xảy ra đột biến dị bội ở cặp nhiễm sắc thể chứa gen nói trên thì khi kết thúc quá trình giảm phân sẽ tạo ra bốn loại giao tử, trong đó có hai loại giao tử bình thường là A, a, hai loại giao tử không bình thường là Aa và O. (0,25đ)
Số nu mỗi loại trong các giao tử là: (0,5đ)
Giao tử A:
- A = T = 1200 (nu)
- G = X = 300 (nu)
Giao tử a:
- A = T = 1350 (nu)
- G = X = 150 (nu)
Giao tử Aa:
- A = T = 1200 + 1350 = 2550 (nu)
- G = X = 300 + 150 = 450 (nu)
Giao tử O:
- A = T = 0 (nu)
- G = X = 0 (nu)
Câu 8: (1,0đ)
Xác định tỷ lệ hạt của cây F1 và cây F2:
Nhận xét: Tính trạng hạt di truyền không đồng thời với thế hệ cây. Tỉ lệ hạt trên cây F1 là tỉ lệ kiểu hình F2, Hạt trên cây F2 là tỉ lệ kiểu hình F3
Khi cho P lai với nhau sau đó tiến hành tự thụ phấn tỉ lệ các thế hệ như sau:
- F1: 100% hạt vàng
- F2: 3/4 hạt vàng: 1/4 hạt xanh
- F3: 5/8 hạt vàng: 3/8 hạt xanh
Tỉ lệ hạt trên cây F1: 3/4 hạt vàng : 1/4 hạt xanh
Tỉ lệ hạt trên cây F2 : 5/8 hạt vàng : 3/8 hạt xanh