Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 tỉnh Bình Thuận
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 tỉnh Bình Thuận là đề thi thử đại học năm 2016 môn Địa hữu ích dành cho các bạn học sinh, quý thầy cô tham khảo. Hi vọng đây sẽ là tài liệu ôn thi tốt nghiệp, luyện thi THPT Quốc gia môn Địa hay, giúp các bạn đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý - Số 2
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 2)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH THUẬN ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi có 01 trang) | KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2016 Môn thi: ĐỊA LÍ Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu I. (2,0 điểm)
- Trình bày đặc điểm chính của dải đồng bằng ven biển miền Trung.
- Khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương đã ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu nước ta?
Câu II. (3,0 điểm)
- Hạn chế lớn nhất về mặt tự nhiên đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long là gì? Tại sao? Để khắc phục hạn chế trên cần có những giải pháp gì?
- Giải thích vì sao Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất trong cả nước?
Câu III. (2,0 điểm)
Dựa vào các trang bản đồ Hành chính, Dân cư của Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
- Kể tên các tỉnh thuộc vùng kinh tế Tây Nguyên.
- Nhận xét sự phân bố dân cư nước ta.
Câu IV. (3,0 điểm)
Cho bảng số liệu sau:
Diện tích gieo trồng một số cây công nghiệp lâu năm của nước ta
(Đơn vị: nghìn ha)
Cây công nghiệp Năm | Cao su | Chè | Cà phê |
2000 | 412,0 | 87,7 | 561,9 |
2005 | 482,7 | 122,5 | 497,4 |
2010 | 748,7 | 129,9 | 554,8 |
2014 | 977,7 | 132,1 | 641,7 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Thống Kê, 2015)
- Vẽ biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng diện tích gieo trồng một số cây công nghiệp lâu năm của nước ta trong giai đoạn 2000 – 2014.
- Nhận xét tốc độ tăng trưởng các loại cây công nghiệp từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016
Câu I (2,0 điểm)
1. Trình bày đặc điểm chính của dải đồng bằng ven biển miền Trung.
- Biển có tác động rất lớn đến sự hình thành đồng bằng. Đồng bằng chủ yếu là đất cát pha, độ phì thấp.
- Có tổng diện tích 15.000 km2.
- Đồng bằng phần nhiều hẹp ngang và bị chia cắt, chỉ có một số đồng bằng được mở rộng ở cửa sông lớn.
- Ở nhiều đồng bằng có sự phân chia làm ba dải, giáp biển là cồn cát, đầm phá; giữa là vùng thấp trũng, dải trong cùng là vùng đất bồi tụ thành đồng bằng.
2. Khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương đã ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu nước ta?
- Khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương xâm nhập trực tiếp vào nước ta, theo hướng Tây Nam, đặc điểm nóng ẩm.
- Tác động:
- Gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
- Gây hiện tượng phơn, khô, nóng cho vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần Nam Tây Bắc.
- Làm cho mùa mưa của Duyên hải Nam Trung Bộ đến muộn hơn.
Câu II (3,0 điểm)
1. Hạn chế lớn nhất về mặt tự nhiên đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long là gì? Tại sao? Trình bày giải pháp để khắc phục hạn chế trên.
a. Hạn chế lớn nhất về mặt tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long là thiếu nước ngọt vào mùa khô.
b. Giải thích:
- Phần lớn diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long là đất phèn, đất mặn, nên cần nước ngọt để cải tạo đất.
- Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh chính của vùng, thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất lúa.
- Mùa khô kéo dài, thiếu nước ngọt gây khó khăn cho đời sống của nhân dân.
c. Giải pháp:
- Thay đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cây trồng trong sản xuất, tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với đặc điểm thời tiết khí hậu của vùng.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đắp đê ngăn mặn, thủy lợi ...), có kế hoạch trữ nước từ mùa lũ để sử dụng trong mùa khô. Sử dụng nước ngọt tiết kiệm và hiệu quả.
2. Giải thích vì sao Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất trong cả nước?
Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất trong cả nước là do:
- Vị trí địa lí thuận lợi:
- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
- Giáp biển và tiếp giáp với các vùng kinh tế khác (Trung du và miền núi Bắc Bộ và BắcTrung Bộ).
- Tài nguyên thiên nhiên và nguồn nguyên liệu phong phú, nhất là than tập trung chủ yếu ở vùng phụ cận.
- Dân cư đông, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào và có trình độ tay nghề cao.
- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật khá hoàn thiện, có Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
- Có sức thu hút đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.
Câu III (2,0 điểm)
1. Các tỉnh thuộc vùng kinh tế Tây Nguyên
Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng
2. Nhận xét sự phân bố dân cư nước ta:
- Dân cư nước ta phân bố không đều, mật độ dân số thấp nhất dưới 50 người/km2, cao nhất trên 2000 người/km2.
- Dân cư tập trung đông ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và đồng bằng Duyên hải miền Trung, trong đó, mật độ dân cư cao nhất là đồng bằng sông Hồng.
- Các thành phố, thị xã là nơi có mật độ dân số cao.
- Dân cư thưa ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, phía Tây Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Thưa nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên.
Câu IV (3,0 điểm)
1. Vẽ biểu đồ:
* Xử lí số liệu (%)
Cây công nghiệp Năm | Cao su | Chè | Cà phê |
2000 | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
2005 | 117,2 | 139,7 | 88,5 |
2010 | 181,7 | 148,1 | 98,7 |
2014 | 237,3 | 150,6 | 114,2 |
* Vẽ biểu đồ:
Yêu cầu: Vẽ biểu đồ đường, chính xác, đủ nội dung (Đơn vị, tên biểu đồ, chú dẫn, tỉ lệ trên trục tung, số liệu). Đảm bảo khoảng cách các năm (1,5 điểm). Thiếu hoặc sai mỗi nội dung trừ 0,25 điểm. Thí sinh vẽ biểu đồ khác không cho điểm.
2. Nhận xét và giải thích:
a. Nhận xét
Tốc độ tăng trưởng diện tích gieo trồng các loại cây công nghiệp lâu năm của nước ta từ năm 2000 đến 2014 khác nhau:
- Cây cao su có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (137,3%), kế đến là cây chè (50,6%).
- Cây cà phê có tốc độ tăng trưởng chậm nhất (14,2%).
b. Giải thích
- Diện tích cây cao su và cây chè tăng nhanh hơn cây cà phê là do hai loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích cây cà phê tăng chậm vì giá cả không ổn định, cung vượt cầu.