Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2015 trường THPT Yên Thành 2, Nghệ An
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2015 trường THPT Yên Thành 2, Nghệ An là đề thi thử đại học môn Sử có đáp án kèm theo. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh ôn thi THPT Quốc gia môn Sử, luyện thi đại học môn Sử hiệu quả hơn.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 1 năm 2015 trường THPT Yên Thành 2, Nghệ An
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Long An, Long An
Trường THPT Yên Thành 2 | KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM 2015 MÔN: LỊCH SỬ (Thời gian làm bài: 180 phút) |
Câu 1 (2,0 điểm)
Giới thiệu sự kiện khởi đầu tạo ra khuôn khổ trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Phân tích đặc trưng lớn nhất và hậu quả của trật tự đó.
Câu 2 (2,0 điểm)
Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa. Kể tên 4 tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực có Việt Nam tham gia.
Câu 3 (2,0 điểm)
Trình bày hoàn cảnh lịch sử của phong trào cách mạng Việt Nam 1930 - 1931. Vì sao từ đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng nước ta?
Câu 4 (2,0 điểm)
Sự kiện Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (15 - 8 - 1945) tác động như thế nào đến tình hình Việt Nam? Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh có chủ trương, biện pháp gì để lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền?
Câu 5 (2,0 điểm)
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước ở Việt Nam được thực hiện như thế nào? Ý nghĩa của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử
Câu 1 (2,0 điểm)
a) Sự kiện khởi đầu tạo ra khuôn khổ của trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là Hội nghị Ianta (2/1945)
- Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra cho các cường quốc đồng minh:1. Nhanh chóng tiêu diệt chủ nghĩa phát xít; 2. Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; 3. Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận
- Trong bối cảnh đó, tháng 2/1945 một hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham gia của đại diện 3 cường quốc: Liên Xô, Mỹ, Anh.
- Hội nghị Ianta quyết định:1. Tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản; 2. Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới; 3. Thỏa thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Châu Âu và Châu Á.
- Những quyết định của Hội nghị Ianta và những thỏa thuận sau đó của 3 cường quốc đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới - trật tự hai cực Ianta.
b) Đặc trưng lớn nhất
Thế giới được phân chia làm 2 phe: TBCN và XHCN do hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đứng đầu mỗi phe. Đặc trưng đó là nhân tố hàng đầu chi phối nền chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế trong phần lớn thời gian nửa sau thế kỷ XX
c) Hậu quả
- Làm cho tình hình thế giới ngày càng căng thẳng. Liên Xô và Mỹ từ liên minh chống phát xít nhanh chóng đi tới tình trạng đối đầu.
- Sự đối đầu Đông - Tây và Chiến tranh lạnh: Mỹ triển khai học thuyết Truman và Kế hoạch Macsan (1947), thành lập khối NATO (1949). Liên Xô thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế SEV (1949) và thành lập khối quân sự VACSAVA (1955). Sự ra đời của NATO và VACSAVA đánh dấu sự xác lập cục diện 2 cực, 2 phe. Chiến tranh lạnh bao trùm thế giới.
Câu 2 (2,0 điểm)
a) Biểu hiện
- Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế.
- Sự phát triển to lớn và tác động của các công ti xuyên quốc gia.
- Sự sáp nhập và hợp nhất các công ti thành những tập đoàn lớn.
- Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.
b) Một số tổ chức...
- Tổ chức thương mại thế giới (WTO)
- Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA)
- Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)
- Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)
Câu 3 (2,0 điểm)
a) Hoàn cảnh lịch sử
- Những năm 1929 - 1933, thế giới tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Thực dân Pháp trút hết gánh nặng khủng hoảng lên nước ta, làm trầm trọng thêm tình trạng đói khổ của nhân dân ta
- Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, thực dân Pháp tăng cường khủng bố và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta tạo nên không khí chính trị ngột ngạt. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân ta với bọn đế quốc và tay sai phát triển gay gắt.
- Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nắm vai trò lãnh đạo cách mạng với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn đã tập hợp và kịp thời lãnh đạo nhân dân ta đứng dậy đấu tranh.
b) Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng nước ta vì:
- Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2/1930) thất bại đã chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp tư sản Việt Nam và con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản
- Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là lực lượng duy nhất còn tồn tại trên vũ đài chính trị, có tổ chức chặt chẽ, có đường lối đúng đắn và phương pháp đấu tranh khoa học nên đảm đương sứ mệnh lịch sử nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam.
Câu 4 (2,0 điểm)
a) Tác động đến tình hình Việt Nam
- Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang.
- Điều kiện khách quan thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã đến.
b) Chủ trương, biện pháp của Đảng và Mặt trận Việt Minh
- Ngày 13 - 8 - 1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố "Quân lệnh số 1", phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
- Từ ngày 14 đến 15 - 8 - 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành chính quyền.
- Từ ngày 16 đến 17 - 8 - 1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập tại Tân Trào , tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Câu 5 (2,0 điểm)
a) Quá trình thống nhất
- Sau Đại thắng mùa xuân 1975, Tổ quốc Việt Nam được thống nhất về mặt lãnh thổ song ở mỗi miền vẫn tồn tại một hình thức tổ chức riêng biệt. Nguyện vọng của nhân dân cả nước là được thống nhất. Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 24 (tháng 9/1975) đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
- Từ ngày 15 đến 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa đoàn đại biểu hai miền Nam, Bắc tại Sài Gòn đã nhất trí về chủ trương, biện pháp thống nhất đất nước về mặt nhà nước
- Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc hội chung cả nước đã diển ra với hơn 98% cử tri đi bỏ phiếu.
- Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội khóa VI họp và thông qua nhiều vấn đề quan trọng về các chính sách đối nội, đối ngoại....
- Quốc hội bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu Ban dự thảo Hiến pháp.
- Ở các địa phương đã tiến hành bầu cử HĐND và UBND các cấp
b) Ý nghĩa
- Tạo cơ sở để hoàn thành thống nhất đất nước trên các lĩnh vực khác
- Tạo điều kiện phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường khả năng quốc phòng - an ninh và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Ghi chú: Nếu thí sinh có cách làm riêng, sáng tạo (và đúng), GV chấm thi vẫn cho điểm tối đa theo thang điểm.