Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 3)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016

Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, nhiều trường đã tổ chức thi thử để kiểm tra chất lượng ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học của học sinh lớp 12. VnDoc.com giới thiệu tới các bạn Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 3). Đề thi thử môn Sử có đáp án đi kèm, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 2)

TRƯỜNG THPT CHUYÊN
NGUYỄN HUỆ



KÌ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN THỨ III
NĂM HỌC 2015 – 2016
ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ
Đề thi có 01 trang, gồm 04 câu.
Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1 (3,0 điểm) Khái quát con đường cách mạng dân chủ vô sản ở Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến tháng 2 năm 1930.

Câu 2 (2,0 điểm) So sánh kì bầu cử Quốc hội năm 1946 và kì bầu cử Quốc hội năm 1976 ở Việt Nam.

Câu 3 (2,0 điểm) Vì sao Đảng chủ trương Cuộc tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 phải theo phương châm đánh chắc, nhưng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 phải theo phương châm đánh nhanh?

Câu 4 (3,0 điểm) Trình bày khái quát những sự kiện phản ánh quan hệ giữa Mĩ và Trung Quốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016

Câu 1 (3,0 điểm)

Khái quát con đường cách mạng dân chủ vô sản ở Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến tháng 2 năm 1930.

  • Tháng 7 - 1920, Nguyễn Ái Quốc (NAQ) đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tìm ra con đường cứu nước vô sản. Tháng 12 - 1920, Người dự Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp và thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
  • Từ năm 1920 đến 1924, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Ngày 11 - 11- 1924, Người rời Liên Xô về Quảng Châu – Trung Quốc trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lí luận, xây dựng tổ chức cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
  • Tháng 6 - 1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Người cải tổ Tâm tâm xã thành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN), chuẩn bị trực tiếp để lập đảng cộng sản
  • Nhờ tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân từ năm 1919 – 1925 ngày càng phát triển. Tháng 8 – 1925, cuộc bãi công Ba Sơn – Sài Gòn thể hiện bước phát triển mới của phong trào công nhân Việt Nam.
  • Từ cuối năm 1924 đến năm 1927, Người mở các lớp huấn luyện hội viên cho HVNCMTN. Những người tốt nghiệp về nước hoạt động, một số ưu tú được Người giới thiệu đi học tiếp ở Liên Xô, Trung Quốc.
  • Sách Đường kách mệnh (1927) cùng báo Thanh niên đã trang bị cho cán bộ và nhân dân ta những hiểu biết quan trọng về cách mạng vô sản. Phong trào "vô sản hóa" (1928) rèn luyện hội viên của HVNCMTN.
  • Hoạt động của HVNCMTN năm 1928 – 1929 làm phong trào công nhân ngày càng tự giác, phong trào yêu nước ngày càng đi theo con đường vô sản, Tân Việt cách mạng đảng ngày càng phân hóa... Tình hình đó đòi hỏi phải lập đảng cộng sản.
  • Tháng 3 - 1929, ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5 D phố Hàm Long – Hà Nội. Tháng 5 - 1925, HVNCMTN có cuộc đấu tranh nội bộ về lập hay chưa lập đảng cộng sản.
  • Sau đó, xuất hiện Đông Dương Cộng sản đảng (6 - 1929), An Nam Cộng sản đảng (8 - 1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9 - 1929), đánh dấu thắng lợi của khuynh hướng vô sản trong phong trào yêu nước.
  • NAQ đã hợp nhất Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng – Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập ĐCSVN (24 -2- 1930).
  • Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2 - 1930) đúng đắn, sáng tạo
  • Đảng ra đời với đường lối cách mạng đúng đắn đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam và là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho mọi thắng lợi về sau của CMVN.

Câu 2 (2,0 điểm)

So sánh kì bầu cử Quốc hội năm 1946 và kì bầu cử Quốc hội năm 1976 ở Việt Nam.

  • Giống nhau:
    • Đều được tiến hành ngay sau những thắng lợi to lớn của cách mạng (Cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa Xuân 1975) nhằm củng cố và phát triển thành quả cách mạng đã đạt được.
    • Đều được tiến hành trên phạm vi cả nước, bằng phương pháp phổ thông đầu phiếu, nhằm thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.
    • Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng nên nô nức, hăng hái tham gia bầu cử. Có hơn 90% tổng số cử tri đi bầu cử. Vì thế, cả hai cuộc bầu cử đều thành công.
    • Là những cuộc vận động chính trị sâu rộng, khởi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi công dân, đập tan những âm mưu chống phá của kẻ thù, tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho nhà nước cách mạng tòn tại.
  • Khác khau:
    • Về mục tiêu, bầu cử Quốc hội năm 1946 nhằm xây dựng nền móng chế độ mới dân chủ nhân dân, lập ra chính phủ chính thức thay cho Chính phủ Cách mạng lâm thời; bầu cử Quốc hội năm 1976 nhằm củng cố chế độ dân chủ nhân dân, lập ra chính phủ thống nhất thay cho chính phủ riêng ở hai miền Nam - Bắc.
    • Về hoàn cảnh: Kì bầu cử Quốc hội năm 1946 diễn ra khi Nam Bộ phải kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Kì bầu cử Quốc hội năm 1976 về cơ bản nước ta hòa bình nhưng có xung đột biên giới Tây Nam với Cămpuchia.
    • Về tỉ lệ cử tri đi bầu cử: Năm 1946 là hơn 90%, năm 1976 là 98,8%. Số đại biểu Quốc hội được bầu năm 1946 là 333, năm 1976 là 492 do tỉ lệ thuận với tăng dân số.

Câu 3 (2,0 điểm)

Vì sao Đảng chủ trương Cuộc tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 phải theo phương châm đánh chắc, nhưng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 phải theo phương châm đánh nhanh?

a) Cuộc tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 phải theo phương châm đánh chắc.

  • Cuộc tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 phải theo phương châm đánh chắc vì khi đó không có thời cơ. Cả ta và địch lúc đó đều có lực lượng quân sự mạnh nhất.
  • Được Mĩ giúp, Pháp thực hiện Kế hoạch Nava (1953 - 1954) xây dựng được 84 tiểu đoàn quân cơ động chiến lược và 34 vạn quân ngụy. Pháp tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn cơ động, sau đó xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương và chọn nơi đây để quyết chiến chiến lược với ta. Pháp muốn tìm kiếm thắng lợi quân sự quyết định để đàm phán kí hiệp định kết thúc chiến tranh.
  • Đến năm 1953 đã có thế và lực đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc thắng, phá vỡ kế hoạch Nava, tạo thuận lợi kí hiệp định kết thúc chiến tranh, ta phải đánh chắc, tiến chắc bằng những cuộc tiến công chiến lược tiêu hao, phân tán, giam chân địch.

b) Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 phải theo phương châm đánh nhanh.

  • Bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, ta có thời cơ thuận lợi, khi đó kẻ thù đang suy yếu nhất, lực lượng cách mạng đang phát triển mạnh mẽ nhất.
  • Sau Hiệp định Pari về Việt Nam (1 - 1973), Mĩ rút quân viễn chinh và đồng minh khỏi Việt Nam, lực lượng Sài Gòn mất chỗ dựa trực tiếp. Lực lượng miền Bắc vẫn được ở lại miền Nam,... So sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta.
  • Từ sau Hiệp định Pari, ta có thế và lực tiến công giành thắng lợi ở đường 14 và tỉnh Phước Long (6 - 1- 1975). Chiến thắng này và tình hình chiến sự sau đó cho thấy sự suy yếu của lực lượng Sài Gòn, sự lớn mạnh của quân ta và khả năng Mĩ can thiệp trở lại nước ta bằng quân sự rất hạn chế vì năm 1976 nước Mĩ sẽ bầu cử tổng thống.
  • Vì vậy, Bộ Chính trị hợp cuối năm 1974 – đầu năm 1975 đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976) nhưng cũng khẳng định, nếu thời cơ chiến lược đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì phải hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975. Phương châm đánh nhanh để tranh thủ thời cơ và giảm thiệt hại.
  • Khi Chiến dịch Tây Nguyên (4 – 24 tháng 3 năm 1975) đang diễn ra, Bộ Chính trị thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và hết sức thuận lợi nên quyết định hoàn thành giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975 (trước tháng 5 - 1975). Kế hoạch giải phóng được rút từ 2 năm xuống 1 năm rồi xuống 2 tháng (từ 4 – 3 đến 2 – 5 – 1975).

Câu 4 (3,0 điểm)

Trình bày khái quát những sự kiện phản ánh quan hệ giữa Mĩ và Trung Quốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

  • Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ giúp Tưởng Giới Thạch gây nội chiến Quốc – Cộng lần 2 ở Trung Quốc (1946 - 1949).
  • Kết quả, Quốc dân đảng bại trận phải chạy ra đảo Đài Loan, Đảng Cộng sản lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Từ đó, Mĩ và CHND Trung Hoa (Trung Quốc) mâu thuẫn đối đầu.
  • Trong Chiến tranh Đông Dương (1945 - 1954), Mĩ giúp Pháp xâm lược, Trung Quốc giúp Việt Nam kháng chiến...
  • Mĩ và Trung Quốc tham gia Hội nghị Giơnevơ (1954), đưa tới chia cắt lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc...
  • Mĩ và Trung Quốc trực tiếp đối đầu trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)...
  • Hai nước tham gia kí Hiệp định Bàn Môn Điếm chia cắt hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đến ngày nay...
  • Đế uy hiếp cộng sản ở Đông Bắc Á, nhất là Trung Quốc, Mĩ kí với Nhật Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật (1951)...
  • Mĩ đóng quân trên đất Nhật và hậu thuẫn cho Đài Loan...đe dọa Trung Quốc
  • Trong Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), Mĩ xâm lược Việt Nam, Trung Quốc giúp Việt Nam chống Mĩ...
  • Tháng 2 – 1972, tổng thống Mĩ Níchxơn sang thăm Trung Quốc, mở đường cho quan hệ giữa hai nước chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại....
  • Trung Quốc và Mĩ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Kể từ đó đến nay, hai nước vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau.
  • Khi Trật tự hai cực Ianta đổ (1991), Trung Quốc vươn lên thành một cực cạnh tranh với Mĩ trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Lịch Sử khối C

    Xem thêm