Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2022 - Đề 2
Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án.
Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn
Đề thi thử môn Văn vào lớp 10 bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn.
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi thử lớp 10 môn Văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm
Là người tôi sẽ chết cho quê hương.
Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình…
(Trích: Tự nguyện - Nhạc và lời : Trương Quốc Khánh)
Câu 1 (0,5đ): Nếu được trở thành những thứ khác, tác giả muốn trở thành gì?
Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 3 (1,5đ): Viết đoạn văn nêu bài học mà em rút ra từ đoạn thơ trên.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về hiện tượng nghiện Facebook của giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (5đ): Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa tác giả có viết: Trong cái im lặng của Sapa.... có những con người làm việc mà lo nghĩ như vậy cho đất nước.
Đáp án Đề thi thử Văn vào 10
Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Tác giả muốn trở thành: chim bồ câu trắng, đóa hoa hướng dương, vầng mây ấm.
Câu 2 (1đ):
Nội dung chính của văn bản: Thể hiện những khát vọng về lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp của thanh niên: Sống ngay thẳng, vượt qua khó khăn gian khổ, cống hiến, hi sinh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc.
Câu 3 (1,5đ):
- Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào những gợi ý sau:
Bài học được rút ra từ đoạn văn: Khát vọng sống cao đẹp, nguyện dâng hiến, hi sinh bản thân vì quê hương, đất nước.
Bàn luận: Tuổi trẻ ngày nay tiếp bước lí tưởng sống cao đẹp của cha anh, ra sức học tập, rèn luyện bản thân, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cần nhận thức được tính thôi thúc trong lời câu hát: Hãy sống vì Tổ Quốc. Từ đó rút ra những bài học hành động phù hợp cho bản thân.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về hiện tượng nghiện Facebook của giới trẻ hiện nay
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng nghiện Facebook của giới trẻ hiện nay.
2. Thân bài
a. Thực trạng
Ngày nay, mạng xã hội Facebook vô cùng phổ biến, nhà nhà sử dụng Facebook, người người sử dụng Facebook.
Mỗi người đều có cho mình một tài khoản Facebook riêng để truy cập, kết nối với bạn bè, người thân, có người có đến hai hoặc nhiều tài khoản Facebook.
Facebook là mạng xã hội lớn nhất hiện nay, hàng ngày có một lượng lớn người dùng truy cập, đâu đâu cũng bắt gặp người sử dụng Facebook, từ đó dẫn đến hiện tượng lạm dụng mạng xã hội Facebook.
b. Nguyên nhân
Do nhu cầu của con người: muốn kết nối với bạn bè, người thân, chia sẻ những khoảnh khắc, kỉ niệm của mình.
Do tính hiếu kì, muốn biết “hình thù” Facebook, muốn đua đòi theo bạn bè.
c. Hậu quả
Hậu quả của việc sử dụng Facebook hiện nay phải kể đến đó chính là con người lãng phí quá nhiều thời gian cho Facebook mà không còn quan tâm đến những hoạt động bên ngoài.
Sử dụng Facebook nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như: cận thị do ánh sáng xanh và nhiều bệnh khác,…
Việc sử dụng Facebook quá nhiều vô hình tạo ra khoảng cách giữa con người ngày càng lớn.
d. Phản đề
Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ định những lợi ích mà Facebook mang lại: nó giúp chúng ta liên lạc, kết nối với những người bạn ở xa một cách rõ ràng, trên mạng cũng có rất nhiều thông tin hữu ích mà con người có thể tra cứu ở mọi nơi,…
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng nghiện Facebook của giới trẻ hiện nay; đồng thời liên hệ bản thân.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý Trong cái im lặng của Sapa.... có những con người làm việc mà lo nghĩ như vậy cho đất nước
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa và ý kiến: Trong cái im lặng của Sapa.... có những con người làm việc mà lo nghĩ như vậy cho đất nước.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa PA là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả.
b. Nhân vật anh thanh niên
Là người làm công tác khí tượng thủy văn, đó gió, đo mây.
Anh tự sắp xếp cuộc sống, dù một mình ở trên đỉnh núi cao anh vẫn có bầy gà đẻ trứng, có trà ngon, có vườn hoa.
Anh chàng này “thèm người”, sống một mình trên núi nên anh luôn muốn gặp con người dù chỉ một chút, anh muốn nhìn thấy họ, muốn nghe giọng nói của họ. Có khi anh còn để cây ngang đường để có thể gặp người nói chuyện vài câu.
Anh luôn sống trong tinh thần lạc quan, một trái tim ấm áp, yêu đời. Anh đã vui sướng biết bao khi kể về câu chuyện khi kịp phát hiện ra các đám mây khô mà từ đó quân ta đã hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.
Anh rất khiêm tốn, khi biết họa sĩ muốn vẽ mình, anh đã từ chối, anh kể ra rất nhiều người khác phải hi sinh như thế nào, chứ mình không là gì cả.
Anh tâm sự với mọi người “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Qua chi tiết này, anh thanh niên hiện lên là một người không ngại khó khăn, thử thách vẫn dấn thân vào con đường biết rằng không mấy bình lặng.
c. Nhân vật bác họa sĩ và cô gái
Là những con người lao động bình thường, đứng trước cuộc sống của anh thanh niên thì đem lòng cảm phục.
Đại diện cho những người xây dựng đất nước tươi sáng, sống có lí tưởng, biết trân trọng những người anh hùng thầm lặng.
Xúc động trước cuộc sống và cống hiến của anh thanh niên. Chính từ sự xúc động đó, cô gái đã đem lòng cảm mến anh thanh niên.
d. Khái quát nội dung, nghệ thuật
Nội dung: khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường. Qua đó, khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
Nghệ thuật: xây dựng thành công tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
3. Kết bài
Khái quát lại ý kiến và nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
---------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2022 - Đề 2. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Thông tin Tuyển sinh vào lớp 10, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.