Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2015 Phòng GD-ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ (Đề số 3)

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2015 Phòng GD-ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ (Đề số 3) là đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015 môn Văn, có đáp án kèm theo. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn tự ôn thi, luyện đề, nhằm chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2015 Phòng GD-ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ (Đề số 1)

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2015 Phòng GD-ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ (Đề số 2)

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐOAN HÙNG
KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP 9 - NĂM HỌC 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2,0 điểm):

Chỉ ra các phép liên kết và những từ ngữ dùng để liên kết câu trong đoạn văn sau:

“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.”

(Nguyễn Đình Thi - “Tiếng nói của văn nghệ”, SGK Ngữ văn 9, Tập hai - NXB Giáo dục - 2009)

Câu 2 (2,0 điểm):

a, Hãy chép những dòng thơ có từ “Trăng” trong bài thơ: Đồng chí của Chính Hữu và Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

b, So sánh hình ảnh “trăng” trong hai bài thơ trên.

Câu 3 (6,0 điểm):

Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều sau khi học các đoạn trích trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Các phép liên kết

  • Phép lặp từ ngữ (0,25 điểm)
  • Phép dùng từ ngữ đồng nghĩa, cùng trường liên tưởng (0,25 điểm)
  • Phép thế (0,25 điểm)
  • Phép nối (0,25 điểm)

b. Từ ngữ dùng để liên kết câu

  • Trong phép lặp: tác phẩm (0,25 điểm)
  • Trong phép dùng từ ngữ đồng nghĩa, cùng trường liên tưởng: (những vật liệu mượn ở thực tại) cái đã có rồi; (tác phẩm) nghệ sĩ (0,25 điểm)
  • Trong phép thế: Anh (0,25 điểm)
  • Trong phép nối: Nhưng (0,25 điểm)

- Mức độ tối đa: Trả lời đúng tất cả các ý trên

- Mức độ chưa tối đa: Trả lời được một trong các ý trên

- Mức độ không đạt: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2 (2,0 điểm)

a, Chép chính xác những dòng thơ có từ trăng trong hai bài thơ trên. (1,0 điểm)

  • Ở bài Đồng chí, chép đúng dòng thơ: (0,25 điểm)
    • Đầu súng trăng treo
  • Ở bài Đoàn thuyền đánh cá, chép đúng dòng thơ: (0,75 điểm)
    • Thuyền ta lái gió với buồm trăng
    • Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
    • Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

b, So sánh hình ảnh trăng trong hai bài thơ (1,0 điểm)

  • Giống nhau: (0,25 điểm)
    • “Trăng” Trong cả hai bài đều là hình ảnh nhiên thiên đẹp, trong sáng, gần gũi với con người trong cuộc sống chiến đấu và trong lao động.
  • Khác nhau: (0,75 điểm)
    • Trăng trong bài thơ Đồng chí mang vẻ đẹp của tâm hồn lãng mạn, liên tưởng đến hòa bình…
    • Trăng trong Đoàn thuyền đánh cá là hình ảnh cảm hứng lãng mạn, trăng góp phần vẽ nên bức tranh biển khơi thi vị, lộng lẫy. Thể hiện niềm vui hào hứng trong lao động của những cư dân đi đánh cá.

- Mức độ tối đa: Trả lời được các yêu cầu trên, đầy đủ chính xác, diễn đạt mạch lạc rõ ràng, viết dưới dạng một đoạn văn.

- Mức độ chưa tối đa: Trả lời được một trong số các ý trên, chưa viết dưới hình thức một đoạn văn.

- Không đạt: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3 (6,0 điểm)

Cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều qua các đoạn trích đã học

Mức độ tối đa: Bài viết phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a, Yêu cầu chung

  • Về hình thức: Học sinh biết viết bài văn nghị luận, lập luận chặt chẽ,có cảm xúc, thuyết phục, lấy được các dẫn chứng trong các đoạn trích để làm rõ yêu cầu của đề, bố cục bài viết có ba phần, trình bày sạch, không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, câu.
  • Về nội dung: Nêu được những cảm nhận về: Vẻ đẹp tài năng, phẩm chất tâm hồn của Thúy Kiều, thân phận và cảnh ngộ bất hạnh của Thúy Kiều qua một số đoạn trích.

b, Yêu cầu cụ thể

  • Giới thiệu khái quát về truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều .
    • Cảm nhận chung về nhân vật: Là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, song cuộc đời gặp nhiều bất hạnh.
  • Cảm nhận về tài sắc của Kiều
    • Kiều là người phụ nữ có nhan sắc tuyệt vời (1 điểm)
      • Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà “Nghiêng nước, nghiêng thành” khiến thiên nhiên tạo hóa cũng phải đem lòng ghen ghét đố kị.
      • Vẻ đẹp được tập trung ở đôi mắt: Sáng long lanh như nước mùa thu, lông mày thanh thoát như dáng núi mùa xuân.
      • Miêu tả nhan săc của Kiều Nguyễn Du ngầm dự báo tương lai sóng gió trong cuộc đời mai sau của nàng.
    • Dẫn chứng: Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
    • Kiều là người con gái thông minh và đầy tài năng. (1 điểm)
      • Trí thông minh của Kiều là do trời phú, tài năng của Kiều là tài “Cầm, kì, thi, họa”, Kiều giỏi âm nhạc đến mức soạn riêng cho mình một khúc nhạc “Bạc mệnh” .
      • Tài năng của Kiều là cái tài toàn diện và cái gì cũng đạt đến mức tuyệt đỉnh.
      • Cảm nghĩ: Khâm phục tài năng trí tuệ của Kiều.
      • Dẫn chứng: Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
  • Cảm nhận về cuộc đời, thân phận của Kiều
    • Cuộc đời của Kiều là cả một chuỗi dài những ngày đau khổ, bất hạnh, dập vùi:
    • Tình yêu tan vỡ (0,25 điểm)
      • Trong lúc tình yêu với Kim Trọng ngày một nồng thắm thì gia đình gặp tai biến Kiều phải trao duyên cho em bán mình chuộc cha.
    • Cuộc đời bị chìm nổi, thân phận bị vùi dập (0,75 điểm)
      • Nhân phẩm bị trà đạp
      • Bị đầy đọa cả thể xác lẫn tâm hồn
      • Cảm nghĩ: Thông cảm, xót thương
      • Dẫn chứng: Kiều ở Lầu Ngưng Bích
    • Mã Giám sinh mua Kiều (Không bắt buộc)
  • Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều
    • Là người thủy chung son sắt (0,5 điểm)
      • Khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích Kiều luôn nhớ Kim Trọng, luôn mặc cảm vì đã phụ tình Kim Trọng, xót xa bản thân không còn xứng đáng với Kim Trọng+ Dẫn chứng: Đoạn trích Kiều ở Lầu Ngưng Bích.
    • Là người con hiếu thảo, giàu lòng vị tha.( 1 điểm)
      • Tự nguyện bán mình lấy tiền cứu cha và gia đình khỏi tai họa
      • Trong cảnh ngộ bị giam lừa gạt ,bị đánh đập, giam lỏng ở lầu Ngưng bích Kiều không nghĩ về bản thân mình mà luôn nghĩ tới cha mẹ, người thân.
      • Kiều xót xa cho cha mẹ, lo lắng, day dứt vì không được ở nhà phụng dưỡng, đỡ đần cha mẹ.
      • Dẫn chứng: Kiều ở Lầu Ngưng Bích
    • Là người trọng nhân nghĩa có tấm lòng cao thượng. (0,5điểm)
      • Kiều không quên đền đáp những người đã cưu mang mình
      • Kiều độ lượng tha thứ cho Hoạn thư.
  • Đánh giá khái quát: Cảm nghĩ chung về vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều: Yêu quý, khâm phục...
    • Khái quát lại những cảm nhận về nhân vật: Nhan sắc, tài hoa nhưng bạc mệnh.
    • Nêu suy nghĩ của bản thân về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội ngày nay…

Mức độ chưa tối đa: Bài làm còn thiếu, diễn đạt sơ sài, chưa đánh giá được cảm nhận của bản thân, thiếu luận điểm, lập luận chưa chặt chẽ, bài viết còn mắc lỗi.

Không đạt: Bài làm sai (nội dung, thể loại) hoặc không trả lời được.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm