Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 26: Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích

Bài 26: Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 26: Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ 2 sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích

I. Đề văn tham khảo.

Đề 1. Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin:

“Học, học nữa, học mãi”?

Em có ý kiến gì trước lời khuyên đó?

Đề 2.

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Đề 3. Dân gian có câu: “Lời nói gói vàng”, đồng thời lại có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.

Đề 4. Em hãy giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” và chứng minh câu tục ngữ đó đã trở thành một lối sống cao đẹp của nhân dân ta.

Đề 5.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Lời khuyên trên có ý nghĩa gì? Hãy chứng minh rằng nhân dân ta đã làm đúng lời khuyên đó.

II. Một số bài văn tham khảo

Đề 1. Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi!”

Em có ý kiến gì trước lời khuyên đó?

Bể học mênh mông sự học không có điểm dừng. Kho tàng kiến thức của nhân loại là vô biên, rộng như đại dương nghìn trùng mà sự hiểu biết của con người chỉ là giọt nước bé nhỏ giữa đại dương đó. Bởi vậy, muốn hiểu biết con người phải không ngừng nỗ lực học hỏi. Lê-nin, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản đã căn dặn chúng ta: “Học, học nữa, học mãi!” Vâng! Đó là một chân lí hoàn toàn đúng đắn.

Trước hết chúng ta phải cùng nhau tìm hiểu câu nói của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi!” có nghĩa là gì?

Học là quá trình tìm hiểu, khám phá, lĩnh hội những kiến thức có trong sách vở và trong cuộc sống xung quanh ta. Bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: Kiến thức về tự nhiên, kiến thức về xã hội, về cuộc sống con người, về đời sống loài vật, học chữ, học làm người... học ăn, học nói, học gói, học mở...

“Học, học nữa, học mãi!” nghĩa là việc học phải liên tục bền bỉ trong suốt cuộc đời người, học lúc còn tấm bé cho đến lúc đã về già, học để thành đạt, đến lúc thành đạt lại càng phải học.

Vấn đề đặt ra tại sao chúng ta lại phải học nhiều đến vậy? Chúng ta phải học để hiểu biết, để có kiến thức mà áp dụng vào cuộc sống. Việc học sẽ giúp chúng ta có kĩ năng để công việc được tốt đẹp, nâng cao hiệu quả làm việc.

Người không có tri thức sẽ khó hoà nhập vào cuộc sống văn minh, tiến bộ, sẽ luôn có cảm giác mình bị thua kém, bị lạc lõng so với cuộc sống và mọi người xung quanh. Việc học sẽ giúp chúng ta khẳng định được nhân cách và vị thế của mình trong xã hội và trong con mắt của mọi người. Ví dụ hai người cùng nộp đơn xin việc vào một công ti, người nào có học vị cao hơn sẽ được ưu tiên hơn, và được mọi người quý trọng hơn. Người xưa có câu “khôn chết, dại chết, biết không chết” cũng là nhằm đề cao sự học đấy thôi. Người có kiến thức do học vấn đưa lại bao giờ cũng sẽ có những ứng xử khéo léo, đúng mực với các tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Tại sao chúng ta phải học, học nữa, học mãi?

Chúng ta phải liên tục học tập không ngừng vì kiến thức của nhân loại mênh mông, vô cùng vô tận sự hiểu biết của mỗi con người chỉ là một hạt cát mà thôi, càng học nhiều ta mới càng thấy rõ điều đó. Khi tên tuổi của Nhà bác học vĩ đại Đác-uyn đã nổi tiếng trên toàn thế giới mà ông vẫn cứ học, đến nỗi cậu con trai phải thốt lên kinh ngạc: “Ba ơi, ba đã là nhà bác học rồi thế mà ba vẫn cứ học ư?”. Trong cuốn “Quà tặng cuộc sống” của Nhà xuất bản Trẻ kể về một cụ bà 80 tuổi vẫn ghi danh vào học đại học. Đấy là những tấm gương tiêu biểu gợi nhắc cho ta thấy sự quan trọng cần thiết của việc phải “học nữa, học mãi”. Hơn nữa xã hội ngày càng phát triển nếu không học liên tục để cập nhật hoá kiến thức thì chúng ta sẽ bị lạc hậu, thua kém so với bạn bè và xã hội. Ví dụ như công nghệ thông tin đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay nếu chúng ta không cập nhật từng ngày sẽ trở thành người tụt hậu. Việc học nữa, học mãi không chỉ giúp cho chúng ta khẳng định được bản thân mà còn là con đường để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Ý nghĩa của sự học là quan trọng như vậy, vấn đề đặt ra tiếp theo là chúng ta phải học tập như thế nào khi còn đi học và khi đã ra trường?

Khi còn đi học chúng ta phải xác định cho mình mục đích động cơ học tập đúng đắn, học với một tinh thần, thái độ nghiêm túc tự giác, kết hợp phương châm “học đi đôi với hành”, và học tập ở nhiều nơi, học ở thầy cô, học ở bạn bè, học ở trường học và học ở trường đời... Trong học tập không nên có thái độ tự ti vì chưa hiểu, chưa giỏi mà ngại, cảm thấy chán nản, song cũng không vì giỏi, vì biết mà tự kiêu thỏa mãn.

Dù ở cương vị nào, làm việc gì ta cũng cần phải tranh thủ học tập. Mỗi độ tuổi, mỗi nghề nghiệp, hoàn cảnh sẽ có cách học tập khác nhau sao cho hiệu quả, tranh thủ được thời gian trong một cách tối đa. Học không chỉ vì bằng cấp, vì điểm số mà phải vì sự hiểu biết của chính bản thân.

Tóm lại, học tập là việc vô cùng cần thiết và quan trọng cho mỗi người. Ru-đa-ki cũng đã nói một câu rất hay về việc học tập: “Không kho báu nào quý bằng học thức. Hãy tích lũy lấy nó, lúc bạn còn đủ sức”.

Chúng ta phải cố gắng tích lũy kho báu của mình để cho ngày một đầy thêm, không chỉ bây giờ mà cả mai sau.

(Bài làm của học sinh – có sửa chữa)

Đề 2:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác Hồ muốn khuyên dạy ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao công việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân cho đất nước?

Theo quy luật thiên nhiên, một năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân mở đầu cho năm mới với biết bao điều tốt lành. Thời tiết ấm áp khiến cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, tỏa hương. Đâu đâu cũng ríu rít tiếng chim, tạo nên một khung cảnh đẹp đẽ tràn đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân được coi là mùa sinh sôi phát triển nhất trong năm.

Sinh thời, Bác Hồ phát động nhân dân hăng hái tham gia phong trào Tết trồng cây. Năm 1960, Bác viết hai câu thơ:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân.

Bác nói: Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trồng suốt cả mùa xuân. Bác gọi phong trào trồng cây là Tết trồng cây với hàm ý so sánh không khí náo nức; tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết (Vui như Tết). Bác đã đem lại cho phong trào trồng cây không khí vui tươi của lễ hội mùa xuân.

Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là làm cho đất nước ngày càng xuân Từ xuân ở câu này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa xuân trong năm (danh từ) mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.

Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới màu xanh mơn mởn của cỏ cây, hoa lá. Màu xanh ấy mang đến vẻ đẹp tươi mát, trù phú cho đường phố, làng quê. Nếu nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ được bao phủ một màu xanh bất tận.

Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu làm nhiệm vụ hút lọc khí thải, cung cấp khí ô-xy để duy trì sự sống cho muôn loài, làm trong sạch môi trường quanh ta.

Khí hậu Việt Nam vốn khắc nghiệt. Vào mùa mưa lũ, nếu không có những cánh rừng giống như những bức tường thành vững chắc ngăn gió bão, lụt lội thì biết bao nhà cửa, ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, bao thành quả lao động bị phá huỷ... Lũ sẽ gây ra những thảm hoạ ghê gớm khôn lường.

Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khoẻ mạnh... là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động, sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Hơn bốn chục năm trước, Bác Hồ đã quan tâm đến điều này bằng việc hô hào toàn dân tham gia Tết trồng cây. Bác quả là vị lãnh tụ cách mạng sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.

Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta nô nức tham gia phong trào Tết trồng cây. Mấy năm trở lại đây, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân nên đã động viên mọi người nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng thêm cây mới, phủ xanh đất trồng đồi trọc. Ở các vùng ven thành phố, phong trào lập trang trại trồng hoa, trồng rau, trồng cây ăn quả ngày càng phát triển. Cây xanh ở Thủ đô Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác luôn được chăm sóc chu đáo bởi bàn tay của các cô chú công nhân và ý thức bảo vệ của người dân.

Việc giữ gìn những khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn và đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây rừng bừa bãi đã trở thành mối quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du, tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta mới được sống trong môi trường xanh – sạch – đẹp. Năm nào trường em cũng tổ chức Tết trồng cây nên cây xanh tỏa bóng mát khắp sân trường. Dưới bóng cây râm mát, chúng em thỏa thích vui chơi. Những mệt mỏi và căng thẳng trong giờ học hầu như tan hết, tâm hồn trẻ thơ lại lâng lâng, thanh thản.

Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái hại của cộng đồng cho nên môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy rất nhiều. Vì thế, lời Bác dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 26: Cách làm bài văn lập luận giải thích

Giải bài tập Ngữ văn lớp 7 bài 26: Sống chết mặc bay

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn 7

    Xem thêm