Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Ngắm trăng
Giải bài tập Ngữ văn bài 21: Ngắm trăng
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Ngắm trăng được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 19: Thuyết minh về một phương pháp
Hồ Chí Minh
I. Kiến thức cơ bản
• Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Tháng 8-1942, Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Khi đến thị trấn Túc Vinh Người bị chính quyền ở đây bắt giữ, rồi bị giải lui giải tới gần 30 nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, bị đoạ đày cực khổ hơn một năm trời.
Trong những ngày đó, Người đã biết Nhật kí trong tù bằng chữ Hán gồm 133 bài, phần lớn là thơ tứ tuyệt. Qua tập thơ ta thấy được tâm hồn cao đẹp, ý chí cách mạng phi thường và tài thơ xuất sắc của Người. Có thể nói Nhật kí trong tù là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc..
• Về tác phẩm: Ngắm trăng là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong cảnh ngục tù cực khổ tối tăm.
II. Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Nhận xét về các câu thơ dịch
Đây là một bài thơ chữ Hán, muốn nhận xét bản dịch thơ ta phải dựa trên bản dịch nghĩa.
Bản dịch nghĩa
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?
Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng,
Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ.
Bản dịch thơ
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Đối chiếu hai bản song hành từng câu thơ ta thấy bản dịch thơ rất sát với bản dịch nghĩa từng câu chữ, bản dịch thơ sát với nguyên tác, đây là điều rất hiếm, bởi vì dịch thơ rất khó.
Câu 2. Ở bài thơ này, Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh như thế nào? Vì sao Bác lại nói đến cảnh “Trong tù không rượu cũng không hoa” qua hai câu đầu, em thấy Bác có tâm trạng ra sao trước cảnh đẹp ngoài trời.
+ Hoàn cảnh Bác ngắm trăng:
- Vị trí của trăng trong đời sống tình cảm của con người: Trăng là một người bạn thân thiết gắn bó với con người, đối với các nhà thơ xưa trăng lại càng có ý nghĩa, vầng trăng trở thành người “tri kỉ” để trò chuyện tâm giao. Các nhà Nho xưa có thú vui tinh thần uống rượu, ngắm trăng và xem hoa nở. Bộ ba đó phải đi cùng với nhau. Họ thường ngắm trăng trong lúc tâm hồn thư thái, yên tĩnh để tìm cảm hứng sáng tạo.
- Hoàn cảnh Bác ngắm trăng: Trăng đến với Bác thật đột ngột trong hoàn cảnh nhà tù bức bối, chật chội tù túng, thân thể lại bị gông cùm, xiềng xích. Thêm vào đó bộ ba trăng - hoa - rượu lại thiếu mất hai “không rượu cũng không hoa” người bình thường sẽ vì vậy mà bỏ qua đi cơ hội nhưng với Bác không thế.
+ Tâm trạng của Bác: Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Nguyên tác: Đối thủ lượng tiêu nại nhược hà? (Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?) thể hiện sự băn khoăn, xốn xang của tâm hồn nghệ sĩ trước cảnh đẹp, một tâm hồn luôn hướng về cái đẹp trong cả hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
Câu 3. Trong hai câu thơ cuối của bài thơ chữ Hán, sự sắp xếp vị trí các từ nhân (và thi gia), song nguyệt (và minh nguyệt) có gì đáng chú ý? Sự sắp xếp như vậy là việc đặt hai câu dưới dạng đối nhau có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?
+ Sự sắp xếp của hai từ nhân – nguyệt;
Ở câu thơ thứ ba từ nhân đứng ở đầu câu, minh nguyệt đứng cuối câu, sang câu thơ thứ tư vị trí này lại được đảo nguyệt xếp ở đầu câu thơ và thi gia ở vị trí cuối câu thơ. Ta có thể hình dung:
Nhân →Minh nguyệt
Minh nguyệt → Thi gia
+ Hiệu quả nghệ thuật: Thể hiện sự đối xứng tương đồng giữa trăng và người, cả người và trăng đều chủ động hướng về nhau, ngắm nhau, đồng vọng “trăng yêu người cùng ngang với người yêu trăng” (Vũ Quần Phương).
Nhân vật người tù có sự thay đổi từ nhân (người) trở thành thi ca (nhà thơ). Trong bài thơ “Giải đi sớm” cũng có sự thay đổi tương tự, mở đầu bài thơ là hình ảnh một chinh nhân, người đi chinh chiến kết thúc bài thơ hình ảnh chinh nhân đã nhường chỗ cho một hành nhân thi hứng (người đi làm thơ). Bác là thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào tâm hồn Người cũng hướng về thiên nhiên, giao hoà với thiên nhiên.
- Người tù chủ động hướng ra cửa ngục để ngắm trăng sáng, và lạ chưa dường như trăng cũng muốn đến với con người, cảm động về tình người và nhận ra đó là một nhà thơ. “Trăng nhìn khe cửa ngắm nhà thơ”. Câu thơ như ý nói: Vầng trăng đã nhận ra cốt cách thi nhân của người tù, phong tặng danh hiệu nhà thơ cho Người.
(Theo Trần Đình Sử - Bình giảng tác phẩm văn học)
Câu 4. Qua bài thơ, em thấy hình ảnh Bác Hồ hiện lên như thế nào?
Hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua bài thơ:
- Là một con người yêu thiên nhiên tha thiết, luôn hướng về thiên nhiên bất chấp hoàn cảnh tù đày, vẫn ngắm trăng mặc dù chỉ qua khe cửa nhỏ.
- “Bài thơ là sự khẳng định cốt cách thi nhân thanh cao của người tù Hồ Chí Minh”.
Câu 5. Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét “Thơ Bác đầy trăng” hãy chép lại những bài thơ của Bác đầy trăng mà em biết. Cuộc ngắm trăng trong bài “vọng nguyệt” và hình ảnh trăng được thể hiện trong các bài thơ khác của Bác Hồ có gì đáng chú ý.
+ Một số bài thơ khác về trăng của Bác:
Trung thu
Trung thu ta cũng Tết trong tù
Trăng gió đêm thu gọn vẻ sầu.
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.
Cảnh khuya
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Rằm tháng giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trắng ngân đầy thuyền.
+ Điểm đáng chú ý:
- Qua bài “Vọng nguyệt” và các bài thơ trên đều thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết của Bác, dù hoàn cảnh hết sức bận rộn hoặc trong cảnh ngục tù tâm hồn Bác vẫn có chỗ dành cho thiên nhiên.
- Ở bài “Vọng nguyệt” con người và trăng thu giao cảm với nhau như hai người bạn với nhau, tâm hồn dành trọn vẹn cho trăng. Ở những bài thơ khác trăng chỉ là khách thể, chen vào giữa bộn bề công việc.
III. Tư liệu tham khảo
- Nhân, nguyệt rồi lại nguyệt, thi gia ở hai đầu câu thơ và cái song sắt chắn ở giữa. Trăng và người tri kỉ tri âm với nhau qua cái song sắt tàn bạo ấy. Người xưa ngắm trăng thấy cõi trăng đẹp, trong sạch càng ngậm ngùi cho cõi người cát bụi. Tản Đà đã có lần muốn xin chị Hằng dọn nhà lên trăng vì Trần thế này em chán nửa rồi.
Với Bác, người ngắm trăng nhưng chính trăng cũng mải mê ngắm người. Trăng chiêm ngưỡng con người dù rằng con người ấy đang ở tù, vì cõi đời này dù sao đi nữa vẫn đẹp lắm chứ. Hai câu thơ sóng đôi với nhau nói rằng trăng yêu người cũng ngang người yêu trăng. Sau này Tố Hữu trong một bài nói trăng ở Hồ Tây, cũng trở lại ý này:
Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.
Ý thơ này người xưa viết về trăng nhiều mà không tìm ra, có lẽ vì nó sản phẩm của nhân sinh quan cộng sản.
(Vũ Quần Phương, báo Văn nghệ, ngày 17/5/1980)
Người hướng ra cửa sổ ngắm trăng sáng
Trăng theo khe cửa sổ ngắm nhà thơ. Thì ra vì hoàn cảnh khác thường nên cách ngắm trăng trong tù cũng khác thường. Người tù lúc này muốn ngắm trăng phải hướng ra ngoài cửa sổ còn trăng muốn ngắm nhà thơ phải theo vào qua khe cửa. Vậy là người và trăng đều có hai sự vận động. Người vận động hướng ra ngoài cửa sổ và ngắm trăng, còn trăng vận động theo khe cửa sổ và ngắm nhà thơ. Hai sự vận động này đều là hành động vượt ngục về tinh thần và khi vượt ngục thì trăng và người đều được tự do để đến với nhau. Điều băn khoăn đến đây đã được Bác giải đáp một cách thoả đáng. Bài thơ không những thể hiện tình yêu thiên nhiên của một tâm hồn nghệ sĩ hết sức nhạy bén mà còn thể hiện một triết lí nhân sinh, một hành động đúng quy luật để được tự do trong mọi hoàn cảnh của Bác.
Bài thơ thật tự nhiên, giản dị mà thật triết lí. Cả bài không hề nói đến một chữ tự do nào nhưng lại toát lên một tâm hồn rất tự do, luôn luôn làm chủ được hoàn cảnh của Bác. Đó chính là vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn của người nghệ sĩ và là người chiến sĩ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Câu cảm thán
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Câu trần thuật
Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 21: Viết bài tập làm văn số 5 - Văn thuyết minh