Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nói với con

Giải bài tập Ngữ văn bài 24: Nói với con

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nói với con là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình học bài và chuẩn bị cho bài học mới trên lớp. Mời các bạn tham khảo.

Nói với con

Y Phương

I. Kiến thức cơ bản

+ Tác giả: Nhà thơ Y Phương, dân tộc Tày, quê ở cao Bằng. Y Phương từng nhập ngũ, phục vụ trong quân đội, sau đó về công tác tại Sở Văn hoá Thông tin Cao Bằng. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

+ Tác phẩm: Qua bài thơ Nói với con, bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình hết sức ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc niềm núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

II. Hướng dẫn đọc văn bản

Câu 1. Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?

+ Mạch thơ: Mượn lời nói với con của một người cha, nhà thơ đã gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người và từ tình cảm gia đình đã mở rộng đến tình cảm quê hương từ đó nâng lên thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi con người. Bố cục của bài thơ cũng đã thể hiện ý tưởng đó.

+ Bố cục: Gồm hai đoạn.

- Đoạn một (mười một câu đầu): Tình cảm gia đình đầm ấm yên vui.

- Đoạn hai mười bảy câu còn lại): Truyền thống nghĩa tình, sức sống mạnh mẽ của con người quê hương.

Câu 2. Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều đó?

+ Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ

Chân Phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Đó là bức tranh đầm ấm về hạnh phúc gia đình. Con được lớn lên trong sự yêu thương che chở bao bọc của cha mẹ. Bước đi đầu tiên trong đời của con thật trang trọng thiêng liêng. Chân phải có ba nâng, chân trái có mẹ đỡ. Cha mẹ là cái đích để cho con hướng tới. Tiếng nói dịu dàng của mẹ, nụ cười đôn hậu của ba đã khích lệ cho con để con an tâm bước tới.

+ Con được lớn lên trong sự đùm bọc của quê hương

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Con không chỉ được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ mà còn được lớn lên trong bầu không khí tươi vui, tràn đầy niềm lạc quan của người đồng mình: “Đan lờ cài nan hoa vách nhà ken câu hát”. Những cánh rừng xanh cho con những bông hoa tươi đẹp. Hoa là biểu tượng cho những gì tinh tuý nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Con đường là hành trình cuộc đời mà con sẽ bước đi, trên con đường ấy có biết bao gian truân hiểm nguy nhưng đã có những tấm lòng chở che cho con để con vững bước.

Câu 3. Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình”, từ đó nhắc nhở con trên đường đời cần phải làm như thế nào?

+ Những đức tính của người đồng mình

- Là những con người lạc quan yêu đời:

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ben câu hát.

Con người đồng mình dễ thương biết bao. Công cụ lao động bình thường chiếc lờ bắt cá cũng được những bàn tay tài hoa tạo nên thật dễ thương xinh xắn. Vách nhà được ken bằng những lời hát đắm say ngọt ngào tình tứ của những lứa đôi, thật thi vị và lãng mạn.

- Là những con người giàu nghị lực ý chí:

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

IV. Tư liệu tham khảo

Nhà thơ Y Phương nói về bài thơ “Nói với con”

Hỏi: Trong đời sống thi ca của thế giới và Việt Nam, có rất nhiều nhà thơ đã biết những bài thơ tặng con mình nhận một sự kiện nào đó. Bài thơ “Nói với con” của nhà thơ được viết ra trong hoàn cảnh nào? Điều gì đã thôi thúc nhà thơ viết một bài thơ dài như vậy?

Trả lời: Tôi viết bài thơ này khi đất nước đã thống nhất. Tôi từ chiến trường miền Nam trở về quê hương lấy vợ sinh con. Khi đó cuộc sống còn rất khó khăn. Nhưng tôi lại thấy rằng trong khó khăn trong gian khổ, thậm chí trong cả hiểm nguy nga, con người lại cư xử với nhau rất tốt, sẵn sàng san sẻ mọi thứ cho nhau. Tính cách cao đẹp của con người được bộc lộ trong hoàn cảnh đó. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống dần thay đổi, tôi nhận ra một số người vì lợi ích riêng mà đã đánh hỏng mất bản chất cao đẹp trong con người mình, chỉ một cái lợi nhỏ họ sẵn sàng lao vào giành giật và làm hại nhau... Tôi viết bài thơ này để nói với con cũng như để căn dặn chính lòng mình là dù có ở hoàn cảnh khó khăn hay tốt đẹp thì vẫn phải giữ lấy cái tâm trong sáng để làm người. Đó chính là hoàn cảnh và cũng chính là ý nghĩa lớn nhất của bài thơ “Nói với con”.

Hỏi: Triết lí làm người ở dân tộc nào, ở thời đại nào cũng có. Trong bất cứ hoàn cảnh nào con người cũng phải giữ lấy thiên lương của mình.Tại sao nhà thơ lại cảm nhận được triết lí này trong sự biến đổi của xã hội hiện đại?

Trả lời: Trên những sườn núi dựng đứng có những loài hoa rất kì lạ. Chúng sống ở đó, rễ bám chắc vào các kẽ đá rồi hút sương gió, khí trời mà sống. Những bông hoa đó thật đẹp và thật mãnh liệt. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

Nở chùm hoa trên đá

Mùa xuân đâu chịu lùi.

Hoa trên đó chính là tâm hồn, là cốt cách của người miền núi chúng tôi. Người miền núi trọng tình cảm thuỷ chung son sắt, không bị mê hoặc bởi đời sống phù hoa. Trong bất cứ tình huống nào, người miền núi vẫn vậy, đơn sơ và mộc mạc. Qua bài thơ tôi muốn tái khẳng định lại điều ấy.

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Sang thu

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nghĩa tường minh và hàm ý

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đánh giá bài viết
1 153
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm