Lý thuyết Địa lý 10 Cánh diều bài 10
Lý thuyết Địa lý lớp 10 bài 10: Thủy quyển - Nước trên lục địa được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy Địa lý 10 Cánh diều.
Bài: Thủy quyển - Nước trên lục địa
A. Lý thuyết Địa Lí 10 bài 10
I. Khái niệm thủy quyển
- Khái niệm: là toàn bộ nước trên Trái Đất ở các trạng thái khác nhau (lỏng, rắn, hơi), bao gồm nước trong các biển, đại dương, trên các lục địa và trong khí quyển.
- Đặc điểm:
+ Khoảng 3% là nước ngọt còn lại là nước mặn.
+ Nguồn nước ngọt của Trái Đất chủ yếu là băng, tuyết ở hai cực, trên các đỉnh núi cao.
+ Sự vận động, thay đổi trạng thái của nước tạo nên vòng tuần hoàn nước trên Trái Đất.
Vòng tuần hoàn của nước
II. Các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông
- Chế độ mưa: quy định chế độ dòng chảy
- Băng tuyết tan: làm tăng lưu lượng dòng chảy vào mùa xuân
- Hồ, đầm: điều tiết chế độ dòng chảy nước sông
- Địa hình: độ dốc của địa hình càng lớn, thời gian tập trung nước và thoát nước trên sông càng nhanh
- Đặc điểm đất, đá và thực vật: các khu vực đất, đá dễ thấm nước, vỏ phong hóa dày, có nhiều thực vật che phủ thường có nguồn nước phong phú, dòng chảy điều hòa
- Con người: điều tiết dòng chảy sông thông qua việc xây dựng hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi, trồng trọt và bảo vệ rừng…
III. Hồ và phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành
- Khái niệm: Là bồn nước ở các vùng trũng thấp trên lục địa.
- Phân loại: Có nhiều cách phân loại hồ khác nhau. Theo nguồn gốc hình thành, có các loại hồ chủ yếu sau đây:
a. Hồ móng ngựa
- Nguồn gốc hình thành: Do quá trình uốn khúc và đổi dòng của sông ở các vùng đồng bằng.
- Ví dụ: Hồ Tây ở Hà Nội.
Quang cảnh Hồ Tây (Hà Nội) khi nhìn từ trên cao xuống
b. Hồ kiến tạo
- Nguồn gốc hình thành: Hình thành ở những vùng trũng trên các đứt gãy kiến tạo.
- Ví dụ: Các hồ ở khu vực Đông Phi.
c. Hồ băng hà
- Nguồn gốc hình thành: Do quá trình xâm thực của bằng hà lục địa, phổ biến ở các nước vùng vĩ độ cao như Phần Lan, Ca-na-đa, Liên bang Nga,...
- Ví dụ: Vùng Hồ Lớn (Ngũ Hồ) ở lục địa Bắc Mỹ.
Ngũ hồ ở lục địa Bắc Mĩ
d. Hồ miệng núi lửa
- Nguồn gốc hình thành: Hình thành từ các miệng núi lửa đã ngừng hoạt động.
- Ví dụ: Hồ To-ba trên đảo Su-ma-tra của In-đô-nê-xi-a.
e. Hồ nhân tạo
- Nguồn gốc hình thành: Do con người tạo ra.
- Ví dụ: Hồ thuỷ điện Hòa Bình trên sông Đà.
Hồ thủy điện Hòa Bình
IV. Nước băng tuyết và nước ngầm
1. Nước băng tuyết
- Đặc điểm:
+ Băng và tuyết là nước ở thể rắn, chiếm phần lớn lượng nước ngọt trên Trái Đất.
+ Nước băng tuyết bao phủ gần 11% diện tích các lục địa với thể tích hơn 24 triệu km3.
+ Diện tích, khối lượng băng, tuyết luôn thay đổi theo lịch sử phát triển của Trái Đất.
- Nguồn gốc hình thành băng: Do tuyết rơi trong điều kiện nhiệt độ thấp, được tích tụ, nén chặt trong thời gian dài.
- Phân bố: Ở hai cực và trên các đỉnh núi cao.
- Vai trò: Cung cấp nguồn nước cho sông khi nước băng tan và tạo thành các dạng địa hình băng hà ở vùng khí hậu lạnh.
2. Nước ngầm
- Khái niệm: Là nước tồn tại trong các tầng đất, đá thấm nước của vỏ Trái Đất.
- Đặc điểm:
+ Phía dưới tầng nước ngầm là tầng đất, đá không thấm nước.
+ Nguồn gốc của nước ngầm chủ yếu là do nước trên mặt đất thấm xuống.
- Nhân tố làm thay đổi mực nước ngầm:
+ Nguồn cung cấp.
+ Đặc điểm địa hình, khả năng thấm nước của đất, đá.
+ Mức độ bốc hơi, lớp phủ thực vật và con người.
- Tính chất của nước ngầm rất khác nhau do phụ thuộc vào đặc điểm đất, đá.
- Vai trò:
+ Là một trong những nguồn cung cấp nước cho các hệ thống sông trên Trái Đất.
+ Kho nước ngọt có trữ lượng lớn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của con người.
V. Các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt
- Bảo vệ nguồn nước ngọt là yêu cầu cấp bách của tất cả các quốc gia trên thế giới.
- Các giải pháp chủ yếu hiện nay nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt bao gồm:
+ Giữ sạch nguồn nước.
+ Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
+ Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
+ Trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
B. Bài tập trắc nghiệm Địa Lí 10 bài 10
Câu 1. Dòng chảy thường xuyên, tương đối lớn trên bề mặt lục địa gọi là
A. hồ.
B. mưa.
C. đầm.
D. sông.
Đáp án: D
Giải thích: Sông là dòng chảy thường xuyên, tương đối lớn trên bề mặt lục địa và đảo, được các nguồn nước mưa, nước ngầm, nước băng tuyết tan nuôi dưỡng.
Câu 2. Tổng lượng nước của sông chịu tác động chủ yếu của các nhân tố:
A. nước ngầm, địa hình, các hồ đầm.
B. nước ngầm, địa hình, thảm thực vật.
C. lượng mưa, băng tuyết, nước ngầm.
D. lượng mưa, băng tuyết, các hồ đầm.
Đáp án: C
Giải thích: Tổng lượng nước của sông chịu tác động chủ yếu của các nhân tố lượng mưa, băng tuyết và nước ngầm.
Câu 3. Ở đồng bằng lòng sông mở rộng hơn ở miền núi chủ yếu là do
A. bề mặt địa hình bằng phẳng.
B. lớp phủ thổ nhưỡng mềm.
C. tốc độ nước chảy nhanh.
D. tổng lưu lượng nước lớn.
Đáp án: A
Giải thích: Ở đồng bằng lòng sông mở rộng hơn ở miền núi chủ yếu là do bề mặt địa hình bằng phẳng, dòng chảy và phù sa tràn ra hai bên sông dễ dàng, lâu dài lòng sông được mở rộng. Ở miền núi, địa hình cao, dốc nên nước chảy xiết, đào lòng nhanh và lòng sông hẹp, khả năng mở rộng hạn chế
Câu 4. Sự thay đổi của lưu lượng nước sông có tính chu kì trong năm gọi là
A. lưu vực nước.
B. chế độ nước.
C. nguồn cấp nước.
D. dòng chảy mặt.
Đáp án: B
Giải thích: Sự thay đổi của lưu lượng nước sông có tính chu kì trong năm gọi là chế độ nước. Chế độ nước chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các đặc điểm địa lí tự nhiên của nguồn cung cấp và bề mặt lưu vực.
Câu 5. Ở những vùng đất, đá thấm nước nhiều, nhân tố nào sau đây có vai trò đáng kể trong việc điều hòa chế độ nước của sông?
A. Nước ngầm.
B. Thực vật.
C. Băng tuyết.
D. Địa hình.
Đáp án: A
Giải thích: Ở những vùng đất, đá thấm nước nhiều, nhân tố có vai trò đáng kể trong việc điều hòa chế độ nước của sông là nguồn nước ngầm.
Câu 6. Nước trên lục địa gồm nước ở
A. băng tuyết, sông, hồ.
B. trên mặt, nước ngầm.
C. nước ngầm, hơi nước.
D. trên mặt, hơi nước.
Đáp án: B
Giải thích: Nước trên lục địa gồm nước ở trên mặt (ao, hồ, sông, suối,…) và nước ngầm.
Câu 7. Ở miền khí hậu nóng, nhân tố chủ yếu tác động đến chế độ nước sông là
A. chế độ mưa.
B. nước ngầm.
C. thực vật.
D. địa hình.
Đáp án: A
Giải thích: Ở miền khí hậu nóng, nhân tố chủ yếu tác động đến chế độ nước sông là chế độ mưa. Ví dụ: Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 1 mùa mưa và khô sâu sắc nên sông ngòi cũng có mùa lũ (nhiều nước) và mùa cạn (ít nước).
Câu 8. Ở miền núi nước sông chảy nhanh hơn ở đồng bằng là do có
A. độ dốc địa hình.
B. nhiều thung lũng.
C. địa hình phức tạp.
D. nhiều đỉnh núi cao.
Đáp án: A
Giải thích: Ở miền núi, địa hình dốc và lòng sông hẹp nên nước sông thường chảy nhanh, ở đồng bằng lòng sông thường thoải và rộng hơn, nước sông chảy chậm hơn.
Câu 9. Thuỷ quyển là lớp nước trên Trái Đất bao gồm nước ở
A. sông, suối, hồ; nước ngầm; nước trong các biển và đại dương.
B. biển, đại dương; nước trên lục địa, hơi nước trong khí quyển.
C. sông, suối, hồ; băng tuyết, nước trong các đại dương, hơi nước.
D. biển, đại dương; nước ngầm, băng tuyết; nước sông, suối, hồ.
Đáp án: B
Giải thích: Thủy quyển là toàn bộ nước trên Trái Đất ở các trạng thái khác nhau (lỏng, rắn, hơi), bao gồm nước trong các biển, đại dương, trên các lục địa, hơi nước trong khí quyển và cả trong cơ thể sinh vật, trong đó có khoảng 3% là nước ngọt còn lại là nước mặn.
Câu 10. Ý nghĩa của hồ đầm nối với sông là
A. giảm lưu lượng nước sông.
B. làm giảm tốc độ dòng chảy.
C. điều hòa chế độ nước sông.
D. điều hòa dòng chảy sông.
Đáp án: C
Giải thích: Hồ, đầm có vai trò điều tiết chế độ dòng chảy nước sông. Ý nghĩa của hồ đầm nối với sông là điều hòa chế độ nước sông.
Câu 11. Ở miền ôn đới lạnh, nhân tố chủ yếu tác động đến chế độ nước sông là
A. thực vật.
B. chế độ mưa.
C. băng tuyết.
D. địa hình.
Đáp án: C
Giải thích: Miền ôn đới lạnh và những sông bắt nguồn từ núi cao, nguồn tiếp nước chủ yếu là băng tuyết tan. Mùa xuân đến, băng tuyết tan, sông được tiếp nước nhiều.
Câu 12. Sông nào sau đây có diện tích lưu vực rộng nhất thế giới?
A. I-ê-nit-xây.
B. A-ma-dôn.
C. Mê Công.
D. Nin.
Đáp án: B
Giải thích: Sông Amazon là một dòng sông ở Nam Mỹ. Amazon được xem là con sông dài thứ 2 thế giới, là sông có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới. Sông Amazon chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11 km.
Câu 13. Yếu tố nào sau đây góp phần chủ yếu làm cho chế độ nước sông điều hòa?
A. Bề mặt đất đồng bằng rộng.
B. Các mạch nước ngầm cạn.
C. Nước mưa chảy trên mặt.
D. Địa hình đồi núi dốc nhiều.
Đáp án: B
Giải thích: Yếu tố góp phần chủ yếu làm cho chế độ nước sông điều hòa là các mạch nước ngầm cạn. Khi mưa lớn, 1 phần nước mưa thấm xuống và được lưu giữ thành nước ngầm; khi mùa cạn đến 1 phần nước ngầm cung cấp nước cho các sông, hạn chế hiện tượng khô hạn.
Câu 14. Sông nào sau đây có chiều dài đứng thứ hai thế giới?
A. Nin.
B. I-ê-nit-xây.
C. A-ma-dôn.
D. Mê Công.
Đáp án: C
Giải thích: Sông Amazon là một dòng sông ở Nam Mỹ. Amazon được xem là con sông dài thứ 2 thế giới, là sông có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới. Sông Amazon chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11 km.
Câu 15. Sông nào sau đây dài nhất thế giới?
A. Nin.
B. A-ma-dôn.
C. Mê Công.
D. I-ê-nit-xây.
Đáp án: A
Giải thích: Sông Nin hoặc Nil, là dòng sông thuộc châu Phi, là sông chính của khu vực Bắc Phi, thường được coi là con sông dài nhất trên thế giới, với chiều dài 6.853 km và đổ nước vào Địa Trung Hải.
>>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Địa lý 10 Cánh diều bài 11
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Địa lý lớp 10 bài 10: Thủy quyển - Nước trên lục địa sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Địa lý 10, Giải bài tập Địa lí lớp 10, Địa lý 10 Kết nối tri thức, Địa lý 10 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 10.