Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Cánh diều bài 10

Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 6 bài 10: Hỗn hợp, chất tinh khiết, dung dịch được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 sách CD.

A. Lý thuyết KHTN 6 bài 10

I. Hỗn hợp, chất tinh khiết

1. Hỗn hợp

- Hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau được gọi là hỗn hợp. Mỗi chất trong hỗn hợp được gọi là một chất thành phần.

Ví dụ: Nước muối sinh lí là một hỗn hợp với các chất thành phần là natri clorid, nước cất.

- Trong hỗn hợp các chất thành phần vẫn giữ nguyên tính chất của nó.

2. Hỗn hợp đồng nhất và hỗn hợp không đồng nhất

- Hỗn hợp đồng nhất không xuất hiện ranh giới giữa các thành phần.

- Hỗn hợp không đồng nhất xuất hiện ranh giới giữa các thành phần.

Ví dụ:

- Hỗn hợp nước muối là hỗn hợp đồng nhất do không xuất hiện ranh giới giữa các thành phần.

- Hỗn hợp dầu ăn và nước là hỗn hợp không đồng nhất do xuất hiện ranh giới giữa các thành phần.

3. Chất tinh khiết

- Chất không lẫn chất nào khác là chất tinh khiết.

Ví dụ: Hầu hết các loại nước như nước sông, nước biển, kể các nước máy sinh hoạt đều có lẫn một số chất khác. Khi loại hết tất cả các chất đó ra khỏi nước thì thu được chất tinh khiết.

II. Huyền phù và nhũ tương

- Huyền phù: các chất rắn lơ lửng trong lòng chất lỏng.

Ví dụ: Cốc nước cam vắt khi vừa mới pha xong, em sẽ thấy những phần chất rắn lơ lửng trong chất lỏng, nước cam đó là một huyền phù.

- Nhũ tương: chất lỏng lơ lửng trong chất lỏng khác.

Ví dụ: Hỗn hợp dầu ăn và nước là một nhũ tương.

III. Dung dịch

- Dung dịch là một hỗn hợp đồng nhất của hai hay nhiều chất hòa tan vào nhau. Chất có lượng (chiếm phần) nhiều hơn thường được gọi là dung môi.

- Ví dụ: Muối tan vào nước tạo thành dung dịch nước muối. Nước muối là hỗn hợp đồng nhất, không phân biệt được đâu là muối, đâu là nước.

Ta nói, muối là chất tan, nước là dung môi, nước muối là dung dịch.

- Nước là dung môi hòa tan nhiều chất rắn, chất lỏng, chất khí và tạo thành dung dịch.

- Nhiều chất lỏng khác như acetone, ethanol, … được sử dụng làm dung môi trong công nghiệp và trong phòng thí nghiệm.

IV. Chất rắn hòa tan và không hòa tan trong nước

1. Chất rắn hòa tan và chất rắn không hòa tan

- Trong thực tế, có chất rắn tan trong nước, có chất rắn không tan trong nước.

+ Chất rắn tan trong nước như: đường, muối ăn…

+ Chất rắn không tan trong nước như: sắt, nhôm …

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng chất rắn hòa tan trong nước

- Lượng chất rắn hòa tan trong nước phụ thuộc vào nhiệt độ, tỉ lệ chất rắn và nước.

Ví dụ: Khi tăng nhiệt độ hoặc thể tích nước, lượng đường ăn hòa tan trong nước càng nhiều.

- Để các chất rắn dễ hòa tan hoặc hòa tan nhanh hơn, người ta thường khuấy hoặc nghiền nhỏ chất rắn trước khi hòa tan.

Lưu ý:

+ Một dung dịch vẫn có thể hòa tan thêm chất tan là dung dịch chưa bão hòa.

+ Một dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan được nữa là dung dịch bão hòa.

V. Tổng kết

- Chất tinh khiết là chất không lẫn chất nào khác.

- Hai hay nhiều chất thành phần trộn lẫn với nhau tạo thành hỗn hợp. Trong hỗn hợp, các chất thành phần vẫn giữ nguyên tính chất của chúng.

- Có hai loại hỗn hợp là hỗn hợp đồng nhất và hỗn hợp không đồng nhất.

- Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất giữa dung môi và chất tan.

- Các yếu tố nhiệt độ, tỉ lệ giữa chất rắn và nước ảnh hưởng đến lượng chất rắn hòa tan trong nước.

B. Trắc nghiệm KHTN 6 bài 10

Câu 1: Khi cho một thìa đường vào một cốc nước và khuấy đều, ta thu được:

A. Dung môi

B. Dung dịch

C. Nhũ tương

D. Huyền phù

Đáp án B

Khi cho đường vào nước thì đường tan hoàn toàn trong cốc nước tạo thành dung dịch nước đường. Trong đó, đường là chất tan và nước là dung môi.

Câu 2: Chất rắn nào sau đây không tan trong nước?

A. Muối ăn

B. Calcium carbonate

C. Đường

D. Viên C sủi

Đáp án B

Calcium carbonate không tan trong nước.

Muối ăn, đường, viên C sủi tan được trong nước.

Câu 3: Muốn pha cà phê hòa tan nhanh hơn, ta nên sử dụng nước có nhiệt độ như thế nào?

A. Nước nóng.

B. Nước ở nhiệt độ phòng.

C. Nước lạnh. .

D. Nước ấm.

Đáp án A

Nhiệt độ cao thì cà phê tan nhanh hơn.

Câu 4: Nước khoáng trong suốt, không màu có lẫn một số chất tan khác (calcium, sodium, bicarbonate,…). Vậy nước khoáng

A. Là hỗn hợp đồng nhất.

B. Là hỗn hợp không đồng nhất.

C. Là chất tinh khiết.

D. Không phải là hỗn hợp

Đáp án

Nước khoáng là hỗn hợp đồng nhất vì các chất đều tan trong nước.

Câu 5: Để các chất rắn dễ hòa tan hoặc tan nhanh hơn, người ta thường làm gì?

A. Nghiền nhỏ chất rắn.

B. Khuấy đều trong quá trình hòa tan.

C. Dùng nước nóng.

D. Tất cả ý trên đều đúng.

Lời giải

Đáp án D

Để các chất rắn dễ hòa tan hoặc tan nhanh hơn, người ta thường khuấy hoặc nghiền nhỏ chất rắn trước khi hòa tan hoặc dùng nước nóng.

Câu 6: Trường hợp nào dưới đây là chất tinh khiết?

A. Nước khoáng.

B. Nước biển.

C. Sodium chloride.

D. Không khí.

Đáp án C

Chất tinh khiết là Sodium chloride do nó không có lẫn chất khác.

Câu 7: Trường hợp nào dưới đây không phải là hỗn hợp?

A. Nước muối sinh lí.

B. Bột canh.

C. Nước khoáng.

D. Muối ăn (sodium chloride).

Đáp án D

Muối ăn (sodium chloride) là chất tinh khiết.

Câu 8: Trong các hỗn hợp dưới đây, hỗn hợp nào là hỗn hợp không đồng nhất?

A. Hỗn hợp nước muối.

B. Hỗn hợp nước đường.

C. Hỗn hợp dầu ăn và nước.

D. Hỗn hợp nước và rượu.

Đáp án C

A, B, D là hỗn hợp đồng nhất.

C là hỗn hợp không đồng nhất.

Câu 9: Khi cho bột sắn dây vào nước và khuấy đều, ta thu được

A. Dung dịch.

B. Huyền phù.

C. Dung môi.

D. Nhũ tương.

Đáp án B

Khi cho bột sắn dây vào nước và khuấy đều, bột sắn dây không tan và lơ lửng trong dung dịch nên ta thu được huyền phù.

Câu 10: Hỗn hợp thu được khi cho dầu ăn vào giấm và khuấy đều là:

A. Dung dịch.

B. Huyền phù.

C. Dung môi.

D. Nhũ tương.

Đáp án D

Hỗn hợp dầu ăn và giấm là nhũ tương vì dầu ăn, giấm đều là chất lỏng và không tan vào nhau.

>>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Cánh diều bài 11

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết KHTN lớp 6 bài 10: Hỗn hợp, chất tinh khiết, dung dịch sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: KHTN 6 Chân trời sáng tạo, KHTN 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bảo Bình
    Bảo Bình

    😌😌😌😌😌😌😌

    Thích Phản hồi 11:40 22/01
    • Người Nhện
      Người Nhện

      💯💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 11:41 22/01
      • Ma Kết
        Ma Kết

        🤟🤟🤟🤟🤟🤟🤟

        Thích Phản hồi 11:41 22/01
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        KHTN 6

        Xem thêm